YouMed

Bệnh sởi ở trẻ em: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

BS Hứa Nguyen Anh Thư
Tác giả: Bác sĩ Hứa Nguyễn Anh Thư
Chuyên khoa: Nhi khoa

Bệnh sởi gây các triệu chứng: sốt, nổi ban da, chán ăn, đỏ mắt, chảy nước mắt, sổ mũi, viêm họng. Bệnh gây khó chịu cho trẻ và gây nhiều lo lắng cho bậc phụ huynh. Hầu hết trẻ đều bình phục hoàn toàn sau đợt bệnh. Nhưng có một số trẻ có thể diễn tiến bệnh với biến chứng nghiêm trọng. Để có thể hiểu bệnh sởi là gì, khi nào nghi ngờ trẻ bị sởi, cách chăm sóc và cách phòng ngừa bệnh. Bài viết sau đây của Bác sĩ Hứa Nguyễn Anh Thư mang đến những thông tin cần biết về bệnh sởi ở trẻ em.

Tổng quan về bệnh sởi ở trẻ em

Bệnh sởi là một bệnh lý nhiễm trùng do virus gây ra, chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em nhưng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Đây là một bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ lây lan rất cao, xảy ra trên toàn thế giới. Triệu chứng của bệnh là sốt, khó chịu, ho, sổ mũi và viêm kết mạc, sau đó là phát ban da điển hình.

Khoảng thời gian lây nhiễm ước tính từ năm ngày trước khi xuất hiện ban đến bốn ngày sau đó. Bệnh có thể lây truyền trong không khí, ngay cả khi không tiếp xúc trực tiếp ở cự ly gần giữa người với người.

Nguyên nhân gây bệnh sởi ở trẻ em

Bệnh sởi do virus (thuộc họ Paramyxoviridae) sởi gây ra.

Tình trạng nhiễm virus sởi ở người có thể gây ra nhiều tình trạng khác nhau, bao gồm:

  • Nhiễm bệnh sởi điển hình ở người chưa có kháng thể bảo vệ trước bệnh sởi.
  • Nhiễm sởi biến đổi ở những người có kháng thể chống sởi bảo vệ từ trước nhưng không đầy đủ.
  • Nhiễm bệnh sởi không điển hình ở những bệnh nhân được chủng ngừa bằng vắc-xin virus đã bị tiêu diệt.
  • Hội chứng tổn thương thần kinh sau nhiễm bệnh sởi, gồm viêm não tủy lan tỏa cấp tính và viêm não xơ cứng bán cấp.
  • Nhiễm bệnh sởi nặng, đặc biệt ở những người bị suy giảm miễn dịch.
  • Các biến chứng của bệnh sởi bao gồm nhiễm trùng, viêm phổi sau sởi và viêm não sau sởi.

Quá trình lây truyền của bệnh sởi

Sởi là một trong những bệnh dễ lây lan nhất trên thế giới. Bệnh lây lan khi ho và hắt hơi, tiếp xúc cá nhân gần hoặc trực tiếp với chất tiết ở mũi hoặc họng của người nhiễm bệnh.1

Virus vẫn hoạt động và lây nhiễm trong không khí hoặc trên các bề mặt có chứa virus gây bệnh trong vòng 2 giờ. Bệnh bắt đầu có khả năng lây lan từ 4 ngày trước khi phát ban đến 4 ngày sau khi phát ban. Sởi có thể bùng phát thành dịch khiến nhiều người tử vong, nhất là trẻ nhỏ, cơ địa suy dinh dưỡng.1

Triệu chứng bệnh sởi ở trẻ

Các triệu chứng thường xuất hiện trong vòng 10 đến 12 ngày từ ngày tiếp xúc với virus, bao gồm:

  • Ho.
  • Sốt.
  • Sổ mũi.
  • Mắt đỏ.
  • Viêm họng.
  • Đốm trắng bên trong miệng.
  • Phát ban da.

Phát ban trên da là một dấu hiệu đặc trưng của bệnh sởi. Ban da do bệnh sởi có thể kéo dài đến 7 ngày và thường xuất hiện trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc với virus. Ban thường xuất hiện từ vùng đầu mặt cổ và từ từ lan sang bộ phận khác như tay, thân mình.

Các giai đoạn của bệnh sởi

Các giai đoạn nhiễm virus sởi có thể được chia thành 4 giai đoạn: ủ bệnh, khởi phát, phát ban da, và hồi phục:

1. Thời kỳ ủ bệnh

Thời kỳ ủ bệnh của bệnh sởi là 7 đến 21 ngày (trung bình là 14 ngày). Bắt đầu sau khi virus xâm nhập qua niêm mạc đường hô hấp hoặc kết mạc. Virus nhân lên tại chỗ sau đó lan đến các mô bạch huyết lân cận và sau đó lan đến các vị trí khác qua đường máu. Đây được gọi là giai đoạn nhiễm virus trong máu. Thời gian lây nhiễm ước tính là từ bốn ngày trước khi xuất hiện phát ban đến bốn ngày sau đó. Đa số trường hợp không có triệu chứng trong thời kỳ ủ bệnh, hoặc chỉ có một số triệu chứng hô hấp thoáng qua.2

2. Giai đoạn khởi phát

Giai đoạn này thường kéo dài từ hai đến bốn ngày. Bao gồm các triệu chứng: sốt, khó chịu và chán ăn. Sau đó là viêm kết mạc, đỏ mắt, sổ mũi và ho. Viêm kết mạc có thể kèm theo chảy nước mắt hoặc sợ ánh sáng. Các triệu chứng hô hấp là kết quả của viêm niêm mạc do nhiễm virus. Trẻ thường có sốt, và sốt cao tới 40 °C có thể xảy ra.2

3. Giai đoạn phát ban2

Khoảng 48 giờ trước khi bắt đầu phát ban, bệnh nhân có thể có các đốm Koplik. Đây là những đốm trắng kích thước 1 đến 3 mm màu trắng hơi xám hoặc hơi xanh với nền ban đỏ, thường thấy trên niêm mạc lợi đối diện với răng hàm.

Các đốm Koplik có thể lan ra thành chùm và thường kéo dài từ 12 đến 72 giờ. Các đốm Koplik thường bắt đầu bong ra khi phát ban xuất hiện. Việc phát hiện các điểm Koplik ở những bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh sởi giúp cải thiện độ chính xác của chẩn đoán. Tuy nhiên, tình trạng này không xuất hiện ở tất cả các bệnh nhân.

Nốt Koplik tại vị trí niêm mạc má
Nốt Koplik tại vị trí niêm mạc má

Ban da của bệnh sởi xuất hiện khoảng hai đến bốn ngày sau khi bắt đầu sốt. Bao gồm phát ban đỏ có gồ trên mặt da, ban trắng. Và bắt đầu từ vùng mặt và lan đến cổ, thân trên, thân dưới và tứ chi. Lòng bàn tay và lòng bàn chân hiếm khi có ban. Các triệu chứng khác trong giai đoạn phát ban bao gồm nổi hạch, sốt cao (cao nhất từ ​​hai đến ba ngày sau khi xuất hiện phát ban).

Phát ban da trong bệnh sởi
Phát ban da trong bệnh sởi

4. Giai đoạn hồi phục

Trong vòng 48 giờ sau khi xuất hiện phát ban, trẻ thường hồi phục các triệu chứng, hết sốt, ăn uống tốt hơn và khỏe hơn. Sau ba đến bốn ngày, phát ban sẫm màu và bắt đầu mờ dần, tiếp theo là bong vảy mịn. Phát ban thường kéo dài từ sáu đến bảy ngày và mất dần theo thứ tự xuất hiện.2 3

Ban da vùng đầu mặt cổ trong bệnh sởi
Ban da vùng đầu mặt cổ trong bệnh sởi

Điều trị tại nhà có được không?

Khi nghi ngờ trẻ mắc sởi hoặc đã khám bác sĩ với chẩn đoán trẻ mắc sởi, phụ huynh cần cho trẻ nghỉ học và ở tại nhà ít nhất 4 ngày kể từ ngày phát ban. Trẻ nghi ngờ mắc sởi cũng nên được cách ly tránh tiếp xúc gần với trẻ sơ sinh, những người đang mang thai và những người có hệ thống miễn dịch suy yếu.4

Các biện pháp sau có thể giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn trong giai đoạn mắc bệnh:3 4

1. Nghỉ ngơi

Phụ huynh nên cho trẻ nghỉ ngơi, thư giãn. Giai đoạn này trẻ cũng nên tránh các hoạt động mạnh.

2.  Uống nhiều nước

Việc uống nhiều nước, nước hoa quả và trà thảo mộc để bổ sung lượng nước bị mất do sốt và đổ mồ hôi. Nếu cần, cha mẹ trẻ có thể cho trẻ uống dung dịch bù nước và chất điện giải. Các dung dịch này chứa nước và muối theo tỷ lệ cụ thể để thay thế cả chất lỏng và chất điện giải.

Trẻ nên được khuyến khích uống càng nhiều nước có thể càng tốt. Có thể cho trẻ uống nước mát để khuyến khích trẻ dễ uống nước hơn.

3. Làm ẩm không khí

Việc làm ẩm không khí để giảm ho và đau họng nếu trẻ ở vùng thời tiết hanh khô khó chịu. Thêm độ ẩm vào không khí có thể giúp giảm bớt sự khó chịu. Chọn máy tạo ẩm dạng phun sương mát và làm sạch hàng ngày vì vi khuẩn và nấm mốc có thể sinh sôi trong một số máy tạo ẩm.

4. Nhỏ mũi cho trẻ

Nhỏ mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý nếu có triệu chứng sổ mũi, nghẹt mũi gây khó chịu, mất ngủ. Nước muối nhỏ mũi có thể làm dịu kích ứng bằng cách giữ ẩm bên trong mũi.

5. Hạn chế những hoạt động gây khó chịu cho mắt

Cho mắt nghỉ ngơi nếu cảm thấy ánh sáng cường độ mạnh gây khó chịu cho mắt. Có thể cần tránh đọc sách hoặc xem tivi nếu ánh sáng từ đèn đọc sách hoặc tivi gây khó chịu.

6. Uống thuốc hạ sốt đúng liều lượng

Cho trẻ uống thuốc hạ sốt đúng liều lượng theo lứa tuổi và cân nặng do bác sĩ kê toa. Việc hạ sốt đúng lúc giúp trẻ giảm khó chịu, sinh hoạt thoải mái và hợp tác hơn với ba mẹ.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Cần đưa trẻ đến khám bác sĩ ngay khi nghĩ rằng trẻ có thể đã tiếp xúc với bệnh sởi hoặc trẻ bị phát ban giống như bệnh sởi để có chẩn đoán và xử trí phù hợp với tình trạng bệnh. Trước khi đến khám, gia đình nên xem lại hồ sơ tiêm chủng, đặc biệt là của trẻ để cung cấp thông tin cho bác sĩ.3

Đối với bệnh sởi, hầu hết trẻ em phục hồi hoàn toàn mà không có biến chứng. Tuy nhiên nên đi khám lại nếu triệu chứng trở nên tồi tệ hơn. Các triệu chứng nghiêm trọng chính cần chú ý là:

  • Buồn ngủ, lừ đừ, kém đáp ứng.
  • Mất nước, trẻ uống ít, ọc ói nhiều, đi tiểu ít, khô miệng và lưỡi
  • Khó thở.
  • Cơn co giật.

Các biến chứng của bệnh sởi

Trẻ em dưới 5 tuổi rất dễ bị biến chứng do bệnh sởi. Chúng có thể bao gồm những tình trạng như:

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), biến chứng nghiêm trọng phổ biến ở cả trẻ nhỏ và người lớn trên 20 tuổi.5

Chẩn đoán bệnh sởi ở trẻ

Chẩn đoán bệnh sởi thường được dựa trên việc hỏi diễn tiến bệnh và thăm khám ghi nhận các đặc điểm điển hình của bệnh. Bao gồm ho, viêm mũi họng và viêm kết mạc. Kèm sự xuất hiện của nốt Koplik và phát ban đặc trưng lan theo hướng từ đầu mặt cổ ra toàn thân.3

Các xét nghiệm cần thực hiện

Mặc dù chẩn đoán bệnh sởi thường được kết luận từ các đặc điểm điển hình, trong một số trường hợp việc xác nhận chẩn đoán bằng các xét nghiệm là cần thiết để kiểm soát dịch bệnh. Virus sởi được phát hiện bằng xét nghiệm tìm bằng chứng nhiễm virus trong máu như xét nghiệm tìm IgG, IgM, xét nghiệm PCR.

Xét nghiệm tế bào máu có thể cho thấy giảm bạch cầu với tăng tế bào lympho và giảm tiểu cầu. Kết quả xét nghiệm chức năng gan có thể tăng cao ở bệnh nhân viêm gan do sởi.6

Điều trị bệnh sởi ở trẻ em

Về mặt điều trị, không có phương pháp điều trị kháng virus cụ thể nào đối với virus sởi. Các phương pháp điều trị tập trung vào điều trị triệu chứng, hỗ trợ thể trạng trẻ và theo dõi diễn tiến bệnh nhằm phát hiện biến chứng. Chăm sóc hỗ trợ là điều quan trọng nhất trong quá trình điều trị đối với bệnh nhân mắc bệnh sởi.

Trẻ có thể cần phải nhập viện để điều trị các biến chứng của bệnh sởi (ví dụ như bội nhiễm vi khuẩn, viêm phổi, mất nước, tái phát). Các biến chứng nặng do bệnh sởi có thể được giới hạn thông qua việc chăm sóc hỗ trợ đảm bảo dinh dưỡng tốt, bổ sung đầy đủ nước.

Tất cả trẻ em được chẩn đoán mắc bệnh sởi nên được bổ sung hai liều vitamin A, cách nhau 24 giờ. Việc bổ sung vitamin A trong thời gian mắc bệnh sởi được áp dụng ngay cả ở trẻ em được nuôi dưỡng tốt và giúp ngăn ngừa tổn thương mắt và mù lòa. Bổ sung vitamin A đã được chứng minh là làm giảm số ca tử vong do bệnh sởi.7

Nên xem xét dự phòng phơi nhiễm với những người tiếp xúc chưa được tiêm chủng; theo dõi kịp thời các liên hệ nên được ưu tiên.

Cách phòng ngừa bệnh sởi ở trẻ em

Tiêm phòng

Cách phòng ngừa bệnh truyền nhiễm quan trọng nhất là tiêm vắc xin. Tiêm vắc xin sởi định kỳ đúng lịch góp phần làm giảm tử vong trên toàn cầu. Thuốc chủng ngừa bệnh sởi thường kết hợp với thuốc chủng ngừa bệnh Rubella và/hoặc bệnh quai bị. Các dạng vắc xin này an toàn và hiệu quả như nhau ở dạng đơn lẻ hoặc kết hợp.

Cần đưa trẻ đến khám tiêm chủng thường xuyên theo đúng lịch để được tiêm chủng các loại vắc xin cần thiết, trong đó có vắc xin sởi.

Theo CDC, hiệu quả của vắc xin sởi lên đến 97% khi trẻ được tiêm đủ 2 mũi.8

Các phương pháp phòng ngừa khác

Không phải ai cũng có thể tiêm phòng bệnh sởi. Nhưng có những cách khác mà bạn có thể cùng con trẻ ngăn ngừa sự lây lan của bệnh sởi.

1. Những thói quen tốt

  • Thường xuyên vệ sinh tay sạch sẽ. Bạn nên cùng trẻ tập thói quen rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và trước khi chạm vào mặt, miệng hoặc mũi.
  • Không dùng chung đồ dùng cá nhân với những người có nguy cơ bị bệnh. Những thứ như dụng cụ ăn uống, ly uống nước và bàn chải đánh răng.
  • Tránh tiếp xúc với những người bị bệnh.

2. Trường hợp bạn hoặc trẻ đã mắc bệnh sởi

  • Không đi làm, đi học hay đến nơi công cộng cho đến khi bạn không bị lây nhiễm.
  • Tránh tiếp xúc với người có cơ địa yếu, hệ miễn dịch kém hoặc dễ bị nhiễm trùng. Chẳng hạn như trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai hoặc người suy giảm miễn dịch.
  • Che mũi và miệng nếu cần ho hoặc hắt hơi. Vứt bỏ tất cả các khăn giấy đã sử dụng ngay lập tức. Nếu bạn không có sẵn khăn giấy, hãy hắt hơi vào khuỷu tay, chứ không phải vào tay bạn.
  • Đảm bảo rửa tay thường xuyên và khử trùng bất kỳ bề mặt hoặc đồ vật nào bạn thường xuyên chạm vào.

Trên đây là các thông tin cơ bản cần thiết để quý phụ huynh hiểu hơn về bệnh sởi ở trẻ em, cách lan truyền cũng như phương pháp chăm sóc tại nhà cần lưu ý. Bệnh sởi là một bệnh lý truyền nhiễm có tính lây nhiễm cao. Bản thân bệnh cũng có nguy có diễn tiến tới các biến chứng nặng nề. Do đó việc hiểu cách chăm sóc và theo dõi là rất quan trọng. Hy vọng bài viết có thể giúp quý phụ huynh hiểu và an tâm hơn khi chăm sóc cho trẻ mắc sởi cũng như biết cách theo dõi trẻ để đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám khi cần thiết.

Câu hỏi thường gặp

Trẻ bị sởi bao lâu thì khỏi?

Dấu hiệu đầu tiên của bệnh sởi thường là sốt cao. Bắt đầu khoảng 10 đến 12 ngày sau khi tiếp xúc với virus, và kéo dài từ 4 đến 7 ngày. Chảy nước mũi, ho, đỏ và chảy nước mắt, và các đốm trắng nhỏ bên trong má có thể phát triển trong giai đoạn đầu. Sau vài ngày, phát ban da bắt đầu xuất hiện, thường ở mặt và cổ. Ban lan rộng trong khoảng 3 ngày lan đến bàn tay và bàn chân. Phát ban kéo dài từ 5 đến 6 ngày, sau đó mất dần.1

Trung bình, phát ban xuất hiện 14 ngày sau khi tiếp xúc với virus (trong khoảng từ 7 đến 18 ngày). Sau đó đa số sẽ hồi phục hoàn toàn. Cần chú ý virus có khả năng hoạt động và lây nhiễm trong không khí hoặc trên các bề mặt bị nhiễm bệnh cho đến 2 giờ. Và virus có thể được truyền bởi người bị bệnh từ 4 ngày trước khi phát ban đến 4 ngày sau khi phát ban.1

Phát hiện trẻ bị sởi phải làm sao?

Khi phụ huynh ghi nhận các triệu chứng gợi ý của bệnh sởi ở trẻ hoặc phát hiện trẻ có tiếp xúc với người mắc bệnh sởi, cần đưa trẻ đến thăm khám với bác sĩ để kiểm tra và xác định chẩn đoán, từ đó có các phương pháp điều trị phù hợp.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Measleshttps://www.who.int/en/news-room/fact-sheets/detail/measles

    Ngày tham khảo: 04/10/2022

  2. Measles; Epidemiology and Prevention of Vaccine-Preventable Diseaseshttps://www.cdc.gov/vaccines/pubs/pinkbook/downloads/meas.pdf

    Ngày tham khảo: 04/10/2022

  3. Measleshttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/measles/diagnosis-treatment/drc-20374862

    Ngày tham khảo: 04/10/2022

  4. Measleshttps://www.nhs.uk/conditions/measles/

    Ngày tham khảo: 04/10/2022

  5. Measleshttps://www.cdc.gov/vaccines/pubs/pinkbook/meas.html

    Ngày tham khảo: 04/10/2022

  6. Measles Workuphttps://emedicine.medscape.com/article/966220-workup#c1

    Ngày tham khảo: 04/10/2022

  7. Measles Medicationhttps://emedicine.medscape.com/article/966220-medication#2

    Ngày tham khảo: 04/10/2022

  8. Measles (Rubeola)https://www.cdc.gov/measles/about/faqs.html#vaccine-effective

    Ngày tham khảo: 04/10/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người