Bị đau bụng dưới và ra máu có nguy hiểm không?
Nội dung bài viết
Bị đau bụng dưới và ra máu có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn bị viêm đường tiết niệu. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm thì có thể sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Trong bài viết sau, ThS.BS Trần Quốc Phong sẽ giải đáp những chi tiết xoay quanh vấn đề đau bụng dưới kèm theo triệu chứng ra máu.
Đau bụng dưới và ra máu là gì?
Bị đau bụng dưới và ra máu là tình trạng bình thường ở phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên nếu như không phải đang ở kỳ kinh thì đây là một tình trạng bất thường. Ở nữ, đau bụng dưới kèm theo có máu là dấu hiệu của một vài bệnh lý.
Khi xuất hiện triệu chứng này, bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra và tìm ra nguyên nhân chính xác. Việc điều trị sớm có thể ngăn ngừa biến chứng của một số bệnh lý nguy hiểm. Chẳng hạn như thai ngoài tử cung, viêm lộ tuyến cổ tử cung,… Việc thăm khám sớm giúp bệnh nhân phát hiện và điều trị kịp thời. Đồng thời tránh các tác hại ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này.
Nguyên nhân đau bụng dưới và ra máu
Có rất nhiều nguyên nhân khiến bạn bị đau bụng dưới và ra máu. Các nguyên nhân này thường được chia thành do bệnh lý và sinh lý.
Do nguyên nhân sinh lý1
1. Trong thời kì rụng trứng
Trong thời kì rụng trứng, cổ tử cung co thắt có thể khiến nữ giới có cảm giác đau bụng dưới kèm theo triệu chứng ra máu màu nâu.
Ra dịch nhầy màu nâu giữa kỳ kinh là kết quả của việc rụng trứng. Cơ thể đẩy dịch nhầy lẫn máu ra ngoài gây kích thích lên niêm mạc ở vùng bụng.
2. Trong kỳ kinh
Đây là tình trạng bình thường mà phụ nữ thường gặp phải khi đến kỳ kinh. Nhưng cũng cần chú ý quan sát màu sắc của máu có bình thường hay không.
Khi đau bụng dưới và ra máu đen hoặc đau bụng âm ỉ và ra máu nâu là một hiện tượng bất thường. Có thể do rối loạn nội tiết tố hoặc cơ quan sinh dục không sạch sẽ, môi trường âm đạo không cân bằng,…
3. Tổn thương bộ phận sinh dục
Tổn thương bộ phận sinh dục khi quan hệ hoặc gặp tai nạn ngoài ý muốn cũng có thể gây ra đau bụng dưới và xuất huyết.
Bạn nên chăm sóc, vệ sinh bộ phận sinh dục thường xuyên để tránh tình trạng tổn thương và nhiễm trùng.
4. Dùng thuốc tránh thai
Sử dụng các loại thuốc tránh thai khẩn cấp hoặc tránh thai hàng ngày cũng khiến đau bụng âm ỉ vùng bụng dưới và ra máu.
Xem thêm: Cách sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày
Đau bụng dưới và ra máu do bệnh lý
1. Thai ngoài tử cung
Đau bụng dưới và ra máu thường gặp nhất ở phụ nữ mang thai ngoài tử cung. Đây là hiện tượng phôi thai được hình thành và phát triển bên ngoài tử cung. Phôi thai bình thường phải được làm tổ bên trong tử cung.
Thai ngoài tử cung có thể kèm theo các triệu chứng khác như buồn nôn, hoa mắt, chóng mặt,… Tình trạng này vô cùng nguy hiểm, khi thai ngoài tử cung vỡ sẽ gây đau bụng cấp tính, dữ dội và đe doạ đến tính mạng. Cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời.
2. Sỏi thận
Sỏi thận cũng là có thể là nguyên nhân của tình trạng đau bụng dưới ra máu.
Sỏi được hình thành từ hỗn hợp khoáng chất và muối tích tụ lại trong nước tiểu. Chúng có thể di chuyển từ thận xuống bàng quang và gây đau bụng dưới.
3. Trĩ2
Trĩ là tình trạng ổ bụng bị tăng áp lực kéo dài. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh trĩ chẳng hạn như táo bón, béo phì, mang thai, ngồi nhiều.
Triệu chứng đầu tiên có thể nhận thấy được thường là đi tiêu thấy máu dính trên giấy vệ sinh. Lúc này, lượng máu có thể khá ít không gây đau nhưng phần lớn khiến bệnh nhân lo lắng.
4. Các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục
Các bệnh như lậu, giang mai, sùi mào gà cũng có triệu chứng đau bụng dưới và ra máu. Vì vi khuẩn xâm nhập vào vùng kín sẽ làm niêm mạc tại đó bị tổn thương và gây ra triệu chứng chảy máu và đau bụng dưới.
5. Viêm cổ tử cung, viêm lộ tuyến cổ tử cung
Viêm cổ tử cung hay viêm lộ tuyến cổ tử cung khiến tử cung bị tổn thương. Khi chị em bị ra máu nâu kèm đau bụng dưới sẽ còn kèm theo một số dấu hiệu khác như khí hư ra nhiều, khí hư có màu và có mùi hôi,…
Xem thêm: Viêm cổ tử cung có mang thai được không?
Xử lý khi bị đau bụng dưới và ra máu
Việc xử lý như thế nào còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra.
- Bị đau bụng dưới và ra máu do đang trong kỳ kinh có thể sử dụng băng vệ sinh. Kết hợp nghỉ ngơi điều độ, chườm ấm để giảm thiểu đau bụng. Hết thời gian hành kinh có triệu chứng này sẽ tự biến mất.
- Nguyên nhân do sử dụng thuốc tránh thai thì một thời gian sau có thể sẽ trở lại bình thường. Nhưng tốt nhất, bạn không quá lạm dụng thuốc tránh thai vì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sau này.
- Nếu nguyên nhân là do các bệnh lý lây qua đường tình dục hoặc các bệnh lý về tử cung thì cần phải được thăm khám sớm.
Có rất nhiều nguyên nhân và bệnh lý có thể gây đau bụng dưới kèm xuất huyết. Do đó, bệnh nhân cần được thăm khám và sau đó bác sĩ sẽ hướng dẫn cách xử lý và điều trị cụ thể.
Những lưu ý khi đau bụng dưới và chảy máu
Bạn nên lưu ý một số điều sau để giảm thiểu các triệu chứng:
- Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể.
- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, sử dụng các dung dịch vệ sinh có độ pH phù hợp giúp cân bằng môi trường âm đạo.
- Thường xuyên luyện tập thể dục để nâng cao sức khoẻ, hạn chế bệnh tật.
- Hoạt động tình dục an toàn, phù hợp. Tránh quan hệ quá mạnh và sai tư thế dễ dẫn đến tổn thương bộ phận sinh dục gây chảy máu.
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,… để nâng cao tổng trạng sức khỏe nói chung.
Trên đây là một số thông tin về chủ đề bị đau bụng dưới và ra máu. Nhìn chung, khi xuất hiện triệu chứng có máu bất thường thì bạn nên đi khám ngay. Bác sĩ sẽ giúp bạn xác định nguyên nhân và lên kế hoạch điều trị phù hợp sớm nhất với bạn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Abdominal Pain With Spottinghttps://healthfully.com/abdominal-pain-with-spotting-4693538.html
Ngày tham khảo: 09/12/2021
- Nguyễn Đình Hối, Nguyễn Mậu Anh (2011). Bệnh học Ngoại khoa Tiêu Hóa. NXB Y học. Trang 327 - 334.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/09/Bệnh-học-Ngoại-khoa-Tiêu-Hóa-2011.pdf#page=335