Có nên bổ sung kẽm cho trẻ biếng ăn?
Nội dung bài viết
Viện Dinh dưỡng Quốc gia từng công bố có đến 70% trẻ em dưới 5 tuổi tại Việt Nam thiếu kẽm. Hầu hết những trẻ thiếu kẽm đều biếng ăn và thấp còi so với bạn cùng trang lứa. Cha mẹ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng cho bé, nhất là các bé lười ăn uống. Bài viết dưới đây của Chuyên gia Dinh dưỡng Đào Phương Anh sẽ cung cấp các thông tin về việc bổ sung kẽm cho trẻ biếng ăn sao cho hợp lý nhất.
Dấu hiệu trẻ thiếu kẽm
Kẽm là một kim loại vi lượng trong não. Nó góp phần vào cấu trúc và chức năng để não hoạt động.1 Ngoài ra, kẽm còn giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng và sản xuất tế bào. Kẽm còn có chức năng chữa lành vết thương. Nó còn hỗ trợ tạo ra ADN – mã di truyền cho tất cả tế bào trong cơ thể.2
Vấn đề thiếu hụt kẽm có liên quan với tuổi tác. Trẻ em là đối tượng dễ bị thiếu hụt nguyên tố này nhất. Đặc biệt là trẻ sơ sinh và thanh thiếu niên. Ngoài ra, trẻ em sinh non, trẻ thiếu dinh dưỡng và mắc bệnh mãn tính cũng dễ bị thiếu hụt kẽm. Do đó, việc bổ sung kẽm cho trẻ biếng ăn luôn là vấn đề cần quan tâm.
Ở trẻ em, thiếu kẽm làm ảnh hưởng đến vận động và nhận thức. Sự thiếu hụt kẽm cũng là yếu tố làm cho trẻ biếng ăn và thiếu dinh dưỡng. Đây là một vấn đề nghiêm trọng toàn cầu. Nó làm trẻ chậm phát triển cả thể chất lẫn trí tuệ, giảm chức năng miễn dịch, hao hụt về mặt nhận thức và vận động.1 Bên cạnh đó, khi thiếu kẽm, cơ thể trẻ không thể sản sinh ra các tế bào mới khỏe mạnh. Điều này dẫn đến các triệu chứng như:2
- Giảm cân không rõ nguyên nhân.
- Xương chậm phát triển.
- Vết thương không lành.
- Thiếu tỉnh táo, sa sút trí tuệ.
- Giảm khứu giác và vị giác.
- Tiêu chảy.
- Ăn mất ngon, biếng ăn.
- Xuất hiện vết loét hở trên da.
Bổ sung kẽm cho trẻ biếng ăn bằng cách nào?
Việc bổ sung kẽm cho trẻ biếng ăn bao gồm: thức ăn và vi chất. Đầu tiên là kẽm có nguồn gốc từ thiên nhiên. Nó có nhiều trong các loại thức ăn như: hàu, thịt bò, cua, tôm, thịt lợn, đậu, thịt gà, bí ngô, sữa chua, hạt điều, đậu xanh.3 Cha mẹ nên chế biến chúng thành các món ăn hấp dẫn, thơm ngon và bắt mắt để thu hút các bé. Điều này còn giúp cải thiện sự biếng ăn ở trẻ em. Với trẻ em dưới 6 tháng tuổi, nguồn kẽm tốt nhất là từ sữa mẹ. Trong trường hợp này, mẹ hãy chú trọng đến chế độ dinh dưỡng cho chính bản thân để đảm bảo trẻ không bị thiếu chất.
Ngoài ra, một nguồn cung cấp kẽm khác là dạng viên uống kẽm. Trước khi cho trẻ dùng dạng viên uống, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo sự an toàn và hiệu quả.
Bổ sung bao nhiêu là đủ?
Tùy vào mức độ thiếu hụt kẽm của từng trẻ mà cần bổ sung lượng kẽm phù hợp. Vì vậy mà cha mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho con mình dùng các chế phẩm. Bạn có thể tham khảo mức liều lượng kẽm ở trẻ em như sau: 10 mg (trẻ sơ sinh) đến 20 mg (trẻ em dưới 5 tuổi) mỗi ngày.4 Tuy nhiên, con số chính xác cho từng trẻ là không giống nhau. Vì thế cha mẹ không được tự ý bổ sinh khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ.
Việc bổ sung kẽm cho trẻ biếng ăn là cần thiết. Nó góp phần hạn chế tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng, thấp còi. Cha mẹ nên tìm kiếm những thực đơn nấu ăn “ngon, bổ, hấp dẫn” cho trẻ. Đồng thời, mẹ hãy tự bồi bổ cho mình để đảm bảo mẹ và bé luôn đầy đủ chất và khỏe mạnh. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin cần thiết về việc bổ sung kẽm cho trẻ biếng ăn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Zinc deficiency and child developmenthttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3137936/
Ngày tham khảo: 26/07/2022
-
Zinc Deficiencyhttps://www.healthline.com/health/zinc-deficiency#TOC_TITLE_HDR_1
Ngày tham khảo: 26/07/2022
-
Zinchttps://www.cdc.gov/nutrition/infantandtoddlernutrition/vitamins-minerals/zinc.html
Ngày tham khảo: 26/07/2022
-
Zinc Treatment to Under-five Children: Applications to Improve Child Survival and Reduce Burden of Diseasehttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2740712/
Ngày tham khảo: 26/07/2022