YouMed

Các cấp độ suy thận và những thông tin bạn cần biết

Thạc sĩ, Bác sĩ TRẦN QUỐC PHONG
Tác giả: ThS.BS Trần Quốc Phong
Chuyên khoa: Ngoại tiết niệu

Thận là một cơ quan có vai trò quan trọng trong việc duy trì sự sống của con người. Tuy nhiên, có rất nhiều bệnh lý có khả năng làm ảnh hưởng đến chức năng của thận. Bài viết dưới đây của ThS.BS Trần Quốc Phong sẽ chia sẻ đến bạn đọc những thông tin hữu ích về suy thận cũng như các cấp độ suy thận của bệnh thận mạn. Mời bạn cùng tìm hiểu nhé.

Suy thận là gì?

Trước khi tìm hiểu về các cấp độ suy thận, chúng ta hãy cùng tìm hiểu suy thận là gì. Suy thận hay tổn thương thận là tình trạng suy giảm chức năng thận. Có nhiều nguyên nhân và bệnh lý có khả năng gây ra tình trạng suy thận như:

  • Một số bệnh cấp tính và mãn tính.
  • Tiếp xúc với chất độc hại, thuốc.
  • Mất nước nghiêm trọng.
  • Lưu lượng máu đến thận không đủ cung cấp cho thận.
  • Chấn thương thận do lực tác động bên ngoài.

Khi thận không thể hoạt động bình thường, chức năng của thận bị suy giảm. Thận đóng vai trò quan trọng trong việc lọc máu, loại bỏ các chất độc hại và nước dư thừa. Thận còn đóng vai trò quan trọng trong duy trì cân bằng muối nước và điện giải, điều chỉnh huyết áp.

Khi chức năng thận bị suy giảm có thể khiến cơ thể bệnh nhân quá tải với các chất độc hại. Điều này có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị.1

Xem thêm: Triệu chứng bệnh thận yếu: Nhận biết để sớm điều trị

Suy thận có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm đối với người bệnh
Suy thận có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm đối với người bệnh

Suy thận có những loại nào?

Suy thận cấp tính

Dựa vào thời gian mắc bệnh, người ta thường chia thành hai nhóm bệnh là suy thận cấp (tổn thương thận cấp) và suy thận mạn (bệnh thận mạn). Đối với suy thận cấp lại được phân ra thành ba loại:

  • Suy thận cấp trước thận hay chức năng. Đối với thể này, chức năng ống thận phần nào còn nguyên vẹn. Nguyên nhân chính gây ra dạng suy thận này là rối loạn huyết động hoặc giảm thể tích tuần hoàn. Một số nguyên nhân có thể kể tới như: mất máu, mất nước do nôn ói quá nhiều, tiêu chảy,…
  • Suy thận cấp tại thận hay thực thể. Các nguyên nhân gây suy thận cấp là các bệnh lý tại thận. Tuy nhiên cũng có một số bệnh lý ngoài thận gây suy thận cấp tại thận. Suy thận cấp trước thận kéo dài quá lâu cũng có thể dẫn đến suy thận cấp tại thận.
  • Suy thận cấp sau thận. Thường do bế tắc đường tiết niệu như sỏi kẹt, u chèn ép.2

Suy thận mạn tính

Đối với suy thận mạn tính, người ta thường phân ra thành các cấp độ suy thận. Với mỗi cấp độ có tính chất và đặc điểm khác nhau. Phần các cấp độ suy thận sẽ được bác sĩ nói rõ ở phía dưới.

Nguyên nhân gây ra suy thận mạn rất đa dạng. Tất cả các bệnh lý tại thận đều có kết cục cuối cùng là bệnh thận mạn tính khi không điều trị gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cấu trúc và chức năng thận không thể phục hồi. Một số bệnh lý khác tại thận cũng có khả năng gây suy thận mạn như: tăng huyết áp, đái tháo đường,…3

Sỏi tắc nghẽn có thể là một trong những nguyên nhân gây ra suy thận
Sỏi tắc nghẽn có thể là một trong những nguyên nhân gây ra suy thận

Các cấp độ suy thận

Các cấp độ suy thận được dùng để đánh giá trong suy thận mạn. Theo KDIGO 2020 (The Kidney Disease: Improving Global Outcomes) bệnh thận mạn được chia ra làm 5 giai đoạn:4

  • Giai đoạn 1: Khi độ lọc cầu thận bình thường hoặc tăng eGFR >= 90 ml/phút/1.73.
  • Giai đoạn 2: Khi độ lọc cầu thận giảm nhẹ eGFR từ 60 đến 89 ml/phút/1.73 m2 da.
  • Giai đoạn 3: Được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 3a độ lọc cầu thận giảm nhẹ đến trung bình eGFR từ 45 đến 59 ml/phút/1.73 m2 da. Giai đoạn 3b độ lọc cầu thận giảm trung bình đến nặng eGFR từ 30 đến 44 ml/phút/ 1.73 m2 da.
  • Giai đoạn 4: Độ lọc cầu thận giảm nhiều, độ lọc cầu thận giao động từ 15 đến 29 ml/phút/1.73 m2 da.
  • Giai đoạn 5: Hay còn gọi là suy thận mạn, khi độ lọc cầu thận eGFR < 15 ml/phút/1.73 m2 da hoặc bệnh nhân cần chạy thận nhân tạo.

Người bệnh cần lưu ý rằng không phải các trường hợp có độ lọc cầu thận eGFR < 90 ml/phút/1.73 m2 da thì đều là bệnh thận mạn. Muốn biết có bị bệnh thận mạn hay không cần dựa vào chẩn đoán của bác sĩ. Bệnh nhân chỉ bị bệnh thận mạn khi có các dấu hiệu tổn thương thận và hoặc giảm eGFR < 60 ml/phút.1.73 m2 da kéo dài lớn hơn 3 tháng.4 5

Mức độ nguy hiểm của từng cấp độ suy thận

Với các cấp độ suy thận khác nhau, bệnh nhân sẽ có những mức độ nguy hiểm khác nhau. Trong giai đoạn đầu, thường là từ giai đoạn 1 đến giai đoạn 3, thận của bệnh nhân vẫn có khả năng lọc chất thải ra khỏi máu. Ở giai đoạn 4 đến giai đoạn 5, lúc này thận của bệnh nhân sẽ không thể thực hiện tốt chức năng của nó nữa.

  • Giai đoạn 1 hoặc giai đoạn 2. Các dấu hiệu tổn thương thận có thể là protein xuất hiện trong nước tiểu, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân hầu như không bị ảnh hưởng nhiều.
  • Giai đoạn 3. Bệnh nhân có khả năng gặp các biến chứng về sức khoẻ do chất thải tích tụ trong cơ thể. Một số bệnh lý có thể gặp như: tăng huyết áp, thiếu máu, loãng xương.
  • Giai đoạn 4. Bệnh nhân sẽ có những triệu chứng nặng hơn bệnh thận mạn. Bệnh nhân cần chuẩn bị tâm lý cho vấn đề lọc máu hoặc chuẩn bị cấy ghép thận.
  • Giai đoạn 5. Bệnh nhân cần được lọc máu và chuẩn bị cấy ghép thận. Lúc này thận đã suy kiệt hoàn toàn và không còn khả năng thực hiện được chức năng của nó. Bệnh nhân gia tăng nguy cơ tử vong do các bệnh lý cơ hội, nhiễm trùng,…6
Bệnh nhân suy thận giai đoạn 4 và 5 cần phải chuẩn bị cho việc chạy thận nhân tạo hoặc cấy ghép thận
Bệnh nhân suy thận giai đoạn 4 và 5 cần phải chuẩn bị cho việc chạy thận nhân tạo hoặc cấy ghép thận

Xem thêm: Phòng ngừa bệnh thận dễ dàng qua các thói quen hằng ngày

Tóm lại, đối với bệnh thận mạn gồm có 5 cấp độ suy thận. Ứng với các cấp độ suy thận sẽ có những dấu hiệu và rủi ro khác nhau. Điều quan trọng là cần phải thăm khám và điều trị sớm các bệnh lý có thể gây ra bệnh thận mạn.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Everything You Need to Know About Kidney Failurehttps://www.healthline.com/health/kidney-failure

    Ngày tham khảo: 05/04/2022

  2. Suy thận cấphttp://www.tietnieuthanhoc.com/suy-than-cap.html

    Ngày tham khảo: 05/04/2022

  3. Chronic Kidney Diseasehttps://www.healthline.com/health/chronic-kidney-disease#causes

    Ngày tham khảo: 05/04/2022

  4. KDIGO 2012 Clinical Practice Guideline for the Evaluation and Management of Chronic Kidney Diseasehttps://kdigo.org/wp-content/uploads/2017/02/KDIGO_2012_CKD_GL.pdf

    Ngày tham khảo: 05/04/2022

  5. Estimated Glomerular Filtration Rate (eGFR)https://kidney.org.au/uploads/resources/Fact-sheet_eGFR_2020.pdf

    Ngày tham khảo: 05/04/2022

  6. Stages of Chronic Kidney Disease (CKD)https://www.kidneyfund.org/kidney-disease/chronic-kidney-disease-ckd/stages-of-chronic-kidney-disease/

    Ngày tham khảo: 05/04/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người