Mách bạn cách chữa bệnh khô miệng đơn giản tại nhà
Nội dung bài viết
Khô miệng là triệu chứng nhiều người thường gặp phải, điều này thường gây khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, khô miệng thông thường có thể dễ dàng khắc phục bằng các phương pháp đơn giản và hoàn toàn có thể làm tại nhà. Vậy hãy cùng Bác sĩ Kim Thạch Thanh Trúc tìm hiểu xem khô miệng là gì, và cách chữa bệnh khô miệng đơn giản tại nhà qua bài viết sau đây nhé.
Bệnh khô miệng là gì?
Tình trạng khô miệng khá thường gặp, nguyên nhân thường gặp là do sự giảm tiết nước bọt. Cảm giác khô miệng gây khó chịu, ảnh hưởng cuộc sống hằng ngày như khó nuốt, nói chuyện hay giảm vị giác do thiếu nước bọt… Khô miệng thông thường có thể khắc phục bằng các phương pháp đơn giản tại nhà. Tuy nhiên, khô miệng còn có thể là triệu chứng của bệnh lí, trường hợp này bạn cần đi đến bác sĩ để được điều trị đúng bệnh, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe.
Một số nguyên nhân gây khô miệng, bao gồm:1
1. Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc khi sử dụng có thể gây ra tình trạng hôi miệng. Các loại thuốc này có thể bao gồm: thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng histamine, thuốc thông mũi, thuốc giãn cơ hay thuốc giảm đau…
2. Tác dụng phụ của việc điều trị ung thư
Tình trạng khô miệng xảy ra có thể là do sự ảnh hưởng của việc điều trị ung thư bằng thuốc hóa trị, hoặc xạ trị. Các phương pháp này có thể thay đổi bản chất.
3. Một số bệnh lý
Khô miệng có thể liên quan đến một số bệnh lý nội tiết, bệnh tự miễn, hoặc do nhiễm vi khuẩn, virus,…
4. Do một số thói quen
Một số thói quen mà bạn làm hằng ngày cũng có thể dẫn đến khô miệng:
- Sử dụng quá nhiều rượu bia, hay các thức uống có chứa caffeine.
- Thói quen hút thuốc lá.
- Không có thói quen uống đủ nước.
- Thói quen thở bằng miệng…
Cách chữa khô miệng đơn giản tại nhà
Khô miệng do giảm tiết nước bọt không những gây cảm giác khó chịu, mà còn ảnh hưởng đến hệ vi sinh ở miệng nếu không được khắc phục sẽ gây các bệnh lí răng miệng như sâu răng, hôi miệng,… Khô miệng thông thường có thể khắc phục bằng các phương pháp đơn giản tại nhà như sau:2
1. Bổ sung đủ nước cho cơ thể
Để tuyến nước bọt có thể hoạt động bình thường, cần cung cấp đủ nước cho cơ thể trong suốt cả ngày. Uống không đủ nước cũng là nguyên nhân thường thấy gây khô miệng. Lượng nước tối thiểu cho người bình thường là 1.5 – 2 lít nước mỗi ngày. Ngoài ra uống nước còn giúp làm sạch khoang miệng, giảm sự phát triển của vi khuẩn. Ngoài nước lọc bạn có thể thay bằng nước ép, thức ăn lỏng để cung cấp đủ nước cho cơ thể.
2. Chú ý chăm sóc răng miệng
Sức khỏe răng miệng tốt có thể cải thiện tình trạng khô miệng. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách chăm sóc răng miệng đúng cách. Để tránh bị khô miệng cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh răng miệng như sau:
- Không chỉ đánh răng sáng tối mỗi ngày, mà phải thường xuyên chải răng để làm sạch thức ăn thừa sau bữa ăn.
- Sử dụng bàn chải có kích thước phù hợp, lông mềm, tránh gây chảy máu nướu.
- Sử dụng chỉ nha khoa, tăm nước, các dụng cụ hỗ trợ vệ sinh răng miệng khác mỗi ngày.
- Lưỡi là nơi bám nhiều vi khuẩn và thường bị nhiều người bỏ qua trong việc vệ sinh răng miệng. Do đó cần vệ sinh lưỡi 2- 3 lần mỗi ngày.
3. Thận trọng khi dùng thuốc
Một số thuốc khi sử dụng có tác dụng phụ gây khô miệng:
- Thuốc kháng histamin.
- Thuốc giãn cơ.
- Thuốc nội tiết tố.
Nếu bạn gặp triệu chứng khô miệng khi bắt đầu sử dụng các loại thuốc trên, hãy báo cho bác sĩ của bạn, không nên ngưng thuốc đột ngột để tránh ảnh hưởng đến việc điều trị.
4. Tránh thở bằng miệng
Thở bằng miệng đôi khi là nguyên nhân chủ yếu gây khô miệng. Vì vậy hãy cố gắng thở bằng mũi hết mức có thể.
5. Nhai kẹo cao su
Nhai kẹo cao su không những giúp làm sạch răng miệng mà còn kích thích tiết nước bọt nhiều hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý sử dụng kẹo cao su không đường để tránh sâu răng.
6. Thay đổi các thói quen có thể gây khô miệng
Việc từ bỏ, hoặc ít nhất là hạn chế các thói quen góp phần khô miệng có thể giúp bạn cải thiện tình trạng này.
- Hạn chế sử dụng rượu bia, các thức uống chứa caffeine.
- Bỏ hút thuốc lá. Việc này có thể giúp làm giảm tình trạng khô miệng, cũng như các tác hại khác do hút thuốc lá gây ra.
7. Trị khô miệng từ dược liệu
Triệu chứng khô miệng thông thường có thể khắc phục bằng dược liệu. Phương pháp này vừa an toàn vừa hiệu quả phù hợp với nhiều đối tượng và có thể thực hiện tại nhà. Một số thảo dược có thể dùng để trị khô miệng như:1
- Gừng. Nghiên cứu 2015 cho thấy loại dược liệu này có thể tác dụng kích thích nước bọt, giúp ích cho tình trạng khô miệng.3
- Lô hội (nha đam). Phần thịt bên trong nha đam hoặc nước ép nha đam có thể giúp dưỡng ẩm cho miệng.
Khô miệng khi nào cần gặp bác sĩ điều trị?
Khô miệng là triệu chứng thường gặp và không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên nếu khô miệng kéo dài không cải thiện. Đồng thời kèm theo các biểu hiện dưới đây thì bạn nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt:
- Rát miệng, nứt nẻ da quanh góc miệng, nứt, chảy máu môi.
- Hơi thở có mùi hôi.
- Khàn giọng, khô mũi, rát họng.
- Lưỡi đỏ.
- Khó nói, vị giác giảm, khó nuốt.
Hi vọng bài viết đã cung cấp cho bạn thông tin bổ ích về cách chữa khô miệng tại nhà. Tuy nhiên, thông tin trên chỉ mang tính tham khảo. Nếu triệu chứng không được cải thiện bạn nên đến gặp bác sĩ để được khám và điều trị tốt nhất.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Dry Mouth (Xerostomia)https://my.clevelandclinic.org/health/symptoms/10902-dry-mouth-xerostomia
Ngày tham khảo: 28/02/2023
-
How to Treat Dry Mouth at Homehttps://www.healthline.com/health/dry-mouth-remedies
Ngày tham khảo: 28/02/2023
-
Ginger From Ancient Times to the New Outlookhttps://brieflands.com/articles/jjnpp-18379.html
Ngày tham khảo: 28/02/2023