Cách chữa bệnh ngủ nhiều hiệu quả mà bạn nên biết
Nội dung bài viết
Có một giấc ngủ đủ và đúng cách không chỉ giúp bạn cảm thấy sảng khoái và sẵn sàng cho ngày mới mà còn cải thiện khả năng học tập, làm việc. Đồng thời nó cũng thúc đẩy sự cân bằng lành mạnh của các hormone trong cơ thể và hỗ trợ hệ thống miễn dịch. Thiếu ngủ là một vấn đề phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, ngủ quá nhiều cũng gây ra mối lo ngại. Ngủ nhiều có thể dẫn đến một loạt các vấn đề y tế, bao gồm đái tháo đường, bệnh tim và tăng nguy cơ tử vong. Vậy cách chữa bệnh ngủ nhiều nào là hiệu quả? Hãy cùng Bác sĩ chuyên khoa Nội Tổng quát Nguyễn Lâm Giang tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Biểu hiện của bệnh ngủ nhiều
Nếu bạn thường xuyên ngủ quên và cảm thấy buồn ngủ quá mức trong ngày, thì có thể bạn đang gặp phải các biểu hiện của bệnh ngủ nhiều.1 Đôi khi ngủ nhiều là do bị ốm hoặc mệt mỏi sau một ngày làm việc căng thẳng. Lúc này có thể không cần phải lo lắng. Nhưng nếu bạn thường xuyên cần ngủ hơn 10 tiếng mỗi đêm, có lẽ đã đến lúc cần xem xét kỹ hơn về giấc ngủ của mình.
Nguyên nhân của bệnh ngủ nhiều là gì?
Trước khi tìm hiểu cách chữa bệnh ngủ nhiều, chúng ta hãy cùng tìm hiểu những nguyên nhân gây ra tình trạng này. Buồn ngủ quá mức không hẳn là một tình trạng của cơ thể mà có thể là một triệu chứng của một vài bệnh lý khác.2 Nguyên nhân của bệnh này có thể do:
Rối loạn nhịp sinh học
Khi lịch trình giấc ngủ của bạn bị lệch với chu kỳ ngày đêm do thay đổi múi giờ. Nó có thể gây ra tình trạng giấc ngủ ngắn và rời rạc. Điều này có thể dẫn đến vấn đề buồn ngủ vào bất kỳ thời điểm nào vào ngày hôm sau.
Chất lượng giấc ngủ kém
Thiếu ngủ không chỉ là tình trạng ngủ ít mà còn đánh giá qua chất lượng giấc ngủ. Những người không ngủ đủ sâu sau khi thức dậy thường cảm thấy mệt mỏi, muốn ngủ thêm. Dù những người này đã ngủ đủ số giờ được khuyến nghị.
Các cơn đau
Hầu như bất kỳ căn bệnh nào gây đau như viêm khớp, đau cơ,… sẽ làm bệnh nhân khó đi vào giấc ngủ hoặc ngủ không ngon giấc. Điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu ngủ và buồn ngủ thường xuyên vào ban ngày.3
Thường xuyên đi tiểu vào ban đêm
Tình trạng này được gọi là tiểu đêm, liên quan đến việc phải thường xuyên thức dậy để đi tiểu. Điều này ảnh hưởng đến giấc ngủ rất nhiều. Đối với người lớn tuổi gặp phải tình trạng khó đi vào giấc ngủ có thể dẫn đến việc mất ngủ thường xuyên. Mất ngủ thường xuyên sẽ dẫn đến việc có nhu cầu ngủ nhiều hơn để bù vào số giờ ngủ bị mất.
Xem thêm: Mách bạn 10 bí quyết giúp ngủ ngon dù căng thẳng
Tác hại của việc ngủ nhiều
Ngủ quá nhiều có thể khiến bạn gặp phải một số tác hại như:
- Không tỉnh táo.
- Luôn cảm thấy mệt mỏi ở bất kỳ thời điểm nào trong ngày.
- Lo lắng, bất an.
- Trí nhớ giảm sút.
- Cơn buồn ngủ cực độ không thể giải quyết bằng giấc ngủ ngắn.
Chẩn đoán bệnh ngủ nhiều như thế nào?
Khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường về giấc ngủ của mình, hãy liên hệ với bác sĩ để tìm ra nguyên nhân sớm nhất. Bác sĩ sẽ đưa ra một số câu hỏi để tìm ra lý do ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn. Trong cuộc hẹn với bác sĩ, bạn hãy nhớ thông báo về bệnh sử cá nhân và gia đình; cũng như bất kỳ loại thuốc nào hiện bạn đang sử dụng. Sau đó có thể bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm nếu cần và đưa ra các khuyến nghị điều trị như là:
- Thang đo buồn ngủ Epworth: Thang điểm này là một bảng câu hỏi đơn giản; yêu cầu bạn đánh giá khả năng ngủ gật theo thang điểm từ 0 đến 3 trong tám tình huống đưa ra.
- Đo đa ký giấc ngủ: Đo đa ký giấc ngủ được chỉ định khi người bệnh gặp phải các gián đoạn trong giấc ngủ. Nhằm theo dõi các giai đoạn và chu kỳ giấc ngủ cho bệnh nhân.
- Kiểm tra tình trạng buồn ngủ quá mức ban ngày (Multiple Sleep Latency Test – MSLT): Bài test sẽ đo tốc độ bạn đi vào giấc ngủ trong môi trường yên tĩnh vào ban ngày. MSLT được sử dụng để chẩn đoán chứng ngủ rũ và chứng mất ngủ vô căn.
Song song với các bài kiểm tra, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bệnh nhân ghi lại nhật ký giấc ngủ. Bạn cần ghi lại thời điểm ngủ và thức dậy hàng ngày để bác sĩ đánh giá giấc ngủ.
Cách chữa bệnh ngủ nhiều
Nếu việc ngủ nhiều liên quan đến các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ để điều trị các bệnh lý. Bệnh nhân cần thay đổi các thói quen có lợi trước khi lựa chọn can thiệp y tế.
Thay đổi thói quen
- Xây dựng lịch trình ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, kể cả ngày nghỉ.
- Ngủ trong một môi trường hợp lý. Phòng ngủ của bạn cần mát mẻ, yên tĩnh và tối.
- Tránh tiếp xúc với các thiết bị điện tử. Vào ban đêm, ánh sáng xanh của các thiết bị này có thể làm gián đoạn nhịp điệu sinh học và làm rối loạn giấc ngủ.
- Hạn chế uống cà phê, trà, rượu bia gần giờ đi ngủ. Những thức uống này có thể ảnh hưởng đến chất lượng của giấc ngủ. Bạn sẽ khó vào giấc hoặc khiến thời gian ngủ kéo dài hơn.
Can thiệp y tế
Trường hợp thay đổi thói quen nhưng vẫn không đem lại hiệu quả, thì có thể bạn đang gặp phải các vấn đề bệnh lý khác dẫn đến chứng ngủ nhiều. Một số bệnh bao gồm đái tháo đường type 2, bệnh tim mạch,… có thể khiến bạn ngủ nhiều bất thường. Lúc này, việc cần làm là đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Trầm cảm cũng có thể dẫn đến các bất thường của giấc ngủ. Điều trị trầm cảm bằng thuốc hay các liệu pháp y tế là cần thiết đối với bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn giấc ngủ do trầm cảm.
Xem thêm: “Ngủ nhiều có tăng cân không?” và lời giải đáp từ bác sĩ
Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bạn có thêm những thông hữu ích về cách chữa bệnh ngủ nhiều. Nếu bạn đang gặp các vấn đề về giấc ngủ, hãy đến gặp bác sĩ sớm nhất có thể. Bác sĩ có thể giúp bạn xác định xem ngủ quá nhiều là do rối loạn giấc ngủ hay thói quen ngủ của bạn. Từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp; giúp bạn có được những giấc ngủ đủ và chất lượng.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Here are the Signs You’re Getting Too Much Sleephttps://www.sleepscore.com/blog/sleeping-too-much/
Ngày tham khảo: 29/10/2021
-
Physical Side Effects of Oversleepinghttps://www.webmd.com/sleep-disorders/physical-side-effects-oversleeping
Ngày tham khảo: 29/11/2021
-
Medical and Brain Conditions That Cause Excessive Sleepinesshttps://www.sleepfoundation.org/physical-health/medical-and-brain-conditions-cause-excessive-sleepiness
Ngày tham khảo: 29/11/2021