4 cách chữa cháy nắng hiệu quả
Nội dung bài viết
Tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời sẽ làm da bị cháy nắng. Tình trạng này có thể làm tổn thương da và gây các bệnh tiềm ẩn khác như ung thư da. Tùy theo mức độ cháy nắng mà bạn có thể áp dụng những phương pháp chữa lành và làm dịu khác nhau. Trong bài viết sau đây, Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo này sẽ chỉ ra những cách chữa trị tại nhà ngay lập tức.
Dấu hiệu khi bị cháy nắng
Các dấu hiệu và triệu chứng cháy nắng có thể xuất hiện trong ít nhất 11 phút, hoặc vài giờ sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.1 2 Nhưng cũng có thể kéo dài một ngày hoặc hơn tùy theo cường độ ánh sáng và diện tích vùng da cháy nắng.
Những biểu hiện da bị cháy nắng mà bạn cần lưu ý như sau:2
- Thay đổi màu sắc da như da ửng hồng, da chuyển màu đỏ.
- Da ấm hoặc nóng khi chạm vào.
- Vùng da bị cháy nắng sẽ gây đau.
- Sưng tấy.
- Xuất hiện các mụn nước nhỏ, có thể bị vỡ.
- Nhức đầu, sốt, buồn nôn, mệt mỏi.
- Mắt có cảm giác đau.
Bất kỳ phần nào trên cơ thể – bao gồm dái tai, da đầu và môi, đều có thể bị bỏng do cháy nắng. Ngay cả những khu vực được che phủ cũng có thể bị cháy, tạo cơ hội cho ánh sáng tia cực tím (UV) xâm nhập. Đáng lưu ý hơn, đôi mắt của bạn, vốn cực kỳ nhạy cảm với tia UV của mặt trời, cũng có thể bị bỏng.
Trong vòng vài ngày, cơ thể bạn có thể bắt đầu tự chữa lành bằng cách bong tróc lớp trên cùng của da bị tổn thương. Sau khi bong, da của bạn có thể tạm thời có màu và có những vân không đều. Vết cháy nắng nặng có thể mất vài ngày để chữa lành.2
Một số cách chữa cháy nắng tại nhà?
Da của bạn dễ bị cháy nắng nếu tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời mà không được bảo vệ bằng kem chống nắng và quần áo. Để giúp chữa lành làn da đang châm chích do cháy nắng, bạn cần làm dịu da ngay khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng.3
Cháy nắng nhẹ có thể chữa trị tại nhà. Những cách sau đây có thể giúp giảm bớt cảm giác khó chịu tại nhà:3
Tắm bằng nước mát hoặc vòi hoa sen
Thường xuyên tắm nước mát hoặc tắm vòi hoa sen để giúp giảm đau. Đây là cách chữa cháy nhanh và hiệu quả cho làn da.
Ngay sau khi bạn ra khỏi bồn tắm hoặc vòi hoa sen, nhẹ nhàng lau khô người nhưng để lại một chút nước trên da. Sau đó, thoa kem dưỡng ẩm để giữ nước trong da. Điều này có thể giúp làm dịu và tránh tình trạng khô da.
Sử dụng kem dưỡng ẩm có chứa lô hội hoặc đậu nành cách chữa cháy nắng tức thì
Lô hội (nha đam) hay đậu nành là những chiết xuất lành tính để giúp làm dịu làn da bị cháy nắng. Phương pháp này đặc biệt hữu ích nếu vùng da cháy nắng nhỏ và cụ thể như ngón tay, cổ,…
Ngoài ra, bạn có thể bôi kem hydrocortisone mua tại nhà thuốc mà không cần toa bác sĩ. Lưu ý, không điều trị cháy nắng bằng các sản phẩm “-caine” (chẳng hạn như benzocain), vì chúng có thể gây kích ứng da hoặc gây phản ứng dị ứng.
Bổ sung thêm nước
Tình trạng cháy nắng làm da mất nước. Uống thêm nước là cách chữa cháy nắng giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước.
Ngoài ra, đáng lưu ý rằng, nếu da bạn bị phồng rộp, hãy để các vết phồng rộp tự lành lại. Da phồng rộp có nghĩa là bạn bị cháy nắng cấp độ hai. Bạn không nên tự làm vỡ mụn nước, vì mụn nước hình thành để giúp da lành và bảo vệ bạn khỏi nhiễm trùng. Trường hợp bọng nước to, căng đau bạn nên đến cơ sở y tế để được chọc hút bớt dịch mà không làm trợt đi lớp da bên ngoài.
Bảo vệ làn da trong giai đoạn hồi phục
Trong giai đoạn da hồi phục, bạn nên mặc quần áo chống nắng, che kín da khi ở ngoài trời.
Các loại vải dệt kín là phù hợp nhất trong giai đoạn này. Để nhận biết vải được dệt kín hay không, bạn đặt vải ở nơi có đèn sáng, bạn sẽ không thấy bất kỳ ánh sáng nào lọt qua.
Tình trạng cháy nắng thường chỉ tạm thời. Tuy nhiên, khi đó, da có khả năng tiếp xúc quá nhiều với tia cực tím (UV) của mặt trời. Tổn thương này kéo dài làm tăng nguy cơ ung thư da. Do đó việc bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời là rất quan trọng.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Bạn cần đến gặp bác sĩ nếu vùng da cháy nắng:2
- Bị phồng rộp và bao phủ một phần lớn cơ thể của bạn.
- Phát triển mụn nước trên mặt, tay hoặc bộ phận sinh dục.
- Gây sưng tấy nghiêm trọng.
- Có dấu hiệu nhiễm trùng, chẳng hạn như đau, chảy mủ hoặc vệt đỏ từ vết phồng rộp hở.
- Không cải thiện trong vài ngày.
Đến các cơ sở y tế gần nhất nếu bạn bị cháy nắng và đi kèm các biểu hiện:2
- Sốt cao.
- Vẻ mặt lừ đừ, thay đổi ý thức.
- Ngất xỉu.
- Mất nước.
Cách phòng ngừa chữa da bị cháy nắng
Bạn nên ngăn ngừa cháy nắng sớm theo những quy tắc sau:2
Tránh tiếp xúc ánh nắng mặt trời từ 10 đến 16 giờ
Đây là khoảng thời gian năng lượng mặt trời mạnh nhất. Vì thế, bạn hãy hạn chế tối đa các hoạt động ngoài trời vào thời điểm này.
Che đậy kín khi ra ngoài trời nắng
Khi ra ngoài, hãy đội mũ rộng vành, mặc quần áo che kín tay và chân. Những bộ trang phục màu tối giúp bảo vệ da nhiều hơn.
Hoặc bạn cũng có thể sử dụng những bộ quần áo được thiết kế chuyên biệt giúp chống nắng. Một số loại áo chuyên dụng cản ánh sáng mặt trời thông qua chỉ số chống tia cực tím (UPF). Vì thế, khi lựa chọn sản phẩm này, bạn nên lưu ý sử dụng những nhãn hiệu có chỉ số UPF càng cao càng tốt.
Sử dụng kem chống nắng
Có thể nói, kem chống nắng chính là hàng rào bảo vệ da khỏi ánh sáng mặt trời hiệu quả. Do đó, bạn đừng quên thoa kem chống nắng khi ra đường.
Cần lưu ý những dòng kem chống nắng và dưỡng môi có chỉ số chống nắng SPF từ 30 trở lên. Chúng có khả năng bảo vệ chống nắng phổ rộng, chống tia cực tím A (UVA) và tia cực tím B (UVB).
Bạn nên thoa kem trước khi ra ngoài từ 15 đến 30 phút, đặc biệt những vùng da không được che phủ.
Xem thêm: Cách chọn kem chống nắng phù hợp nhất với bạn
Cháy nắng là tình trạng khá phổ biến. Tình trạng cháy nắng có thể nhẹ hoặc nặng tùy theo diện tích da tiếp xúc hoặc thời gian đi ngoài trời,… cùng nhiều yếu tố khác. Do đó, bạn cần trang bị cho mình những dấu hiệu nhận biết tình trạng này cùng một số cách chữa cháy nắng. Song song đó, bạn cần làm dịu da hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra và chữa trị làn da khỏi những thương tổn. Việc phòng ngừa cháy nắng là quan trọng để tránh những bệnh lý tiềm ẩn của da.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Sunburnhttps://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/sunburn
Ngày tham khảo: 17/01/2023
-
Sunburnhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/sunburn/symptoms-causes/syc-20355922
Ngày tham khảo: 17/01/2023
-
HOW TO TREAT SUNBURNhttps://www.aad.org/public/everyday-care/injured-skin/burns/treat-sunburn
Ngày tham khảo: 17/01/2023