Cách giúp trẻ ngủ ngon ban đêm nhanh chóng mà hiệu quả nhất
Nội dung bài viết
Giấc ngủ là một phần quan trọng đối với sức khoẻ và sự phát triển của trẻ em. Nhưng bố mẹ phải làm thế nào nếu bé thường khó ngủ vào buổi tối? Đâu là nguyên nhân khiến bé khó chìm vào giấc ngủ? Và quan trọng là có những cách giúp trẻ ngủ ngon ban đêm nào để cải thiện tình trạng này? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết sau đây của bác sĩ Nguyễn Lâm Giang. Mời các bậc phụ huynh cùng tham khảo nhé!
Vì sao trẻ khó ngủ ngon?
Có nhiều nguyên nhân làm trẻ khó đi vào giấc ngủ và có thể yên giấc. Cụ thể, những tác động của môi trường bên ngoài có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ. Như là lạ không gian ngủ, thay đổi người chăm sóc,… Hoặc những vấn đề sức khỏe như mọc răng, dị ứng, cảm lạnh, các bệnh nhiễm trùng,…1
Ngoài những vấn đề nêu trên, có đến 50% trẻ bị rối loạn giấc ngủ vào một thời điểm nào đó trong quá trình phát triển.2 Một số những rối loạn giấc ngủ thường gặp ở trẻ em như là gặp ác mộng vào ban đêm, nói mớ và mộng du khi ngủ, hội chứng chân không yên,… Các vấn đề xuất hiện khi ngủ sẽ hình thành nỗi sợ hãi cho trẻ, đặc biệt trẻ đang tuổi tập đi. Trẻ khó có thể phân biệt và diễn tả những điều trẻ đang gặp phải. Vì thế, trẻ sẽ khó ngủ hơn vào ban đêm.1
Xem thêm: Trẻ không muốn đi ngủ: Bạn cần phải làm gì?
Cách giúp trẻ ngủ ngon ban đêm
Những nguyên nhân nói trên cho thấy những mối nguy cơ tiềm ẩn đến giấc ngủ của bé. Để ngăn chặn những tác động trên, bố mẹ hãy hình thành những thói quen ngủ tốt cho trẻ bằng cách sau:
Xây dựng thói quen trước khi đi ngủ cho trẻ
Thói quen đi ngủ vào một khoảng thời gian giống nhau hằng đêm sẽ kích thích những giấc ngủ ngon cho trẻ. Cụ thể, việc vệ sinh cá nhân, kể chuyện trước khi đi ngủ sẽ giúp trẻ nhỏ cảm thấy thoải mái và dễ ngủ. Đối với trẻ lớn hơn, phụ huynh có thể dành thời gian tạo thói quen trò chuyện với con trẻ; sau đó, để con dành thời gian tự thư giãn trước khi đi vào giấc ngủ.3
Dưới đây là một số thói quen trước khi đi ngủ cho trẻ mà bố mẹ có thể áp dụng:1
- Tắt máy vi tính, màn hình TV, trò chơi điện tử và các loại đèn sáng.4 5
- Tạo thói quen vệ sinh cá nhân và mặc đồ ngủ thích hợp.
- Đọc sách hoặc hát ru cho trẻ.
- Đối với trẻ mới biết đi, để một con thú nhồi bông hoặc một cái chăn mà bé thường đắp vào ban đêm.
Duy trì giấc ngủ trưa ngắn và hiệu quả
Hầu hết trẻ từ độ tuổi từ 3 đến 5 tuổi thường ít ngủ trưa. Nếu con đã trên 5 tuổi và vẫn có thói quen ngủ trưa. Bạn hãy cố gắng giữ giấc ngủ trưa của con khoảng 20 phút và tối đa 30 phút. Những giấc ngủ trưa dài hơn thường làm trẻ khó ngủ hơn vào ban đêm. Vì thế, duy trì những giờ nghỉ trưa ngắn là cách giúp trẻ ngủ ngon ban đêm.3
Xem thêm: Giải đáp thắc mắc ngủ trưa nhiều có tốt không?
Chế độ dinh dưỡng đúng và đủ
Những bữa ăn có ảnh hưởng nhất định đến giấc ngủ. Vì vậy hãy xây dựng một chế độ ăn lành mạnh.1 6 Trẻ quá no hoặc quá đói khi ngủ đều khiến trẻ khó chịu hoặc kích thích nhiều làm khó ngủ.
Phụ huynh nên cho trẻ tránh caffeine, đồ ăn có đường trước khi ngủ. Thay vào đó, bạn có thể chuẩn bị cho con một bữa ăn nhẹ lành mạnh trước khi đi (nếu cần).1 Để tránh phát sinh chuyện con đói bụng vào ban đêm, ba mẹ hãy đảm bảo con có một bữa tối đảm bảo, đúng thời điểm.
Đồng thời, các bậc phụ huynh giúp trẻ có một bữa sáng lành mạnh để khởi động đồng hồ sinh học trong ngày. Chế độ ăn đúng thời điểm và đủ lượng là một phần để trẻ ngủ ngon. Đặc biệt, nên tránh để trẻ dùng những thức uống như sô cô la, coca, nước tăng lực,… vào buổi tối muộn.3 7
Xem thêm: Những thực phẩm giúp bé ngủ ngon mà các bà mẹ nên biết
Phụ huynh cần nắm thời gian ngủ thích hợp của con trẻ
Biết con cần ngủ bao lâu mỗi đêm là một điều quan trọng bởi phụ huynh có thể dễ dàng theo dõi tình trạng sức khỏe của con trẻ. Vì thế, ba mẹ cần tìm hiểu thời gian biểu giấc ngủ của con. Tùy theo độ tuổi, ba mẹ sẽ thiết lập thời gian ngủ phù hợp. Điều này rất quan trọng cho sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ. Các bậc phụ huynh có thể tham khảo nhu cầu ngủ của trẻ theo hướng dẫn dưới đây:7
Trẻ sơ sinh từ 0 đến 3 tháng
Nên ngủ từ 10 tiếng rưỡi đến 18 tiếng mỗi ngày.
Xem thêm: Những điều cần biết về giấc ngủ của trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh từ 4 đến 11 tháng
Bé thường ngủ từ 9 đến 12 tiếng mỗi ngày. Đồng thời, bé cũng cần ngủ khoảng từ 30 phút đến 2 giờ trong ngày.
Trẻ mới biết đi từ 1 đến 2 tuổi
Cần khoảng 11 đến 14 tiếng để ngủ mỗi ngày. Đôi khi, trẻ cũng ngủ thêm những giấc ngủ ngắn vào ban ngày.
Trẻ em từ 3 đến 5 tuổi
Nên ngủ từ 11 đến 13 tiếng mỗi đêm. Hầu hết trẻ em không ngủ trưa cho đến khi 5 tuổi.
Trẻ em từ 6 đến 13 tuổi
Cần 9 đến 11 giờ để ngủ. Lúc này trẻ đã đến tuổi đi học. Vì vậy, điều quan trọng là phải đặt lịch đến giờ ngủ và thực hiện thói quen đi ngủ đều đặn.
Thanh thiếu niên từ 14 tuổi trở lên
Cần ngủ từ 8 đến 10 giờ. Nhịp sinh học ở lứa tuổi này đã thay đổi nhiều xung quanh thời điểm dậy thì. Vì vậy, con bạn có thể cảm thấy khó chìm vào giấc ngủ vào đúng khung giờ như trước đó.
Tạo môi trường phòng ngủ phù hợp
Môi trường xung quanh cũng ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của trẻ. Nguồn ánh sáng xanh từ tivi, màn hình máy tính, điện thoại,… sẽ ngăn sự sản xuất hormon melatonin – một hormone thúc đẩy giấc ngủ. Việc tiếp xúc những thiết bị này sẽ trì hoãn cơn buồn ngủ.
Do đó, phụ huynh cần giữ phòng ngủ yên tĩnh hoặc sử dụng máy tạo tiếng ồn trắng để loại bỏ âm thanh bên ngoài.1 Ngoài ra, ánh sáng quá chói cũng gây hậu quả tương tự. Vì thế, một trong những cách giúp trẻ ngủ ngon ban đêm là ba mẹ hãy kiểm tra phòng ngủ của con trước khi đi ngủ. Nên đảm bảo rằng tắt thiết bị điện tử và chỉnh ánh sáng hài hòa ít nhất 1 tiếng trước giờ đi ngủ của trẻ.3 7
Thư giãn trước khi ngủ
Giống như người lớn, trẻ em cũng cần được thư giãn để đi vào giấc ngủ. Trẻ nhỏ thích được đọc truyện, nghe nhạc,… Nếu con bạn cần nhiều hơn 30 phút để đi vào giấc ngủ, thì ắt hẳn trẻ cần nhiều thời gian hơn để được dỗ ngủ. Bạn hãy lưu ý khoảng thời gian này để đảm bảo giờ giấc ngủ ngon cho con.3
Tạo cảm giác an toàn cho trẻ
Ngoài ra, hãy tạo cho trẻ cảm giác an toàn trước khi đi ngủ. Nếu trẻ sợ hãi vào giờ ngủ hoặc cảm thấy không an toàn khi ở trong bóng tối. Bạn hãy nhẫn nại ở bên cạnh con. Đồng thời, bạn hãy tặng cho trẻ những phần thưởng và lời khen để động viên cho sự dũng cảm của trẻ.
Sử dụng rèm màu tối để cản ánh sáng hoặc đèn ngủ nếu trẻ sợ bóng tối.1 Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế cho trẻ xem những chương trình truyền hình đáng sợ, gây ám ảnh. Một số trẻ mắc chứng sợ đi ngủ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi có đèn ngủ.3
Xem thêm: 5 cách cho trẻ ngủ sớm mà không phải ba mẹ nào cũng biết
Hy vọng bài viết trên đã giúp có thêm những thông tin hữu ích về các cách giúp trẻ ngủ ngon ban đêm. Nhìn chung, nguyên nhân khiến trẻ khó ngủ có thể xuất phát từ tác động của môi trường như không gian ngủ, thay đổi người chăm sóc trẻ,… hoặc bắt nguồn từ chính những vấn đề nội tại như cảm lạnh, bệnh nhiễm trùng,… hay cũng có thể là những rối loạn khi ngủ khiến trẻ sợ hãi. Chính vì thế, ba mẹ hãy thử áp dụng các cách phù hợp trong bài viết trên để hỗ trợ cho con. Trong đó, quan trọng nhất là bố mẹ cần hình thành một thói quen ngủ đều đặn và đúng giờ cho trẻ. Việc này rất cần thiết để cải thiện chất lượng chất ngủ cho bé yêu.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Children and Sleephttps://www.sleepfoundation.org/children-and-sleep
Ngày tham khảo: 05/03/2022
-
Common sleep disorders in childrenhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/24695508/
Ngày tham khảo: 05/03/2022
-
How to sleep better: 10 tips for children and teenagershttps://raisingchildren.net.au/toddlers/sleep/better-sleep-settling/sleep-better-tips
Ngày tham khảo: 05/03/2022
-
The use of entertainment and communication technologies before sleep could affect sleep and weight status: a population-based study among childrenhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28724380/
Ngày tham khảo: 05/03/2022
-
Screen and nonscreen sedentary behavior and sleep in adolescentshttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/29073392/
Ngày tham khảo: 05/03/2022
-
Effects of Diet on Sleep Qualityhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/27633109/
Ngày tham khảo: 05/03/2022
-
Sleep Tips for Kids of All Ageshttps://www.webmd.com/parenting/raising-fit-kids/recharge/features/kids-sleep-tips
Ngày tham khảo: 05/03/2022