Cách nặn mụn nhọt đúng, không đau và lời khuyên của bác sĩ
Nội dung bài viết
Mụn nhọt thường xuất hiện ở các vùng da tiết nhiều bã nhờn như mặt, lưng, ngực và vai. Mọi người thường có thói quen loại bỏ mụn nhọt vì chúng làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách nặn mụn nhọt đúng. Bài viết dưới đây của Bác sĩ chuyên khoa Da liễu Nguyễn Thị Thảo sẽ bật mí cho bạn những cách nặn mụn nhọt an toàn, không đau, và những bí quyết chăm sóc da sau khi nặn mụn. Mời các bạn cùng theo dõi nhé.
Mụn nhọt là gì?
Mụn nhọt được hình thành khi các tuyến bã nhờn hoặc tuyến dầu bị tắc nghẽn và nhiễm trùng trong nang lông. Các tổn thương sưng đỏ, chứa mủ là đặc trưng của mụn nhọt.
Mụn nhọt thường ảnh hưởng đến các vùng da tiết nhiều bã nhờn như mặt, và gây ra mụn lưng, ngực và vai.
Mụn trứng cá là nguyên nhân chính gây ra mụn nhọt. Ảnh hưởng đến hơn 80% thanh thiếu niên, 3% ở nam giới và 12% nữ giới sau độ tuổi 25.1
Xem thêm: Không nên chủ quan với mụn nhọt!
Mụn nhọt bao lâu thì nặn được?
Nếu nặn mụn sai thời điểm, bạn càng cố nặn thì chúng càng sưng to hơn. Nên nặn mụn khi mụn đã chín. Thời gian đầu, mụn nhọt thường đau nhức và sưng đỏ do viêm và mủ tích tụ. Khoảng 1-2 tuần sau, tình trạng này sẽ đỡ hơn. Mụn được gom lại và hơi ngứa chỗ cồi. Khi đó bạn có thể nặn mụn.
Nếu cố gắng nặn nốt mụn chưa chín, vi khuẩn và các chất kích ứng khác có thể len lỏi vào bên dưới da. Điều này sẽ khiến bạn mất nhiều thời gian hơn để lành mụn. Từ đó hình thành các mụn khác và thậm chí là sẹo vĩnh viễn.
Có nên nặn mụn nhọt hay không?
Mụn nhọt nằm sâu bên trong da nên khó nặn hơn mụn trứng cá thông thường. Mụn nhọt thường chứa nhiều mủ do bị nhiễm trùng, nếu xử trí không đúng cách và không đúng thời điểm có thể làm lây lan vi khuẩn vào các lỗ chân lông, gây viêm nang lông, làm thương tổn lan rộng và nặng nề hơn.
Tìm hiểu cách nặn mụn nhọt đúng cách bằng việc đảm bảo những điều sau:
- Vệ sinh sạch sẽ dụng cụ nặn mụn.
- Loại bỏ hết mủ.
- Kết hợp sử dụng thêm các loại thuốc trị mụn nhọt, có thể bao gồm thuốc kháng sinh uống, tùy vào độ nặng của nhọt.
- Nên chọn nơi nặn mụn nhọt uy tín và đảm bảo kỹ thuật chuẩn y khoa.
Bạn có thể đợi mụn chín tự vỡ. Hoặc dùng khăn sạch chùi nhẹ đầu mụn đối với các mụn chín dễ vỡ, sau đó mụn sẽ lặn đi nhanh chóng.
Xem thêm: Có nên nặn mụn không? Bí quyết sở hữu làn da mịn màng
Hậu quả nặn mụn nhọt sai cách
Tốt nhất là bạn không nên nặn mụn. Nặn mụn chỉ giúp loại bỏ nhân mụn chứ không tác động vào nguyên nhân gây ra mụn. Hơn nữa, khi nặn mụn là bạn đang can thiệp vào quá trình hồi phục tự nhiên của da. Điều này sẽ khiến da tệ hơn. Bên cạnh đó, bạn cần có kỹ thuật nặn mụn thích hợp để tránh những hậu quả sau:2
- Gây tổn thương nghiêm trọng đến da.
- Để lại sẹo xấu (thâm, lồi, lõm).
- Nhiễm trùng da.
Nặn mụn sai cách có thể đẩy một số chất bên trong mụn vào sâu hơn trong da, làm gia tăng tình trạng viêm nhiễm.2 Ngoài ra, việc nặn mụn sai kỹ thuật có thể khiến vi khuẩn lây lan sang các lỗ chân lông và nang lông khác, tạo thành mụn lớn hơn.
Khi tự nặn mụn, bạn cũng có nguy cơ bị nhiễm trùng từ các vi khuẩn trên tay.2
Cách nặn mụn nhọt tại nhà hiệu quả
Chờ nhân mụn chín hoàn toàn
Bạn có thể dùng tay ấn nhẹ lên mụn, nếu đầu mụn se lại và hơi ngứa chỗ cồi mụn thì mụn có thể nặn được. Lưu ý cần vệ sinh tay thật sạch trước khi kiểm tra mụn.
Làm sạch da
Vệ sinh vùng da bằng nước sạch, nước muối sinh lý hay dung dịch chuyên dụng như dung dịch kháng khuẩn Dizigone.
Chườm ấm lên nốt mụn nhọt
Chườm nóng để làm dịu các tổn thương do mụn. Cách này giúp mụn giảm sưng và mở rộng lỗ chân lông, làm mụn dễ thoát ra ngoài hơn. Bạn nên dùng khăn sạch đã được làm ấm đắp lên vùng bị mụn khoảng 2 đến 3 phút.
Loại bỏ mủ, viêm khi nhọt đã chín
Dùng dụng cụ chuyên dụng đã được sát khuẩn để tác động nhẹ nhàng lên mụn. Đừng nên cố gắng nặn mụn khi mủ không chảy ra dễ dàng hay khi mụn chưa chín.
Sát khuẩn sau khi nặn mụn
Sát khuẩn sau nặn mụn giúp hạn chế tình trạng vi khuẩn lây lan tạo ra những ổ mụn khác. Sát khuẩn bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch Digizone. Cũng cần lưu ý điều này có thể làm cho vùng da của bạn rát và châm chích.
Chăm sóc da sau khi nặn mụn
Nếu không được chăm sóc đúng cách, sẹo và vết thâm mụn có thể tồn tại vĩnh viễn. Càng để lâu, những vết thương này càng khó chữa lành. Vì vậy, việc chăm sóc da sau khi nặn mụn là rất quan trọng.
- Bôi thuốc mỡ kháng sinh (Mupirocin, Fucidin 2%) bằng tay đã rửa sạch hoặc tăm bông sạch.
- Bôi các sản phẩm có tính kháng khuẩn tại chỗ chẳng hạn như tinh dầu tràm trà. Điều này sẽ giúp chống lại vi khuẩn đồng thời giảm viêm một cách hiệu quả.
- Tiếp tục lộ trình chăm sóc da của bạn.
Xem thêm: Khám phá cách nặn mụn không để lại vết thâm tại nhà
Lời khuyên của bác sĩ sau khi nặn mụn nhọt tại nhà
Bạn cần phải gặp bác sĩ khi có một hay nhiều triệu chứng sau:
- Mụn nhọt trên da khiến bạn đau đớn không thể chịu nổi. Cơn đau cản trở sinh hoạt hàng ngày hoặc giấc ngủ.
- Mụn nhọt phát triển nhanh chóng và lan rộng tạo thành một khối sưng viêm lớn trên da. Một khối nhọt lớn hơn 5cm là dấu hiệu đáng báo động.
- Sốt khi bị nhọt. Bình thường nhọt sẽ không gây sốt. Nếu xuất hiện triệu chứng sốt kèm lạnh run, có khả năng cao là nhiễm trùng máu hoặc ảnh hưởng đến cơ quan khác.
- Mụn nhọt kèm theo nổi hạch. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nặng hơn của mụn nhọt.
- Các mụn vẫn tồn tại trong hơn 2 tuần. Thông thường, nhọt đơn giản sẽ biến mất và lành lại trong vòng 2 tuần với các biện pháp khắc phục tại nhà. Nếu vẫn còn hiện tượng nhọt trên da và tình trạng sưng đau kéo dài hơn 2 tuần thì rất có thể tình hình đã trở nên nghiêm trọng.
- Nổi mụn nước. Những người mắc bệnh tiểu đường, bệnh thận hoặc ung thư có hệ thống miễn dịch suy yếu. Khi bị nổi mụn nước, những đối tượng này cần nhanh chóng đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Mụn nhọt thường gây mất thẩm mỹ cho người bị mắc phải. Tuy nhiên, nếu biết cách nặn mụn nhọt an toàn và chăm sóc vết thương đúng cách, mụn nhọt sẽ không để lại sẹo. Thông thường mụn nhọt sẽ tự khỏi trong vòng 2 tuần. Nhưng nếu tình trạng này không giảm hoặc ngày càng gây khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống thì bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Acne vulgarishttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3275168/
Ngày tham khảo: 19/12/2022
-
PIMPLE POPPING: WHY ONLY A DERMATOLOGIST SHOULD DO IThttps://www.aad.org/public/diseases/acne/skin-care/popping
Ngày tham khảo: 19/12/2022