Hướng dẫn cách sơ cứu người bị tăng huyết áp từ bác sĩ!
Nội dung bài viết
Tăng huyết áp là bệnh lý mãn tính rất phổ biến ở thời điểm hiện tại. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được kiểm soát tốt. Nhất là trong tình trạng xảy ra các cơn tăng huyết áp đột ngột. Vậy cách sơ cứu người bị tăng huyết áp như thế nào là đúng để đảm bảo an toàn? Bài viết sau đây của bác sĩ Lương Sỹ Bắc sẽ giải đáp thắc mắc trên cho bạn. Mời bạn cùng tìm hiểu ngay nhé!
Nhận biết dấu hiệu tăng huyết áp đột ngột
Hầu hết các trường hợp tăng huyết áp đột ngột khi nhập viện đã bị tổn thương cơ quan đích. Các tổn thương cơ quan đích, đặc biệt tổn thương bộ não và tim, thường khó có thể hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, điều này còn tùy thuộc vào xử trí ban đầu, cũng như cách sơ cứu người bị tăng huyết áp như thế nào. Quan trọng nhất là chúng ta cần phát hiện sớm để có thể xử trí kịp thời. Thông thường, khi bệnh nhân lên cơn tăng huyết áp, sẽ xuất hiện các dấu hiệu sau:1
- Đau đầu dữ dội, chóng mặt.
- Đau vai gáy, cứng cổ.
- Đột ngột buồn nôn và nôn.
- Đột ngột yếu chân tay, nửa người.
- Tê mặt, tê tay, tê chân.
- Đột ngột đau tức ngực, nặng ngực khó thở.
- Ngất.
- Đột ngột khó nói, nói không rõ ràng.
Xem thêm: Tăng huyết áp cấp cứu và những điều cần biết
Không phải lúc nào các triệu chứng tăng huyết áp cũng bộc lộ rõ ràng. Đối với những người bị tăng huyết áp lâu ngày nhưng không nhận biết mình có bệnh. Họ có thể đã quen với tình trạng huyết áp cao. Tuy nhiên, ở những bệnh nhân này thường xảy ra biến chứng nặng. Nguyên do là vì huyết áp lên quá cao và không được xử trí kịp thời. Vì vậy, chúng ta rất nên quan tâm đến các dấu hiệu bất thường của người bệnh để có thể phát hiện sớm bệnh.
Nguyên tắc an toàn khi sơ cứu người bị tăng huyết áp
Cách sơ cứu người bị tăng huyết áp không chỉ cần nhanh mà còn phải chính xác và an toàn. Khi xử trí cơn tăng huyết áp, chúng ta cần lưu ý đến những vấn đề sau:
- Để người bệnh nằm nghỉ ngơi trong không gian thông thoáng, yên tĩnh. Không nên để bệnh nhân di chuyển vì rất dễ té ngã, ngất xỉu.
- Cứ mỗi 15 phút, cần đo lại huyết áp cho bệnh nhân một lần và ghi nhận để báo cho bác sĩ.
- Người cấp cứu cần bình tĩnh và nhờ đến sự giúp đỡ của những người khác. Tránh lo lắng, xúc động quá mức bởi điều này sẽ tác động đến tâm lý bệnh nhân.
- Nếu bệnh nhân bị nôn ói, cho bệnh nhân nằm nghiêng một bên để tránh hít sặc.
- Không nên cho bệnh nhân ăn uống bất cứ thứ gì.
- Không nên tự mua thuốc về cho bệnh nhân uống.
- Không nên xoa bóp, ấn, tác động lên người bệnh nhân.
- Nhanh chóng đưa bệnh nhân tới các cơ sở y tế gần nhất. Hãy mang theo tất cả thuốc, giấy tờ liên quan tới các bệnh đã có ở bệnh nhân.
Hướng dẫn cách sơ cứu người bị tăng huyết áp
Người có dấu hiệu tăng huyết áp nhẹ
Đầu tiên, bạn cần lưu ý biểu hiện bên ngoài không đại diện cho huyết áp cao hay huyết áp thấp. Khi có dấu hiệu nghi ngờ, hãy lập tức đo huyết áp để có cách xử trí phù hợp. Tuy nhiên, khi xuất hiện các tình trạng như yếu liệt, ngất, đau ngực, khó thở, nôn ói nhiều. Bệnh nhân có thể được xem như đang ở mức độ nặng.
Còn thông thường, các cơn tăng huyết áp nhẹ chỉ gây đau đầu, chóng mặt thoáng qua. Đối với những trường hợp này, sau khi đo huyết áp và thấy số đo không quá cao. Bạn chỉ cần cho bệnh nhân nằm nghỉ ngơi. Nếu sau đó huyết áp không giảm xuống, bạn có thể gọi điện để tham khảo ý kiến bác sĩ.
Xem thêm: Theo dõi huyết áp: Như thế nào cho đúng?
Người bệnh bất tỉnh
Có nhiều nguyên nhân có thể khiến bệnh nhân bị ngất. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Bạn hãy đặt họ nằm nghiêng, kê gối hơi cao trong một không gian thông thoáng. Đồng thời, không nên di chuyển nhiều hay tác động mạnh lên cơ thể họ. Tiếp đến, hãy kiểm tra nhịp tim và nhịp thở của bệnh nhân.
Trong trường hợp người bệnh ngưng tim ngưng thở, hãy hô hấp nhân tạo cho họ. Lưu ý là chỉ nên hô hấp nhân tạo nếu bạn thực sự biết cách. Bên cạnh đó, khi bệnh nhân đã bất tỉnh, bạn tuyệt đối không nên cho họ ăn uống gì. Sau khi đã thực hiện các bước trên, hãy lập tức liên hệ với các cơ sở y tế gần nhất. Điều này có thể sẽ giúp cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân.
Người bệnh có biểu hiện nhồi máu cơ tim và khó thở
Trong cơn tăng huyết áp, nếu bệnh nhân cảm thấy đau ngực, khó thở. Đây thường là dấu hiệu cho thấy họ có bệnh tim mạch. Nếu có triệu chứng đau ngực, nên để bệnh nhân nghỉ ngơi tuyệt đối, không được vận động. Cũng không nên cho bệnh nhân ăn, uống. Có thể sử dụng thuốc trợ tim nếu bệnh nhân đã được bác sĩ chẩn đoán và kê thuốc trước đó. Tiếp đến, hãy liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất để đưa bệnh nhân đi cấp cứu kịp thời.
Cách sơ cứu người bị tăng huyết áp đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế biến chứng ban đầu. Sơ cứu đúng cách và kịp thời cũng góp phần cải thiện tiên lượng bệnh.
Phòng ngừa huyết áp cao
Bên cạnh việc hiểu rõ cách sơ cứu người bị tăng huyết áp. Bạn cũng nên trang bị cho mình kiến thức để giúp người bệnh kiểm soát huyết áp. Bởi tăng huyết áp là một bệnh lý mạn tính. Chỉ số huyết áp sẽ thay đổi và tùy thuộc nhiều yếu tố khác nhau. Sau đây là một số biện pháp bạn có thể áp dụng, giúp bệnh nhân phòng ngừa cơn tăng huyết áp:2
- Giảm cân xuống trọng lượng phù hợp nếu bị thừa cân, béo phì.
- Xây dựng khẩu phần ăn uống lành mạnh. Hãy ăn nhiều hoa quả, rau xanh. Không uống rượu bia, hút thuốc lá. Giảm muối trong thực đơn hàng ngày.
- Tập thể dục thể thao điều độ, phù hợp với sức mình.
- Giảm lo âu, stress. Tránh xúc động quá mức.
- Không gắng sức để lao động nặng.
Xem thêm: Chế độ ăn cho người bị cao huyết áp: Như thế nào cho hợp lý?
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn các thông tin cần thiết về cách sơ cứu người bị tăng huyết áp. Như đã đề cập, sơ cứu đúng cách và sớm không chỉ là bước đầu tiên để bảo vệ bệnh nhân. Mà việc này còn giúp hạn chế rất nhiều biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, đừng quên việc phòng ngừa căn bệnh mãn tính này bằng cách tuân thủ điều trị và xây dựng lối sống lành mạnh. Bởi đây chính là chìa khóa để kiểm soát tốt tình trạng tăng huyết áp.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Hypertensive crisis: What are the symptoms?https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/high-blood-pressure/expert-answers/hypertensive-crisis/faq-20058491
Ngày tham khảo: 12/10/2022
-
Khuyến cáo về chẩn đoán và điều trị Tăng huyết áp (Hội tim mạch học quốc gia Việt Nam - 2018).http://vnha.org.vn/data/Khuyen-Cao-THA-2018.pdf
Ngày tham khảo: 12/10/2022