YouMed

Những điều cần biết về vòng tránh thai, đặt vòng bao lâu thì quan hệ được

Thạc sĩ, Bác sĩ TRẦN QUỐC PHONG
Tác giả: ThS.BS Trần Quốc Phong
Chuyên khoa: Ngoại tiết niệu

Phương pháp đặt vòng tránh thai có lẽ đã không còn quá xa lạ với chị em phụ nữ. Đây được xem là phương pháp vừa hiệu quả, vừa an toàn. Vậy, đặt vòng tránh thai có tác dụng phụ gì không? Đặt vòng bao lâu thì quan hệ được? Tất cả sẽ được ThS.BS Trần Quốc Phong giải đáp trong bài viết ngay sau đây! Mời bạn cùng tìm hiểu nhé!

Vòng tránh thai là gì?

Trước khi tìm hiểu đặt vòng bao lâu thì quan hệ được, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu một số thông tin về vòng tránh thai. Vòng tránh thai được biết đến như một phương pháp tránh thai tạm thời. Phương pháp này đặc biệt phổ biến ở Việt Nam vì ưu điểm rẻ tiền, đơn giản mà hiệu quả. Dụng cụ này được đặt trọn vào trong tử cung.1

Về cơ chế hoạt động, vòng tránh thai tạo nên sự thay đổi về cấu trúc tế bào nội mạc tử cung. Khi đưa vào cơ thể, dụng cụ này trở thành “vật lạ”, kích thích phản ứng viêm tại đó. Sự thay đổi này tạo một môi trường không thuận lợi cho trứng thụ tinh làm tổ bên trong tử cung. Nếu vòng tránh thai được sử dụng đúng cách, tỷ lệ mang thai là dưới 1%.1

Xem thêm: Phương pháp tránh thai nào hiệu quả nhất? (Phần 1)

Phương pháp tránh thai bằng cách đặt vòng được áp dụng khá phổ biến hiện nay
Phương pháp tránh thai bằng cách đặt vòng được áp dụng khá phổ biến hiện nay

Các loại vòng tránh thai

Vòng tránh thai chữ T

Đây là loại vòng tránh thai thông dụng nhất hiện nay. Cơ chế hoạt động của loại vòng này là ngăn ngừa tinh trùng tiếp cận và thụ tinh với trứng. Về cấu tạo, vòng có dạng hình chữ T và hình vòng cung được quấn đồng.

Vòng tránh thai chữ T không chứa hormone. Khi vừa được đưa vào tử cung, chất đồng trong vòng sẽ kích hoạt phản ứng viêm làm thay đổi cấu trúc nội mạc tử cung. Sau khi đặt vào tử cung, phần đuôi khoảng 2 – 3 cm sẽ nhô ra vùng âm đạo, nhằm đảm bảo vòng tránh thai đã vào đúng vị trí.1

Vòng tránh thai nội tiết tố

So với vòng tránh thai thông thường, vòng tránh thai giải phóng progestine đều đặn cho hiệu quả tránh thai cao hơn.

Cách đặt vòng tránh thai

Trước khi đặt vòng tránh thai2

Các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn. Như thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAIDs): ibuprofen – motril hoặc advil 600 – 800mg trong vòng một giờ trước khi đặt vòng. Thuốc có tác dụng giảm co thắt cơ cũng như cảm khác khó chịu trong quá trình đặt.

Ngoài ra, bạn nên tìm hiểu cơ sở y tế thực hiện đặt vòng có chuẩn bị sẵn băng vệ sinh hay chưa. Nếu chưa, hãy mang sẵn một chiếc từ nhà, đề phòng chảy máu sau đặt.

Trong quá trình đặt vòng tránh thai2

Khi bước vào phòng khám

Chị em phụ nữ có thể yên tâm vì cơ sở chăm sóc sức khỏe sẽ chuẩn bị đầy đủ dụng cụ cho quá trình đặt vòng tránh thai. Trước khi tiến hành, bác sĩ sẽ tư vấn và giải đáp thắc mắc cho bạn.

Bạn nên chuẩn bị tâm lý thoải mái để quá trình đặt được dễ dàng, và ít đau hơn.

Các bác sĩ có thể sẽ kiểm tra xem bạn có đang mang thai hay không. Sau khi chắc chắn rằng bạn không mang thai, bác sĩ dùng hai ngón tay đưa vào âm đạo, tay còn lại đặt trên bụng để kiểm tra vùng chậu. Qua đó, bác sĩ xác định chính xác vị trí, tính nhất quán, kích thước và tính di động của tử cung. Đồng thời khảo sát tìm vết thương, ổ nhiễm trùng nếu có.

Ổn định tử cung

Bác sĩ tiến hành mở âm đạo bằng mỏ vịt. Đây là một loại dụng cụ kim loại có hình dạng giống như mỏ con vịt. Dụng cụ được đưa vào âm đạo, mở rộng âm đạo và giữ cố định.

Nhằm đảm bảo quá trình đặt vòng tránh thai trong môi trường vô trùng, âm đạo và cổ tử cung được làm sạch bằng dung dịch sát trùng.

Sau đó, gây tê cục bộ bằng gel lidocain 5% vào cổ tử cung. Tiếp đến dùng tenaculum giữ cho tử cung và cổ tử cung ổn định.

Đo tử cung và kênh cổ tử cung

Sử dụng một dụng cụ vô trùng để đo chiều dài và hướng ngả của tử cung. Việc này giúp giảm nguy cơ thủng tử cung do vòng tránh thai cắm quá lâu hoặc sai góc. Nếu độ sâu tử cung dưới 6cm sẽ không thể đặt vòng tránh thai.

Đặt vòng tránh thai

Sau khi dụng cụ đo tử cung được lấy ra, bác sĩ luồn vòng tránh thai qua cổ tử cung. Khi vào đến tử cung, vòng tránh thai bung ra thành hình chữ T.

Lúc mới đặt, phụ nữ sẽ có cảm giác co thắt cơ hoặc châm chích nhẹ. Toàn bộ quy trình khá đơn giản và chỉ kéo dài vài phút. Chị em hoàn toàn có thể yên tâm sinh hoạt bình thường sau khi đặt vòng.

Sau khi đặt vòng tránh thai2

Sau khi đặt vòng, có thể có chảy máu trong vài ngày đầu. Tuy nhiên, nếu máu chảy lượng nhiều và kéo dài, hãy gọi điện cho bác sĩ để đảm bảo rằng không xảy ra nhiễm trùng.

Chuẩn bị tâm lý rằng kỳ kinh đầu tiên sau khi đặt vòng sẽ đến sớm và kéo dài hơn bình thường.

Bạn hãy sắp xếp thời gian tái khám trong vòng 4 – 6 tuần sau đặt vòng. Việc này giúp phòng ngừa biến chứng và đảm bảo vòng tránh thai vẫn còn nguyên vẹn.

Chị em phụ nữ nên lựa chọn các cơ sở đặt vòng uy tín có trang thiết bị hiện đại cũng như chuyên môn cao
Chị em phụ nữ nên lựa chọn các cơ sở đặt vòng uy tín có trang thiết bị hiện đại cũng như chuyên môn cao

Ưu điểm của phương pháp đặt vòng tránh thai

Vòng tránh thai chữ T

  • Thời gian tác dụng kéo dài: Tùy loại vòng tránh thai chữ T là Tcu 380 hay Multiload mà hiệu quả có thể kéo dài từ 5 đến 10 năm.
  • Cải thiện tình trạng kinh nguyệt nhiều và giảm đau bụng kinh.1
  • Hạn chế nguy cơ viêm vòi trứng cho chị em phụ nữ.
  • Mang lại cảm giác quan hệ vợ chồng “thật” hơn so với các phương pháp tránh thai khác như sử dụng bao cao su.

Xem thêm: Mách bạn 10 cách giảm đau bụng kinh đơn giản tại nhà

Vòng tránh thai nội tiết tố

  • Hiệu quả tránh thai cao (98 – 99%).
  • Phát huy tác dụng ngay lập tức.
  • Hiệu quả lâu dài (5 – 10 năm).
  • An toàn, không làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Chị em phụ nữ có thể lấy vòng tránh thai ra và tiếp tục sinh sản khi có nhu cầu.
  • Giảm đau bụng kinh, giảm đau vùng chậu, giảm xuất huyết bất thường.
  • Giảm rong kinh cơ năng liên quan đến nội tiết. Và những trường hợp rong kinh do bệnh u xơ tử cung, hay lạc nội mạc tử cung.

Tác dụng phụ của đặt vòng tránh thai

Vòng tránh thai chữ T

  • Khi mới đặt vòng tránh thai, chị em khó tránh khỏi lượng kinh nguyệt ra nhiều ban đầu.
  • Cảm giác đau bụng, vướng víu. Cảm giác này sẽ biến mất sau một thời gian thích nghi.
  • Đối với một số người, vòng tránh thai làm kỳ kinh nguyệt kéo dài hơn. Đồng thời ra máu nhiều hơn và đau bụng nặng hơn.
  • Một số tác dụng khác: Đau đầu, nổi mụn trứng cá, đau lưng…2
Kỳ kinh nguyệt ra nhiều máu kinh hơn và kéo dài là tác dụng phụ thường gặp của phương pháp đặt vòng chữ T
Kỳ kinh nguyệt ra nhiều máu kinh hơn và kéo dài là tác dụng phụ thường gặp của phương pháp đặt vòng chữ T

Vòng tránh thai nội tiết tố

Gây một số tác dụng phụ:3

  • Nhức đầu, buồn nôn,
  • Nổi mụn trứng cá,
  • Tăng cân,
  • Căng tức vú
  • Chảy máu bất thường
  • Những thay đổi về tâm lý
  • Chuột rút và đau vùng chậu

Tuy nhiên, các triệu chứng không kéo dài quá lâu nên chị em không cần lo lắng.

Đặt vòng bao lâu thì quan hệ được?

“Đặt vòng bao lâu thì quan hệ được?” là câu hỏi được rất nhiều chị em quan tâm. Khi đưa vào cơ thể, vòng tránh thai gây viêm nhẹ ở âm đạo. Bác sĩ khuyến cáo chị em nên kiêng quan hệ trong vòng 7 – 10 ngày sau đó. Cần đảm bảo vị trí vòng ổn định và cơ thể có sự thích nghi tốt. Đồng thời, cần hạn chế các tư thế mạnh bạo vì dễ làm tuột vòng hoặc nhiễm trùng.

Qua bài viết trên, ThS.BS Trần Quốc Phong đã giới thiệu đến bạn các loại vòng tránh thai, cũng như giải đáp cho câu hỏi “Đặt vòng bao lâu thì quan hệ được?”. Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn giải đáp những thắc mắc về vấn đề này. Nếu bạn vẫn còn những lo lắng thì hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn chi tiết hơn nhé!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Birth Control and the IUD (Intrauterine Device)https://www.webmd.com/sex/birth-control/iud-intrauterine-device

    Ngày tham khảo: 05/10/2021

  2. What to Expect During an IUD Insertionhttps://www.verywellhealth.com/what-to-expect-during-an-iud-insertion-906772

    Ngày tham khảo: 05/10/2021

  3. Types of IUDs: Which One Is Right for You?https://www.webmd.com/sex/birth-control/types-of-iuds-which-one-is-right-for-you

    Ngày tham khảo: 10/02/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người