Đau đầu kéo dài do bệnh lý nào gây nên?
Nội dung bài viết
Đau đầu kéo dài là một trong những triệu chứng biểu hiện cho một rối loạn nào đó của cơ thể. Đối với triệu chứng này, người bệnh không nên chủ quan. Bởi vì nó có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm. Vậy có các dấu hiệu nào để nhận biết mình đang mắc phải triệu chứng này? Cách khắc phục chúng ra sao? Mời bạn tham khảo bài viết sau đây của bác sĩ Nguyễn Lâm Giang để tìm ra câu trả lời cho những thắc mắc trên nhé!
Tại sao lại bị đau đầu kéo dài?
Đau đầu mạn tính hàng ngày
Cho đến nay, các bác sĩ chuyên khoa vẫn chưa biết rõ tại sao lại có một số người hay bị đau đầu hàng ngày. Tuy nhiên, một số điều sau đây có thể là nguyên nhân gây ra đau đầu dai dẳng:1 2 3
- Các cơ ở vùng đầu mặt cổ bị siết chặt, bó chặt thường xuyên. Từ đó gây ra cảm giác đau căng, đau mỏi kéo dài.
- Dây thần kinh số 5 (dây thần kinh tam thoa) bị kích thích do một nguyên nhân nào đó. Dây thần kinh này khi bị kích thích có thể gây nên cảm giác đau sau hốc mắt, đau ở vùng đầu tại vị trí trán.
- Một số chất dẫn truyền thần kinh trong cơ thể khi bị thay đổi nồng độ cũng có thể dẫn đến đau đầu. Và hiển nhiên, nếu sự thay đổi nồng độ ấy kéo dài sẽ làm cho cơn đau đầu trở nên dai dẳng.
- Đau đầu thường xuyên, dai dẳng do yếu tố di truyền, gia đình.
- Do lối sống hoặc các yếu tố tác động đến từ môi trường xung quanh. Chẳng hạn như căng thẳng thường xuyên, thức khuya, lạm dụng caffeine, thay đổi thời tiết,…
- Lạm dụng thuốc giảm đau cũng có thể gây ra triệu chứng đau đầu kéo dài. Tình trạng này còn được gọi là chứng đau đầu do lạm dụng thuốc. Việc thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau sẽ gây tác dụng nghịch đảo, dẫn đến đau đầu.
Đau đầu dai dẳng nhiều ngày do bệnh lý
Một số bệnh lý có thể gây nên tình trạng bị đau đầu thường xuyên. Đó có thể là các bệnh lý tại vùng não, bệnh lý toàn thân hoặc liên quan đến sức khoẻ tâm thần, tâm lý. Cụ thể, các bệnh lý gây đau đầu mạn tính kéo dài thường gặp là:2
- U não.
- Viêm não, viêm màng não.
- Máu tụ dưới màng cứng mạn tính.
- Tăng áp lực nội sọ.
- Đột quỵ nhồi máu não.
- Đau đầu tâm căn, đau đầu do lo âu, trầm cảm,…
- Bệnh rối loạn chuyển hóa: hạ Canxi máu, hạ Magie máu, tăng Natri máu hoặc hạ Natri máu,…
Những dạng đau đầu kéo dài thường gặp
Có 4 dạng đau đầu kinh niên kéo dài thường gặp là:2 3 4 5
Đau đầu do căng thẳng
Hầu hết các trường hợp hay bị đau đầu là do căng thẳng, stress gây nên. Người bệnh thường xuyên gặp phải những vướng mắc trong cuộc sống khiến tâm lý không ổn định. Từ đó, họ cảm thấy áp lực, buồn bã, lo âu, bi quan,… Chính những cảm xúc tiêu cực này gây nên triệu chứng đau đầu kéo dài.
Đau nửa đầu dai dẳng
Loại đau đầu này còn gọi là đau nửa đầu Migraine. Tùy theo từng người bệnh mà tình trạng đau đầu Migraine có thể xuất hiện thành từng cơn ngắn. Hoặc có thể kéo dài từ ngày này qua ngày khác. Tình trạng này ảnh hưởng rất nhiều đến học tập, công việc cũng như cuộc sống hàng ngày của người bệnh.
Đau đầu cụm
Đau đầu cụm là dạng đau đầu căn nguyên mạch máu, thần kinh. Nó thường xuất hiện ở những nam giới có thói quen hút thuốc lá và ở độ tuổi trung niên.
Đau đầu âm ỉ kéo dài
Trạng thái đau đầu này không diễn biến cấp tính, dữ dội. Tuy nhiên, nó có thể làm cho người bệnh cảm thấy khó chịu cũng như khó tập trung làm việc. Ngoài ra, một số trường hợp đau âm ỉ kéo dài còn là biểu hiện của những bệnh lý nguy hiểm. Chẳng hạn như u não, áp xe não, tụ máu dưới màng cứng mạn tính,…
Dấu hiệu nhận biết đau đầu kéo dài
Dấu hiệu nhận biết đau đầu dai dẳng là khi người bệnh có cảm giác đau đầu trong một khoảng thời gian dài. Cụ thể như là hơn 15 ngày trong mỗi tháng. Bên cạnh đau nhức ở vùng đầu, một số triệu chứng khác có thể kèm theo bao gồm:2 3 5
- Đổ mồ hôi.
- Buồn nôn và nôn.
- Đỏ mắt hoặc chảy nước mắt.
- Mất ngủ, lo âu, buồn bã.
- Sốt, mệt mỏi, sụt cân,…
Khi nào nên đến gặp bác sĩ?
Bạn nên đến gặp bác sĩ ngay khi bị đau đầu kinh niên dai dẳng. Các bác sĩ sẽ giúp bạn xác định tình trạng đau đầu thường xuyên của bạn là triệu chứng của bệnh gì. Đồng thời đưa ra hướng xử trí phù hợp. Trong những tình huống sau đây, việc đến gặp bác sĩ là vô cùng cần thiết:2 3
- Bạn thường có hai hoặc nhiều hơn hai cơn đau đầu trong một tuần.
- Thường xuyên dùng thuốc giảm đau hàng ngày để khắc phục tình trạng đau đầu.
- Đau đầu ngày càng thường xuyên và trầm trọng hơn.
- Cơn đau xảy ra ngày càng đột ngột và nghiêm trọng hơn.
- Đau đầu kèm theo sốt cao, co giật, cứng cổ, nói khó,…
- Đau đầu dai dẳng xuất hiện sau khi té, chấn thương ở đầu.
Xem thêm: Đau đầu mãn tính và những điều bác sĩ muốn bạn biết
Để xác định vấn đề gây ra cơn đau đầu, ác sĩ có thể sẽ khám cho bạn các dấu hiệu của bệnh tật, nhiễm trùng hoặc các vấn đề thần kinh và hỏi về tiền sử đau đầu của bạn.
Nếu nguyên nhân gây đau đầu của bạn vẫn không chắc chắn, bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm hình ảnh, chẳng hạn như chụp CT hoặc MRI, để tìm kiếm tình trạng bệnh lý tiềm ẩn.
Cách kiểm soát cơn đau đầu hiệu quả
Bên cạnh việc xác định đau đầu kéo dài là bệnh gì, việc quan tâm đến những cách trị bệnh đau đầu thường xuyên cũng rất cần thiết. Bệnh nhân sẽ thường được các bác sĩ hướng dẫn những biện pháp này. Mục đích nhằm giúp bạn tạm thời ổn định cơn đau và sau đó có thể di chuyển đến cơ sở y tế.
Một số cách kiểm soát cơn đau hiệu quả, dễ thực hiện bao gồm:2 3 5
- Mát xa thư giãn vùng đầu mặt cổ.
- Nghỉ ngơi, ngủ một giấc.
- Nghe nhạc.
- Sử dụng một số loại thuốc giảm đau không kê đơn. Chẳng hạn như: Paracetamol, thuốc Aspirin, Diclofenac,…
- Bấm huyệt hoặc châm cứu các huyệt có tác dụng làm giảm đau đầu. Ví dụ như: Bách hội, Ấn đường, Toản Trúc,…
Xem thêm: Bác sĩ YHCT hướng dẫn bạn cách bấm huyệt chữa đau đầu
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn có những thông tin cần thiết về triệu chứng đau đầu kéo dài. Nói tóm lại, đây là một triệu chứng mà chúng ta không nên chủ quan. Bên cạnh đó, khi bị đau đầu kinh niên dai dẳng, người bệnh nên đi khám bệnh ngay và không nên tự ý mua thuốc uống. Việc đi khám bệnh sớm sẽ giúp người bệnh được chẩn đoán xác định bệnh một cách chính xác. Đồng thời, các bác sĩ sẽ có hướng điều trị hiệu quả. Cũng như hạn chế được những biến chứng nguy hiểm của bệnh.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
New Daily Persistent Headacheshttps://www.webmd.com/migraines-headaches/new-daily-persistent
Ngày tham khảo: 28/05/2022
-
Chronic daily headacheshttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/chronic-daily-headaches/symptoms-causes/syc-20370891
Ngày tham khảo: 28/05/2022
-
Having Constant Headaches? What You Need to Knowhttps://www.healthline.com/health/constant-headache#symptoms
Ngày tham khảo: 28/05/2022
-
Headache Basicshttps://www.webmd.com/migraines-headaches/migraines-headaches-basics
Ngày tham khảo: 28/05/2022
-
The 5 Types of Daily Chronic Headaches and How They’re Treatedhttps://health.clevelandclinic.org/the-5-types-of-daily-chronic-headaches-and-how-theyre-treated/
Ngày tham khảo: 28/05/2022