Những dấu hiệu viêm âm đạo mà có thể bạn chưa biết
Nội dung bài viết
Viêm âm đạo là một bệnh lý phụ khoa thường gặp ở phụ nữ. Có nhiều nguyên nhân gây viêm hoặc nhiễm trùng âm đạo. Việc nhận biết dấu hiệu viêm âm đạo từ sớm sẽ giúp quá trình điều trị đạt hiệu quả cao hơn. Ngoài ra, điều này cũng giúp bạn tránh những biến chứng nghiệm trọng không mong muốn. Mời bạn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Lê Nam tìm hiểu những dấu hiệu viêm âm đạo qua bài viết sau đây nhé!
Viêm âm đạo là gì?
Viêm âm đạo là tình trạng âm đạo (bộ phận sinh dục ngoài của phụ nữ) bị viêm nhiễm. Khoảng một phần ba phụ nữ thỉnh thoảng sẽ có các dấu hiệu viêm âm đạo. Viêm âm đạo có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi của nữ giới. Tuy nhiên, tần suất phổ biến nhất là trong độ tuổi sinh sản.
Dấu hiệu viêm âm đạo thường gặp
Các dấu hiệu viêm âm đạo có thể bao gồm:
- Thay đổi màu sắc, mùi hoặc lượng dịch tiết ra từ âm đạo;
- Sưng nóng, ngứa vùng âm đạo;
- Đau khi giao hợp;
- Tiểu đau, rát buốt;
- Chảy máu hoặc xuất hiện những đốm đỏ ở âm đạo.
Nguyên nhân viêm âm đạo và dấu hiệu theo từng nguyên nhân
Các nguyên nhân gây viêm âm đạo thường gặp bao gồm:1 2 3
1. Viêm âm đạo do nhiễm trùng
Sự thay đổi cân bằng của nấm men và các vi khuẩn thường sống trong môi trường âm đạo có thể dẫn đến tình trạng này. Quan sát đặc điểm của dịch tiết có thể giúp bác sĩ chẩn đoán tác nhân gây viêm âm đạo mà bạn mắc phải. Một số vi sinh vật gây bệnh thường gặp nhất:
Vi khuẩn
Nguyên nhân phổ biến nhất của viêm âm đạo là do sự thay đổi của nhóm vi khuẩn bình thường có sẵn trong âm đạo thành sự phát triển quá mức của các sinh vật có hại khác. Tình trạng này còn được gọi là viêm âm đạo do vi khuẩn.
Bạn có thể tiết dịch loãng, màu trắng xám hay xanh lục với lượng nhiều hơn và có mùi hôi. Mùi hôi có thể nhận biết rõ ràng hơn sau khi quan hệ tình dục. Dấu hiệu ngứa, rát không phổ biến nhưng có thể xuất hiện nếu tiết dịch nhiều.
Nấm men
Sự phát triển quá mức của một loại vi sinh vật nấm – thường là Candida albicans – trong âm đạo sẽ gây ra tình trạng viêm. Loài nấm này cũng gây bệnh ở các vùng ẩm ướt khác của cơ thể như miệng, vùng da nhiều nếp gấp và móng tay, chân.
Triệu chứng chính là ngứa và nóng rát ở vùng da ngoài âm đạo (âm hộ). Âm hộ có thể đỏ và sưng. Dịch âm đạo thường có màu trắng, vón cục, thường được mô tả như phô mai và không có mùi hôi. Một số phụ nữ bị nhiễm trùng nấm men nhận thấy lượng dịch tiết ra nhiều hơn hoặc thay đổi khi bị viêm âm đạo.
Để tìm hiểu nấm men Candida gây viêm âm đạo như thế nào, cách điều trị cụ thể ra sao, mời bạn đọc tham khảo thêm bài viết Viêm âm đạo do nấm Candida: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa của YouMed để có thêm thông tin về bệnh nhé!
Trùng roi Trichomonas
Đây là một loại ký sinh trùng thường lây truyền khi quan hệ tình dục. Sau khi xâm nhập vào âm đạo, dịch tiết có mùi hôi màu vàng xanh lẫn bọt có thể xuất hiện. Phụ nữ bị viêm âm đạo do Trichomonas có thể phàn nàn về cảm giác ngứa và đau ở vùng kín. Hoặc đôi khi thấy rát buốt khi đi tiểu hay khó chịu vùng bụng dưới rốn lúc giao hợp. Những dấu hiệu viêm âm đạo này có thể tồi tệ hơn sau kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ không phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào.
2. Viêm âm đạo do virus
Virus là nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh viêm âm đạo. Thường gặp nhất là do virus herpes simplex (HSV) gây ra. Tác nhân này chủ yếu lây lan qua đường tình dục. Triệu chứng chính của viêm âm đạo do herpes là đau kèm theo hình ảnh các sang thương như vết loét.
Một nguồn lây nhiễm virus khác ở âm đạo là human papillomavirus (HPV) thường lây truyền khi quan hệ tình dục. Virus có thể gây ra mụn cóc ở âm đạo, âm hộ hay trực tràng. Những mụn cóc này thường có màu trắng hay xám, có thể gây đau. Tuy nhiên, không phải lúc nào mụn cóc cũng có thể nhìn thấy từ bên ngoài. Đôi khi virus chỉ có thể được phát hiện khi xét nghiệm PAP là bất thường. Nhiều bệnh nhiễm trùng gây viêm âm đạo có thể lây lan giữa nam và nữ khi quan hệ tình dục.
3. Viêm âm đạo không do nhiễm trùng
Đây là tình trạng không phải hiếm gặp. Nhiều phụ nữ có thể bị ngứa, rát, thậm chí tiết dịch âm đạo mà không bị nhiễm trùng. Nguyên nhân phổ biến nhất là do phản ứng dị ứng hoặc bị kích ứng từ thuốc xịt, thụt rửa âm đạo hoặc các loại thuốc diệt tinh trùng. Tuy nhiên, vùng da xung quanh âm đạo cũng có thể nhạy cảm với xà phòng, kem dưỡng da, chất bôi trơn tình dục, bao cao su, chất tẩy rửa và nước xả làm mềm vải.
Việc không thay băng vệ sinh thường xuyên trong chu kì kinh nguyệt cũng là yếu tố ảnh hưởng. Ngoài ra, việc sử dụng lâu dài các sản phẩm bôi ngoài da giúp ngăn mùi, ngăn ngứa vẫn có nguy cơ gây viêm âm đạo.
4. Viêm teo âm đạo
Viêm teo âm đạo không phải do nhiễm trùng nhưng có thể gây tiết dịch âm đạo kèm theo triệu chứng khô, ngứa, rát vùng kín. Tình trạng này có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi lượng hormone estrogen của phụ nữ giảm. Như trong giai đoạn cho con bú và sau thời kỳ mãn kinh.
Ngoài ra, phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng cũng khiến estrogen thấp hơn. Viêm âm đạo teo được điều trị bằng cách bổ sung các loại thuốc có thành phần estrogen. Thuốc có thể được bôi dưới dạng kem hoặc viên đặt âm đạo.
Yếu tố nguy cơ gây viêm âm đạo
Sau khi tìm hiểu dấu hiệu viêm âm đạo, những thông tin về các yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển bệnh viêm âm đạo dưới đây sẽ giúp bạn dễ phòng tránh bệnh hơn:2 3
- Thay đổi nội tiết tố gây giảm estrogen liên quan đến mang thai; sử dụng thuốc tránh thai hoặc mãn kinh.
- Quan hệ tình dục không an toàn.
- Sử dụng thuốc kháng sinh và kháng viêm không đúng chỉ định.
- Bệnh đái tháo đường không được kiểm soát.
- Sử dụng các sản phẩm vệ sinh bộ phân sinh dục như xà bông tắm, thuốc xịt âm đạo hoặc chất khử mùi âm đạo.
- Thụt rửa.
- Mặc quần áo ẩm ướt hoặc bó sát.
- Sử dụng dụng cụ tử cung hay thuốc diệt tinh trùng để ngừa thai.
Phòng ngừa viêm âm đạo
Có nhiều cách giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh viêm âm đạo. Nếu bạn bị nhiễm trùng nấm men, tránh để quần áo gây kích thích đến bộ phận vùng kín. Hạn chế mặc quần áo bó sát hay chất liệu vải thô ráp, ít co dãn. Nên lựa chọn đồ lót vải cotton rộng rãi để giữ môi trường âm đạo được khô thoáng. Vệ sinh bằng cách rửa xung quanh âm đạo với nước và lau khô hoàn toàn. Hầu hết các bác sĩ không khuyên dùng thuốc xịt âm đạo hoặc xà phòng có mùi thơm để làm sạch khu vực này. Tương tự như vậy, việc thụt rửa nhiều lần cũng không được khuyến cáo.
Quan hệ tình dục an toàn có thể giúp ngăn ngừa lây truyền các vi sinh vật gây bệnh cho bạn tình. Việc sử dụng bao cao su và chất bôi trơn khi quan hệ tình dục là đặc biệt quan trọng. Nếu bạn dị ứng với những sản phẩm này, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn những phương pháp hiệu quả khác.
Hình thành những thói quen tốt cho sức khỏe rất quan trọng. Trong đó, kiểm tra phụ khoa toàn diện định kỳ bao gồm tầm soát ung thư cổ tử cung hay tầm soát các bệnh lây truyền qua đường tình dục nếu bạn có nhiều bạn tình là rất cần thiết. Vì các dấu hiệu viêm âm đạo thường giống với nhiều bệnh lí khác và không được quan tâm. Bạn có thể hỗ trợ bác sĩ rất nhiều trong việc chẩn đoán bằng cách chú ý đến chính xác tính chất các triệu chứng và thời điểm xuất hiện, cùng với mô tả về màu sắc, độ đặc, số lượng và mùi của bất kỳ dịch tiết bất thường nào. Đừng xấu hổ khi bạn có những thắc mắc cần hỏi bác sĩ khi có những dấu hiệu trên nhé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Vaginitishttps://www.acog.org/womens-health/faqs/vaginitis
Ngày tham khảo: 11/03/2021
-
Vaginitishttps://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/vaginitis
Ngày tham khảo: 11/03/2021
-
Vaginitishttps://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9131-vaginitis
Ngày tham khảo: 11/03/2021