Dậy thì sớm: Dấu hiệu nhận biết
Nội dung bài viết
Dậy thì được xem là giai đoạn phát triển sinh lý của cơ thể, là bước chuyển tiếp từ trẻ em thành người lớn. Dậy thì sớm khiến con bạn dễ rơi vào khủng hoảng về tâm lý, với nỗi sợ về sự thay đổi của bản thân về thân hình bên ngoài, đôi khi lại có nguy cơ trở thành nạn nhân bị quấy rối, xâm hại tình dục hay mang thai ngoài ý muốn.
1. Dậy thì sớm là gì?
Để trở thành người lớn, các bé cần phải trải qua giai đoạn dậy thì. Những bé gái trở thành phụ nữ qua sự thay đổi sinh lý dưới tác động của một hormone gọi là Estrogen (nội tiết tố nữ), tương tự với những bé nam sẽ bị ảnh hưởng bởi Testosterone (nội tiết tố nam).
Vùng dưới đồi của hai bán cầu đại não là nơi tiết ra hormone hướng sinh dục. Hormone này kích thích tuyến yên, 1 túi nhỏ gắn liền với vùng dưới đồi, khiến nó tiết ra các hormone sinh sản điều hòa tuyến sinh dục. Tuyến yên sẽ là bộ phận chỉ huy quá trình dậy thì xảy ra sớm hay muộn.
Ở bé gái, nó gửi thông điệp đến buồng trứng báo hiệu cho buồng trứng biết đã đến thời điểm phải làm việc. Khi đó, buồng trứng sẽ tiết ra nội tiết nữ, bé gái sẽ xuất hiện các dấu hiệu của dậy thì như vú lớn lên, có kinh nguyệt… Độ tuổi trung bình xuất hiện dậy thì ở bé gái là từ 8 đến 13 tuổi.
Ở bé trai, tuyến yên sẽ gửi tín hiệu đến tinh hoàn để nó tiết ra nội tiết tố nam. Lúc này, bé nam sẽ bắt đầu xuất hiện lông mu, thay đổi giọng nói… Độ tuổi trung bình xuất hiện dậy thì ở bé trai là từ 9 đến 14 tuổi.
Nếu các triệu chứng thay đổi đặc điểm sinh dục xuất hiện trước 8 tuổi đối với các bé gái hay trước 9 tuổi đối với các bé trai, đó được gọi là dậy thì sớm.
Bên cạnh vấn đề trên, việc áp dụng chế độ ăn uống hợp khoa học là một điều rất cần thiết đối với trẻ dậy thì sớm. Bạn có thể tìm hiểu thông tin tại bài viết: Dậy thì sớm: Chế độ dinh dưỡng và vận động
Các đặc điểm của giai đoạn dậy thì ở trẻ
Khác với những đứa trẻ bị dậy thì sớm, sau đây là những biểu hiện dậy thì bình thường đối với cả bé gái và bé trai:
1. Đối với các bé gái
- Tuyến vú to bất thường, có thể to một bên.
- Phát triển môi lớn, môi bé.
- Xuất hiện lông mu, lông nách và mùi cơ thể.
- Âm đạo tăng tiết nhầy, bắt đầu có kinh nguyệt.
- Thân hình thay đổi vẻ nữ tính hơn.
- Tăng trưởng mạnh về chiều cao và thể chất trong giai đoạn đầu. Các bé gái đang diễn ra quá trình hình thành các mảnh của xương chậu đáp ứng với chức năng làm mẹ sau này, vậy nên tránh để trẻ đi giày quá cao để không ảnh hưởng đến chức năng sinh sản.
2. Đối với các bé trai
- Phát triển tinh hoàn.
- Dương vật to.
- Xuất hiện lông mu, lông nách và mùi cơ thể.
- Thay đổi giọng nói như khàn tiếng hay vỡ giọng.
- Xuất hiện râu, mụn trứng cá.
- Thân hình thay đổi vẻ nam tính hơn, các cơ bắp bắt đầu săn chắc.
- Tăng trưởng mạnh về chiều cao và thể chất trong giai đoạn sau.
3. Thay đổi về nhận thức và tâm sinh lý
Bên cạnh việc hiểu thế nào là dậy thì sớm thì việc tìm hiểu những thay đổi về tâm sinh lý của những trẻ đến tuổi dậy thì giúp các phụ huynh gần gũi với con cái hơn:
- Tăng sự tò mò về sự thay đổi cơ thể, nhất là những bộ phận cơ quan sinh dục. Lo lắng hoặc nghi ngờ về sự thay đổi bất thường lúc dậy thì.
- Đề cao chủ nghĩa cá nhân, coi bản thân là trung tâm. Tăng nhu cầu riêng tư, thích ở một mình hoặc có không gian riêng, tách biệt dần với cha mẹ. Trẻ đòi hỏi về quyền được tôn trọng, đối xử bình đẳng, tin tưởng và mong muốn thoát khỏi sự giám sát của người lớn.
- Trong tương tác với người lớn, trẻ có xu hướng cường điệu hóa như hay suy diễn, thổi phồng về thái độ và hành động của người lớn. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng stress, trầm cảm, tự tử hay tự hủy hoại bản thân…
- Biết giữ khoảng cách và giới hạn về sự thân mật với bạn khác giới, chơi với bạn cùng giới nhiều hơn.
- Hệ thần kinh chưa cân bằng, hưng phấn thường mạnh hơn ức chế nên trẻ thường hiếu động. Đôi khi khó làm chủ được cảm xúc, dễ bị kích động hay phạm lỗi, dễ có hành vi bốc đồng, thiếu tôn trọng người khác. Nếu cha mẹ không kiên nhẫn và biết cách thuyết phục, trẻ dễ có phản ứng mạnh hoặc tiêu cực khi trái ý.
- Do hưng phấn và ức chế không cân bằng nên trẻ thường có những hành vi đối lập nhau, dễ thay đổi tâm trạng như lúc thì vui vẻ, náo nhiệt, lúc lại tỏ vẻ thờ ơ, mỏi mệt…
Mặc dù nhu cầu được độc lập cao nhưng trẻ vẫn mong muốn được cha mẹ gần gũi, chia sẻ và định hướng cho mình. Chính vì vậy, cha mẹ cần thường xuyên dành nhiều thời gian tâm sự với trẻ những cảm giác lo lắng, nhằm giải tỏa những gánh nặng về tâm lý và tránh nảy sinh những hậu quả nghiêm trọng. Việc thường xuyên theo dõi trẻ sẽ giúp các phụ huynh nhận ra những thay đổi có thể là biểu hiện của dậy thì sớm để can thiệp kịp thời.
Sự trưởng thành về hệ sinh dục là yếu tố quan trọng nhất trong sự phát triển cơ thể của giai đoạn dậy thì. Tuy nhiên, dậy thì sớm ở các bé gái (trước 8 tuổi) hay các bé trai (trước 9 tuổi) đều ảnh hưởng đến những thay đổi về tâm sinh lý và thể chất của trẻ. Vậy nên, cha mẹ cần quan tâm và theo dõi trẻ trong giai đoạn này để phát hiện những triệu chứng dậy thì sớm và kịp thời đưa trẻ đến gặp Bác sĩ.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Precocious pubertyhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/precocious-puberty/symptoms-causes/syc-20351811
Ngày tham khảo: 15/10/2019
- Lý Minh Tiên, Nguyễn Thị Tứ (chủ biên, 2016). Tâm lý học lứa tuổi và tâm lý học sư phạm. NXB Đại học Sư phạm TP.HCM.
- ThS.BS Đinh Thạc. Bài giảng Phát triển tâm sinh lý trẻ vị thành niên.