YouMed

Đi tiểu buốt ra máu: nguyên nhân và cách điều trị

Thạc sĩ, Bác sĩ TRẦN QUỐC PHONG
Tác giả: ThS.BS Trần Quốc Phong
Chuyên khoa: Ngoại tiết niệu

Đi tiểu buốt ra máu là triệu chứng thường gặp ở nhiều bệnh nhân. Triệu chứng này có thể là dấu hiệu cảnh báo của những bệnh lý nguy hiểm, cần được chẩn đoán sớm và điều trị phù hợp. Trong bài viết dưới đây ThS.BS Trần Quốc Phong sẽ chỉ ra nguyên nhân cũng như cách điều trị triệu chứng đi tiểu buốt có kèm theo máu.

Đi tiểu buốt ra máu là gì?

Tiểu buốt hay tiểu đau, tiểu rát là một thuật ngữ mô tả cảm giác khó chịu khi đi tiểu. Cơn đau này có thể bắt nguồn từ nhiều cơ quan. Chúng có thể xuất phát từ bàng quang, niệu đạo, đáy chậu. Bàng quang là một bộ phận của cơ thể để chứa nước tiểu trong khi niệu đạo là một cấu trúc có dạng ống dẫn nước tiểu ra ngoài cơ thể. Ở nam giới, khu vực giữa bìu và hậu môn được gọi là đáy chậu. Ở nữ giới, đáy chậu là khu vực giữa hậu môn và cửa âm đạo.1

Tiểu máu tức là trong nước tiểu có chứa hồng cầu. Nước tiểu có thể thay đổi màu sắc đủ để nhận thấy được bằng mắt thường hoặc không thể nhận ra bằng mắt thường.2

Đi tiểu buốt ra máu là một trong những dấu hiệu của viêm đường tiết niệu. Chúng thường xuất hiện ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và có thể là triệu chứng nguy hiểm, cần cảnh giác và thận trọng.

Xem thêm: Đái máu (Đi tiểu ra máu): những điều bạn cần biết

Đi tiểu buốt ra máu là một trong những triệu chứng thường gặp của nhiễm trùng tiểu
Đi tiểu buốt ra máu là một trong những triệu chứng thường gặp của nhiễm trùng tiểu

Triệu chứng đi tiểu buốt ra máu

Bệnh nhân đi tiểu buốt ra máu có các triệu chứng:

  • Bệnh nhân cảm thấy nóng rát, như kim châm hoặc râm ran khi đi tiểu. Tiểu buốt có thể đầu dòng, cuối dòng hoặc toàn dòng.
  • Bệnh nhân có thể kèm theo các dấu hiệu khác như có mủ, cặn đục.
  • Nước tiểu có thể có mùi hôi, mùi tanh hoặc mùi khai.
  • Nước tiểu có thể có màu sắc bình thường nhưng có nhiều bọt.
  • Nước tiểu có màu đỏ, màu nâu, màu hồng.
  • Nước tiểu có cục máu đông, tanh hôi.

Nguyên nhân đi tiểu buốt ra máu

Nguyên nhân dẫn đến đi tiểu buốt ra máu rất đa dạng. Những nguyên nhân có thể dẫn tới tiểu buốt kèm theo máu gồm:

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu. Tiểu đau ra máu là dấu hiệu phổ biến của nhiễm trùng đường tiết niệu. Nhiễm trùng đường tiết niệu thông thường là kết quả của sự xâm nhập của vi khuẩn vào đường niệu. Phụ nữ dễ bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu hơn so với nam giới. Niệu đạo của phụ nữ ngắn hơn nhiều so với nam giới nên vi khuẩn sẽ dễ dàng hơn di chuyển ngược lên bàng quang.1
  • Nhiễm trùng các bệnh lây lan qua đường tình dục.1
  • Viêm bàng quang. Viêm bàng quang do nguyên nhân nhiễm trùng hay stress cũng có thể gây tiểu buốt kèm theo máu. Tuy nhiên lượng máu trong nước tiểu không đủ nhiều để biến đổi màu sắc của nước tiểu nên nước tiểu thường có màu vàng.1
  • Viêm nội mạc tử cung. Viêm nội mạc tử cung cũng có thể ảnh hưởng đến âm đạo và đường tiết niệu. Căn bệnh trên có thể khiến nữ giới có hiện tượng tiểu buốt, rát, tiểu nhiều lần
  • Sỏi thận hoặc sỏi bàng quang. Sỏi được hình thành và lớn dần theo thời gian. Khi sỏi gây tắc nghẽn đường tiểu thì sẽ gây ra những cơn đau quặn thắt. Sỏi thận và sỏi bàng quang có thể gây gây tiểu buốt và tăng nguy cơ nhiễm trùng tiểu. Cả sỏi thận và sỏi bàng quang đều có thể là nguyên nhân gây tiểu máu đại thể hoặc tiểu máu vi thể.3
  • Phì đại tuyến tiền liệt.3
  • Ung thư hệ niệu.3
Phì đại tuyến tiền liệt có thể là một trong những nguyên nhân gây ra đi tiểu buốt kèm máu
Phì đại tuyến tiền liệt có thể là một trong những nguyên nhân gây ra đi tiểu buốt kèm máu

Các yếu tố làm tăng nguy cơ tiểu buốt ra máu

Hầu hết bất cứ ai, kể cả trẻ em, thanh thiếu niên đều có thể có hồng cầu trong nước tiểu. Tuy nhiên tiểu buốt thông thường là dấu hiệu của bệnh lý đang diễn ra ở đường tiết niệu. Các yếu tố làm tăng nguy cơ đi tiểu buốt ra máu bao gồm:4

  • Tuổi tác. Nam giới trên 50 tuổi thỉnh thoảng bị tiểu máu do tuyến tiền liệt phì đại.
  • Nhiễm trùng. Viêm thận sau khi nhiễm virus hoặc vi khuẩn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tiểu máu ở trẻ em.
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh thận hoặc sỏi thận.
  • Một số loại thuốc như thuốc Aspirin, thuốc giảm đau NSAIDsthuốc kháng sinh Penicilline được biết đến có khả năng làm tăng nguy cơ chảy máu tiết niệu.
  • Một số bài tập hoặc tư thế có thể làm trong nước tiểu có hồng cầu. Tuy nhiên tiểu máu ở đây vi thể và không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ của bệnh nhân.
  • Quan hệ tình dục bữa bãi.
  • Vệ sinh bộ phận sinh dục kém.
  • Mang thai, mãn kinh.
  • Người mắc bệnh tiểu đường, suy giảm miễn dịch,…

Chẩn đoán tình trạng tiểu buốt ra máu

Nhiều bệnh nhân thỉnh thoảng có những đợt khó chịu ngắn khi đi tiểu. Thông thường những triệu chứng này là do kích ứng và không cần điều trị. Tuy nhiên khi xuất hiện cơn đau kéo dài khi đi tiểu hoặc đi tiểu buốt ra máu thì cần phải đến gặp bác sĩ.5

Các cơn đau kéo dài là một trong những triệu chứng của bệnh đi tiểu buốt ra máu
Các cơn đau kéo dài là một trong những triệu chứng của bệnh đi tiểu buốt ra máu

Bác sĩ có thể sẽ hỏi về các triệu chứng và thói quen cá nhân, thói quen sinh hoạt tình dục. Trong quá trình khám sức khoẻ, bác sĩ sẽ kiểm tra bộ phận sinh dục và thận. Đối với phụ nữ, bác sĩ có thể thăm khám cả phần phụ khoa. Đối với nam giới, khi bác sĩ nghi ngờ bệnh lý về tuyến tiền liệt thì có thể kèm thăm khám trực tràng để kiểm tra tuyến tiền liệt. Nếu bác sĩ cho rằng bệnh nhân chỉ bị nhiễm trùng bàng quang đơn giản thì có thể xác nhận điều này bằng xét nghiệm nước tiểu.5

Xem thêm: Những điều cần biết về nội soi trực tràng

Để chẩn đoán viêm niệu đạo hay âm đạo, bệnh nhân có thể phải lấy dịch ở niệu đạo, âm đạo để tiến hành làm xét nghiệm sinh học kiểm tra vi khuẩn. Nếu bác sĩ nghi ngờ nhiễm trùng thận, bác sĩ có thể chỉ định lấy máu để xét nghiệm. Nếu trước đó  bệnh nhân có quan hệ tình dục không an toàn, bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm để tìm các bệnh lây qua đường tình dục. Đối với tiểu máu, kết quả sinh hoá nước tiểu có thể giúp phát hiện máu trong nước tiểu.5

Điều trị đi tiểu buốt ra máu

Trước khi điều trị đi tiểu buốt ra máu, cần phải tìm nguyên nhân gây ra triệu chứng trên. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc để điều trị chứng tiểu buốt. Thuốc kháng sinh có thể được dùng để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu.

Đối với các bệnh lý làm kích thích bàng quang, bác sĩ có thể kê những loại thuốc làm dịu đi các triệu chứng hiện có của bệnh nhân. Đi tiểu đau do nhiễm vi khuẩn thường dược cải thiện sau khi dùng thuốc.1

Đối với sỏi thận, sỏi bàng quang, tuỳ vào kích thước của sỏi sẽ có những cách điều trị khác nhau. Đối với sỏi lớn bác sĩ có thể phải mổ hở hoặc tán sỏi qua máy. Đối với sỏi nhỏ hơn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc để tiểu sỏi ra ngoài.

Đối với bệnh lý ung thư, tuỳ vào giai đoạn cũng như loại ung thư sẽ có cách điều trị phù hợp. Phẫu thuật, xạ trị kết hợp với hoá trị liệu sẽ giúp cải thiện bệnh lý.

Biến chứng liên quan đến tiểu máu

Một vài biến chứng liên quan đến đi tiểu buốt ra máu bao gồm:

  • Tạo ổ áp xe, ổ mủ không thể điều trị thông thường bằng kháng sinh.
  • Nhiễm khuẩn huyết.
  • Gây ra tình trạng viêm mãn tính nếu không điều trị dứt điểm.
  • Tắc nghẽn đường tiểu, thận ứ nước, thận ứ mủ.
  • Suy thận cấp tính hoặc mãn tính.
  • Ung thư đường tiết niệu.
  • Di căn (trong trường hợp bệnh lý ung thư).

Cách phòng ngừa tình trạng đi tiểu buốt ra máu

Cách ngăn ngừa triệu chứng đi tiểu buốt ra máu bao gồm:3

  • Uống nhiều nước hàng ngày, đi tiểu sau khi quan hệ tình dục và thực hiện tốt vệ sinh.
  • Để ngăn ngừa sỏi, uống nhiều nước và tránh dư thừa muối. Tránh thịt đỏ và các loại thực phẩm chế biến sẵn.
  • Để ngăn ngừa ung thư bàng quang, hạn chế hút thuốc lá, hạn chế tiếp xúc với hoá chất và đảm bảo nguồn nước ăn uống.
Uống nhiều nước là một trong những cách giúp giảm triệu chứng tiểu buốt kèm máu.
Uống nhiều nước là một trong những cách giúp giảm triệu chứng tiểu buốt kèm máu.

Tóm lại đi tiểu buốt ra máu có thể do nhiều nguyên nhân gây nên. Những nguyên nhân này có thể là bệnh lý lành tính hoặc ác tính có tiên lượng xấu. Vì vậy khi gặp triệu chứng này kéo dài, bạn cần phải đến cơ sở y tế uy tín để khám và chữa bệnh.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. What Causes Painful Urination?https://www.healthline.com/health/urination-painful

    Ngày tham khảo: 09/11/2021

  2. Blood in Urine (Hematuria) Causes, Treatments, and Symptomshttps://www.kidneyfund.org/kidney-disease/kidney-problems/blood-in-urine.html

    Ngày tham khảo: 09/11/2021

  3. Why Is There Blood in My Urine?https://www.healthline.com/health/urine-bloody

    Ngày tham khảo: 09/11/2021

  4. Blood in urine (hematuria)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/blood-in-urine/symptoms-causes/syc-20353432

    Ngày tham khảo: 09/11/2021

  5. Dysuriahttps://www.drugs.com/health-guide/dysuria.html

    Ngày tham khảo: 09/11/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người