Hen suyễn có lây không? Câu trả lời của bác sĩ
Nội dung bài viết
Hen suyễn là một bệnh viêm niêm mạc phế quản mạn tính ở đường hô hấp. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi từ trẻ em tới người lớn tuổi. Trong một số trường hợp, hen suyễn có thể nghiêm trọng và ảnh hưởng tới tính mạng con người. Do đó, nhiều người đặt ra câu hỏi liệu bệnh hen suyễn có lây không? Hen suyễn có di truyền không? Hãy cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đinh Thế Huy đi trả lời những câu hỏi trên nhé!
Một số điều cơ bản về bệnh hen suyễn
Hen suyễn là tình trạng phổ biến của viêm mạn tính đường hô hấp dưới đặc trưng bởi tắc nghẽn đường thở và phản ứng quá mức, tăng tiết đờm và co thắt cơ trơn phế quản, đặc trưng bởi các triệu chứng khó thở, ho, tức ngực hoặc thở khò khè. Những triệu chứng này không liên tục và thường tồi tệ hơn vào ban đêm hay tập thể dục.
Có rất nhiều tác nhân làm khởi phát cơn hen phế quản. Một số tác nhân gây khởi phát cơn hen như:1
- Khói thuốc lá: Khói thuốc lá không tốt cho mọi người, đặc biệt là những người bị hen suyễn. Nếu bạn bị hen suyễn, hãy bỏ thuốc là cũng như không nên ở gần những người đang hút thuốc lá.
- Mạt nhà: mạt nhà là những con bỏ cực nhỏ, có rất nhiều ở trong nhà. Các cơ này có thể làm người bị hen suyễn hoặc dị ứng với chúng gây ra cơn hen.
- Ô nhiễm từ không khí ngoài trời. Các nguồn ô nhiễm từ các nhà máy, ô tô, cháy rừng có thể thải ra một lượng lớn khí độc hại. Khi hít quá nhiều khí này có thể gây cơn hen.
- Độc vật có hại (gián, chuột,…).
- Vật nuôi: các loại vật nuôi có lông có thể gây ra cơn hen suyễn nếu bị dị ứng với chúng. Do đó, bạn cần vệ sinh nhà cửa, giữ vật nuôi ra khỏi phòng ngủ, sử dụng máy lọc không khí để giảm sự tiếp xúc.
- Nấm mốc: hít phải nấm mốc cũng có thể gây ra cơn hen suyễn. Nấm mốc thường phát triển ở những nơi có độ ẩm cao. Để hạn chế nấm mốc, bạn nên làm khô các đồ ẩm ướt, sử dụng máy điều hòa không khí hay máy hút ẩm,…
Ngoài ta có các tác nhân khác gây hen suyễn như các nhiễm trùng liên quan đến cúm, cảm lạnh, virus. Nhiễm trùng xoang, dị ứng, phấn hoa, hít phải một số hóa chất hay bị trào ngược dạ dày – thực quản (GERD) cũng có thể làm khởi phát cơn hen,…
Hen suyễn có lây truyền không?
Hen suyễn là bệnh lý không lây truyền.2 Hen suyễn chỉ là một bệnh mạn tính vô khuẩn ở đường hô hấp do sự sưng phù đường thở, tăng tiết đờm,… không phải được gây ra bởi virus hay vi khuẩn. Do đó, bệnh không lây lan qua các đường tiếp xúc thường ngày như nắm tay, ăn chung,…
Hen suyễn có di truyền không?
Hen suyễn có thể di truyền giữa những người có cùng huyết thống. Do đó, con cái có bố mẹ mắc bệnh hen suyễn sẽ có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn.2
Bệnh hen suyễn là một chứng rối loạn đa gen, đa yếu tố và có nhiều yếu tố góp phần vào sự phát triển của nó,… Đặc điểm của rối loạn đa yếu tố là nguy cơ mắc bệnh của một người phụ thuộc vào độ liên quan di truyền giữa người đó với người thân bị mắc bệnh. Trong một nghiên cứu đã cho thấy con cái có bố mẹ bị hen suyễn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Nguy cơ tái phát bệnh hen ở trẻ em có cha hoặc mẹ bị ảnh hưởng là khoảng 25%, nếu cả ba và mẹ đều bị ảnh hưởng thì nguy cơ lên đến 50%.3
Hen suyễn có nguy hiểm không?
Trong một số trường hợp, bệnh hen suyễn chỉ là một vấn đề nhỏ. Tuy nhiên, với một số người đây có thể là một vấn đề quan trọng, cản trở các hoạt động sinh hoạt thường ngày. Và hen suyễn có thể gây tử vong nêu không được điều trị kịp thời và hiệu quả.1
Do đó, cần liên hệ bác sĩ để có thể phát hiện các triệu chứng khi xấu đi và điều trị khẩn cấp khi cần thiết. Các dấu hiệu của các trường hợp khẩn cấp như:1
- Khó thở hoặc thở khò khè.
- Không cải thiện khi sử dụng ống hít cắt cơn nhanh.
- Khó thở khi chỉ vận động nhẹ nhàng.
Không nên chủ quan vì hen suyễn có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng nếu không được chữa trị kịp thời:4
- Viêm phổi và các biến chứng khác do nhiễm trùng thông thường như cúm.
- Sinh non hoặc sảy thai ở phụ nữ mang thai.
- Hẹp ống phế quản trong phổi.
- Ung thư phổi.
- Suy hô hấp.
Cách phòng ngừa hen suyễn
Một số cách để phòng ngừa bệnh hen suyễn tái phát:
- Cần phải điều trị thường xuyên và tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ.
- Tiêm vắc-xin phòng cúm và viêm phổi.
- Xác định và tránh các nguyên nhân gây ra hen suyễn như: phấn hoa, nấm mốc, không khí lạnh,…
- Theo dõi đường thở: có thể học cách nhận biết dấu hiệu cảnh báo về cơn hen có thể xảy ra như ho nhẹ, thở khò khè, hoặc khó thở. Sử dụng máy đo lưu lượng khí đỉnh tại nhà để theo dõi chức năng phổi,…
- Chú ý sử dụng ống hít cắt cơn nhanh.
- Luyện tập thể dục đều đặn.
- Theo dõi, điều trị các tình trạng có thể làm khởi phát hen, như: trào ngược dạ dày – thực quản, nhiễm trùng xoang,…
Hy vọng bài viết trên của Bác sĩ Đinh Thế Huy đã giải đáp cho bạn đọc thắc mắc “Hen suyễn có lây không?”. Bệnh hen suyễn luôn là một bệnh lý được mọi người quan tâm do mức độ phổ biến của nó. Mặc dù bệnh không lây lan giữa người với người thông qua tiếp xúc, trò chuyện nhưng bạn đọc và gia đình vẫn nên thực hiện một số biện pháp giúp phòng bệnh hoặc phòng ngừa bệnh tái phát.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Common Asthma Triggershttps://www.cdc.gov/asthma/triggers.html
Ngày tham khảo: 11/04/2023
-
Asthmahttps://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/asthma
Ngày tham khảo: 11/04/2023
-
Genetics of asthma: an introduction for the clinicianhttps://www.tandfonline.com/doi/full/10.3402/ecrj.v2.24643
Ngày tham khảo: 11/04/2023