Kén bã đậu là bệnh gì? Có nguy hiểm không?
Nội dung bài viết
Kén bã đậu là một trong những bệnh lí lành tính thường gặp. Nó thường trông giống như một khối sưng nhỏ giống hạch dưới da của trẻ. Nếu không điều trị, bệnh này có thể làm trẻ đau đớn và khó chịu. Thậm chí, bệnh còn ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của trẻ.
Kén bã đậu là bệnh gì?
Kén bã đậu hay còn gọi là u bã đậu, có thành phần gồm các chất do tuyến mồ hôi của mô dưới da sản xuất. Tình trạng này có thể xuất hiện từ lúc trẻ vừa mới sinh hoặc sau đó. Bạn có thể tìm thấy trẻ có khối sưng bất thường ở nhiều vị trí khác nhau. Đa số gặp ở trên đầu, cổ hoặc bàn tay và chân, nhưng nhiều nhất là quanh mắt.
Kén bã đậu trông giống như một cục hạch nhỏ dưới da. Khi sờ vào, bạn có thể thấy chúng dễ dàng di chuyển. Ngoài ra, khi không có kèm theo nhiễm trùng, bệnh này thường không viêm đỏ hay làm trẻ đau. Kích thước trung bình của kén thường từ 1 đến 2 cm.
Làm thế nào để chẩn đoán kén bã đậu?
Bác sĩ sẽ dựa trên hình dạng và vị trí của kén bã đậu để chẩn đoán bệnh cho trẻ. Một số trường hợp, trẻ có thể cần làm thêm siêu âm tại vị trí xuất hiện phần mô bất thường của cơ thể. Điều này giúp đánh giá chính xác khi Bác sĩ nghi ngờ liệu khối sưng trên da là một kén bã đậu đơn giản hay một tổn thương sâu hơn hoặc phức tạp hơn.
Xét nghiệm máu thường không cần thiết. Nếu có là khi trẻ kèm theo tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng.
Các kén bã đậu trên da đầu có thể xâm lấn qua xương sọ. Do đó, Bác sĩ có thể đề nghị chụp CT hoặc MRI cho trẻ để kiểm tra điều này.
Trẻ cần điều trị như thế nào?
1. Thuốc
Điều trị bằng thuốc sẽ không làm cho bất kỳ tổn thương da nào biến mất. Nếu kén bã đậu bị nhiễm trùng, liệu pháp kháng sinh trong vài ngày có thể cần thiết cho trẻ. Sau đó, kén có thể được loại bỏ một cách an toàn bằng phẫu thuật.
2. Phẫu thuật
Phương pháp điều trị phổ biến nhất là phẫu thuật cắt bỏ kén bã đậu. Thời điểm điều trị sẽ phụ thuộc vào các triệu chứng, tuổi và tình trạng sức khỏe của con bạn.
Đây là cách để loại bỏ kén bã đậu hiệu quả, ngay cả khi trẻ không có triệu chứng. Bởi vì chúng có xu hướng tăng kích thước sau này và có thể bị nhiễm trùng. Phẫu thuật để lấy kén bã đậu khá đơn giản nếu nó chưa bị nhiễm trùng. Để chuẩn bị cho con bạn trước phẫu thuật, điều quan trọng là phải chăm sóc trẻ khỏe mạnh nhất có thể. Nhờ vậy, sẽ tránh được những rủi ro không mong muốn có thể xảy ra.
Các biến chứng có thể của kén bã đậu ở trẻ là gì?
Tùy thuộc vào vị trí nó có thể gây ra nhiều rắc rối cho con bạn. Nếu kén bã đậu ở gần mắt có thể ảnh hưởng đến thị lực của con bạn. Bởi vì, kích thước của kén có thể tăng thêm theo thời gian nếu không phẫu thuật.
Tuy nhiên, biến chứng này không xảy ra nhiều. Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể tổn thương xương gần đó hoặc nhiễm trùng. Nhiễm trùng được nghi ngờ khi kén viêm đỏ, sưng to hơn kèm đau. Đôi khi trẻ có thể sốt nhẹ và kèm theo mủ chảy ra từ kén. Khi trẻ lớn, đó lại liên quan đến tính thẩm mỹ vì nó có thể khiến cho con bạn cảm thấy xấu hổ.
Nguy cơ chính của việc loại bỏ kén bã đậu là nhiễm trùng hoặc chảy máu tại vết thương trong vòng một vài ngày sau khi phẫu thuật. Tuy nhiên, tỉ lệ này rất thấp và có thể phòng ngừa nếu bạn chăm sóc sạch sẽ vết thương cho trẻ.
Kén bã đậu có thể tái phát nếu nó không được loại bỏ hoàn toàn. Đặc biệt nếu kén đã bị nhiễm trùng hoặc chảy mủ nhiều.
Chăm sóc sau phẫu thuật, bạn cần quan tâm đến điều gì?
1. Chế độ ăn uống
Con bạn vẫn có thể tiếp tục chế độ ăn uống bình thường sau phẫu thuật. Bạn nên khuyến khích trẻ uống nhiều nước, trái cây và rau quả để ngăn ngừa táo bón. Việc bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp vết thương nhanh chóng lành tốt.
2. Hoạt động
Con bạn có thể hạn chế một vài hoạt động hằng ngày sau phẫu thuật vì trẻ cảm thấy đau. Tuy nhiên, tình trạng này thường cải thiện trong 1 đến 2 ngày. Khi đó, trẻ có thể tiếp tục vận động và sinh hoạt bình thường.
3. Chăm sóc vết thương
Vết mổ phẫu thuật nên được giữ sạch và khô trong khoảng 2 đến 3 ngày sau phẫu thuật. Sau khi tắm rửa sạch sẽ, bạn nên rửa vết thương và thay băng mỗi ngày. Bác sĩ phẫu thuật sẽ cung cấp thông tin hướng dẫn cụ thể về chăm sóc vết thương cho con bạn. Bạn cần theo dõi tình trạng sưng, nóng, đỏ, đau hoặc tiết dịch ở vết mổ của trẻ. Khi có những dấu hiệu này, bạn nên đưa trẻ đến gặp Bác sĩ nhé. Hầu hết con bạn có thể được xuất viện về nhà trong ngày.
4. Thuốc
Trẻ có thể được kê toa thuốc giảm đau trong vài ngày. Đôi khi, trẻ cần dùng kháng sinh nếu Bác sĩ nghi ngờ nhiễm trùng tại thời điểm phẫu thuật.
Con bạn nên được tái khám theo lịch hẹn với Bác sĩ phẫu thuật để đảm bảo quá trình lành vết thương diễn ra tốt. Bởi vì kén bã đậu là tổn thương lành tính, không gây hại gì cho trẻ. Vậy nên, trẻ hoàn toàn có thể tăng trưởng và phát triển bình thường sau khi phẫu thuật.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Dermoid Cyst in Childrenhttps://www.stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=dermoid-cyst-in-children-90-P02032
Ngày tham khảo: 04/12/2019