YouMed

Kháng sinh Chloramphenicol: công dụng, cách dùng và lưu ý

Dược sĩ NGUYỄN NGỌC CẨM TIÊN
Tác giả: Dược sĩ Nguyễn Ngọc Cẩm Tiên
Chuyên khoa: Dược

Chloramphenicol là thuốc gì? Thuốc Chloramphenicol được dùng trong những trường hợp nào? Cần lưu ý gì về những tác dụng phụ có thể xảy ra trong quá trình dùng thuốc? Chloramphenicol thuộc nhóm kháng sinh nào? Độ trơn chảy của Chloramphenicol? Hãy cùng YouMed tìm hiểu thật kĩ về kháng sinh Chloramphenicol trong bài viết được phân tích dưới đây nhé!

Thành phần hoạt chất: Chloramphenicol.

Thuốc có thành phần hoạt chất tương tự: Agicloram; Cloramed; Cloraxin; Clornicol; Clorocid; Cloromycetin; Ivis Cloram; Mifanicol.

Kháng sinh Chloramphenicol là gì?

Dạng thuốc và hàm lượng

  • Viên nén và nang 0,25 g cloramphenicol (chloramphenicol 250 mg) hay cloramphenicol palmitat.
  • Lọ 1,0 g cloramphenicol (dạng natri succinat) để pha tiêm.
  • Thuốc nhỏ mắt (5 ml, 10 ml) Chloramphenicol 0,4%, 0,5% cloramphenicol.
  • Tuýp 5 g mỡ tra mắt 1% cloramphenicol.
  • Mỡ hoặc kem bôi ngoài da 1%, 5% cloramphenicol.
Hình ảnh thuốc kháng sinh chloramphenicol 250mg
Hình ảnh thuốc kháng sinh Chloramphenicol 250mg

Cơ chế tác dụng

Chloramphenicol thuốc kháng sinh, ban đầu được phân lập từ Streptomyces venezuelae, nay được sản xuất bằng phương pháp tổng hợp.

Kháng sinh này thường có tác dụng kìm khuẩn, nhưng có thể diệt khuẩn ở nồng độ cao hoặc đối với những vi khuẩn nhạy cảm cao.

Kháng sinh Chloramphenicol hoạt động bằng cách ức chế tổng hợp protein ở những vi khuẩn nhạy cảm bằng cách gắn vào tiểu thể 50S của ribosom.

Ngoài ra, thuốc cũng ức chế tổng hợp protein ở những tế bào tăng sinh nhanh của động vật có vú; tác dụng gây ức chế tủy xương có hồi phục của cloramphenicol có thể là hậu quả của ức chế tổng hợp protein trong ty thể các tế bào tủy xương.

Không những vậy, thuốc có hoạt tính ức chế miễn dịch nếu cho dùng toàn thân trước khi kháng nguyên kích thích cơ thể. Tuy vậy, đáp ứng kháng thể có thể không bị ảnh hưởng đáng kể khi dùng cloramphenicol sau kháng nguyên.

Tác dụng Chloramphenicol

Chỉ dùng kháng sinh Chloramphenicol để điều trị những nhiễm khuẩn nặng do vi khuẩn nhạy cảm, khi những thuốc ít độc hơn không hiệu quả hoặc bị chống chỉ định.

Nhiễm khuẩn do Rickettsia.

Bệnh thương hàn.

  • Hiện nay không còn dùng cloramphenicol trong điều trị bệnh thương hàn do Salmonella typhi (vì chỉ còn dưới 20% trường hợp nhạy cảm).
  • Không dùng cloramphenicol để điều trị trường hợp mang mầm bệnh thương hàn.

Nhiễm khuẩn do Haemophilus.

  • Không nên dùng cloramphenicol làm thuốc chọn lựa đầu tiên để điều trị viêm màng não và những nhiễm khuẩn khác do H. influenzae, khi có thể dùng các kháng sinh khác có tác dụng, có khả năng khuếch tán vào dịch não tủy và ít độc hơn cloramphenicol (một số cephalosporin thế hệ 3).

Chloramphenicol được dùng tại chỗ kết hợp với corticosteroid để điều trị nhiễm khuẩn bề mặt ở mắt hoặc nhiễm khuẩn tai do những vi khuẩn nhạy cảm gây ra, dù thực tế là phần lớn những trường hợp này thường nhẹ và tự thuyên giảm. Đặc biệt, thuốc nhỏ tai Chloramphenicol được dùng tại chỗ kết hợp với corticosteroid trong một số trường hợp nhiễm khuẩn mắt.

Đối tượng không dùng thuốc Chloramphenicol

  • Chống chỉ định cloramphenicol đối với người bệnh đã từng bị quá mẫn và/hoặc phản ứng độc hại do thuốc.
  • Không dùng thuốc trên đối tượng là phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú.
  • Rối loạn chuyển hóa porphyrin cấp.
  • Lưu ý, không được dùng chloramphenicol để điều trị những nhiễm khuẩn thông thường hoặc trong những trường hợp không được chỉ định, như cảm lạnh, cúm, nhiễm khuẩn họng; hoặc làm thuốc dự phòng nhiễm khuẩn.

Cách dùng thuốc Chloramphenicol hiệu quả

Dùng toàn thân

1. Đường uống

  • Trẻ em uống 50 mg/kg thể trọng/ngày, chia thành 4 liều nhỏ.
  • Đối tượng là người lớn uống 1 – 2 g/ngày, chia làm 4 lần.

Lưu ý: Do hiệu lực của cloramphenicol giảm nhiều và do nguy cơ độc máu cao nên hạn chế dùng dạng thuốc theo đường uống.

2. Dùng theo đường tiêm

  • Liều tiêm tĩnh mạch cloramphenicol thường dùng đối với người lớn và trẻ em có chức năng thận và gan bình thường là 50 mg/kg mỗi ngày, chia thành những liều bằng nhau, cứ 6 giờ tiêm một lần.
  • Trường hợp nhiễm khuẩn do vi khuẩn có mức độ kháng thuốc trung bình, ban đầu dùng liều 75 mg/kg/ngày, rồi giảm liều xuống 50 mg/kg/ngày trong thời gian sớm nhất có thể được.
  • Trong trường hợp không có thuốc khác thay thế, có thể dùng thuốc cho trẻ sơ sinh đủ tháng và thiếu tháng <2 tuần tuổi với liều 25 mg/kg/ngày chia làm 4 lần.
  • Nếu trẻ đủ tháng >2 tuần tuổi có thể dùng 50 mg/kg/ngày, chia làm 4 lần. Cần theo dõi nồng độ thuốc trong huyết tương để tránh ngộ độc.
Hình ảnh thuốc nhỏ mắt cloramphenicol
Hình ảnh thuốc nhỏ mắt Cloramphenicol

Dùng tại chỗ

Nhiễm khuẩn mắt

Chloramphenicol succinat được dùng tại chỗ ở mắt dưới dạng:

  • Dung dịch thuốc nhỏ mắt Chloramphenicol 0,16%, 0,25%,
  • Thuốc nhỏ mắt Chloramphenicol 0.5
  • Thuốc mỡ 1%.

Để điều trị nhiễm khuẩn bề mặt ở mắt, nhỏ 1 hoặc 2 giọt dung dịch tra mắt cloramphenicol, hoặc cho một lượng nhỏ thuốc mỡ tra mắt vào túi kết mạc dưới.

  • Cứ 3 – 6 giờ một lần, hoặc thường xuyên hơn nếu cần.
  • Sau 48 giờ đầu (2 ngày đầu tiên), có thể tăng khoảng cách giữa các lần dùng thuốc.
  • Cần tiếp tục điều trị ít nhất 48 giờ sau khi mắt có vẻ bình thường.

Điều trị tình trạng nhiễm khuẩn tai

Chloramphenicol thuốc biệt dược được dùng trong điều trị viêm tai ngoài do vi khuẩn, dưới dạng dung dịch nhỏ tai 5% hoặc 10%.

Tác dụng phụ của Cloramphenicol

Những tác dụng không mong muốn của cloramphenicol có thể rất nghiêm trọng, do đó phải tránh việc điều trị kéo dài hoặc nhắc lại, trong đó biểu hiện những triệu chứng như:

  • Ngoại ban.
  • Buồn nôn, nôn, tiêu chảy.
  • Giảm bạch cầu hạt, giảm tiểu cầuthiếu máu với giảm hồng cầu lưới, tất cả có thể phục hồi.
  • Nổi mày đay.
  • Phản ứng quá mẫn.
  • Nhức đầu (hiếm gặp).
  • Mất bạch cầu hạt, giảm toàn thể huyết cầu, thiếu máu không tái tạo (với tỷ lệ 1/10 000 – 1/40 000).
  • Viêm dây thần kinh thị giác, viêm đa thần kinh ngoại biên, liệt cơ mắt, lú lẫn (hiếm gặp).
  • Hội chứng xám Chloramphenicol ở trẻ sơ sinh, và trẻ nhỏ dưới 2 tuần tuổi (đặc biệt nguy cơ ở liều cao) (hiếm gặp).

Giá thuốc Cloramphenicol

Cloramphenicol 0,4% có giá khoảng 3.100 VNĐ/hộp 01 lọ x 8 ml.

Thuốc Cloramphenicol 250 mg dạng viên nén có giá 65.000 VNĐ/hộp 10 vỉ x 10 viên.

Tương tác xảy ra khi dùng thuốc Cloramphenicol

Cloramphenicol có thể tác động tới chuyển hóa của các thuốc:

Những lưu ý khi dùng thuốc Chloramphenicol

Những phản ứng nghiêm trọng, đôi khi gây tử vong, ở người bệnh dùng chloramphenicol đã được thông báo. Cần phải điều trị người bệnh dùng thuốc tại bệnh viện để có thể thực hiện những xét nghiệm thích hợp và khám nghiệm lâm sàng.

Một trong những phản ứng bất lợi nghiêm trọng nhất của chloramphenicol là ức chế tủy xương. Mặc dù hiếm, thiếu máu không tái tạo, thiếu máu giảm sản, giảm tiểu cầu, và giảm bạch cầu hạt đã xảy ra cả trong hoặc sau khi điều trị ngắn hoặc kéo dài cloramphenicol.

Ngoài ra, cần lưu ý đến hội chứng xám:

Hội chứng này có thể xảy ra khi dùng cloramphenicol trên trẻ sơ sinh thiếu tháng và trẻ sơ sinh, phần lớn các trường hợp gặp khi dùng thuốc ngay trong vòng 48 giờ đầu đời của trẻ. Hội chứng xám cũng có thể xảy ra ở trẻ đến 2 tuổi và ở những trẻ sinh ra bởi các bà mẹ đã sử dụng cloramphenicol trong giai đoạn cuối của thai kỳ hoặc khi chuyển dạ. Các triệu chứng của hội chứng này thường xuất hiện 2 – 9 ngày sau khi bắt đầu điều trị chloramphenicol với các biểu hiện:

  • Bỏ ăn.
  • Trướng bụng, có hoặc không có nôn.
  • Trụy mạch có thể kèm theo rối loạn hô hấp, tử vong có thể xảy ra trong vòng vài giờ.

Không những vậy, thuốc có thể gây viêm dây thần kinh thị giác, hiếm khi dẫn đến mù mắt. Nếu xảy ra viêm dây thần kinh thị giác hoặc viêm dây thần kinh ngoại vi, nên dừng ngay lập tức cloramphenicol. Phải dùng thận trọng cloramphenicol cho người bệnh suy giảm chức năng thận và/hoặc gan và giảm liều lượng theo tỷ lệ tương ứng.

Các đối tượng sử dụng đặc biệt

Phụ nữ mang thai

Vẫn chưa xác định được sự an toàn của liệu pháp cloramphenicol đối với người mang thai.

Thuốc dễ dàng đi qua nhau thai, và nồng độ trong huyết tương thai nhi có thể bằng 30 – 80% nồng độ huyết tương đồng thời của mẹ.

Lưu ý, không sử dụng chloramphenicol cho phụ nữ có thai. Trường hợp dùng chloramphenicol cho phụ nữ mang thai gần đến kỳ sinh nở hoặc trong khi chuyển dạ có thể gây hội chứng xám ở trẻ sơ sinh.

Thời kỳ cho con bú

Cloramphenicol được phân bố vào trong sữa. Do đó, không sử dụng cho phụ nữ đang cho con bú vì có thể gây suy tủy xương ở trẻ. Nồng độ thuốc trong sữa mẹ thường không đủ để gây hội chứng xám cho con.

Xử trí khi quá liều thuốc Chloramphenicol

Những triệu chứng quá liều Chloramphenicol bao gồm:

Hạ huyết áp là một trong những triệu chứng quá liều Chloramphenicol
Hạ huyết áp là một trong những triệu chứng quá liều Chloramphenicol

Do đó, cần tập trung điều trị triệu chứng sau khi rửa dạ dày.

Xử trí khi quên một liều thuốc Chloramphenicol

  • Dùng ngay sau khi nhớ ra đã quên liều.
  • Nếu liều đã quên kề với liều kế tiếp. Bỏ qua liều đã quên và dùng theo đúng lịch trình dùng thuốc.
  • Không dùng gấp đôi liều với mục đích bù vào liều đã quên.

Cách bảo quản

  • Để thuốc Chloramphenicol tránh xa tầm tay của trẻ em và thú cưng trong nhà.
  • Bảo quản bột cloramphenicol natri succinat vô khuẩn để tiêm ở nhiệt độ 15 – 25 °C.
  • Sau khi pha với nước vô khuẩn để tiêm, thuốc tiêm cloramphenicol natri succinat ổn định trong 30 ngày ở 15 – 25 oC.
  • Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo thoáng mát. Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng hoặc để thuốc ở những nơi ẩm ướt.

Bên trên là những thông tin sử dụng thuốc  Chloramphenicol. Hãy gọi ngay cho bác sĩ nếu xuất hiện bất kỳ một triệu chứng nào bất thường để có thể được xử trí và hỗ trợ kịp thời nhé.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Dược thư Quốc gia 2018https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/03/Duoc-thu-quoc-gia-2018.pdf#page=431

    Ngày tham khảo: 24/05/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người