YouMed

Nổi mụn âm đạo: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

BS Hoàng Trung Hiếu
Tác giả: Bác sĩ Hoàng Trung Hiếu
Chuyên khoa: Da liễu

Hiện nay, nổi mụn âm đạo hay vùng sinh dục khá phổ biến ở nữ giới. Thông thường chúng chỉ là tình trạng nhẹ có thể tự thuyên giảm, tuy nhiên có trường hợp cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Do đó, việc hiểu rõ về nguyên nhân gây nên, triệu chứng biểu hiện và các phương pháp điều trị cho nổi mụn ở âm đạo ở người nữ rất quan trọng. Bạn hãy cùng Bác sĩ Hoàng Trung Hiếu tìm hiểu về vấn đề này nhé.

Mụn ở âm đạo là bệnh gì?

Nổi mụn xung quanh bộ phận sinh dục ở người nữ là một tình trạng phổ biến do nhiều nguyên nhân gây ra. Bạn có thể ngạc nhiên khi thấy nổi mụn ở vùng sinh dục, nhưng đa phần chúng không phải là vấn đề nguy hiểm. Bởi vì mụn có thể hình thành ở bất cứ nơi nào có các nang lông, cũng có nghĩa là chúng có thể phát triển ở bất cứ đâu trên da bạn, kể cả vùng sinh dục. Nổi mụn ở vùng âm đạo (còn gọi là nổi mụn ở vùng kín người nữ) có biểu hiện tương tự như mụn nhọt xuất hiện ở vùng da khác trên cơ thể.1

Chúng có thể gây đau đớn hoặc không, nóng rát, có màu đỏ hay màu da, bên trong mụn chứa dịch mủ, mọc thành từng đám hoặc đơn lẻ, nhiều kích thước đa dạng, đôi khi kèm ngứa ngáy khó chịu cho bạn. Tuy nhiên, không phải tất cả các nốt mụn, cục nổi ở vùng sinh dục đều là mụn nhọt bình thường, vì có thể là do các tình trạng khác như nhiễm trùng,… Do đó bạn cần phải nắm được một số kiến thức cơ bản về mụn âm đạo.1

Nổi mụn nhọt ở vùng sinh dục nữ có nhiều nguyên nhân gây ra
Nổi mụn nhọt ở vùng sinh dục nữ có nhiều nguyên nhân gây ra

Nguyên nhân và biểu hiện mụn ở âm đạo

Trước hết, mụn cơ bản được hình thành khi có lỗ chân lông bị tắc nghẽn do sự thay đổi của nội tiết tố trong người bạn hay do nhiều yếu tố khác như bất thường sừng hóa nang lông, da bạn tiết dầu và bã nhờn quá nhiều,…

Tương tự như vậy, mụn âm đạo được hình thành khi các chất bụi bẩn, mồ hôi hay vi khuẩn tích tụ bên trong lỗ chân lông, từ đó gây ra hiện tượng viêm. Một vài nguy cơ gây nên tình trạng này như là vệ sinh cá nhân kém, chẳng hạn như không vệ sinh đồ lót sạch sẽ, thường xuyên mặc lại đồ lót cũ, hay do viêm da kích ứng từ chất bôi trơn hay chất dịch cơ thể khác tiếp xúc với vùng sinh dục.2

Mụn nhọt ở âm đạo thực sự cũng giống như mụn ở bất kỳ nơi nào khác trên cơ thể. Chúng thường là những nốt mụn nhỏ kèm nền viêm đỏ, đôi khi trong lòng chứa dịch mủ, mềm khi sờ chạm, có thể sưng lên và gây cảm giác đau cho bạn.2 3

Một mụn nhọt chứa đầy mủ ở vùng sinh dục người nữ
Một mụn nhọt chứa đầy mủ ở vùng sinh dục người nữ

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên các triệu chứng tương tự như nổi mụn ở âm đạo, trong đó một số nguyên nhân phổ biến nhất là:

1. Viêm da tiếp xúc

Viêm da tiếp xúc là tình trạng mà khi da của bạn phản ứng với một chất gì đó lạ chạm vào, gây viêm da tại chỗ. Có thể chia thành 2 thể chính là viêm da tiếp xúc thể kích ứng xảy ra khi da của bạn tiếp xúc với một tác nhân hóa học như acid, kiềm, cồn mạnh, chất tẩy rửa mạnh gây tổn thương da bạn trực tiếp. Còn viêm da tiếp xúc thể dị ứng có thể khởi phát khi chất tiếp xúc đó là chất mà bạn bị dị ứng, chẳng hạn như kim loại, niken, nước hoa,… Biểu hiện tương tự như nổi mụn ở vùng kín, kèm ngứa rát tại thương tổn, đôi khi đi kèm khô da, chảy dịch mủ.

Thông thường các chất có thể gây kích ứng hay dị ứng phổ biến góp phần gây ra mụn nhọt ở âm đạo bao gồm:3

  • Các sản phẩm vệ sinh phụ nữ, chẳng hạn như kem dưỡng da, thuốc bột, chất khử mùi, xà phòng thơm và sữa tắm.
  • Chất tẩy giặt quần áo.
  • Chất bôi trơn, thuốc diệt tinh trùng hoặc bao cao su.
  • Thuốc bôi hay đặt âm đạo.
  • Mồ hôi.
  • Băng vệ sinh hoặc tampon, đặc biệt là các hóa chất gây mùi trên sản phẩm.
  • Tinh dịch.
  • Nước tiểu.
  • Dụng cụ hay chất thụt rửa âm đạo.
  • Dịch âm đạo.

2. Viêm nang lông

Một nguyên nhân rất phổ biến khác khiến nổi mụn ở vùng âm đạo là viêm nang lông, nghĩa là các nang lông bị nhiễm trùng và viêm nhiễm. Về cấu tạo thì nang lông là một khoảng da nhỏ từ đó lông sẽ mọc ra, khắp vùng da trên cơ thể bạn. Biểu hiện có thể là bỏng rát da, hình thành mụn rộp, mụn nhọt và gây khó chịu hoặc ngứa ngáy cho bạn.

Nguyên nhân gây viêm nang lông

Viêm nang lông có thể là do:1 3

  • Cạo lông mu không đúng cách.
  • Lông mu mọc ngược: là tình trạng lông cuộn dưới da, thay vì lông sẽ mọc ra ngoài thì trường hợp này chúng sẽ đâm vào trong da, từ đó có thể gây nên hiện tượng viêm, đau nhức và hình thành những vết sưng đỏ.
  • Mặc quần áo chật, bó sát da quá mức.
  • Các nang lông bị tắc nghẽn hay bị kích ứng bởi mồ hôi hoặc các sản phẩm bạn đang dùng.
  • Sử dụng bồn tắm nước nóng hoặc hồ bơi không đảm bảo vệ sinh.
  • Bạn bị rách da, hay có vết thương trên da có thể do cạo râu, cạo lông, từ đó dẫn đến nhiễm trùng da, các vi khuẩn này lây lan sang các nang lông lân cận gây nên viêm nang lông.

Nguyên nhân phổ biến gây viêm nang lông

Trong các nguyên nhân trên, thì lông mu mọc ngược khá phổ biến và gây nhiều phiền toái nhất định. Đa số là do bạn cạo hay tẩy lông, nhổ lông mu không đúng cách.2

Trên thực tế, một nghiên cứu đã báo cáo rằng có tới 32% phụ nữ từng cạo lông mu ghi nhận có hiện tượng lông mọc ngược vào thời điểm nào đó.4

Lông mọc ngược phát triển khi nang lông cong xuống hướng vào bề mặt da, khiến cho đầu lông cuộn xoắn vào trong da. Điều này dẫn đến cơ thể bạn phải ứng lại với “chất lạ” là cọng lông mọc ngược, gây nên các nốt mụn viêm, nốt ngứa và mụn mủ, lâu ngày dẫn đến đến tăng sắc tố da (hay sạm da).

Khi gặp vấn đề lông mọc ngược, điều đầu tiên bạn nên làm là ngừng cạo chúng. Thông thường thì tình trạng kích ứng sẽ giảm trong vài ngày, tuy nhiên đôi khi các phản ứng kích ứng không thuyên giảm mà còn nặng nề lên, bạn có thể đến khám các bác sĩ phụ khoa hay bác sĩ da liễu. Họ có thể kê cho bạn thuốc thoa tại chỗ hay thuốc uống chứa các hoạt chất ức chế hay làm giảm hiện tượng viêm, giảm đau, và ngăn ngừa nhiễm trùng.2

Trong một vài trường hợp lông mọc ngược thường xuyên, nếu không được điều trị, chúng sẽ trở nên mạn tính và phát triển thành viêm nang lông dai dẳng, nói chung là khó điều trị hoàn toàn.5

Lông mọc ngược (Ingrown hair) vùng mu khá phổ biến, và gây nhiều phiền toái cho giới nữ…
Lông mọc ngược (Ingrown hair) vùng mu khá phổ biến, và gây nhiều phiền toái cho giới nữ…

3. U nang âm hộ, âm đạo2

U nang là cấu trúc dạng túi bên trong lòng chứa chất lỏng có thể là nước hay dịch, phát triển ở bất kỳ nơi nào trên cơ thể. Trong đa số các trường hợp, u nang là lành tính, không gây nguy hiểm gì về sức khỏe, nhưng đôi khi chúng cũng có thể là ung thư hoặc ở trạng thái tiền ung thư. Khi đó, bạn nên đến khám các bác sĩ.

U nang tuyến Bartholin

Về cấu tạo thì tuyến Bartholin, một tuyến ở vùng sinh dục người nữ có trách nhiệm bôi trơn cho các hoạt động tình dục. Khi tuyến này bị tắc nghẽn, thường do chấn thương hay nhiễm vi khuẩn E.coli, chúng có thể hình thành những u nang. Tuy nhiên đây là những khối nang lành tính, không phải ung thư, ước tính có khoảng 2% phụ nữ phát triển nang tuyến Bartholin ít nhất một lần trong đời, và phổ biến nhất ở phụ nữ độ tuổi 20. Vì chúng phát triển rất chậm và thường không có triệu chứng gì, bạn có thể không nhận thấy mình có u nang tuyến Bartholin cho đến khi vài năm trôi qua. Một số nhỏ phụ nữ cho biết họ cảm thấy hơi khó chịu hay cảm giác bất tiện khi đi tiểu.

Mụn thịt (Milia)

Mụn thịt là những u nang nhỏ, vô hại, chứa chất sừng (keratin) có nguồn gốc từ cấu trúc biểu mô nang lông, ống dẫn mồ hôi hay ống tuyến bã. Nếu nhìn thoáng qua bạn sẽ thấy chúng khá giống với mụn trứng cá đầu trắng, chúng có xu hướng tự lành, không cần điều trị gì cụ thể.

U nang bì (epidermoid cyst)

Là những u nang cứng, thường không đau, tiến triển chậm, còn được gọi là u nang bã nhờn hoăc nang sừng, ít gặp hơn các loại u nang khác.

4. U mềm lây1 6

U mềm lây là một bệnh nhiễm trùng do một loại vi rút thuộc nhóm Poxvirus gây nên, biểu hiện là các u mềm, thường nhỏ, nhô cao lên so với bề mặt da, thường có màu trắng hay màu da, nhìn chung thì có vẻ giống như ngọc trai nhưng có lõm ở trung tâm. U mềm lây có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, kể cả vùng âm đạo.

Thông thường u mềm lây có thể tự khỏi trong vòng 6-12 tháng, nhưng có thể mất đến 4 năm để chủng vi rút này biến khỏi người bạn. Không phải lúc nào chúng cũng cần được điều trị nhưng hiện tại có 2 phương pháp chính để chữa tình trạng này là thuốc thoa hoặc thuốc uống, và nếu cần, các bác sĩ cũng có thể loại bỏ các u mềm bằng dụng cụ chuyên dụng.

Đặc trưng của u mềm lây là những sẩn mụn nhỏ, hình tròn, hay bầu dục, thường gồ lên bề mặt da, trung tâm có lõm trắng, rất dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác
Đặc trưng của u mềm lây là những sẩn mụn nhỏ, hình tròn, hay bầu dục, thường gồ lên bề mặt da, trung tâm có lõm trắng, rất dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác

5. Mụn cóc sinh dục

Một loại vi rút gây bệnh u nhú ở người thường gặp là virus HPV, chúng có trên 100 chủng khác nhau, hầu hết là vô hại với con người. Tuy nhiên có nhiều chủng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn, chẳng hạn như gây ung thư cổ tử cung ở nữ hoặc mụn cóc sinh dục (hay còn gọi là sùi mào gà ở nữ giới),…2 7

Vi rút HPV chúng số 6 và 11 được xếp vào nhóm nguy cơ thấp gây ung thư cổ tử cung, tuy nhiên chúng lại là nguyên nhân của khoảng 85-95% mụn cóc sinh dục.

Biểu hiện khá đa dạng, thay đổi nhiều về hình thức lâm sàng. Chúng có thể nổi gồ lên bề mặt da hay bằng phẳng, mịn hay u nhú sần sùi, màu sắc đa dạng từ màu da hay nhạt màu hơn, màu tím sẫm hay màu nâu. Có thể chỉ có một vài mụn cóc nổi lên, nhưng nếu để lâu chúng có thể tự lây lan thành nhiều cụm mụn cóc. Đa phần chúng không gây triệu chứng gì đặc biệt, tuy nhiên nhiều người than phiền rằng có thể ngứa ngáy hoặc chảy máu, gây rất nhiều phiền toái.2

6. Bệnh Herpes sinh dục (mụn rộp sinh dục)

Bệnh mụn rộp sinh dục do một chủng vi rút gọi là Herpes simplex (HSV)hay còn được gọi là Herpes sinh dục, đa phần là chủng HSV số 1 và số 2.2

Hiện nay nữ giới nhiễm HSV đang ngày càng gia tăng trên toàn thế giới. Khi nhiễm bệnh, chúng sẽ gây các mụn rộp có thể tái đi tái lại và đôi khi không có triệu chứng gì.9

Ở người phụ nữ, phát ban da mụn rộp có thể gặp ở âm hộ, bên ngoài cơ quan sinh dục ngoài, hay bên trong âm đạo hay cả cổ tử cung. Mụn rộp vỡ ra thành các vết trợt, loét nhỏ, bề mặt rỉ dịch và được bao quanh bởi vùng da viêm đỏ. Chúng có thể gây đau đớn, khó chịu hay ngứa ngáy, đặc biệt là gây nóng buốt khi bạn đi tiểu.2

Biểu hiện của mụn rộp sinh dục là nhiều mụn nước, mụn mủ được bao quanh bởi nền da viêm đỏ, sau đó tiến triển thành những vết trợt hay loét nông gây đau nhức
Biểu hiện của mụn rộp sinh dục là nhiều mụn nước, mụn mủ được bao quanh bởi nền da viêm đỏ, sau đó tiến triển thành những vết trợt hay loét nông gây đau nhức

Cả u mềm lây, mụn cóc sinh dục hay mụn rộp sinh dục đều thuộc bệnh lý lây truyền qua đường tình dục, do tiếp xúc tình dục giữa người với người (cũng tương tự như các bệnh lý viêm gan B, viêm gan C, HIV/AIDS,…).2

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn không rõ nguyên nhân gây ra mụn vùng âm đạo, hay chúng tồn tại dai dẳng hoặc trở nên trầm trọng hơn. Các mụn nhọt gây đau đớn, mọc thành cụm lớn, chứa đầy mủ khiến bạn khó chịu, thì hãy đi khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị đúng cách.

Hầu hết các trường hợp nổi mụn ở âm đạo, vùng sinh dục nữ sẽ tự hết hay tự lành khi bạn áp dụng các biện pháp căn bản tại nhà. Thay đổi lối sống và giữ thói quen vệ sinh cá nhân sạch sẽ có thể giúp ngăn ngừa các đợt bùng phát bệnh trong tương lai. Nếu không chắc chắn hay khi bạn còn bất cứ điều gì lo lắng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, đừng ngần ngại đến tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để được họ tham vấn về tiên lượng và các phương pháp điều trị hiện có cho từng trường hợp cụ thể.1

Có những mụn nhọt lớn, chứa đầy mủ và có thể là máu, có nguy cơ gây nhiễm trùng diện rộng nếu không được xử trí đúng cách
Có những mụn nhọt lớn, chứa đầy mủ và có thể là máu, có nguy cơ gây nhiễm trùng diện rộng nếu không được xử trí đúng cách

Chẩn đoán tình trạng mụn âm đạo

Để chẩn đoán mụn âm đạo, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu kiểm tra các nốt mụn. Họ có thể chẩn đoán dựa trên ngoại hình của chúng. Bạn cũng nên cung cấp cho bác sĩ những thông tin sau để việc chẩn đoán được chính xác hơn:2

  • Thời điểm xuất hiện mụn?
  • Mụn có dịch hay không?
  • Mụn có đau hay ngứa không?
  • Thời điểm quan hệ (nếu có).

Hầu hết các chẩn đoán có thể được thực hiện dựa trên bệnh sử và khám sức khỏe. Tuy nhiên, tùy thuộc vào nguyên nhân có thể xảy ra, bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm bổ sung.

Điều trị tình trạng nổi mụn âm đạo

Điều trị tại nhà

Đa phần nổi mụn vùng âm đạo sẽ tự hết mà không cần điều trị gì. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, bạn cần thực hiện các biện pháp sau:1

1. Xác định chính xác nguyên nhân gây mụn âm đạo

Xác định đúng nguyên nhân gây bệnh là quan trọng nhất. Bạn nên lưu ý về sự xuất hiện của mụn ở âm đạo với bất kỳ sản phẩm nào đang sử dụng, các hoạt động gần đây cũng như các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến vùng sinh dục, bao gồm cả việc cạo lông mu và sử dụng bồn tắm nước nóng, sử dụng xà phòng thơm hay sữa tắm,…

2. Ngưng sử dụng các sản phẩm nghi ngờ là nguyên nhân gây mụn

Khi bạn thấy vùng âm đạo của mình nổi mụn, bạn nên tránh tiếp xúc với tất cả các sản phẩm có khả năng là nguyên nhân hay có thể làm nặng thêm, như là dung dịch vệ sinh, chất tẩy rửa, trong một khoảng thời gian. Khi các triệu chứng bắt đầu thuyên giảm, hãy từ từ sử dụng lại các sản phẩm này, từng sản phẩm một và cẩn trọng khi chúng gây các phản ứng phụ nào.

3. Loại bỏ chất gây kích ứng

Khi bạn đã xác định được nguyên nhân gây kích ứng da nổi mụn hay nhiễm trùng da, hãy ngừng sử dụng sản phẩm đó hay ngừng hoạt động đó. Ví dụ, nếu do cạo lông gây nên mụn âm đạo, bạn có thể giảm kích ứng bằng cách sử dụng một lưỡi dao cạo mới và cạo theo hướng lông mọc tự nhiên. Đừng cạo lông khi bề mặt da khô, không làm ướt vì làm tăng nguy cơ kích ứng và gây nhiều khó chịu cho bạn.

4. Đảm bảo nguồn nước sử dụng sạch

Nếu bạn tắm bằng bồn tắm nước nóng, hãy đảm bảo rằng chúng luôn trong tình trạng sạch sẽ, bạn chỉ nên tắm trong các bồn hay hồ nước đã được xử lý đúng cách. Ngoài ra, bạn cũng nên tránh các loại dầu trên da vùng sinh dục vì chúng có thể gây bít tắc và hình thành tình trạng viêm nang lông, kèm sinh sôi nảy nở các loại vi khuẩn có hại.

5. Giữ vệ sinh cá nhân tốt

Bạn lưu ý rằng vùng kín là nơi da nhạy cảm nhất, luôn ấm và ẩm, là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn và các vi sinh vật khác sinh sôi, trú ngụ.

Vùng sinh dục nữ rất nhạy cảm, bạn chỉ nên rửa khu vực này hàng ngày bằng nước ấm, sạch với xà phòng nhẹ, không chứa mùi hương hay chất tẩy rửa mạnh. Vì khi sử dụng bên trong âm đạo, chúng có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng da, có thể dẫn đến nhiễm trùng.

Trong thời kỳ kinh nguyệt, bạn nên thường xuyên thay băng vệ sinh hoặc khăn vệ sinh. Vì đây là những lúc dễ tạo điều kiện cho các vi khuẩn có hại phát triển.

6. Chọn đồ lót thông thoáng

Bạn nên chọn đồ lót bằng cotton và tránh các loại vải giữ nhiệt, đồ ẩm không thoáng khí, không thấm hút khí. Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát và thoải mái để da có thể “thở” tự nhiên và luôn thay quần áo sau khi tập luyện và chảy nhiều mồ hôi.

7. Tránh nặn mụn ở âm đạo

Nặn hay bóp mụn ở âm đạo có thể gây đau và kích ứng thêm. Nguy cơ lây lan vi khuẩn và gây nhiễm trùng tăng lên, các mụn này từ đó phát triển thêm về số lượng và mức độ nghiêm trọng. Do đó bạn nên chờ cho mụn vỡ tự nhiên hoặc nhờ giúp đỡ bởi các điều trị y tế.

8. Liệu pháp nhiệt để giảm triệu chứng

Khi bạn gặp vấn đề về ngứa ngáy và đau rát, hãy thử giải quyết bằng việc ngâm một chiếc khăn nhỏ trong nước ấm, sau đó vắt ráo nước rồi đắp lên da vùng kín. Điều này có thể được lặp lại vài lần mỗi ngày để giảm triệu chứng. Một chú ý quan trọng là bạn luôn cần lau khô khu vực này trước khi mặc quần áo để hạn chế tối đa nguy cơ phát triển nảy nở của vi khuẩn.

Đây chỉ là cách tạm thời để giảm triệu chứng. Quan trọng nhất là bạn vẫn cần đi khám để được bác sĩ chỉ định hướng điều trị đúng cách.

Điều trị bằng thuốc đặc hiệu1

Khi cần, các bác sĩ sẽ kê cho bạn các loại thuốc điều trị mụn nhọt ở âm đạo. Nếu nguyên nhân gây bệnh gốc của bạn là viêm da tiếp xúc, tùy mức độ nặng nhẹ khác nhau, bạn có thể cần thuốc bôi chứa kháng sinh (Axit fusidic) hay kháng viêm chứa corticoid (chẳng hạn betamethasone thoa), đôi khi là thuốc uống kháng sinh (như Augmentin), hay thuốc kháng Histamin (như Loratadin/cetirizine).

Nếu nguyên nhân là u mềm lây, thì bạn có thể chờ đợi để chúng tự biến mất, nhưng nhiều trường hợp bạn cần đến bác sĩ da liễu để kê đơn thuốc thoa, thuốc uống và loại bỏ các u mềm bằng dụng cụ thích hợp.

Cách phòng ngừa nổi mụn ở âm đạo

Việc nổi mụn ở âm đạo người nữ là phổ biến, tuy nhiên có khá nhiều cách đơn giản để giúp ngăn ngừa tình trạng này, một số phương pháp dễ áp dụng bao gồm:1

  • Tránh hoặc giảm tiếp xúc tối đa với các chất gây kích ứng và dị ứng da.
  • Nếu đang gặp bất kỳ vấn đề y tế nào gây nên nổi mụn nhọt âm đạo, hãy điều trị và kiểm soát chúng.
  • Lựa chọn đồ lót bằng chất liệu cotton thoáng mát, co giãn tốt, thấm hút mồ hôi, mặc quần áo rộng rãi, tránh bó sát.
  • Thực hành giữ vệ sinh cá nhân tốt
  • Không chạm hoặc nặn mụn hiện có ở vùng này.
Giữ vệ sinh các nhân tốt là một biện pháp ngăn ngừa và điều trị nổi mụn vùng sinh dục nữ hiệu quả.
Giữ vệ sinh các nhân tốt là một biện pháp ngăn ngừa và điều trị nổi mụn vùng sinh dục nữ
hiệu quả.

Nổi mụn âm đạo là thường gặp và đôi khi gây nhiều phiền toái cho các bạn nữ. Hầu hết chúng thường lành tính, tự hết mà không cần chữa trị gì. Nhưng cũng có nhiều trường hợp chúng cần được điều trị thích hợp bởi các bác sĩ da liễu có kinh nghiệm. Do đó việc bạn cần làm khi gặp vấn đề này là cố gắng tìm ra nguyên nhân gây nên, và đến khám các bác sĩ nếu thấy cần thiết.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. How do you get rid of vaginal pimples?https://www.medicalnewstoday.com/articles/317810

    Ngày tham khảo: 17/10/2022

  2. An Overview of Vaginal Bumpshttps://www.verywellhealth.com/vaginal-pimples-overview-4685090

    Ngày tham khảo: 17/10/2022

  3. Pimple on Vaginahttps://www.ajog.org/article/S0002-9378(14)00065-9/fulltext

    Ngày tham khảo: 17/10/2022

  4. Complications related to pubic hair removalhttps://www.ajog.org/article/S0002-9378(14)00065-9/fulltext

    Ngày tham khảo: 17/10/2022

  5. Special types of folliculitis which should be differentiated from acnehttps://www.tandfonline.com/doi/full/10.1080/19381980.2017.1356519?cookieSet=1

    Ngày tham khảo: 17/10/2022

  6. Why Do Vaginal Pimples Form?https://www.healthline.com/health/pimple-on-penis

    Ngày tham khảo: 17/10/2022

  7. Genital HPV Infection – Basic Fact Sheethttps://www.cdc.gov/std/hpv/stdfact-hpv.htm

    Ngày tham khảo: 17/10/2022

  8. The quadrivalent HPV vaccine is protective against genital warts: a meta-analysishttps://bmcpublichealth.biomedcentral.com/articles/10.1186/s12889-020-08753-y

    Ngày tham khảo: 17/10/2022

  9. Prevalence of Herpes Simplex Virus Type 1 and Type 2 in Persons Aged 14–49https://www.cdc.gov/nchs/products/databriefs/db304.htm

    Ngày tham khảo: 17/10/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người