Ngủ nhiều có tốt không và câu trả lời của các chuyên gia
Nội dung bài viết
Một giấc ngủ đủ và sâu giúp đảm bảo sự phát triển của cơ thể, ổn định các hoạt động của não bộ và duy trì một sức khỏe tốt. Tuy nhiên nếu bạn là người có thói quen sinh hoạt xấu, giấc ngủ thường xuyên không được đảm bảo. Bạn sẽ dễ dàng gặp phải tình trạng thiếu ngủ hoặc mắc bệnh ngủ nhiều. Vậy triệu chứng của bệnh ngủ nhiều như thế nào? Hãy cùng bác sĩ chuyên khoa Nội tổng quát Nguyễn Lâm Giang tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Khái niệm ngủ nhiều
Ở người trưởng thành, thời gian ngủ hợp lý được các chuyên gia đưa ra là khoảng từ 7 đến 9 giờ một ngày. Nếu bạn thường xuyên ngủ trên 10 tiếng nhưng vẫn luôn cảm thấy mệt mỏi… uể oải thì có thể bạn đang gặp phải vấn đề về ngủ nhiều.
Dựa trên nhiều yếu tố, nhu cầu về giấc ngủ của mỗi người là khác nhau. Tuy nhiên, nhu cầu ngủ cũng có thể thay đổi theo tuổi tác hoặc tình trạng sức khỏe cụ thể. Ngoài ra một số trạng thái như tình trạng lão hóa, phụ nữ mang thai, chất lượng giấc ngủ không ổn định cũng góp phần thay đổi nhu cầu này.
Nguyên nhân của ngủ nhiều là gì?
Ngủ quá nhiều là tình trạng ngủ hơn 9 giờ trong một đêm. Nó có thể xảy ra vì nhiều lý do. Một số bệnh lý khiến cơ thể người bệnh cảm thấy mệt mỏi, uể oải và muốn được ngủ với tần suất cao. Trường hợp khác, những người mắc phải chứng rối loạn giấc ngủ cần phải ngủ đủ từ 12 đến 15 tiếng mỗi ngày để có thể đạt được trạng thái tinh thần tốt nhất.
Do ốm yếu
Ngủ là phản ứng tự nhiên khi cơ thể cảm thấy mệt mỏi. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh việc ngủ có thể thúc đẩy quá trình hồi phục của cơ thể một cách nhanh chóng. Không những thế, ngủ cũng giúp tăng cường phản ứng miễn dịch. Chính những điều này đã chứng minh cho hiện tượng khi cơ thể đang bị ốm hoặc cảm, bạn lại muốn ngủ nhiều hơn bình thường.
Trầm cảm
Chứng trầm cảm sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ của mỗi người bệnh một cách khác nhau. Một số người bị trầm cảm sẽ bị khó ngủ, trong khi những người khác bị trầm cảm lại ngủ quá nhiều. Rối loạn giấc ngủ cũng có thể gây ra trầm cảm. Bệnh nhân trầm cảm có thể khó ngủ, dẫn đến giấc ngủ không đảm bảo, do đó họ cần ngủ nhiều hơn.
Chứng ngưng thở khi ngủ
Ngưng thở khi ngủ là chứng bệnh phổ biến ảnh hưởng đến hô hấp trong khi ngủ. Đây là tình trạng không khí không thể lưu thông bình thường vào phổi khi ngủ. Nguyên nhân của tình trạng này thường do mô mềm ở họng (đường hô hấp trên) và lưỡi bị xẹp xuống trong khi ngủ. Đây có thể là một yếu tố chính khiến người bệnh ngủ quá nhiều.
Chứng ngưng thở khi ngủ làm cho nhịp thở của bạn ngưng lại khi đang ngủ, thường trong 10 đến 20 giây. Điều này cực kỳ đáng lo ngại đối với giấc ngủ. Đồng thời nó gây buồn ngủ vào ban ngày và thôi thúc ngủ nhiều hơn.
Chứng ngủ rũ
Chứng ngủ rũ là một chứng rối loạn hiếm gặp. Ngủ rũ gây ra “các cơn buồn ngủ” hoặc bắt đầu đột ngột vào giấc ngủ, mất trương lực cơ và mơ. Những người đang sống với tình trạng này thường cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày. Và thậm chí nó có thể dẫn đến ngủ thiếp đi khi thực hiện các hoạt động hàng ngày,
Điều này được giải thích vì não không thể kiểm soát được chu kỳ thức – ngủ. Nên các chu kỳ ngủ thông thường có thể bị xáo trộn và gây buồn ngủ quá mức. Các chuyên gia cho rằng sự gián đoạn của hypocretin – một loại peptide thần kinh điều chỉnh sự kích thích, tỉnh táo, thèm ăn và tiêu hao năng lượng trong cơ thể là một nguyên nhân gây ra tình trạng này. Ngoài ra các rối loạn tự miễn dịch và di truyền cũng có thể là nguyên nhân.
Triệu chứng của bệnh ngủ nhiều
Ở người trưởng thành, tình trạng ngủ nhiều có biểu hiện khi mỗi ngày họ ngủ trên 10 tiếng, đêm ngủ tốt đầy đủ nhưng ban ngày vẫn buồn ngủ. Nếu không đáp ứng nhu cầu ngủ, họ sẽ rất mệt mỏi và buồn ngủ. Người ngủ nhiều sẽ bị ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của họ. Hơn nữa người bệnh ngủ nhiều thường chậm chạp, lờ đờ, trí nhớ suy giảm.
Ngủ nhiều có tốt không?
Thời gian của giấc ngủ của từng người có sự thay đổi đáng kể trong từng giai đoạn cuộc đời. Nó phụ thuộc vào tuổi tác và mức độ hoạt động. Ngoài ra thói quen và lối sống của từng người cũng là một nguyên nhân. Chẳng hạn, trong thời kỳ căng thẳng hay bệnh tật. Lúc này cơ thể bạn cảm thấy cần ngủ nhiều so với những lúc khỏe mạnh. Mặc dù, nhu cầu ngủ là khác nhau theo thời gian và mỗi người nhưng theo lời khuyên của các chuyên gia thì người trưởng thành nên dành 7-9 tiếng để ngủ ban đêm.
Đối với những người thường xuyên bị chứng ngủ li bì thì đây là một sự rối loạn giấc ngủ. Chứng này khiến cho bệnh nhân lúc nào cũng cảm thấy buồn ngủ trong suốt cả ngày. Nó cũng khiến cho họ ngủ nhiều hơn bình thường vào ban đêm. Những người gặp phải bệnh này thường luôn cảm thấy mệt mỏi, mất năng lượng, trí nhớ suy giảm,…
Ngủ nhiều có thể dẫn đến
- Gia tăng nguy cơ gây ra bệnh đái tháo đường: Điều này được các nhà khoa học chứng minh. Những người ngủ nhiều hơn 9 tiếng mỗi ngày có thể có nguy cơ mắc phải bệnh đái tháo đường cao hơn người ngủ từ 7,8 tiếng mỗi ngày đến hơn 50%.
- Tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch: Thời điểm nghỉ ngơi của cơ thể cũng là thời điểm sự co bóp của cơ tim và sự tuần hoàn máu sẽ giảm xuống. Tình trạng nghỉ ngơi quá lâu cũng dễ ảnh hưởng đến tim mạch.
- Đau đầu, mệt mỏi: Tình trạng này thường rất phổ biến ở những người mắc bệnh ngủ nhiều.
- Tăng nguy cơ béo phì: Khi bạn nạp năng lượng vào cơ thể trong quá trình ăn uống thì các chất dinh dưỡng này sẽ tích tụ thành lượng mỡ thừa trong cơ thể. Nếu không vận động thì lớp mỡ thừa đó ngày một nhiều gây nên tình trạng thừa cân. Việc ngủ ngay sau khi ăn có thể dẫn đến tình trạng.
- Suy giảm tuổi thọ: Có nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh được ngủ nhiều tác động tiêu cực lên tuổi thọ của con người. Tuy nhiên điều này chưa được chứng minh rõ ràng.
Như vậy, việc ngủ quá nhiều có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con người. Việc ngủ nhiều có thể làm giảm trí nhớ đáng kể. Nó cũng làm các phản ứng cả về hành động và giao tiếp đều chậm hơn so với người bình thường.
Khắc phục tình trạng ngủ nhiều như thế nào?
Tình trạng ngủ nhiều diễn ra liên tục và lâu dài. Nó sẽ ảnh hưởng đến các tình trạng bệnh lý khác. Lúc này bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ để được điều trị kịp thời. Thay đổi lối sống và thói quen ngủ có thể cải thiện tình trạng ngủ quá nhiều. Một số cách khắc phục được bác sĩ khuyến cáo như:
- Tập thói quen ngủ và thức dậy đúng giờ mỗi ngày, kể cả ngày nghỉ.
- Không gian ngủ hợp lý, yên tĩnh, mát mẻ, tối.
- Tránh các loại đồ uống ảnh hưởng đến giấc ngủ như cà phê, trà,..
- Tránh sử dụng các thiết bị điện tử trước khi ngủ.
Trên đây là lời giải đáp cho câu hỏi “Ngủ nhiều có tốt không?”. Từ đây, bác sĩ Lâm Giang và YouMed hy vọng rằng bạn sẽ có được thói quen ngủ và giấc ngủ chất lượng. Trường hợp bạn nhận thấy sự thay đổi của giấc ngủ ảnh hưởng đến cơ thể bạn cần tìm đến bác sĩ để được tư vấn về các bệnh lý liên quan.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Why Do I Sleep So Much?https://www.healthline.com/health/why-do-i-sleep-so-much#The-bottom-line
Ngày tham khảo: 03/10/2021