Mức độ nguy hiểm của nhiễm tụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA)
Nội dung bài viết
Nhiễm tụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA) là bệnh sinh do vi khuẩn tụ cầu vàng gây ra. Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến nhiễm tụ cầu vàng kháng methicillin. Triệu chứng lâm sàng đôi khi chỉ là một mụn nhọt trên da nhưng cực kì đau đớn, có thể có mủ. Bệnh có thể diễn tiến nặng dần và có thể dẫn đến tử vong. Vậy điều trị nhiễm tụ cầu vàng kháng methicillin như thế nào? Bạn hãy cùng tìm hiểu qua bài viết của ThS.BS Vũ Thành Đô nhé.
1. Nhiễm tụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA) là gì?
Tụ cầu vốn dĩ tồn tại tự nhiên trên da và mũi thường không gây hại. Tuy nhiên, do một hoàn cảnh nào đó, tụ cầu phát triển mạnh lên và gây ảnh hưởng sức khỏe người mắc. MRSA thuộc nhóm tụ cầu nhưng có khả năng kháng lại một số thuốc kháng sinh từng được sử dụng trong điều trị nhiễm khuẩn tụ cầu bình thường.
Nhiễm tụ cầu liên quan đến chăm sóc y tế
Người mắc tụ cầu vàng kháng methicillin thường là người có tiền căn từng nhập viện hay làm công việc liên quan đến chăm sóc sức khỏe y khoa. Ví dụ như điều dưỡng hay làm ở trung tâm lọc máu. Bệnh xảy ra trong những tình huống như thế, còn được biết dưới tên Nhiễm MRSA liên quan đến chăm sóc y tế (Health Associated MRSA infection). Ngoài ra, người bệnh được làm các thủ thuật xâm lấn như phẫu thuật, đặt ống vào lòng tĩnh mạch hoặc khớp nhân tạo cũng có nguy cơ mắc MRSA liên quan chăm sóc y tế.
Nhiễm tụ cầu kháng methicillin trong cộng đồng
Một thể bệnh khác của nhiễm MRSA là xảy ra trong cộng đồng – ở người hoàn toàn khỏe mạnh. Triệu chứng bệnh thường là một mụn nhọt cực kì đau đớn trên da. Chúng lây lan từng vùng da này đến vùng da khác. Một số đối tượng hay mắc tình trạng này là học sinh trường thể dục, ở người chăm trẻ và một số người sống ở vùng dân cư đông đúc.
2. Những dấu hiệu và triệu chứng
Triệu chứng thường thấy đó là trên da xuất hiện những cục u nhỏ màu đỏ trông giống mụn nhọt. Ngoài ra còn có các triệu chứng như:
- Sưng nóng.
- Tụ mủ hoặc chảy dịch.
- Có thể kèm sốt.
- Nổi ban đỏ.
- Đau đầu.
- Đau cơ.
- Mệt mỏi.
- Ho.
- Khó thở.
- Đau ngực.
Bệnh có thể diễn tiến nặng dần, thành khối áp xe nóng cực kì đau đớn, phải được dẫn lưu. Một số trường hợp vi khuẩn vẫn còn lưu lại trên da. Ngoài ra, một số trường hợp vi khuẩn MRSA xâm nhập và sau trong cơ thể, gây ra nhiễm trùng xương, khớp, nhiễm khuẩn huyết, gây đe dọa tính mạng. Một số trường hợp là gây viêm các van tim và phổi.
Xem thêm: 7 loại thực phẩm chứa nhiều vitamin A tốt cho da và ngăn ngừa nhiễm trùng
3. Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn phải luôn lưu ý đến bất kì vết thương nào trên da, dù rất nhỏ như bị côn trùng đốt hay va quẹt đâu đó, nhất là trẻ nhỏ. Vết thương có thể nhiễm trùng và gây sốt, bạn cần phải đến bác sĩ ngay.
4. Nguyên nhân gây ra nhiễm tụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA) là gì?
Có rất nhiều thể của tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus). Một số dòng khuẩn tụ cầu có thể gặp trên da bình thường hoặc ở vùng mũi họng. Những chủng tụ cầu đó không gây hại nếu da không bị thương.
Theo CDC, hiện nay có khoảng 2% dân số đang mang khuẩn tụ cầu kháng methicilline.
Tính kháng thuốc của tụ cầu:
Tụ cầu vàng bắt đầu kháng methicillin là hệ quả của việc dùng thuốc kháng sinh quá mức bừa bãi để điều trị bệnh. Rất nhiều năm trước đây, ngay cả người bệnh chỉ bị cảm lạnh, cúm hay nhiễm virus vẫn được cho kháng sinh điều trị. Ngoài ra, kháng sinh đôi khi không được dùng đủ liều, từ đó làm tăng mức độ kháng thuốc của vi khuẩn.
5. Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh?
Có rất nhiều yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc MRSA.
5.1. Các yếu tố nguy cơ nhiễm MRSA liên quan đến chăm sóc y tế
- Nằm viện. MRSA vẫn là một vấn đề cực kì đáng lo ngại ở bệnh viện, nơi thường có những người suy giảm khả năng miễn dịch và người già phải nằm viện dài ngày.
- Thủ thuật xâm lấn. Ví dụ như đường truyền tĩnh mạch và catheter hệ niệu. Đây chính là những con đường để MRSA xâm nhập vào cơ thể.
- Nằm viện dài ngày hoặc ở lâu các trung tâm chăm sóc sức khỏe như trung tâm dưỡng lão.
- Suy giảm miễn dịch do bệnh lý hoặc do thuốc.
- Chạy thận nhân tạo thường xuyên.
5.2. Các yếu tố nguy cơ của nhiễm MRSA cộng đồng
- Tập luyện thể dục thể thao. MRSA có thể xâm nhập vào cơ thể qua những vết thương và cọ xát trên da.
- Ở nơi đông đúc hay nơi không vệ sinh. Những đợt dịch MRSA thường xảy ra ở trại huấn luyện quân sự, trường mẫu giáo và nhà giam.
- Có quan hệ tình dục đồng giới nam.
- Dùng thuốc tiêm đường tĩnh mạch.
Xem thêm: Azacné: Kem thảo dược chống viêm, kháng khuẩn cho da mụn
6. Biến chứng nhiễm MRSA gồm những gì?
Nhiễm MRSA là hệ quả của việc kháng quá nhiều thuốc kháng sinh, do đó để điều trị chủng tụ cầu này rất khó khăn. Ngoài ra, tụ cầu có thể lây lan và đe dọa tử vong.
Nhiễm MRSA có thể gây tổn thương nhiều cơ quan:
- Máu.
- Phổi.
- Tim.
- Xương.
- Khớp.
7. Phòng ngừa nhiễm MRSA như thế nào?
- Rửa tay thường xuyên. Đây là biện pháp tốt nhất giúp ngăn ngừa các mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể bạn. Xoa 2 tay vào nhau ít nhất 15s, sau đó lau khô với khăn sạch. Bạn cũng có thể mang theo một chai nước sát khuẩn nhỏ có ít nhất 62 độ cồn nếu chỗ bạn tới không có nước và xà phòng.
- Băng bó vết thương đúng cách. Nếu da bạn bị trầy xước, bạn cần rửa vết thương sạch và băng lại bằng một gạc khô. Trong mủ vết thương có thể có khuẩn tụ cầu MRSA, do đó việc bạn băng vết thương còn giúp ngăn vi khuẩn không lây lan ra các vùng da khác.
- Hạn chế dùng chung đồ đạc các nhân như khăn tắm, giầy, tất, quần áo… bởi vì MRSA có thể bám trên đồ vật và lây nhiễm người khác.
- Tắm lại sau khi tập luyện hoặc tham gia các hoạt động mang tính đối kháng. Bạn nên tắm với xà phòng để làm sạch cơ thể.
- Không dùng chung kim tiêm. Ống tiêm thuốc đã từng sử dụng mang rất nhiều mầm bệnh, bao gồm MRSA, virus HIV và virus viêm gan C.
8. Chẩn đoán nhiễm MRSA như thế nào?
Bác sĩ sẽ thăm khám và có thể đem ít mẫu mô tại chỗ vết thương hay dịch nhầy mũi đi xét nghiệm xem mức độ kháng thuốc của vi khuẩn. Tuy vậy, phải mất 48 giờ mới có kết quả trả về.
Phân lập vi khuẩn từ dịch hay mô chỗ vết thương
Lấy mẫu mô và dịch trên miếng gạc đắp lên vết thương và gửi phòng xét nghiệm. Nhờ đó có thể phát hiện có hay không nhiễm trùng tại vết thương, loại vi khuẩn và mức độ kháng thuốc.
Cấy đàm
Yêu cầu bệnh nhân ho và khạc đàm vào lọ vô trùng. Sau đó gửi mẫu đàm đến phòng xét nghiệm, đánh giá có hay không vi khuẩn cũng như máu, mủ trong đàm. Nếu bệnh nhân không có khả năng ho/ khạc đàm, bác sĩ có thể nội soi để lấy mẫu đàm.
Cấy nước tiểu
Người bệnh cần lấy nước tiểu giữa dòng để đảm bảo kết quả cấy nước tiểu chính xác nhất. Đôi khi, bác sĩ có thể lấy mẫu nước tiểu trực tiếp từ bàng quang thông qua một catheter. Catheter này được đưa qua niệu đạo và bàng quang.
Cấy máu
Bác sĩ sẽ lấy một mẫu máu và gửi xét nghiệm. Thường kết quả cấy máu sẽ trả về sau 48 giờ. Nếu kết quả cấy dương, có thể bệnh nhân đang bị nhiễm khuẩn huyết. Vi khuẩn có thể vào máu thông qua nhiều đường như hô hấp, đường tiểu.
9. Điều trị tụ cầu kháng methicilline như thế nào?
Cả bệnh nhiễm MRSA liên quan đến chăm sóc y tế hoặc trong cộng đồng vẫn còn đáp ứng một số loại kháng sinh. Tuy vậy, trong một số trường hợp, có thể bạn chỉ cần dẫn lưu mủ tại vết thương mà không cần uống kháng sinh.
Tóm lại, nhiễm tụ cầu kháng methicillin (MRSA) là một bệnh rất nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng người mắc. Do đó, cần lưu ý rửa tay thường xuyên, vệ sinh cá nhân sau khi tập luyện hay đến nơi đông người, chăm sóc vết thương thật tốt… để tránh nhiễm MRSA. Nếu bạn thấy bài viết trên hữu ích, hãy chia sẻ đến mọi người nhé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
MRSA (Staph) Infectionhttps://www.healthline.com/health/mrsa
Ngày tham khảo: 24/09/2020
-
MRSA: Protecting student athleteshttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/mrsa/in-depth/mrsa/art-20047876
Ngày tham khảo: 24/09/2020
-
MRSA infection (Symptoms & causes)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/mrsa/symptoms-causes/syc-20375336
Ngày tham khảo: 24/09/2020