YouMed

Nhiệt miệng là gì? Nguyên nhân và các cách chữa hiệu quả

Bác sĩ Kim Thạch Thanh Trúc
Tác giả: Bác sĩ Kim Thạch Thanh Trúc
Chuyên khoa: Răng - Hàm - Mặt

Nhiệt miệng là căn bệnh phổ biến, thường gặp do một số nguyên nhân như nhiễm khuẩn, viêm tủy răng,… Tuy đây không phải là bệnh lý gây nguy hiểm nhưng đem lại cho người bệnh nhiều cảm giác khó chịu, bất tiện khi giao tiếp và trong ăn uống hằng ngày. Hãy cùng Bác sĩ chuyên khoa Răng – Hàm – Mặt Kim Thạch Thanh Trúc tìm hiểu kỹ hơn về căn bệnh nhiệt miệng cũng như cách phòng tránh qua bài viết sau. 

Nhiệt miệng là gì?

Nhiệt miệng là khi có sự xuất hiện của vết loét vùng miệng (loét áp tơ hoặc viêm miệng áp tơ); tạo ra những vết loét nhỏ và đau bên trong miệng. Chúng có thể xuất hiện trên lưỡi và niêm mạc bên trong của má, môi và cổ họng. Từ đó tạo cảm giác đau nhức, khó chịu.

Những vết loét do nhiệt miệng gây ra thường có màu trắng, xám hoặc vàng, được bao quanh bởi các mô mềm bị viêm, đỏ. Đây là một trong những loại tổn thương miệng phổ biến nhất, chiếm 20% số lượng người mắc bệnh về miệng.

Dấu hiệu của bệnh nhiệt miệng

Người bị nhiệt miệng có thể nhận thấy ngứa ran; hoặc bỏng rát một hoặc hai ngày trước khi vết loét thực sự xuất hiện. Các dấu hiệu của bệnh nhiệt miệng bao gồm: một vết loét nhỏ hình bầu dục màu trắng hoặc vàng trong miệng, một vùng bị đỏ và đau trong miệng với cảm giác ngứa ran, khó chịu.

Xem thêm: Liệu bạn đã biết những triệu chứng nhiệt miệng sau đây?

Nhiệt miệng
Vết loét xuất hiện ở miệng là dấu hiệu của nhiệt miệng

Có một số loại vết loét nhiệt miệng từ nhỏ đến lớn. Vài ngày sau tiến triển trở thành đốm đỏ hoặc vết sưng có hình bầu dục với kích thước 1-2mm. Nốt nhiệt miệng có thể to dần có khi tới 10mm, hơi mọng nước, sau khi vỡ ra tạo thành vết loét gây đau miệng. Vết loét của bệnh nhiệt miệng là vết loét vùng kín không lây. Chúng thường lành trong vòng một đến ba tuần mà không cần điều trị, cơn đau thường biến mất sau 7 đến 10 ngày. Tuy nhiên, vết loét nghiêm trọng có thể mất đến sáu tuần để chữa lành.

Nhiệt miệng nếu không được chăm sóc và chữa trị đúng cách dễ dẫn đến viêm cấp nghiêm trọng gây tấy đỏ; sưng hạch bạch huyết; đau buốt; sốt cao, đau đầu, mất ngủ, nổi hạch góc hàm và rối loạn tiêu hóa.

Xem thêm: Viêm hạch bạch huyết: Những điều cần hiểu đúng về bệnh

Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh

Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh nhiệt miệng là những người sống trong vùng nhiệt đới có khí hậu nóng bức, một phần do chế độ ăn uống, sinh hoạt không khoa học, thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, thường xuyên sử dụng các món cay, nóng, uống ít nước,…

Mọi người ai cũng đều có khả năng bị nhiệt miệng. Nhưng chúng xảy ra thường xuyên hơn ở thanh thiếu niên và thanh niên. Phổ biến hơn ở nữ giới.

Thông thường những người bị loét miệng tái phát có tiền sử gia đình bị mắc chứng rối loạn cơ thể do di truyền hoặc do một yếu tố chung trong môi trường, một số loại thực phẩm hoặc chất gây dị ứng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiệt miệng

Nguyên nhân chính xác của vết loét vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, một số nguyên nhân dưới đây có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng nhiệt miệng dẫn đến những vết loét bao gồm:

  • Chấn thương ở miệng do những tác động mạnh như đánh răng quá kỹ, chơi thể thao không cẩn thận, hoặc do tai nạn cắn vào lợi, má,..
  • Trong kem đánh răng hoặc nước súc miệng có chứa Sodium Lauryl Sulfate.
  • Do các loại thực phẩm như  sô cô la, cà phê, dâu tây, trứng, các loại hạt, pho mát và thực phẩm cay hoặc có tính axit.
  • Chế độ ăn uống thiếu vitamin B12, kẽm, folate (axit folic) hoặc sắt.
  • Sự thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ kinh nguyệt.
  • Trạng thái căng thẳng, áp lực.
  • Các bệnh viêm ruột, chẳng hạn như bệnh Crohnviêm loét đại tràng.
  • Bệnh Behcet, một chứng rối loạn hiếm gặp gây viêm khắp cơ thể, bao gồm việc gây ra nhiệt miệng
  •  Hệ thống miễn dịch bị lỗi tấn công các tế bào khỏe mạnh trong miệng thay vì các tác nhân gây bệnh; chẳng hạn như vi rút và vi khuẩn HIV/AIDS, ngăn chặn hệ thống miễn dịch.

Không giống như mụn rộp, những vết loét nhiệt miệng không liên quan đến nhiễm vi-rút herpes.

Xem thêm: Viêm da dạng Herpes: triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Nhiệt miệng
Đánh răng không đúng cách cũng có thể khiến bạn bị nhiệt miệng

Chẩn đoán và điều trị bệnh nhiệt miệng

Những cách chẩn đoán nhiệt miệng

Có khá nhiều trường hợp người bệnh có triệu chứng tương tự với bệnh nhiệt miệng; chẳng hạn như: bệnh Crohn, bệnh viêm loét đại tràng, hội chứng ruột kích thích, bệnh Giardiasis. Tuy nhiên, bệnh nhiệt miệng có thể dễ dàng quan sát bằng mắt thường mà không cần đến xét nghiệm.

Trong một số trường hợp vết loét kéo dài, bệnh tình có dấu hiệu không thuyên giảm vẫn cần làm một số xét nghiệm như: xét nghiệm máu, sinh thiết để kiểm tra chính xác tình trạng bệnh đồng thời đưa ra phương pháp chữa trị kịp thời.

Xem thêm: 10 chỉ số xét nghiệm máu quan trọng bạn cần biết

Những phương pháp điều trị nhiệt miệng

Trong hầu hết các trường hợp, căn bệnh nhiệt miệng không cần điều trị. Bạn không cần phải làm gì cụ thể để loại bỏ vết loét vì vết loét thường sẽ tự lành.

Dưới đây là một số phương pháp điều trị tại nhà có thể được sử dụng để giúp giảm đau và làm dịu vết loét, giúp chữa lành nhanh hơn.

  • Có thể sử dụng thuốc bôi trực tiếp lên chỗ đau, nước súc miệng và thuốc uống có thể giảm đau hoặc viêm.
  • Tránh các loại thực phẩm có tính axit như trái cây họ cam quýt hoặc các loại thức ăn; chẳng hạn như: các loại hạt, khoai tây chiên; bánh quy giòn, một số loại gia vị; thực phẩm mặn, cay,… vì chúng có thể làm nghiêm trọng thêm tình trạng đau nhức.
  • Chải răng nhẹ nhàng và sử dụng bàn chải có lông mềm.
  • Bạn cũng có thể dùng tăm bông chấm sữa magie trực tiếp lên vết loét.
  • Súc miệng bằng nước muối hoặc nước súc miệng bằng baking soda.
  • Viên ngậm kẽm có thể giúp giảm đau và đẩy nhanh thời gian chữa bệnh. Lưu ý không cho trẻ nhỏ ngậm kẹo ngậm vì chúng có thể gây nguy cơ nghẹt thở.
  • Ngâm cây xô thơm và thảo mộc hoa cúc vào nước và sử dụng như một loại nước súc miệng bốn đến sáu lần mỗi ngày (Loại thảo mộc Echinacea có thể giúp tăng tốc độ chữa bệnh).

Lưu ý: Nên tham khảo ý kiến ​​chuyên gia chăm sóc sức khỏe trước khi sử dụng bất kỳ phương pháp điều trị tại nhà nào. Vì có nhiều phương pháp chưa được khoa học kiểm nghiệm hoặc chứng minh hiệu quả.

Xem thêm: Cúc hoa vàng: Thảo dược thanh nhiệt, mát gan

Cách phòng ngừa bệnh nhiệt miệng

Bạn có thể ngăn ngừa sự tái phát của vết loét miệng bằng cách.

Lựa chọn thực phẩm

  • Tránh các loại thực phẩm cay, mặn hoặc axit. Ngoài ra, tránh các loại thực phẩm gây ra các triệu chứng dị ứng; chẳng hạn như ngứa miệng, sưng lưỡi hoặc phát ban.
  • Chọn lựa và bổ sung các loại thực phẩm lành mạnh để giúp ngăn ngừa sự thiếu hụt dinh dưỡng cho cơ thể. Hãy ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt.
Nhiệt miệng
Bổ sung những thực phẩm lành mạnh như trái cây, rau củ và ngũ cốc để ngăn ngừa nhiệt miệng

Chú ý sức khỏe răng miệng

  • Nếu vết loét nổi lên do căng thẳng; hãy sử dụng các phương pháp giảm căng thẳng và các kỹ thuật làm dịu; chẳng hạn như hít thở sâu, thiền định.
  • Chăm sóc sức khỏe răng miệng bằng việc đánh răng thường xuyên sau bữa ăn và dùng chỉ nha khoa mỗi ngày một lần để giữ cho miệng của bạn luôn sạch sẽ.
  • Sử dụng bàn chải đánh răng mềm để tránh gây kích ứng nướu và mô mềm. Tránh dùng kem đánh răng và nước súc miệng có chứa sodium lauryl sulfate.

Tham khảo ý kiến bác sĩ

Nếu bạn đang niềng răng hoặc sử dụng các thiết bị nha khoa khác; hãy hỏi nha sĩ về các loại sáp chỉnh nha. Mục đích che các cạnh sắc nhọn tránh gây tổn thương bên trong khoang miệng.

Có thể nhờ bác sĩ xác định xem bạn có đang bị thiếu hụt vitamin hoặc khoáng chất cụ thể nào không. Các bác sĩ có thể lên một kế hoạch ăn uống phù hợp. Đồng thời kê đơn bổ sung các chất cần thiết cho cơ thể.

nhiệt miệng
Hãy đi khám bác sĩ nếu gặp vấn đề về răng miệng

Trong trường hợp vết loét phát triển lớn; gây đau đớn, sốt cao, tiêu chảy, phát ban đau đầu;… hay vết loét không có dấu hiệu thuyên giảm trong vòng 3 tuần. Hãy liên hệ ngay cho bác sĩ đến ngay để được chữa trị kịp thời.

Xem thêm: Cách chữa nhiệt miệng hiệu quả tại nhà có thể bạn chưa biết

Nhiệt miệng là căn bệnh không gây nguy hiểm. Nhưng có thể đem lại những cảm giác khó chịu, đau rát. Từ đó gây cản trở đến việc ăn uống, giao tiếp, sinh hoạt hằng ngày của bạn; và khiến chất lượng cuộc sống bị suy giảm. Hãy duy trì cho mình lối sống lành mạnh, bổ sung đầy đủ các dưỡng chất trong mỗi bữa ăn. Đồng thời chăm sóc và vệ sinh răng miệng đều đặn để phòng tránh các căn bệnh về nhiệt miệng này nhé!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Painful Sensation? Could Be a Canker Sorehttps://www.healthline.com/health/canker-sores

    Ngày tham khảo: 10/07/2021

  2. Canker sorehttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/canker-sore/symptoms-causes/syc-20370615

    Ngày tham khảo: 10/07/2021

  3. Canker Sores (Causes, Treatment, and Preventionhttps://www.medicinenet.com/canker_sores/article.htm

    Ngày tham khảo: 10/07/2021

  4. Everything you need to know about canker soreshttps://www.medicalnewstoday.com/articles/303311

    Ngày tham khảo: 10/07/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người