YouMed

Nho và những lợi ích vàng đối với sức khỏe

Bác sĩ Đậu Thị Thủy
Tác giả: Bác sĩ Đậu Thị Thủy
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Nho là loại cây với nhiều những công dụng khác nhau, người ta không chỉ biết đến quả – là một loại trái cây ngon ngọt với nhiều chất dinh dưỡng, giàu vitamin. Từ xa xưa, người ta đã biết sử dụng hầu như tất cả các bộ phận của cây này để ứng dụng làm thuốc trong y học. Để tìm hiểu thêm loại cây với nhiều công dụng hữu ích này mời các bạn tham khảo bài viết sau đây.

Mô tả dược liệu

Tên gọi, danh pháp

Có nguồn gốc ở các miền ôn đới khô Âu Á (Acmêni – Iran).

Tên khoa học là: Vitis vinifera L.

Thuộc họ Nho – Vitaceae.

Đặc điểm thực vật

Nho là dây leo thân gỗ,  cành có tua cuốn. Lúc nhỏ có màu lục, lớn hơn màu tro, khi hoá bầu bong ra thành dải mỏng. Lá mọc thành hai dãy so le có hai lá kèm rụng sớm; phiến lá chia ra 5-7 thuỳ, khía lá răng cưa không đều ở mép; cuống lá dài. Tua cuốn đối diện với lá, rẽ đôi một đến hai lần, ở chỗ rẽ sẽ có một lá giảm.

Hoa mọc thành chùm xim hai ngả; hoa đầu, tạp tính khác gốc, màu xanh. Quả mọc thành chùm, quả mọng, hình trứng lúc tươi,  có màu vàng vàng, đỏ hay đen… Trong mỗi quả chứa 4 hạt hình quả lê, có vỏ rắn.

Bộ phận dùng

Toàn cây (Herba Vitidis Viniferae) thường có tên là Bồ đào.

Nơi sống và thu hái

Cây nho ưa khí hậu nắng, độ ẩm thấp. Cây thường nhập nội, được trồng chủ yếu lấy quả ăn, làm cảnh, làm giàn lấy bóng mát. Khi trồng cần tìm hiểu kĩ điều kiện thời tiết, cây cần có mùa khô đủ dài để tích lũy đường, tránh gió bão.

Ở nước ta được trồng ở các tỉnh Nam Trung bộ và Đông Nam bộ (Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Phú Yên, Khánh Hoà, thành phố Hồ Chí Minh), người dân thường nhập trồng nhiều giống của Pháp, Úc, Hoa Kỳ, để lấy quả ngọt làm rượu.

Nhiều nước trên thế giới chuyên sản xuất rượu nho
Nhiều nước trên thế giới chuyên sản xuất rượu nho

Ninh Thuận là tỉnh nổi tiếng trồng nho, trở thành một đặc sản nổi tiếng trong nước. Được trồng tập trung ở huyện Ninh Phước, Ninh Hải và thị xã Phan Rang – Tháp Chàm, với nhiều loại cho năng suất chất lượng cao

Cây được trồng bằng hom, lấy ở cành già khoảng một năm tuổi, làm đất sâu, bón phân đủ và giữ ẩm đất. Cắt tỉa cành và chăm bón để nuôi quả.

Thành phần hóa học

Quả chứa 0,2% protein, 0,1% glucid, 0,1% chất béo, 0,2% tro. Trong 100ml dịch quả có 0,05mg As.

Trong quả chín có acid oxalic, acid tartaric, acid malic, và acid racemic, lượng nhỏ vitamin B1 và B2. Hạt chứa 2% dầu nửa khô. Lá của nho đỏ chứa tanin, levulose saccharose, choline, dextrose, vitamin C, inositol, anthocyan, và các chất màu.

Hàm lượng dinh dưỡng khi sấy khô trái: Hàm lượng vitamin trong trái khô Corinthian (loại nho có nguồn gốc từ Hy Lạp). Năm loại vitamin được tìm thấy trong trái khô Corinthian. Vitamin B3 chiếm ưu thế, tiếp theo là vitamin B6, B1 và B2. Hàm lượng B9 cũng khá cao trong loại nho này. Có sự khác biệt nhỏ lượng dinh dưỡng giữa các vùng canh tác, độ cao canh tác và sự thay đổi các giống nho.

Glucose là loại đường chứa nhiều trong loại quả này chiếm khoảng 18,33% tổng lượng đường trong trái. Ngoài ra đường fructose chiếm 10,4% và một số loại đường khác.

Quả nho chứa hàm lượng dinh dưỡng cao
Quả nho chứa hàm lượng dinh dưỡng cao

Tác dụng dược lý

Theo y học cổ truyền

Tính vị, tác dụng

Quả có vị ngọt, hơi chua, tính bình; Có tác dụng bổ khí huyết, lợi tiểu tiện, cường gân cốt, giúp tiêu hoá và nhuận tràng.

Rễ có vị ngọt, chát, tính bình; có tác dụng khu phong trừ thấp, mạnh cân cốt, lợi niệu.

Dây lá có vị ngọt, chát, tính bình; Tác dụng giải độc, lợi niệu.

nho đỏ có tác dụng bổ thần kinh và mạch máu, làm săn da, điều hoà huyết, làm mát và lợi tiểu tiện. Ở Ấn Độ lá dùng làm thuốc ỉa chảy. Ở Âu châu, lá của loài Nho đỏ dùng chữa rối loạn tuần hoàn, rối loạn mãn kinh, thống kinh, trĩ, ỉa chảy, dãn tĩnh mạch, và giảm niệu.

Cả quả tươi và khô đều có công dụng riêng:

  • Quả sấy khô dùng trị: Thận hư gây đau lưng, choáng đầu, viêm dạ dày mạn tính, thai động không yên, hư nhiệt phiền khát.
  • Quả tươi trị: đái dắt, đái buốt, đái ra máu. Dịch quả tươi có vị chát, được dùng ở Ấn Độ để trị bệnh đau họng. Ở châu Âu, người ta dùng chữa béo phì và táo bón.

Rễ và cành bên làm thuốc cầm nôn, an thai.

Nhựa từ cành non làm thuốc trị các bệnh ngoài da.

nho sấy khô vẫn giữ được nhiều chất dinh dưỡng
Nho sấy khô vẫn giữ được nhiều chất dinh dưỡng

Một số bài thuốc từ nho

Chữa đau lưng, mỏi gối, nôn ói, buồn nôn hay thai nghén: Dùng lá, rễ  20-40g sắc uống.

Chữa động thai, nôn nghén: quả 40g ăn hay sắc uống.

Tiểu buốt, tiểu dắt, tiểu ra máu: Quả tươi, Sinh địa hoàng ngó sen, lượng vừa đủ, mật ong 150g. Lấy 3 vị thuốc giã nát, vắt lấy nước đủ 1000ml, pha thêm mật ong trộn đều, sắc nhừ, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 100ml, uống trước bữa ăn nửa giờ, buổi chiêu thuốc với nước ấm.

Theo y học hiện đại

Nước chiết xuất từ ​​lá nho đỏ chứa hàm lượng polyphenol cao. Hàm lượng polyphenol tương tự như trong trái nho đỏ và hạt. Các hợp chất phenolic là nhóm chất chống oxy hóa tự nhiên lớn nhất có hoạt tính chống viêm. Chiết xuất từ lá nho đỏ chống lại bức xạ UV-A và UV-B trong tế bào HaCaT (là một dòng tế bào gây sừng hóa da ở người).  Bức xạ UV là bức xạ gây ra nhiều tác động xấu lên tế bào da, gây ra quá trình chết tế bào, lão hóa và sinh ung thư da.

Quả nho chứa một hàm lượng lớn Polyphenol đây là chất làm hạn chế quá trình đông máu của tiểu cầu, giảm bệnh nhồi máu cơ tim, tăng cường miễn dịch, chống oxy hóa, chữa cao huyết áp, chống lão hóa…

Một số loại nho ở Việt Nam hiện nay

  • Nho móng tay: Có tên gọi khác là nho phù thủy, có màu tím sẫm.
  • Nho Pháp: Quả tròn, màu tím sẫm, thịt dày chắc và ít hạt.
  • Nho thân gỗ: Thân nho hóa gỗ, quả mọc ngay trên thân có màu tím sẫm.
  • Nho Mỹ: Có nhiều loại, phổi biến là nho đen không hạt. Quả tròn, màu đen, có vỏ mỏng.
  • Nho rừng: Loại nho này có nguồn gốc ở Việt Nam. Quả thường nhỏ, mọc thành chùm, có màu xanh chuyển sang màu đen thẫm khi chín, vị ngọt thanh.
  • Nho Ninh Thuận: Có 2 loại là nho đỏ và xanh, nho Ninh Thuận có hạt khác với nho Mỹ thì không có hạt.

Kiêng kỵ

Nho xanh chứa axit salicylic có thể gây kích thích dạ dày và tổn thương niêm mạc dạ dày, đường tiêu hóa. Nên gây cảm giác buồn nôn, nôn mửa, hoặc đau bụng.

Là loại quả chứa nhiều đường glucose và fructose. Các loại đường đơn này dễ dàng được hấp thu trong máu, Vì thế, khi ăn nhiều loại quả này, đường huyết trong máu dễ tăng cao. Những người mắc bệnh tiểu đường hoặc nguy cơ bệnh tiểu đường nên hạn chế ăn.

Nho và các sản phẩm từ nho ngày càng ưa chuộng trên thế giới, được dùng làm thực phẩm và thuốc chữa bệnh và ngày càng được nghiên cứu. Ngày nay người ta sử dụng quả nho và các sản phẩm từ cây nho như một phần thiết yếu của cuộc sống. Hy vọng bài viết đã đưa đến cho bạn đọc những kiến thức hữu ích về cây nho và các sản phẩm của nó.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/32028189/
  2. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/31038221/

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người