Rối loạn chức năng não sau hóa trị: Dấu hiệu, nguyên nhân và điều trị
Nội dung bài viết
Rối loạn chức năng não sau hóa trị là một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi. Nguyên nhân của các vấn đề về tập trung và trí nhớ vẫn chưa được hiểu rõ. Nhưng bất kể là bắt nguồn từ nguyên nhân gì, rối loạn chức năng não sau hóa trị là một tác dụng phụ gây suy nhược và khó chịu của bệnh ung thư và điều trị ung thư. Hãy cùng Bác sĩ Hồ Ngọc Lợi tìm hiểu bài viết này để có thêm thông tin về rối loạn chức năng não sau hóa trị.
Định nghĩa Rối loạn chức năng não sau hóa trị
Rối loạn chức năng não sau hóa trị là một thuật ngữ phổ biến được sử dụng cho những người sống sót sau ung thư để mô tả các vấn đề về trí nhớ và tư duy có thể xảy ra trong và sau khi điều trị ung thư. Rối loạn này còn được gọi là sương mù sau hóa trị, suy giảm nhận thức liên quan đến ung thư hoặc rối loạn chức năng nhận thức.
Dấu hiệu nào để nhận biết rối loạn chức năng não sau hóa trị?
- Vô tổ chức một cách bất thường.
- Lú lẫn.
- Khó tập trung.
- Khó khăn khi tìm được từ ngữ đúng.
- Gặp khó khăn trong việc học kỹ năng mới.
- Khó làm nhiều việc cùng một lúc.
- Cảm giác tâm trí lờ mờ.
- Khoảng chú ý ngắn.
- Có vấn đề về trí nhớ ngắn hạn.
- Mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành các công việc thường ngày.
- Có vấn đề với trí nhớ lời nói, chẳng hạn như ghi nhớ một cuộc trò chuyện.
- Vấn đề với trí nhớ hình ảnh, chẳng hạn như nhớ lại một hình ảnh hoặc danh sách các từ.
Nguyên nhân nào gây ra rối loạn chức năng não sau hóa trị?
Có nhiều yếu tố góp phần vào các dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn trí nhớ ở những người sống sót sau ung thư. Các nguyên nhân liên quan đến ung thư bao gồm:
Ung thư
- Chẩn đoán ung thư có thể khá căng thẳng và có thể dẫn đến lo âu và trầm cảm. Điều này có thể góp phần vào rối loạn trí nhớ và tư duy.
- Một số bệnh ung thư nhất định có thể tạo ra các chất hóa học ảnh hưởng đến trí nhớ.
- Ung thư bắt nguồn từ trong não hoặc di căn đến não có thể gây ra những thay đổi trong tư duy.
Xem thêm: Suy giảm nhận thức sau hóa trị: Nỗi lo của bệnh nhân ung thư
Điều trị ung thư
- Cấy ghép tủy xương.
- Hóa trị.
- Liệu pháp hormon.
- Liệu pháp miễn dịch.
- Xạ trị.
- Phẫu thuật.
- Điều trị thuốc nhắm trúng đích.
Biến chứng của điều trị ung thư
- Thiếu máu.
- Mệt mỏi.
- Nhiễm trùng.
- Mãn kinh hoặc thay đổi nội tiết tố (do điều trị ung thư).
- Rối loạn giấc ngủ.
- Đau do điều trị ung thư.
Nguyên nhân khác
- Di truyền tính nhạy cảm với rối loạn chức năng não sau hóa trị.
- Thuốc khác liên quan đến ung thư, chẳng hạn như thuốc giảm đau.
- Các bệnh lý y khoa khác, chẳng hạn như đái tháo đường, bệnh tuyến giáp, trầm cảm, lo âu và suy dinh dưỡng.
Yếu tố nguy cơ của rối loạn chức năng não sau hóa trị gồm những gì?
Các yếu tố làm tăng nguy cơ rối loạn trí nhớ ở những người sống sót sau ung thư bao gồm:
- Ung thư não.
- Ung thư di căn lên não.
- Liều hóa trị hoặc xạ trị cao.
- Xạ trị não.
- Tuổi trẻ tại thời điểm chẩn đoán và điều trị ung thư.
- Tuổi tăng.
Rối loạn chức năng não sau hóa trị có những biến chứng nào?
Mức độ nghiêm trọng và thời gian kéo dài của các triệu chứng được xem là rối loạn chức năng não sau hóa trị khác nhau giữa người này với người khác. Hầu hết những người sống sót sau ung thư sẽ trở lại làm việc, nhưng một số người sẽ thấy cần thêm sự tập trung hoặc thời gian để làm việc. Những người khác có thể không thể trở lại làm việc.
Nếu bạn gặp vấn đề nghiêm trọng về trí nhớ hoặc tập trung chú ý gây khó khăn trong công việc, bạn nên đến gặp nhà trị liệu tâm lý nghề nghiệp hoặc bác sĩ tâm thần kinh. Họ có thể giúp bạn điều chỉnh công việc hiện tại hoặc xác định thế mạnh của bạn để bạn có thể tìm được công việc mới.
Trong trường hợp hiếm hoi, những người có vấn đề về trí nhớ và tập trung không thể làm việc và có thể xem xét việc xin trợ cấp tàn tật. Liên hệ với nhân viên xã hội về ung thư hoặc một chuyên gia để có thể giúp bạn hiểu được các lựa chọn.
Chẩn đoán Rối loạn chức năng não sau hóa trị như thế nào?
Không có xét nghiệm nào có thể giúp chẩn đoán rối loạn chức năng não sau hóa trị. Những người sống sót sau ung thư gặp phải các triệu chứng này thường đạt mức điểm trong giới hạn bình thường trong các bài kiểm tra trí nhớ.
Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm máu, chụp sọ não hoặc các xét nghiệm khác để loại trừ các nguyên nhân khác gây rối loạn trí nhớ.
Xem thêm: Chụp cộng hưởng từ (MRI) có hại cho cơ thể không?
Điều trị bệnh như thế nào?
Điều trị Rối loạn chức năng não sau hóa trị tập trung vào việc giải quyết triệu chứng. Trong hầu hết các trường hợp, các rối loạn trí nhớ liên quan đến ung thư chỉ là tạm thời.
Vì các triệu chứng và mức độ rối loạn chức năng não sau hóa trị khác nhau giữa mỗi người, bác sĩ sẽ điều trị theo cá nhân hóa.
Kiểm soát các bệnh lý góp phần gây ra rối loạn trí nhớ
Ung thư và điều trị ung thư có thể dẫn đến các bệnh lý khác, như thiếu máu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ và mãn kinh sớm, có thể làm trầm trọng thêm các rối loạn trí nhớ. Kiểm soát các yếu tố này giúp bạn dễ dàng đối phó với các triệu chứng này hơn.
Kiểm soát triệu chứng của Rối loạn chức năng não sau hóa trị
Bác sĩ tâm thần kinh có thể giúp bạn lập kế hoạch đối phó với các triệu chứng của bệnh. Quá trình này được gọi là phục hồi nhận thức hoặc khắc phục nhận thức.
Học cách thích nghi và đối phó với những thay đổi về trí nhớ có thể bao gồm:
- Các bài tập lặp đi lặp lại để luyện tập cho não. Các bài tập về trí nhớ và tư duy có thể giúp bộ não của bạn sửa chữa phần bị hỏng.
- Theo dõi và hiểu điều gì ảnh hưởng đến trí nhớ. Theo dõi cẩn thận rối loạn trí nhớ của bạn có thể tiết lộ cách đối phó. Chẳng hạn, nếu bạn trở nên dễ bị phân tâm hơn khi đói hoặc mệt, bạn có thể làm các công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ vào lúc bạn cảm thấy tốt nhất.
- Sử dụng chiến lược đối phó. Bạn có thể học những cách mới để thực hiện các công việc hàng ngày để giúp bạn tập trung. Ví dụ, bạn có thể học cách ghi chú khi đọc một văn bản. Hoặc học cách nói giúp bạn ghi nhớ các cuộc hội thoại và sau đó nhớ lại những ký ức đó.
- Kỹ thuật giảm căng thẳng. Tình huống căng thẳng có thể làm cho rối loạn trí nhớ bộc lộ rõ hơn. Và vấn đề về trí nhớ có thể gây căng thẳng. Để kết thúc một chu kỳ, bạn có thể học các kỹ thuật thư giãn. Những kỹ thuật này, chẳng hạn như thư giãn cơ tăng dần hoặc thực hành sự quan tâm, có thể giúp bạn xác định tình trạng căng thẳng và đối phó với nó.
Thuốc
Không có loại thuốc nào được phê duyệt để điều trị rối loạn chức năng não sau hóa trị. Thuốc được phê duyệt cho các bệnh lý khác có thể được xem xét nếu có lợi.
Các loại thuốc đôi khi được sử dụng bao gồm:
- Methylphenidate (Concerta, Ritalin, …), một loại thuốc dùng để điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).
- Donepezil (Aricept), một loại thuốc được sử dụng ở những người mắc bệnh Alzheimer.
- Modafinil (Provigil), một loại thuốc được sử dụng ở những người bị rối loạn giấc ngủ.
- Memantine (Namenda), một loại thuốc dùng để cải thiện trí nhớ ở những người mắc bệnh Alzheimer, có thể có ích trong quá trình xạ trị não.
Video chia sẻ thông tin chi tiết về thuốc Modafinil:
Biên tập bởi: Dược sĩ Nguyễn Đắc Nhân
Lối sống
Bạn có thể tự mình làm giảm các triệu chứng của rối loạn chức năng não sau hóa trị. Hãy thử:
- Kiểm soát môi trường làm việc nếu có thể. Tìm một nơi yên tĩnh để bạn có thể tập trung. Đeo nút tai hoặc tai nghe khử tiếng ồn.
- Chuẩn bị cho sự thành công. Trước khi giải quyết một công việc phức tạp đòi hỏi sự tập trung, hãy đảm bảo rằng cơ hội thành công là cao nhất. Chọn một thời điểm trong ngày khi bạn tỉnh táo nhất. Có một giấc ngủ ngon. Lên kế hoạch để biết chính xác những gì bạn cần làm để hoàn thành nhiệm vụ.
- Giữ trạng thái có tổ chức. Sử dụng lịch hoặc lên kế hoạch thực hiện công việc. Đảm bảo rằng bạn sẽ không quên gì. Viết tất cả mọi thứ vào trong kế hoạch. Ưu tiên sự có tổ chức khi ở nhà và nơi làm việc.
- Xóa đi sự phiền nhiễu. Khi những suy nghĩ mất tập trung xuất hiện, hãy viết chúng ra. Ghi lại suy nghĩ của bạn sẽ giúp nhanh chóng xóa chúng đi và đảm bảo rằng bạn sẽ nhớ chúng sau này.
- Nghỉ giải lao thường xuyên. Chia nhiệm vụ của bạn thành các phần có thể quản lý được và nghỉ ngơi mỗi khi bạn hoàn thành xong một phần.
- Rèn luyện trí não. Chơi trò chơi ô chữ hoặc số để rèn luyện trí não. Hình thành sở thích mới hoặc học kỹ năng mới, như học chơi một nhạc cụ hoặc học một ngôn ngữ.
- Rèn luyện cơ thể. Tập thể dục vừa phải, chẳng hạn như đi bộ, có thể giúp bạn đối phó với căng thẳng, mệt mỏi.
Điều trị thay thế
Không có điều trị thay thế nào có thể giúp ngăn ngừa hoặc chữa trị rối loạn chức năng não sau hóa trị. Nếu bạn quan tâm đến việc thử các phương pháp điều trị thay thế, hãy thảo luận về các nguy cơ và lợi ích với bác sĩ.
Điều trị bổ sung và thay thế có thể giúp bạn đối phó với lo âu, một tình trạng góp phần gây ra rối loạn trí nhớ ở người bị ung thư.
Các phương pháp điều trị có thể có ích bao gồm:
- Trị liệu nghệ thuật.
- Tập thể dục.
- Thiền.
- Âm nhạc trị liệu.
- Bài tập thư giãn.
- Tâm linh.
Đối phó và hỗ trợ
Các triệu chứng rối loạn chức năng não có thể gây khó chịu và suy nhược. Theo thời gian, bạn sẽ tìm được cách để tập trung dễ dàng hơn và rối loạn trí nhớ có thể giảm dần. Cho đến lúc đó, nên nhớ rằng đây là rối loạn có khả năng cải thiện theo thời gian. Bạn có thể thấy hữu ích khi:
- Hiểu rằng vấn đề về trí nhớ xảy ra với tất cả mọi người. Mặc dù bạn khó kiểm soát những thay đổi về trí nhớ liên quan đến điều trị ung thư, nhưng bạn có thể kiểm soát các nguyên nhân khác gây ra tình trạng mất trí nhớ phổ biến đối với mọi người. Chẳng hạn như mệt mỏi quá mức, mất tập trung hoặc vô tổ chức.
- Dành thời gian thư giãn mỗi ngày. Chẳng hạn như tập thể dục, nghe nhạc, thiền.
- Thành thật về các triệu chứng của bạn. Hãy cởi mở và trung thực về các triệu chứng mà bạn có. Giải thích và đồng thời đề xuất cách mà bạn bè và gia đình có thể giúp đỡ.
Rối loạn chức năng não sau hóa trị đặc trưng bởi rối loạn trí nhớ và tư duy, ảnh hưởng đến công việc và đời sống hàng ngày của người bệnh ung thư. Ghi nhật ký các dấu hiệu và triệu chứng của bạn là cách hiệu quả để bác sĩ có thể hiểu rõ hơn về các vấn đề đang ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bạn như thế nào. Nếu bạn gặp vấn đề về trí nhớ hoặc tư duy, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị hiệu quả nhất.