YouMed

Rối loạn cương dương và những thông tin cần biết

Bác sĩ NGUYỄN ĐOÀN TRỌNG NHÂN
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Đoàn Trọng Nhân
Chuyên khoa: Đa khoa

Tình trạng “trên bảo dưới không nghe” hay trong dân gian còn gọi là yếu sinh lý ở nam giới là một chủ đề rất nhạy cảm. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sự tự tin, lòng tự trọng của đàn ông. Ngoài ra, nó còn dễ dàng làm sứt mẻ tình cảm gia đình. Trong bài viết của Bác sĩ Nguyễn Đoàn Trọng Nhân, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về rối loạn cương dương ở nam giới theo các quan niệm của y khoa hiện đại. 

Rối loạn cương dương là gì?

Rối loạn cương dương (bất lực) là tình trạng nam giới không có khả năng cương hay giữ dương vật cương cứng đủ lâu để quan hệ tình dục.

Thỉnh thoảng, “xìu” quá nhanh không phải là một vấn đề đáng ngại. Tuy nhiên, nếu tình trạng rối loạn cương dương kéo dài, nó có thể gây căng thẳng, ảnh hưởng đến sự tự tin của bạn và làm mối quan hệ thân mật đi xuống. Các vấn đề về bất lực cũng có thể là một dấu hiệu của tình trạng sức khỏe nào đó đang tiềm ẩn cần điều trị. Ngoài ra, đây cũng là yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch.

Thật ra, bất lực chỉ là 1 trong 3 nhóm rối loạn chức năng tình dục của nam giới. Ngoài bất lực, còn có giảm ham muốn tình dục và rối loạn phóng tinh.

Cấu trúc dương vật và cơ chế làm xuất hiện cương dương

Dương vật do 3 khối mô cương (2 khối thể hang nằm song song ở trên, 1 khối thể xốp nằm ở rãnh dưới 2 thể hang, thể xốp bao quanh niệu đạo) và các lớp bọc tạo nên.

Giải phẫu dương vật nam
Hình ảnh giải phẫu dương vật nam

Thể hang

Có 2 thể hang. Cấu trúc hình ống có mô cương gồm nhiều khoảng trống như hang động. Các khoảng trống này khi chứa đầy máu sẽ giúp dương vật cương lên. Thể hang chạy dọc theo chiều dài dương vật từ xương mu đến 3/4 chiều dài rồi nhập vào quy đầu. Do đó, phần quy đầu không có thể hang. Màng ngăn cách giữa 2 thể hang rất mỏng và thô sơ nên máu có thể dễ dàng chảy từ thể hang bên này sang thể hang bên kia.

Thể xốp

Chứa niệu đạo bên trong. Do đó, cả nước tiểu và tinh dịch đều thoát ra theo đường này. Nhưng không bao giờ nước tiểu và tinh dịch thoát cùng 1 lúc (ra trước hoặc sau). Khi tinh dịch đang được phóng ra khỏi cơ thể thì lối thoát dành cho nước tiểu bị đóng kín và ngược lại. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bệnh lý làm rối loạn cơ chế này dẫn đến tinh dịch xuất hiện trong nước tiểu gọi là xuất tinh ngược. Thể xốp cũng giống thể hang, sẽ cương lên khi chứa đầy máu bên trong.

Mô tả 2 trạng thái: Không cương (trên) và cương (dưới)
Mô tả 2 trạng thái: Không cương (trên) và cương (dưới)

Những đối tượng thường mắc chứng rối loạn cương dương

Đây là một tình trạng rất thường gặp ở nam giới.

Ở Canada, rối loạn cương dương gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của hàng nghìn nam giới. Lên đến 49,4% nam giới ở Canada trên 40 tuổi có các triệu chứng của yếu sinh lý. Nói cách khác, trên 40 tuổi, cứ 2 nam giới thì có 1 người bị bất lực. Trong số này, 5 – 20% bị triệu chứng ở mức vừa và nặng.

Một nghiên cứu khác ở Mỹ và vài nước châu Âu cho thấy trong hơn 27.000 nam giới 20 – 75 tuổi thì tỉ lệ bất lực là 16% (khoảng 4.300 người). Trong số đó, chỉ 8% nam giới ở độ tuổi 20 – 30 bị. Lên đến 37% nam ở độ tuổi 70 – 75 bị bất lực.

Từ các số liệu trên, dễ thấy nam giới càng lớn tuổi càng giảm sinh lý.

Xem thêm: Rocket 1h tăng cải thiện sinh lý nam giới có tốt không?

Những yếu tố nào có thể khiến nam giới bị rối loạn cương dương

1. Béo phì

Ở nhóm này, người ta thấy rằng, nếu tập thể dục thường xuyên và giảm cân, nguy cơ bị bất lực sẽ giảm 30%.

Người béo phì có khả năng bị rối loạn cương dương cao hơn
Người béo phì có khả năng bị rối loạn cương dương cao hơn

2. Hút thuốc lá

Hút thuốc lá không chỉ gây hại cho bộ phận sinh dục nam mà còn tác động xấu đến toàn bộ cơ thể. Một số nghiên cứu đã chứng minh người hút thuốc lá có nguy cơ bị xơ vữa động mạch. Điều đó làm chậm quá trình lưu thông của máu trong toàn cơ thể, kể cả dương vật và dẫn đến tình trạng bị liệt dương.

3. Có nhiều bệnh lý kèm theo

Thật vậy, nam giới có lối sống lành mạnh (thể dục thường xuyên, không béo phì) có nguy cơ bất lực thấp nhất. Bệnh lý thường được nhắc đến là các bệnh tim mạch.

4. Quan hệ tình dục

Không như người ta hay nghĩ, quan hệ tình dục ít hơn 1 lần mỗi tuần có nguy cơ bất lực gấp 2 lần nam giới quan hệ tình dục thường xuyên hơn. Một nghiên cứu ở Phần Lan theo dõi gần 1.000 nam giới không bị bất lực trong suốt 5 năm đã chứng minh được điều này.

5. Ngưng thở khi ngủ

Như tên gọi của nó, đây là tình trạng bệnh nhân thở chậm, rồi ngưng thở một thời gian ngắn, sau đó thở lại. Những đối tượng bị ngưng thở khi ngủ thường ngáy to, béo phì; dẫn đến rối loạn cương dương.

6. Can thiệp điều trị bệnh lý tuyến tiền liệt

Các thủ thuật cắt đốt, xạ trị có thể gây ra bất lực ở nam giới.

7. Đái tháo đường

Bệnh nhân đái tháo đường dễ bị bất lực hơn người khác. Điều này đặc biệt chính xác ở các đối tượng có đường huyết không kiểm soát. Các đối tượng có những biến chứng của đái tháo đường cũng vậy.

8. Bệnh thận mạn tính

Ở nam giới mắc bệnh thận mạn tính, việc bất lực rất thường gặp, đặc biệt là trong giai đoạn cần chạy thận. Việc chạy thận có thể cải thiện phần nào bất lực, tuy nhiên vẫn sẽ không thể trở lại như bình thường. Ghép thận có thể phục hồi sinh lực nam giới, tuy nhiên điều này không đảm bảo 100%. Bất lực cũng không phải là một chỉ định khiến bác sĩ ưu tiên ghép thận cho bệnh nhân.

Bệnh lý thận có thể là một nguyên nhân của rối loạn cương dương
Bệnh lý thận có thể là một nguyên nhân gây rối loạn cương dương

9. Tác dụng phụ của một số thuốc

Chống trầm cảm

Hầu hết các loại thuốc chống trầm cảm đều có thể gây ra bất lực ở nam giới.

Thuốc lợi tiểu

Một số loại thuốc lợi tiểu, như lợi tiểu giữ Kali hay Thiazide có thể gây ra bất lực.

Chống tăng huyết áp

Một số loại gây ra bất lực như methyldopa, chẹn canxi, ức chế men chuyển hóa…

Cimetidine

Một loại thuốc giúp giảm triệu chứng ở bệnh nhân bị cảm cúm, sổ mũi… hoặc bệnh lý dạ dày, trào ngược…

10. Tâm lý

Không chỉ thuốc chống trầm cảm, kể cả trầm cảm hay stress cũng gây ra bất lực ở nam giới.

11. Thần kinh

Việc tổn thương sọ não như đột quỵ, cột sống, tủy sống, lú lẫn cũng gây ra bất lực.

Tổn thương các dây thần kinh từ tủy sống đến dương vật cũng gây ra bất lực. Do đó, bất lực cũng có thể xuất hiện sau chấn thương, phẫu thuật vùng khung chậu (bụng dưới, mông), tuyến tiền liệt.

12. Thường xuyên sử dụng xe đạp

Việc đạp, ngồi xe đạp, xe máy thường xuyên có thể gây ra bất lực ở nam giới. Dù rằng bằng chứng y học không quá rõ ràng, tuy nhiên việc ngồi quá lâu có thể làm các dây thần kinh, mạch máu vùng mông, tầng sinh môn (vùng nằm giữa hậu môn và dương vật) bị chèn ép. Do đó, không lạ rằng nhiều vận động viên xe đạp có triệu chứng của bất lực.

Vận động viên đua xe đạp có nhiều nguy cơ bất lực
Vận động viên đua xe đạp có nhiều nguy cơ mắc rối loạn cương dương

13. Rối loạn nội tiết tố ở nam giới

Hormone nam giới – testosterone suy giảm có thể làm giảm cương dương. Bằng chứng cho việc này là khi bổ sung testosterone ở các đối tượng thiếu hụt làm cải thiện tình trạng cương dương.

Triệu chứng của rối loạn cương dương

Rối loạn cương dương có 2 triệu chứng:

  • Không thể bắt đầu cương dương.
  • Cương dương không đủ lâu để quan hệ tình dục.

Và cụ thể hơn, triệu chứng này phải kéo dài ít nhất 6 tháng để xác định thật sự bệnh nhân có bị bất lực hay không. Nếu triệu chứng kéo dài nhưng chưa đến 6 tháng, đôi khi một chẩn đoán nghi ngờ có thể được đặt ra.

Như đã kể ở trên, có hàng loạt vấn đề liên quan đến cương dương. Do đó, khi chẩn đoán bạn bị cương dương, bác sĩ sẽ kiểm tra:

  • Thuốc lá, cân nặng, chế độ thể thao.
  • Các loại thuốc đang sử dụng.
  • Những bệnh lý mắc phải đã biết từ trước. Kể cả các rối loạn thần kinh như trầm cảm.
  • Đường huyết.
  • Mỡ máu.
  • Chức năng tim mạch (điện tim đồ).
  • Chức năng thận, tuyến giáp.
  • Một số vấn đề khác nếu nghi ngờ được đặt ra.
  • Bác sĩ có thể đề nghị siêu âm mạch máu dương vật. Điều này giúp xác định các bệnh lý về mạch máu có hay không cũng như loại trừ những dị tật về dương vật khác.

Như đã thấy, rối loạn cương dương là một vấn đề phức tạp. Để xác định bệnh nhân có bị bất lực hay không thì khá đơn giản, chỉ cần hỏi bệnh. Tuy nhiên, để tìm nguyên nhân gây ra bất lực thì không phải dễ dàng. Điều này cần kết hợp nhiều bác sĩ thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau:

  • Tiết niệu/Nam khoa.
  • Nội tiết.
  • Tim mạch.
  • Tâm thần, tâm lý.
Cần nhiều bác sĩ chuyên khoa khác nhau để xác định nguyên nhân rối loạn cương
Cần nhiều bác sĩ chuyên khoa khác nhau để xác định nguyên nhân rối loạn cương

Điều trị bất lực như thế nào?

Hầu hết các trường hợp điều trị bất lực cần kết hợp:

  • Điều chỉnh lối sống tích cực hơn.
  • Trị liệu tốt các bệnh lý khác liên quan.
  • Cải thiện tâm lý tình dục.

Điều trị thuốc

Thông thường, thuốc sẽ được sử dụng trong hầu hết các trường hợp bất lực.

Các loại thuốc tăng lưu lượng máu đến dương vật thường được bệnh nhân tự sử dụng hơn là được bác sĩ kê toa. Cái tên chúng ta thường biết đến nhất chính là Viagra (hoạt chất là Sildenafil).

Viagra là thuốc nhóm phosphodiesterase-5 thường dùng để chữa rối loạn cương dương. Thuốc này thường có tác dụng kéo dài 30 – 120 phút. Đối với loại thuốc này, tối đa bệnh nhân chỉ có thể uống 100mg mỗi ngày.

Nhưng cần chú ý, nam giới trên 65 tuổi phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng do có thể gây tổn thương gan, thận cũng như tương tác với một số loại thuốc hay được kê toa khác.

Các tác dụng phụ thường gặp là:

  • Đau đầu.
  • Đỏ mặt.
  • Khó tiêu hóa.
  • Nghẹt mũi.
  • Mắt nhìn thấy các màu sắc bất thường.
  • Đáng chú ý, nếu chẳng may bạn bị đau tim sau khi dùng thuốc này, hãy khai báo ngay với bác sĩ. Điều này sẽ cứu mạng của bạn đấy.

Video chia sẻ nhưng lưu ý quan trọng về thuốc cường dương Viagra: 

Bổ sung testosterone

Khi xác định bệnh nhân có thiếu hụt nội tiết tố nam giới thì việc bổ sung mới mang lại hiệu quả. Nó có thể dùng chung với Sildenafil.

Tư vấn về tình dục

Việc được tư vấn cởi mở về tình dục có thể giúp bạn đỡ mặc cảm và stress. Và rõ ràng điều này mang lại hiệu quả tốt.

Phẫu thuật

Chỉ thật sự mang lại hiệu quả khi có bất thường về cấu trúc hay có chấn thương dương vật.

Rối loạn cương dương là một bệnh lý thường gặp ở nam giới. Càng lớn tuổi càng dễ dàng bị bất lực. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bất lực. Do đó, dù rất dễ dàng chẩn đoán nhưng bạn cũng cần được xét nghiệm để tìm nguyên nhân gây ra vấn đề này. Điều trị rối loạn cương dương không khó, tuy nhiên bạn nên đến gặp bác sĩ để nhận được tư vấn. Việc lạm dụng thuốc sẽ mang đến những hậu quả khó lường.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. EAU Guidelines on Erectile Dysfunction, Premature Ejaculation, Penile Curvature and Priapism, European Association of Urology 2016.https://d56bochluxqnz.cloudfront.net/media/EAU-Guidelines-Male-Sexual-Dysfunction-2016-3.pdf
  2. 2015 CUA Practice guidelines for erectile dysfunctionhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4336024/

    Ngày tham khảo: 22/07/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người