Những vấn đề cần chú ý về rối loạn giấc ngủ ở thanh niên
Nội dung bài viết
Ngủ là một hoạt động không thể thiếu đối với tất cả mọi người hàng ngày. Trung bình mỗi ngày cần 6 – 8 giờ mỗi ngày để ngủ bất kể ngày hay đêm. Rối loạn giấc ngủ ở thanh niên là một vấn đề làm ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, công việc và sinh hoạt. Qua bài viết này, bác sĩ Nguyễn Lâm Giang sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng này; cũng như đề xuất một số cách giải quyết.
Khái quát về rối loạn giấc ngủ ở thanh niên
Rối loạn giấc ngủ có thể là một bất thường thoáng qua hoặc là một bệnh lý thật sự. Dù do nguyên nhân gì, nếu thường xuyên mắc phải vấn đề này, bạn cần đến gặp bác sĩ sớm để được tư vấn. Thanh niên và người lớn 18 – 54 tuổi cần trung bình 6.4 giờ mỗi ngày để ngủ và con số này có thể cao hơn vào những ngày cuối tuần.
Nhiều cuộc thăm dò ý kiến trong thời gian qua cho thấy, thực tế những người trong độ tuổi lao động có thời gian ngủ ít hơn như vậy. Những triệu chứng rối loạn giấc ngủ thường gặp có thể liên quan đến các vấn đề sau:
- Mất ngủ, ngủ không ngon, ngủ ít.
- Ngủ nhiều – chứng ngủ rũ ban ngày.
- Chuyển động bất thường khi ngủ.
- Rối loạn giấc ngủ liên quan đến hoạt động thở.
- Các rối loạn giấc ngủ khác.
Thanh niên bị rối loạn giấc ngủ có thể mắc một hay nhiều hơn các nhóm bệnh trên. Đa số người bệnh bị suy giảm sức khỏe và giảm hiệu suất làm việc đáng kể nếu không được phát hiện bệnh sớm. Thực tế, người bị rối loạn giấc ngủ không ít; nhưng chưa được phát hiện và không được điều trị đúng. Vậy, đâu là lý do gây ra các vấn đề này, hãy cùng tìm hiểu qua phần tiếp theo.
Nguyên nhân rối loạn giấc ngủ ở thanh niên
Rất nhiều yếu tố gây ra các rối loạn về giấc ngủ. Dù nguyên nhân có thể khác nhau, nhưng đều tác động tiêu cực lên chu kỳ ngủ; gây ra sự gián đoạn giấc ngủ bình thường và sức khỏe của người bệnh. Những nguyên nhân có thể có gây rối loạn giấc ngủ thường gặp nhất ở thanh niên là:
- Những bệnh lý thực thể như hen suyễn gây khó thở về đêm, viêm loét dạ dày tá tràng gây đau.
- Do thuốc – một số thuốc có tác dụng phụ là gây rối loạn giấc ngủ.
- Làm việc ca đêm và thay đổi đồng hồ sinh học giấc ngủ.
- Vệ sinh giấc ngủ kém – uống cà phê, rượu, hút thuốc lá, xem điện thoại trước khi ngủ. Suy nghĩ quá nhiều mà không tập trung vào giấc ngủ cũng là một trong những nguyên nhân thường gặp ở thanh niên.
- Môi trường ngủ không phù hợp – ánh sáng chói, ồn ào, lạnh, nóng.
- Do yếu tố bẩm sinh – liên quan nhiều đến chứng ngủ rũ.
Xem thêm: 5 thói quen có hại thường gặp trước khi đi ngủ
Rối loạn giấc ngủ ở thanh niên có thể do một hay rất nhiều nguyên nhân phối hợp gây ra. Do đó, việc tìm nguyên nhân rất quan trọng để chẩn đoán cũng như điều trị bệnh. Hạn chế những điều kiện, bệnh lý bất lợi sẽ giúp cải thiện giấc ngủ hiệu quả. Từ những lý do trên, làm sao để biết bạn có hay không mắc rối loạn giấc ngủ? Nội dung tiếp theo sẽ giới thiệu một số triệu chứng liên quan mà bạn nên lưu ý.
Triệu chứng rối loạn giấc ngủ ở thanh niên
Đối với độ tuổi thanh niên, mất ngủ là vấn đề thường gặp nhất. Vì vậy, các triệu chứng than phiền chính chủ yếu xoay quanh lý do mất ngủ. Nhìn chung, khi xảy ra rối loạn giấc ngủ, người bệnh có thể có một trong những triệu chứng sau:
- Khó bắt đầu giấc ngủ.
- Tỉnh dậy nhiều lần trong đêm và khó ngủ trở lại.
- Dậy rất sớm vào buổi sáng và khó ngủ trở lại.
- Cảm giác ngủ không ngon giấc, không thoải mái.
- Mệt mỏi, mất tập trung, rối loạn cảm xúc, mắc nhiều lỗi khi làm việc và học tập vào ban ngày.
- Buồn ngủ thường xuyên, ngủ gục nhiều lần vào ban ngày.
Tuy nhiên, các triệu chứng này phải được suy xét cẩn thận; sao cho phù hợp với điều kiện hiện tại của người bệnh; để đưa ra chẩn đoán chính xác. Ví dụ, người làm ca đêm thì hiển nhiên sẽ buồn ngủ và ngủ vào ban ngày,… Hơn nữa, một số người bận rộn thường xảy ra những đợt rối loạn giấc ngủ thoáng qua một vài ngày; sau đó sẽ trở lại bình thường nếu không tiếp tục duy trì các yếu tố ảnh hưởng. Việc này là hết sức bình thường và không ảnh hưởng đến sức khỏe nếu chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn.
Các phương pháp điều trị rối loạn giấc ngủ ở thanh niên
Thông thường, rất ít trường hợp rối loạn giấc ngủ cần phải can thiệp y khoa đặc biệt. Điều trị chủ yếu là tư vấn vệ sinh giấc ngủ và giải thích cho người bệnh về lợi ích của giấc ngủ. Dù vậy, những thanh niên bị rối loạn giấc ngủ nặng sẽ cần được chỉ định một số thuốc hay thực phẩm giúp cải thiện giấc ngủ. Bạn không nên chần chừ nếu mắc bệnh, nhất là khi nó làm giảm sút sức khỏe bản thân. Sau đây là một số mẹo nhỏ giúp bạn giải quyết vấn đề:
- Hãy tạo ra một không gian lý tưởng cho phòng ngủ như tắt đèn, kéo rèm cửa, bật điều hòa nhẹ,…
- Tránh nằm trên giường nhiều nếu bạn không có nhu cầu ngủ.
- Suy nghĩ tích cực, giảm stress.
- Không suy nghĩ nhiều trước khi ngủ.
- Tránh các chất kích thích như cà phê, trà, soda cũng như không xem điện thoại, tivi một giờ trước khi ngủ.
Hi vọng qua bài viết trên của Bác sĩ Nguyễn Lâm Giang, bạn đã có thêm một số thông tin bổ ích về rối loạn giấc ngủ ở thanh niên và một vài mẹo nhỏ giúp giải quyết vấn đề. Hãy nhớ rằng, bệnh sẽ không nguy hiểm nếu không kéo dài và được phát hiện sớm. Bạn hãy đến gặp bác sĩ đúng lúc để được điều trị kịp thời, đảm bảo một giấc ngủ thật chất lượng.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Common Sleep Disordershttps://my.clevelandclinic.org/health/articles/11429-common-sleep-disorders#management-and-treatment
Ngày tham khảo: 04/11/2021
-
Classification of sleep disordershttps://www.uptodate.com/contents/classification-of-sleep-disorders?search=cause%20of%20sleep%20disorder&source=search_result&selectedTitle=1~150&usage_type=default&display_rank=1
Ngày tham khảo: 04/11/2021