YouMed

Sốt phát ban và sởi khác nhau như thế nào? Câu trả lời của bác sĩ

BS Tô Hồng Phương Thanh
Tác giả: Bác sĩ Tô Hồng Phương Thanh
Chuyên khoa: Truyền nhiễm

Sốt phát ban và sởi là hai bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ. Sốt phát ban và sởi thường có triệu chứng giống nhau gây hiểu nhầm cho bố mẹ. Vậy, phân biệt sốt phát ban và sởi như thế nào? Hãy cùng tìm Bác sĩ Tô Hồng Phương Thanh tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!

Những điều cơ bản về sốt phát ban và sởi

Sởi là gì?

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính đường hô hấp do virus gây ra. Có khoảng 100.000 ca tử vong do sởi trên toàn cầu hằng năm.1 Tính riêng năm 2018, có khoảng 140.000 ca tử vong trên toàn cầu và trẻ em dưới 5 tuổi chiếm đa số.2

Sởi là bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp từng gây ra tỷ lệ tử vong cao
Sởi là bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp từng gây ra tỷ lệ tử vong cao

Sốt phát ban là gì?

Sốt phát ban là thuật ngữ dùng để chỉ các bệnh gây ra triệu chứng sốt và phát ban trên cơ thể. Sốt phát ban có thể bao gồm nhiều bệnh cảnh khác nhau. Và sởi cũng là một trong những bệnh sốt phát ban thường gặp. Ngoài sởi, có thể kể đến các loại sốt phát ban khác, như: ban đào, rubella, sốt xuất huyết Dengue, nhiễm virus Chikungunya, sốt tinh hồng nhiệt,…

Vì sao dễ nhầm lẫn giữa 2 bệnh này?

Như đã thông tin, sởi cũng là một loại sốt phát ban. Nhiều người thường nhầm lần giữa 2 thuật ngữ này do có triệu chứng sốt và phát ban tương đồng. Tuy nhiên, sốt phát ban còn bao gồm nhiều nguyên nhân bệnh lý khác. Vì thế, cần hiểu rõ về 2 bệnh này để có thể phát hiện, điều trị đúng nguyên nhân, phù hợp và kịp thời.

Sốt phát ban và sởi khác nhau như thế nào?

1. Về nguyên nhân

Sởi3

Bệnh sởi do một loại virus ARN sợi đơn, thuộc chi Morbillivirus trong họ Paramyxoviridae gây ra. Con người là vật chủ tự nhiên duy nhất của virus sởi. Sởi có khả năng lây truyền cao do virus sởi tồn tại 2 giờ trong không khí. Có thể tiếp xúc với virus qua giọt bắn của người bệnh lây lan trong không khí. Tỉ lệ nhiễm bệnh khi tiếp xúc với giọt bắn cao, có thể có đến 9 trong 10 người khi tiếp xúc với giọt bắn người bệnh nhiễm bệnh.

Sốt phát ban

Sốt phát ban có nhiều loại do nhiều dạng virus khác nhau gây ra. Một số nguyên nhân có thể kể đến như:

  • Virus rubella gây ra bệnh rubella (sởi Đức). Virus rubella thuộc chi Rubivirus trong họ Matonaviridae. Virus này nhạy cảm với nhiệt độ (trên 56°C), tia cực tím và độ pH cao.4
  • Virus Flavivirus là tác nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết Dengue. Virus này thường được truyền giữa người với người qua vết muỗi cắn, thường là muỗi vằn Aedes. Virus lưu thông trong máu của người bệnh từ 2 đến 7 ngày.5
  • Virus Chikungunya là nguyên nhân gây bệnh sốt cùng tên. Virus này thuộc loại alpha virus từ động vật chân đốt, thuộc họ Togaviridae. Virus Chikungunya thường được truyền bởi muỗi vằn Aedes.6
  • Một loại sốt phát ban thường gặp khác là bệnh ban đào (Roseola Infantum). Nguyên nhân gây ra ban đào là virus Herpex 6Herpex 7 ở người.7

2. Về triệu chứng

Sởi2

Sởi thường bắt đầu với biểu hiện sốt cao sau khoảng 10 – 12 ngày từ khi tiếp xúc với virus và thường kéo dài từ 4 – 7 ngày. Ở giai đoạn đầu của bệnh còn có các triệu chứng như sổ mũi, ho, đỏ mắt, chảy nước mắt, bên trong má có xuất hiện những đốm trắng nhỏ.

Phát ban sẽ bùng phát vài ngày sau đó và lan rộng khắp cơ thể trong khoảng 3 ngày. Phát ban kéo dài từ 5 đến 6 ngày rồi mờ dần. Trung bình, phát ban xảy ra 14 ngày sau khi tiếp xúc với virus (trong khoảng từ 7 đến 18 ngày).

Sốt phát ban

Như tên gọi, triệu chứng chung của nhóm bệnh sốt phát ban là sốt và phát ban trên cơ thể. Ngoài ra, mỗi loại sốt phát ban sẽ có những dấu hiệu khác nhau:

  • Rubella: ủ bệnh đến 14 đến 21 ngày, sau đó có dấu hiệu sốt nhẹ, khó chịu, chán ăn, nhức đầu, đau họng,… Phát ban ở rubella có thể ở dạng dát và sẩn màu hồng nhỏ bắt đầu trên mặt và nhanh chóng lan rộng ra thân và tứ chi. Đôi khi, phát ban có dạng sẹo hoặc ban xuất huyết. Phát ban thường kéo dài trong 3 ngày và mờ dần theo cùng một hướng khi nó xuất hiện.4
  • Sốt xuất huyết Dengue: ủ bệnh tử 3 đến 15 ngày, sau đó, người bệnh sẽ có biểu hiện sốt, rét run, đau đầu, nhức hốc mắt, đau vùng thắt lưng, mệt mỏi nhiều, đau nhiều ở chân và khớp,… Triệu chứng sốt có thể đến 40°C. Phát ban ở loại này là ban dát sẩn, nhạt màu, ấn không mất, xuất hiện từ thân mình lan tới đầu và mặt.5
  • Sốt Chikungunya có các triệu chứng phổ biến là sốt và đau khớp. Các dấu hiệu phụ kèm theo là đau đầu, đau cơ, sưng khớp hoặc phát ban. Đặc biệt, triệu chứng đau khớp có thể nghiêm trọng, kéo dài trong vài tháng và có thể gây tàn phế.8
  • Bệnh ban đào bắt đầu với sốt cao (có thể vượt quá 40°C), kéo dài từ 3 đến 5 ngày. Người bệnh có thể kèm theo cảm giác khó chịu, viêm kết mạc, phù nề hốc mắt, viêm màng nhĩ, nổi hạch, chán ăn, tiêu chảy, ho,… Sau khi hạ sốt, ban dạng sẩn và dát nhỏ, màu hồng hoặc đỏ có kích thước từ 2 mm đến 5 mm sẽ phát triển. Vài trường hợp sẽ có một quầng nhạt xuất hiện xung quanh các dát và sẩn này. Phát ban ở ban đào thường không ngứa, tái nhợt, thường bắt đầu trên thân, có thể lan đến cổ, tứ chi, mặt và có thể tồn tại từ một đến hai ngày.7

3. Về biến chứng

Sởi2

Các biến chứng thường là yếu tố liên quan đến các trường hợp tử vong do sởi.

Các biến chứng nghiêm trọng xảy ra phổ biến hơn ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc người lớn trên 30 tuổi. Những biến chứng nghiêm trọng bao gồm: mù lòa, viêm não (nhiễm trùng gây sưng não), tiêu chảy nặng và mất nước, nhiễm trùng tai, nhiễm trùng hô hấp nghiêm trọng như viêm phổi.

Sởi có thể dẫn đến mù lòa, viêm não, nhiễm trùng tai, viêm phổi,…
Sởi có thể dẫn đến mù lòa, viêm não, nhiễm trùng tai, viêm phổi,…

Sốt phát ban

Với rubella, biến chứng phổ biến nhất là viêm đa khớp và đau đa khớp. Ngoài ra, các biến chứng khác hiếm gặp bao gồm: giảm tiểu cầu, thiếu máu tán huyết, viêm cơ tim, viêm gan, viêm tinh hoàn, viêm màng bồ đào, hội chứng Guillain-Barre,… Nhiễm rubella trong thời kỳ mang thai có thể dẫn đến sảy thai, thai chết trong tử cung, sinh non, chậm phát triển trong tử cung và hội chứng rubella bẩm sinh.4

Bệnh ban đào có thể dẫn đến hàng loạt biến chứng tiềm ẩn bao gồm viêm cơ tim, tiêu cơ vân, giảm tiểu cầu, hội chứng Guillain-Barre và viêm gan.7

Với sốt Chikungunya, bệnh nhân thường hồi phục sau nhiễm trùng, nhưng vẫn có thế xuất hiện các biến chứng về mắt, tim, thần kinh,…9

4. Về cách điều trị

Sởi2

Với sởi, hiện chưa có thuốc đặc trị mà chủ yếu là điều trị nhằm vào triệu chứng để tránh các biến chứng nghiêm trọng.

Các biến chứng nghiêm trọng do sởi có thể giảm bớt thông qua chăm sóc hỗ trợ, đảm bảo về mặt dinh dưỡng, uống đủ nước cho người bệnh. Đồng thời, với triệu chứng tiêu chảy và nôn mửa, cần điều trị mất nước bằng dung dịch bù nước đường uống theo khuyến cáo. Bên cạnh đó, thuốc kháng sinh nên được kê đơn để điều trị nhiễm trùng mắt, tai và viêm phổi.

Riêng đối tượng trẻ em, nếu được chẩn đoán mắc bệnh sởi thì bổ sung hai liều vitamin A, cách nhau 24 giờ. Phương pháp điều trị này phục hồi mức vitamin A thấp trong thời kỳ sởi xảy ra ngay cả ở trẻ em được nuôi dưỡng tốt và có thể giúp ngăn ngừa tổn thương mắt và mù lòa.

Sốt phát ban

Điều trị bệnh rubella chủ yếu là hỗ trợ giảm triệu chứng, bao gồm việc sử dụng thuốc chống viêm không steroid hạ sốt, giảm đau khớp và/hoặc viêm khớp.4

Đối với sốt xuất huyết Dengue, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Việc điều trị thường để tránh tình trạng giảm thể tích máu và mất nước.5

Với bệnh ban đào, điều trị hỗ trợ bằng cách nghỉ ngơi, uống đủ nước và có thể sử dụng thuốc hạ sốt như acetaminophen hoặc ibuprofen để kiểm soát cơn sốt. Bên cạnh đó, phát ban có thể không ngứa nên việc điều trị là không cần thiết.7

Đối với sốt Chikungunya, có thể điều trị hỗ trợ bằng thuốc hạ sốt và thuốc giảm đau tối ưu, uống nhiều nước và nghỉ ngơi. Vẫn chưa có thuốc kháng virus điều trị cụ thể đối bệnh này.9

5. Về cách phòng ngừa

Sởi4

Tiêm vắc-xin phòng sởi là biện pháp phòng ngừa quan trọng được khuyến khích trên toàn cầu. Hiện nay, vắc-xin sởi thường được kết hợp với vắc-xin quai bị, rubella (vắc-xin MMR), hoặc kết hợp thêm với vắc-xin thủy đậu (vắc-xin MMRV).

Một liều vắc-xin MMR có hiệu quả phòng bệnh sởi khoảng 93%, hai liều có hiệu quả khoảng 97%.

Sốt phát ban

Để phòng ngừa các loại sốt phát ban, bạn đọc nên:

  • Tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ và theo lịch trình.
  • Cố gắng tránh bị muỗi đốt:
  • Sử dụng kem/xịt chống muỗi phù hợp.
  • Nên sử dụng màng ngủ, kể cả ban ngày.
  • Loại bỏ ao tù, nước đọng quanh khu vực sinh sống.
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, sử dụng khăn giấy che mũi, miệng khi hắt hơi, ho,… để tránh tình trạng bệnh lây lan.
Rửa tay bằng xà phòng để tránh bệnh lây lan
Rửa tay bằng xà phòng để tránh bệnh lây lan

Trên đây là một số thông tin về sốt phát ban và sởi. Sởi là một trong những loại thường gặp của sốt phát ban. Ngoài sởi, sốt phát ban còn bao gồm nhiều bệnh cảnh khác. Việc hiểu rõ đặc điểm từng bệnh sẽ giúp việc phát hiện, điều trị đúng bệnh, phù hợp. Hy vọng bạn đọc đã có thêm nhiều thông tin hữu ích qua bài viết trên nhé!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Measleshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK448068/

    Ngày tham khảo: 13/04/2023

  2. Measleshttps://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/measles

    Ngày tham khảo: 13/04/2023

  3. Measles (Rubeola) - For Healthcare Providershttps://www.cdc.gov/measles/hcp/index.html

    Ngày tham khảo: 13/04/2023

  4. Rubellahttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK559040/

    Ngày tham khảo: 13/04/2023

  5. Denguehttps://www.msdmanuals.com/professional/infectious-diseases/arboviruses,-arenaviridae,-and-filoviridae/dengue

    Ngày tham khảo: 13/04/2023

  6. Chikungunya Feverhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/30480957/

    Ngày tham khảo: 13/04/2023

  7. Roseola Infantumhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK448190/

    Ngày tham khảo: 13/04/2023

  8. Chikungunya Virus - Symptoms, Diagnosis, & Treatmenthttps://www.cdc.gov/chikungunya/symptoms/index.html

    Ngày tham khảo: 13/04/2023

  9. Chikungunyahttps://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/chikungunya

    Ngày tham khảo: 13/04/2023

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người