Sùi mào gà âm đạo là gì? Câu trả lời từ bác sĩ
Nội dung bài viết
Sùi mào gà âm đạo là bệnh truyền nhiễm qua đường sinh dục thường gặp ở nữ giới. Bệnh thường phát triển quanh các bộ phận sinh dục nữ, đặc biệt là bên trong âm đạo. Bệnh gây ra bởi virus HPV, ngoài gây sùi mào gà sinh dục, HPV có một số loại gây ung thư cổ tử cung. Vì vậy, cần phát hiện sớm và điều trị đúng cách để tránh nguy cơ ung thư. Sau đây, mời bạn tham khảo bài viết dưới đây của ThS.BS Trần Quốc Phong để hiểu rõ hơn về căn bệnh này.
Bệnh sùi mào gà và sùi mào gà sinh dục
Bệnh sùi mào gà là bệnh lây truyền gây ra bởi virus u nhú ở người (HPV – Human papilloma virus). Sùi mào gà là các nốt mụn nổi thành từng cụm giống như mào gà. Vì vậy, bệnh còn được gọi là mụn cóc. Thông thường, các u nhú này mọc ở bộ phận sinh dục, hậu môn. Thậm chí, có thể mọc ở da, môi, miệng, lưỡi người bệnh. Mặc dù bệnh có thể tự thoái triển nhưng rất lâu. Nếu chủ quan không điều trị, bệnh có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm, khó kiểm soát.
Sùi mào gà sinh dục là những nốt sùi xuất hiện ở bộ phận sinh dục người nhiễm. Bệnh xảy ra khi lây nhiễm virus HPV qua đường quan hệ tình dục. Đối với sùi mào gà ở nam, chúng thường xuất hiện trên đầu hoặc thân dương vật, bìu hoặc hậu môn. Còn đối với sùi mào gà ở nữ, chúng có thể mọc trên âm hộ, thành âm đạo, khu vực giữa bộ phận sinh dục ngoài và hậu môn, ống hậu môn và cổ tử cung.
Có thể thấy đây là những vùng khó phát hiện nên thường dễ bị bỏ qua. Sùi mào gà sinh dục cũng có thể phát triển trong miệng hoặc cổ họng của qua đường quan hệ tình dục bằng miệng.
Sùi mào gà sinh dục là căn bệnh xã hội đe dọa chất lượng sống của con người. Bên cạnh đó còn gây ảnh hưởng nhất định đối với sức khỏe của mọi người, đặc biệt là phụ nữ.
Tại sao phụ nữ mắc bệnh sùi mào gà âm đạo?
Quan hệ tình dục là nguyên nhân làm phụ nữ mắc bệnh sùi mào gà ở âm đạo phổ biến nhất. Theo trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC), sùi mào gà sinh dục phát hiện nhiều nhất ở người khoảng 30 tuổi. Virus HPV lây qua đường tình dục là virus gây bệnh này phổ biến nhất ở Hoa Kỳ. Có khoảng 14 triệu ca nhiễm HPV mới mỗi năm ở Hoa Kỳ, đặc biệt dưới 30 tuổi. Nguy cơ này tăng lên khi:
- Quan hệ tình dục không an toàn với nhiều bạn tình.
- Bị nhiễm khi quan hệ bằng đường miệng, hậu môn… với người bị nhiễm.
- Quan hệ tình dục khi còn trẻ, thường dưới 18 tuổi.
- Có hệ miễn dịch suy yếu do HIV/AIDS, uống thuốc thải trừ miễn dịch.
Bên cạnh đó, bệnh có thể lây truyền từ người mẹ sang con. Bệnh thường xuất hiện khi từ nhỏ. Nếu không điều trị tận gốc, khi trưởng thành, bệnh có thể bùng phát.
Việc tiếp xúc với dịch tiết, vết thương hở chứa HPV của người bệnh cũng gây lây truyền bệnh. Thông qua việc vô tình chạm vào sùi mào gà, đụng vào vết thương nhiễm sẵn virus của người bệnh.
Ngoài ra, việc sử dụng chung đồ dùng cá nhân, quần áo với người bệnh cũng có thể lây lan. Chăm sóc trẻ nhiễm sùi mào gà thông qua tắm rửa, thay đồ cho trẻ,… gián tiếp gây nhiễm bệnh.
Những ảnh hưởng của bệnh sùi mào gà âm đạo đối với nữ giới
Sùi mào gà ngoài xuất hiện ở âm đạo, có thể mọc trên cổ tử cung, lỗ tiểu, âm hộ, vùng bẹn và đùi trong. Chúng có thể là những u nhú rất nhỏ, xuất hiện đơn lẻ hoặc tập trung thành chùm. Các u nhú có màu hồng tươi hoặc trắng đục, mềm. Bệnh không có triệu chứng rõ ràng, khó phát hiện. Nhưng có khả năng lây nhiễm cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh có thể gây nhiều ảnh hưởng cho phụ nữ như sau:
Đối với phụ nữ
Thường không cảm nhận được triệu chứng như đau hay ngứa. Nhưng dễ các nốt sùi bị vỡ khi chạm hay sây xát gây ra chảy máu. Nốt sùi mào gà chảy máu tạo thuận lợi cho nhiễm trùng, tổn thương tại vị trí nhiễm bệnh. Các nốt sùi lớn, mụn cóc ở vùng kín gây khó chịu khi hoạt động, đi lại. Thậm chí, có thể chảy máu gây đau tức, sưng phù tại các bộ phận sinh dục. Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 2 – 9 tháng nên làm cho chị em cảm thấy mệt mỏi toàn thân, chán ăn, sụt cân. Đặc biệt, cảm thấy đau khi giao hợp, giảm ham muốn tình dục. Việc này sẽ ảnh hưởng hạnh phúc gia đình, đời sống tình dục của chị em.
Ngoài ra, sùi mào gà còn xuất hiện ở miệng khi quan hệ tình dục không an toàn bằng đường miệng. Khi đó xuất hiện các nốt sùi mào gà ở lưỡi, miệng, họng gây đau họng, khó nuốt, khàn giọng. Bệnh sùi mào gà ở miệng dễ bị nhầm với bệnh nhiệt miệng, viêm họng nên cần cẩn thận phân biệt.
Nhiễm trùng HPV ở cơ quan sinh dục nữ có thể gây ra ung thư cổ tử cung. Một số HPV khác cũng liên quan đến ung thư âm hộ, hậu môn, miệng và họng. Tuy nhiễm trùng HPV không phải lúc nào cũng dẫn đến ung thư. Nhưng có nguy cơ cao bị ung thư cổ tử cung. Theo thống kê, 70% ca tử vong do phát hiện muộn, 30% phải cắt toàn bộ tử cung, mất khả năng sinh đẻ.
Đối với thai phụ và thai nhi
Sùi mào gà ở âm đạo khi lan rộng sẽ ức chế sự biến đổi âm đạo khi sinh. Qua đó, gây khó khăn cho việc sinh con, tăng nguy cơ sinh non, sảy thai. Mẹ có thể chảy máu kéo dài sau sinh do sùi mào gà lớn trong âm đạo hoặc trên âm hộ.
Khi sinh thường, người mẹ có nguy cơ lây nhiễm HPV cho trẻ sơ sinh. Trẻ khi sinh ra có thể bị sùi mào gà ở da, miệng, vòm họng, hậu môn,… Sùi mào gà lớn mọc ở họng trẻ gây tắc nghẽn đường thở, có thể cần phẫu thuật khẩn cấp. Thậm chí bị sùi mào gà bẩm sinh sẽ khiến đứa trẻ kém phát triển về thể chất và trí tuệ.
Xem thêm: Bệnh sùi mào gà ở trẻ em: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa trị
Các phương pháp điều trị sùi mào gà âm đạo
Nếu sùi mào gà không gây khó chịu, có thể không cần điều trị. Nhưng nếu bạn bị ngứa, rát và đau, hoặc lo lắng về việc lây nhiễm. Bác sĩ có thể giúp điều trị cơn bùng phát bằng thuốc hoặc phẫu thuật:
Thuốc bôi
Phương pháp này thường áp dụng cho các nốt sùi kích thước nhỏ, bao gồm:
- Imiquimod (Aldara, Zyclara): Loại kem này có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch chống lại sùi mào gà sinh dục. Nên tránh quan hệ tình dục khi kem còn trên da của bạn. Nó có thể làm suy yếu bao cao su và gây kích ứng da của bạn tình. Một tác dụng phụ hay xảy ra là đỏ da. Các tác dụng phụ khác có thể bao gồm mụn nước, đau nhức cơ thể, ho, phát ban và mệt mỏi.
- Podophyllin và Podofilox (Condylox): Podophyllin là một loại nhựa thực vật có tác dụng phá hủy mô sùi mào gà ở bộ phận sinh dục. Bác sĩ thường áp dụng loại thuốc này. Podofilox chứa cùng một loại chất tác dụng tương tự. Nhưng bạn có thể áp dụng thuốc này tại nhà. Không bao giờ bôi Podofilox bên trong. Ngoài ra, thuốc này không được khuyến khích sử dụng trong thời kỳ mang thai. Các tác dụng phụ có thể bao gồm kích ứng da nhẹ, lở loét hoặc đau.
- Axit tricloaxetic: Một chất hóa học có khả năng đốt cháy sùi mào gà sinh dục. Thuốc này có thể được sử dụng cho sùi mào gà trong âm đạo. Các tác dụng phụ có thể bao gồm kích ứng da nhẹ, lở loét hoặc đau.
- Sinecatechin (Veregen): Kem này được sử dụng để điều trị sùi mào gà sinh dục bên ngoài và trong hoặc xung quanh hậu môn. Các tác dụng phụ gồm đỏ da, ngứa hoặc rát và đau, thường ở mức độ nhẹ.
Khi lựa chọn phương pháp điều trị bằng thuốc, bạn không nên tự ý mua hoặc sử dụng mà không có hướng dẫn của bác sĩ. Vì một số thuốc sùi mào gà không kê đơn có thể không dùng cho vùng sinh dục.
Phẫu thuật
Phương pháp này thường áp dụng để loại bỏ những nốt sùi lớn hơn; những nốt sùi không đáp ứng với thuốc. Hoặc bạn đang mang thai, mà em bé có thể tiếp xúc các nốt sùi trong khi sinh. Các phương pháp phẫu thuật gồm:
- Làm đông lạnh bằng nitơ lỏng (phương pháp áp lạnh): Hoạt động bằng cách làm phồng vùng da xung quanh nốt sùi. Khi da lành lại, các nốt sùi sẽ bong theo da. Từ đó tạo điều kiện cho da mới xuất hiện. Phương pháp này có thể cần thực hiện nhiều lần. Các tác dụng phụ chính bao gồm đau và sưng.
- Đốt điện: Quy trình này sử dụng dòng điện để đốt các nốt sùi. Bạn có thể bị đau và sưng sau khi làm thủ thuật.
- Phẫu thuật cắt bỏ: Bác sĩ có thể sử dụng các công cụ đặc biệt để cắt các nốt sùi. Phương pháp này cần gây mê cục bộ hoặc toàn thân. Bạn có thể bị đau sau điều trị.
- Phương pháp điều trị bằng laser: Phương pháp này sử dụng một chùm ánh sáng cường độ cao. Có thể tốn kém và thường được dành cho những mụn cóc lan rộng và khó điều trị. Sau điều trị, có thể để lại sẹo và gây đau.
Một số biện pháp phòng tránh bệnh sùi mào gà âm đạo
Các phương pháp điều trị trên không tiêu diệt tận gốc virus HPV. Bệnh sùi mào gà có thể tái phát lại. Vì vậy, phòng bệnh là biện pháp hữu hiệu nhất để tránh khỏi căn bệnh xã hội này. Dưới đây là một số biện pháp phòng tránh bệnh sùi mào gà ở âm đạo hiệu quả:
- Quan hệ tình dục an toàn bằng biện pháp bảo vệ như bao cao su,…
- Nói với bạn tình của bạn nếu bạn bị nhiễm HPV hoặc sùi mào gà âm đạo để họ đi xét nghiệm và điều trị.
- Chung thủy một vợ một chồng hoặc hạn chế số lượng bạn tình của bạn.
- Khám sức khỏe định kỳ hàng năm, gồm khám phụ khoa hoặc da liễu để kịp thời phát hiện bệnh.
- Vệ sinh cơ quan sinh dục sạch sẽ. Tránh sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người khác.
- Có lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá, uống rượu bia.
- Bé gái từ 11 – 18 tuổi và phụ nữ cần chủ động tiêm ngừa vắc xin HPV. Điều rất cần thiết để phòng bệnh sùi mào gà và ung thư cổ tử cung.
Xem thêm: Bao cao su nữ và những điều bạn cần biết
Mỗi năm, có hàng nghìn phụ nữ mắc bệnh sùi mào gà âm đạo. Bệnh có thể gây ra ảnh hưởng rất lớn tới sức khoẻ và đời sống của phụ nữ. Qua bài viết trên, hy vọng bạn đã có thêm những kiến thức cần thiết trong việc nhận biết sớm và phòng tránh bệnh. Khi phát hiện các triệu chứng của sùi mào gà âm đạo, bạn hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Genital Wartshttps://www.healthline.com/health/std/genital-warts
Ngày tham khảo: 15/02/2021
-
How Do I Know if I Have Genital Warts?https://www.webmd.com/sexual-conditions/hpv-genital-warts/genital-wart-symptoms-diagnosis
Ngày tham khảo: 19/04/2021
-
Genital Wartshttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/genital-warts/symptoms-causes/syc-20355234
Ngày tham khảo: 20/11/2019