Suy tim phải: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Nội dung bài viết
Khi nhắc đến suy tim, người ta thường nghĩ ngay đến suy tim trái. Tuy nhiên, thực tế suy tim nói chung có thể là suy tim trái, suy tim phải, hoặc là suy tim toàn bộ. Trong đó, suy tim phải thường xảy ra thứ phát do suy tim trái gây ra. Nhưng cũng có trường hợp người bệnh mắc suy tim phải đơn thuần mà không có suy tim trái. Khác với những triệu chứng rõ ràng của suy tim trái, thì suy tim phải có triệu chứng thầm lặng hơn trong giai đoạn đầu. Bài viết sau đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Lý Quang Sang sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cơ bản về căn bệnh này. Mời bạn cùng tìm hiểu nhé!
Suy tim phải là gì?
Tim người bình thường có thể chia thành tim trái và tim phải, và tổng cộng gồm có 4 buồng tim. Trong đó, tim trái gồm nhĩ trái và thất trái, còn tim phải gồm nhĩ phải và thất phải. Với một trái tim khoẻ mạnh, hoạt động co bóp của tim diễn ra nhịp nhàng và hiệu quả, đảm bảo bơm đủ lượng máu để lưu thông hiệu quả trong các vòng tuần hoàn và nuôi cơ thể.
Suy tim là tình trạng tim không còn khả năng co bóp tốt để bơm đủ lượng máu đảm bảo cho các nhu cầu hoạt động của cơ thể. Đây là con đường chung cuối cùng của hầu hết các bệnh lý tim mạch. Nếu phân chia theo giải phẫu của tim, suy tim có thể phân thành suy tim trái, suy tim phải, hoặc suy tim toàn bộ (suy cả tim trái và tim phải).1 2
Suy tim phải là tình trạng bất thường cấu trúc hay chức năng của tim phải làm giảm khả năng co bóp. Dẫn đến chức năng bơm máu của tim phải lên tuần hoàn phổi không còn hiệu quả nữa. Trong hầu hết trường hợp, suy tim phải xuất hiện như là một biến chứng của suy tim trái đã sẵn có trước đó. Đây cũng là lúc người bệnh đã chuyển sang tình trạng suy tim toàn bộ. Tuy nhiên, suy tim phải có thể xảy ra đơn độc mà không kèm theo suy tim trái, trường hợp này ít gặp hơn.1
Tỷ lệ sống còn ở người bệnh suy tim phải sau suy tim trái (suy tim toàn bộ) ở thời điểm 2 năm chỉ có 23%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở người bệnh suy tim phải đơn độc không kèm theo suy tim trái là 71%.3
Cơ chế của suy tim phải
Tim cùng với hệ thống mạch máu trong cơ thể tạo lập nên một hệ tuần hoàn kín, hoạt động đều đặn và nhịp nhàng.
Như đã trình bày ở trên, tim của chúng ta gồm có tim trái và tim phải. Bình thường, tim trái sẽ bơm máu đỏ (giàu oxy) vào hệ thống động mạch để mang các chất dinh dưỡng đi nuôi các mô và cơ quan của cơ thể. Sau đó, máu sẽ thu nhận CO2 và các “chất thải” khác của tế bào để trở thành máu đen (nghèo oxy, nhiều CO2) và theo hệ thống tĩnh mạch chủ về lại tim phải, chu kỳ này tạo lập nên vòng tuần hoàn lớn.
Đến lượt vòng tuần hoàn nhỏ, nhiệm vụ của tim phải là bơm lượng máu vừa nhận được lên động mạch phổi để máu này được trao đổi khí với các phế nang (các túi nhỏ trong phổi chứa không khí mà chúng ta hít vào), để rồi lượng máu này được “nạp” nhiều oxy từ các phế nang và thải bớt CO2 ra ngoài để trở thành máu đỏ, rồi theo tĩnh mạch phổi quay về tim trái và được tiếp tục bơm ra ngoài theo vòng tuần hoàn lớn. Cứ như vậy tạo thành một vòng lặp đi lặp lại trong cơ thể.
Để có thể thích nghi với “môi trường áp lực cao” vì gánh vác trọng trách bơm một lượng máu đủ lớn vào vòng tuần hoàn lớn để nuôi toàn cơ thể, thất trái có hình elip với lớp cơ dày.
Tuy nhiên, khác với tim trái, tim phải của chúng ta “mong manh dễ vỡ” hơn nhiều. Vì có hình dạng tam giác cùng lớp cơ mỏng hơn, thất phải của chúng ta rất nhạy cảm với “môi trường áp lực cao”. Tức là khi có tình trạng ứ đọng máu do tắc nghẽn từ thượng nguồn của vòng tuần hoàn nhỏ (động mạch phổi, tĩnh mạch phổi), khả năng “gồng gánh” của thất phải để gắng sức bơm máu lên hệ thống mạch máu phổi không đủ lớn, dẫn đến nó dễ bị “đuối sức”.
Ngoài ra, cấu trúc giải phẫu đặc biệt của tim phải làm cho nó dễ bị suy, khi cấu trúc này bị thay đổi bởi tình trạng thiếu máu nuôi, hoặc bởi các tác nhân gây tổn thương trực tiếp cơ tim (thuốc, độc chất, virut, …) hơn so với tim trái. Mặc dù vậy, tim phải có một lợi thế hơn tim trái là ít nhạy cảm với tình trạng thiếu máu nuôi hơn, do có lớp cơ mỏng và chịu áp lực thấp hơn nên nhu cầu dinh dưỡng và oxy cũng ít hơn.3
Khi tim phải bị suy, thất phải không đủ sức bơm đủ lượng máu lên động mạch phổi, dẫn đến máu sẽ ứ đọng lại ở tim phải ngày càng nhiều. Và chính vì vậy mà “gánh nặng” quá tải thể tích máu “đè lên vai” thất phải ngày một cao. Từ đó làm cho mức độ suy tim phải càng nặng lên. Lượng máu ứ đọng này sẽ ứ ngược trở lại hệ thống tĩnh mạch trong vòng tuần hoàn lớn. Đây là lý do vì sao mà người bệnh suy tim phải sẽ có tình trạng phù chân, gan to, tĩnh mạch cổ nổi,…
Ngoài ra, vì lượng máu được thất phải bơm lên tuần hoàn phổi ít hơn bình thường, nên máu hồi lưu về tim trái cũng ít hơn. Nếu tình trạng này nặng sẽ dẫn đến giảm cung lượng tim (giảm lượng máu bơm ra tuần hoàn lớn để nuôi cơ thể bởi thất trái, ngay cả khi sức co bóp của thất trái hoàn toàn bình thường), làm giảm tưới máu để nuôi sống các mô và cơ quan trong cơ thể. Từ đó gây suy đa cơ quan.2 3
Nguyên nhân suy tim phải
Suy tim phải có thể là biến chứng của suy tim trái. Khi thất trái giảm khả năng co bóp để tống máu ra tuần hoàn lớn, máu sẽ ứ lại tại tim trái và ứ ngược lên hệ thống tĩnh mạch phổi. Từ đó làm tăng áp lực tĩnh mạch phổi, rồi tăng áp lực ngược dòng tới động mạch phổi. Lâu ngày, áp lực này “đè nặng trên vai” của thất phải, dần dần dẫn đến suy tim phải.
Vì vậy, bất kỳ những nguyên nhân nào có thể gây suy tim trái thì đều có thể gây ra suy tim phải sau đó (suy tim toàn bộ). Các nguyên nhân này có thể là:1 3 4
- Bệnh mạch vành.
- Tăng huyết áp.
- Bệnh van tim: hở van hai lá, hẹp van hai lá; hở van động mạch chủ, hẹp van động mạch chủ.
- Rối loạn nhịp tim.
- Bệnh cơ tim,…
Bên cạnh đó, suy tim phải có thể xuất hiện một cách đơn độc không kèm theo suy tim trái, bởi những nguyên nhân làm quá tải áp lực và/hoặc thể tích tại tim phải, lâu ngày làm cho tim phải bị “kiệt sức”. Các nguyên nhân này có thể là:1 3 4
- Nhồi máu cơ tim thất phải.
- Thuyên tắc phổi.
- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản.
- Thông liên nhĩ.
- Tăng áp động mạch phổi vô căn.
- Bệnh cơ tim loạn sản thất phải.
- Viêm cơ tim.
- Tổn thương phổi cấp tính.
- Hở van 3 lá do tổn thương thực thể tại van tim.
- Rối loạn nhịp tim: đặc biệt là rối loạn nhịp xuất phát từ thất phải,…
Tiên lượng của suy tim phải
Tuỳ theo nguyên nhân gây ra suy tim phải mà mức độ nguy hiểm của bệnh khác nhau. Nhưng nhìn chung, đây là một căn bệnh có thể đe doạ tính mạng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nếu như suy tim phải thứ phát sau suy tim trái, tức là người bệnh đã có suy tim toàn bộ. Tiên lượng lúc này kém, tỷ lệ sống còn và chất lượng cuộc sống của người bệnh suy giảm đáng kể nếu không được điều trị tốt.5
Suy tim phải đơn độc do các bệnh lý phổi mạn tính, tim bẩm sinh, rối loạn nhịp tim,… có tiên lượng phụ thuộc và mức độ nặng của bệnh căn nguyên. Tuy nhiên, nếu điều trị kiểm soát tốt và ổn định bệnh căn nguyên, chức năng tim phải có thể được cải thiện tốt.5
Suy tim phải cấp do các nguyên nhân cấp tính như thuyên tắc phổi, nhồi máu thất phải, tổn thương phổi cấp, nhiễm trùng huyết, viêm cơ tim,… thường có tiên lượng xấu nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm. Tuy nhiên, trong những trường hợp này, chức năng của tim phải có thể hồi phục hoàn toàn nếu giải quyết nhanh và dứt điểm nguyên nhân.5
Triệu chứng của suy tim phải
Suy tim phải thứ phát do suy tim trái, do bệnh phổi mạn, tim bẩm sinh, bệnh van 3 lá thường diễn tiến chậm; do khả năng thích nghi của thất phải với tình trạng tăng áp lực không quá đột ngột. Bệnh nhân có thể không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ ở giai đoạn đầu.4 5
Ngược lại, nếu suy tim phải đơn độc do những nguyên nhân như thuyên tắc phổi, nhồi máu thất phải, nhiễm trùng huyết, tổn thương phổi cấp tính, viêm cơ tim,… thì bệnh thường diễn tiến nhanh và nặng do thất phải không chịu nổi một sự gia tăng áp lực cao đột ngột.4 5 6
Như đã trình bày, suy tim phải làm ứ đọng máu trong hệ thống tĩnh mạch của vòng tuần hoàn lớn, gây sung huyết hệ thống. Tình trạng gây ra một triệu chứng nổi bật ở người bệnh suy tim phải là phù:1 3
- Người bệnh sẽ thấy chân mình sưng lên, căng bóng, ấn ngón tay vào mắt cá trong hay vùng xương cứng của cẳng chân sẽ thấy để lại vết lõm và vết này dãn mất đi khi thả tay ra. Phù này xuất hiện đầu tiên thường ở mu bàn chân, vùng mắt cá trong, hoặc ở vùng cùng cụt khi người bệnh nằm lâu; sau đó phù dần lan ra toàn thân nếu bệnh tiến triển, phù thường tăng dần về chiều.
- Ngoài ra, người bệnh có thể thấy bụng mình to lên, do có dịch tích tụ trong màng bụng (cổ trướng).
- Người bệnh có cảm giác đầy hơi, khó tiêu do tình trạng phù niêm mạc đường tiêu hoá.
- Vì phù, tích tụ dịch trong cơ thể nhiều lên, người bệnh sẽ thấy mình tăng cân, tiểu ít hơn bình thường.
Khi suy thất phải tiến triển nặng gây giảm cung lượng tim, người bệnh có thể rơi vào tình trạng nặng hơn với những triệu chứng như:1 3 5
- Da lạnh, tím tái.
- Mệt mỏi.
- Choáng váng, chóng mặt.
- Mất tập trung, lú lẩn, lừ đừ, lơ mơ.
- Đo thấy huyết áp thấp.
Ngoài ra, người bệnh còn có thể có những triệu chứng của suy tim trái, nếu đây là nguyên nhân gây ra suy tim phải, hoặc triệu chứng của các bệnh căn nguyên khác như:
- Khó thở, đặc biệt là khó thở khi gắng sức, khi nằm đầu thấp, khó thở về đêm.
- Đau ngực, đặc biệt đau giữa ngực, đau bên trái, đau nhói kiểu đè nặng, có thể lan lên cổ hay lan sang vai và tay trái.
- Hồi hộp đánh trống ngực, cảm giác tim đập nhanh gợi ý có rối loạn nhịp tim.
Khi thăm khám người bệnh suy tim phải, các bác sĩ có thể phát hiện thêm những triệu chứng giá trị khác để gợi ý chẩn đoán như:1 3 5
- Có dấu nảy trước ngực gợi ý lớn thất phải, nghe tim phát hiện những tiếng tim và âm thổi bất thường vùng tim phải.
- Tĩnh mạch cổ nổi: khi quan sát cổ người bệnh suy tim cấp có thể phát hiện tĩnh mạch cảnh nổi rõ.
- Gan to.
- Các dấu hiệu của hội chứng giảm cung lượng tim khi suy tim phải nặng, chứng tỏ người bệnh có tình trạng giảm tưới máu cơ quan như: rối loạn tri giác với biểu hiện lừ đừ, mất tập trung, lơ mơ hay thậm chí là hôn mê, tay chân lạnh, da nổi lên các vân tím, tiểu ít hoặc không có nước tiểu,…
Chẩn đoán suy tim phải
Thăm khám lâm sàng
Để chẩn đoán suy tim phải, bác sĩ sẽ hỏi kỹ bệnh sử, tiền căn các bệnh lý căn nguyên gây suy tim phải như bệnh tim trái, bệnh phổi mạn, tim bẩm sinh,…
Bác sĩ sẽ thăm khám tim và toàn thân để tìm các dấu hiệu lâm sàng gợi ý suy tim phải như: dấu hiệu lớn thất phải và các dấu hiệu sung huyết hệ thống như phù, gan to, tĩnh mạch cổ nổi,…
Khi bệnh nhân nhập viện với biểu hiện cấp tính, việc chẩn đoán sẽ được thực hiện nhanh chóng và có thể song song với điều trị, nhằm phát hiện sớm và xử trí ngay có nguyên nhân gây suy thất phải cấp có thể hồi phục được.4 5
Các xét nghiệm có thể được chỉ định
Sau khi đã có chẩn đoán sơ bộ nghi ngờ bệnh nhân có suy giảm chức năng tim phải. Bác sĩ sẽ chỉ định thêm một số xét nghiệm để chẩn đoán xác định suy tim phải như:4 5
- Điện tâm đồ: nhằm phát hiện các dấu hiệu như lớn các buồng tim phải, thiếu máu cơ tim, dấu hiệu thuyên tắc phổi,…
- X-quang tim phổi: có thể phát hiện dấu hiệu tổn thương phổi trong trường hợp suy tim phải do bệnh phổi mạn, dấu hiệu lớn tim phải.
- Siêu âm tim: đây là xét nghiệm chính xác nhất để đánh giá cấu trúc và chức năng tim phải. Từ đó có thể chẩn đoán xác định suy tim phải. Ngoài ra, siêu âm tim còn hỗ trợ chẩn đoán một số nguyên nhân gây suy tim phải như: suy tim trái, thuyên tắc phổi, hở van 3 lá, tăng áp động mạch phổi, thông liên nhĩ,…
- Peptide lợi niệu (BNP, NT-proBNP, MR-proANP): khi người bệnh bị suy tim phải, các chất này trong máu sẽ tăng cao.
Bên cạnh đó, người bệnh sẽ được thực hiện thêm một số những xét nghiệm bổ sung khác để chẩn đoán nguyên nhân tuỳ theo lâm sàng gợi ý:4 5
- Thuyên tắc phổi: D-dimer, CT-scan động mạch phổi.
- Nhồi máu cơ tim thất phải: troponin tim, chụp mạch vành.
- Bệnh phổi mạn: CT-scan ngực có cản quang.
- Tăng áp động mạch phổi nguyên phát: xạ hình thông khí tưới máu, thông tim.
- Bệnh cơ tim loạn sản thất phải: Holter ECG, MRI tim, xét nghiệm gen.
Ngoài ra, một số xét nghiệm có thể được chỉ định để đánh giá hậu quả của suy tim phải, cũng như hỗ trợ cho việc điều trị và theo dõi như:4 5
- Chức năng thận: BUN, Creatinine máu.
- Ion đồ máu (Na, K, Cl).
- Chức năng gan: AST, ALT, bilirubin.
- Lactate máu.
- Khí máu động mạch,…
Điều trị suy tim phải
Việc điều trị nguyên nhân đóng vai trò ưu tiên hàng đầu trong quản lý căn bệnh này. Các phương pháp bao gồm:4 5 6
Trong trường hợp suy tim phải xảy ra sau suy tim trái
Nếu suy tim phải xảy ra thứ phát sau suy tim trái, người bệnh lúc này đã có suy tim toàn bộ. Bệnh nhân sẽ được điều trị như một bệnh nhân có suy tim trái với những thuốc có thể làm giảm tử vong cho người bệnh như: chẹn thụ thể beta, thuốc ức chế men chuyển, thuốc ức chế thụ thể, lợi tiểu kháng aldosterol, thuốc ARNI (sacubitril/valsartan), thuốc ức chế SGLT-2.
Suy tim phải đơn độc do nguyên nhân khác
Nếu suy tim phải đơn độc do những nguyên nhân khác không phải do suy tim trái. Việc chẩn đoán và điều trị nguyên nhân triệt để đóng vai trò rất quan trọng. Ví dụ:
- Suy tim phải do thuyên tắc phổi: cần phải tái thông động mạch phổi bằng tiêu sợi huyết, phẫu thuật lấy huyết khối.
- Suy tim phải do nhồi máu cơ tim thất phải: cần can thiệp tái thông động mạch vành.
- Suy tim phải do bệnh phổi mạn: cần điều trị tích cực để làm giảm tiến triển của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, xơ phổi,…
- Suy tim phải do hở van 3 lá: can thiệp sửa hay thay van.
- Bệnh cơ tim loạn sản thất phải gây rối loạn nhịp: đặt máy phá rung trong buồng tim,…
- Tăng áp động mạch phổi nguyên phát: điều trị thuốc làm giãn động mạch phổi.
Ngoài ra, việc tối ưu hoá lượng dịch trong cơ thể đóng vai trò quan trọng trong suy tim phải:4 5 6
- Lợi tiểu để thải trừ lượng nước dư thừa khi người bệnh có dấu hiệu sung huyết hệ thống: phù, gan to, tĩnh mạch cổ nổi, cổ trướng,…
- Bù dịch trong trường hợp người bệnh có dấu hiệu thiếu dịch.
Khi suy tim phải nặng, chức năng co bóp thất phải kém, gây giảm cung lượng tim, tụt huyết áp. Người bệnh có thể được chỉ định:4 5 6
- Thuốc vận mạch: để nâng huyết áp lên, đảm bảo tưới máu cơ quan.
- Thuốc tăng co bóp cơ tim: để làm tăng khả năng co bóp của thất phải.
Phương pháp điều trị không dùng thuốc
Mặc dù không giúp bệnh suy tim phải được chữa khỏi hoàn toàn. Nhưng chế độ ăn cho bệnh nhân suy tim và rèn luyện thể lực thường xuyên sẽ không làm bệnh xấu đi, thậm chí trì hoãn một phần tiến triển:1
- Hạn chế thực phẩm giàu cholesterol như thịt động vật có màu đỏ, mỡ, da, nội tạng. Thay vào đó là sử dụng nguồn chất béo từ thực vật gồm dầu oliu, dầu hướng dương, óc chó, hạt lanh… nhưng với số lượng ít.
- Bổ sung thêm rau xanh, trái cây sạch trong thực đơn hằng ngày nhằm cung cấp nguồn chất chống oxy hóa tự nhiên cho cơ thể.
- Hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá.
- Chỉ uống nước khi thực sự khát, có thể nhai kẹo cao su, ngậm đá viên hoặc trái cây đông lạnh để giảm bớt cơn khát.
- Ăn nhạt, giảm tối đa lượng muối trong khi nấu ăn và tránh thực phẩm đóng hộp.
- Tránh căng thẳng quá mức, ngủ đủ 7 – 8 giờ mỗi đêm, và dành 20 – 40 phút buổi trưa để nghỉ ngơi.
- Tập thể dục 30 – 60 phút hằng ngày với bài tập yêu thích hoặc tùy theo khả năng vận động của mỗi người. Hoạt động này giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh và giảm thiểu gánh nặng cho tim.
Hi vọng bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn đọc một số những thông tin cần biết về suy tim phải – một bệnh lý nguy hiểm và đe doạ đến tính mạng của người bệnh. Khi phát hiện những dấu hiệu gợi ý người bệnh bị suy tim phải, việc bạn cần làm là đi khám ngay để phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời. Từ đó có thể giúp làm chậm tiến triển hoặc thậm chí là hồi phục bệnh hoàn toàn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Right-Sided Heart Failurehttps://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21494-right-sided-heart-failure
Ngày tham khảo: 07/09/2022
-
Pathophysiology of heart failurehttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7944197/
Ngày tham khảo: 07/09/2022
-
Right Heart Failurehttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK459381/
Ngày tham khảo: 07/09/2022
-
Right Ventricular Failure: Pathophysiology, Diagnosis and Treatmenthttps://www.cfrjournal.com/articles/right-ventricular-failure-pathophysiology-diagnosis-and-treatment/
Ngày tham khảo: 07/09/2022
-
Evaluation and Management of Right-Sided Heart Failure: A Scientific Statement From the American Heart Associationhttps://www.ahajournals.org/doi/10.1161/CIR.0000000000000560
Ngày tham khảo: 07/09/2022
-
Cập nhật chẩn đoán và điều trị suy thất phải cấp tính (Contemporary management of acute rightventricular failure)https://timmachhoc.vn/cap-nhat-chan-doan-va-dieu-tri-suy-that-phai-cap-tinh-contemporary-management-of-acute-rightventricular-failure/
Ngày tham khảo: 07/09/2022