Các loại thuốc bôi viêm da dị ứng mà bạn cần biết
Nội dung bài viết
Viêm da dị ứng có các tên gọi khác như viêm da cơ địa, chàm (eczema hoặc atopic dermatitis). Viêm da cơ địa có thể nhẹ và tự khỏi. Cũng có trường hợp có triệu chứng nghiêm trọng và cần sự can thiệp của thuốc điều trị. Thuốc dùng trong điều trị viêm da cơ địa có thể là thuốc uống hoặc thuốc bôi ngoài da. Bài viết dưới đây của Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo sẽ đề cập đến một số loại thuốc bôi viêm da dị ứng mà bạn cần biết. Mời bạn cùng tìm hiểu nhé!
Tổng quan về các loại thuốc bôi viêm da dị ứng
Nguyên nhân gây viêm da dị ứng do sự tương tác giữa nhiều yếu tố. Yếu tố cơ địa của người bệnh, yếu tố dị nguyên, yếu tố miễn dịch. Vì thế các phương pháp điều trị hiện nay giải quyết các triệu chứng khi bệnh khởi phát mà chưa thể điều trị triệt để bệnh.
Nguyên tắc điều trị
- Phối hợp điều trị tại chỗ và điều trị toàn thân.
- Chú ý điều trị các bệnh cơ địa nếu có.
- Điều trị đúng theo từng giai đoạn.
- Chế độ ăn uống hợp lý.
Phương thức điều trị1
1. Điều trị tại chỗ
Tránh cào gãi chà xát, dùng thuốc tùy theo giai đoạn bệnh.
Giai đoạn cấp tính: Dung dịch Jarish hoặc nước muối đẳng trương.
Giai đoạn bán cấp: dùng các loại hồ.
- Hồ nước.
- Hồ Brocq.
Giai đoạn mạn: dùng các loại mỡ.
- Mỡ salicylé, kem có corticoid, mỡ tacrolimus….
- Các thuốc làm mềm da, ẩm da.
2. Điều trị đường toàn thân
- Kháng histamin tổng hợp.
- Vitamin C.
- Nếu có bội nhiễm dùng thêm kháng sinh.
3. Các phương pháp khác
- Chiếu tia cực tím UVA, UVB.
- Các thuốc ức chế miễn dịch
- Giáo dục y tế.
- Phòng bệnh tái phát.
Các loại thuốc bôi viêm da dị ứng
Có thể thấy, các loại thuốc thường được dùng trong điều trị viêm da dị ứng là thuốc bôi và thuốc uống. Thông thường, các dạng thuốc uống được chỉ định đối với tình trạng viêm da dị ứng nặng và có tổn thương rộng trên da. Còn các thuốc dạng bôi được sử dụng cho những vùng da có tổn thương nhỏ, hay tình trạng viêm da nhẹ.
Dựa vào từng tình trạng mà bác sĩ sẽ có chỉ định các loại thuốc, bao gồm cả thuốc bôi phù hợp với bạn. Vậy có những loại thuốc bôi viêm da dị ứng nào hiện nay? Chúng có thể giúp điều trị tình trạng này như thế nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nội dung ngay sau đây.
1. Dưỡng ẩm
Dưỡng ẩm tại chỗ được sử dụng để chống khô da và mất nước qua biểu bì. Hầu hết các sản phẩm dưỡng ẩm có chứa nước, các chất làm mềm, khóa ẩm hoặc giữ ẩm với hàm lượng khác nhau. Các chất làm mềm da như glycol và glyceryl stearate, sterol đậu nành bôi trơn và làm mềm da. Chất khóa ẩm như dimethicone, dầu khoáng,… tạo thành một lớp màng làm chậm sự bay hơi của nước. Các chất giữ ẩm như glycerol, axit lactic, urê có tác dụng hút và giữ nước.
Việc thoa kem dưỡng ẩm làm tăng độ ẩm cho da, phục hồi hàng rào bảo vệ da, giúp làm giảm các triệu chứng và dấu hiệu bệnh. Ví dụ như giảm ngứa, ban đỏ, nứt nẻ và lichen hóa. Vì vậy, kem dưỡng ẩm tại chỗ có thể làm giảm viêm và giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Dưỡng ẩm có thể là thuốc điều trị đơn độc nếu bệnh nhẹ. Và chúng là một phần của chế độ điều trị cho bệnh viêm da dị ứng mức độ vừa và nặng. Chúng cũng là một thành phần quan trọng trong điều trị duy trì và ngăn ngừa bùng phát. Vì vậy, dưỡng ẩm là nền tảng của điều trị viêm da dị ứng.2
2. Thuốc bôi corticosteroid
Thuốc bôi viêm da dị ứng chứa corticoid (Topical corticosteroid, TCS) được sử dụng ở cả người lớn và trẻ em. Chúng là hoạt chất điều trị chính của liệu pháp chống viêm.
TCS hoạt động trên nhiều loại tế bào miễn dịch, can thiệp vào quá trình xử lý kháng nguyên và ngăn chặn sự giải phóng các cytokine tiền viêm. TCS thường được đưa vào chế độ điều trị trong giai đoạn bán cấp của bệnh. Ngoài việc giảm các dấu hiệu cấp tính và mãn tính của bệnh, TCS còn giúp giảm ngứa và ngăn ngừa tái phát.2
Corticoid có thể là thuốc không cần kê đơn hoặc có thể kê đơn dạng kem bôi, thuốc mỡ, gel và thuốc xịt. Các loại kem bôi corticoid không kê đơn có thể kiểm soát tốt các triệu chứng đối với những người bị bệnh nhẹ đến trung bình. Những người có triệu chứng từ trung bình đến nặng có thể cần dùng corticoid mạnh hơn, hoặc corticoid đường toàn thân ngắn ngày và cần theo chỉ định của bác sĩ.3
3. Thuốc ức chế miễn dịch calcineurin tại chỗ
Thuốc ức chế calcineurin tại chỗ (TCI) là loại trị liệu chống viêm thứ hai được ra mắt vào năm 2000. Thuốc được điều chế từ vi khuẩn Streptomyces và có khả ức chế hoạt hóa tế bào T phụ thuộc calcineurin. Giúp ngăn chặn việc sản xuất các cytokine tiền viêm và chất trung gian của phản ứng viêm.
Có hai loại TCI gồm:
- Thuốc mỡ tacrolimus bôi tại chỗ (0,03% và 0,1%).
- Kem pimecrolimus (1%).
Tacrolimus được chấp thuận cho bệnh từ trung bình đến nặng, trong khi pimecrolimus được chỉ định cho viêm da dị ứng từ nhẹ đến trung bình.2
Nhóm thuốc này có thể sử dụng cho những vùng nhạy cảm của cơ thể như mắt. Vì chúng không có nguy cơ làm mỏng da hoặc gây đục thủy tinh thể khi sử dụng kéo dài.4
4. Thuốc kháng histamin
Thuốc kháng histamin tại chỗ đã được thử nghiệm để điều trị viêm da dị ứng. Nhưng được cho là ít có tác dụng và không được khuyến cáo.2 Hiện nay, điều trị viêm da dị ứng thường sử dụng thuốc kháng histamin đường toàn thân.
Histamin là một chất hóa học mà hệ thống miễn dịch tiết ra trong một phản ứng dị ứng. Nó làm tăng lưu lượng máu và hoạt động thần kinh. Tuy nhiên, một số thuốc kháng histamine đường uống có thể gây buồn ngủ.3
5. Thuốc sát khuẩn tại chỗ
Dùng các dung dịch sát khuẩn tại chỗ cũng có thể hữu ích trong điều trị viêm da dị ứng giai đoạn cấp tính. Nhưng nồng độ các dung dịch không được quá cao hoặc không gây kích ứng thêm trên da.
Các dung dịch sát khuẩn thông thường như kali permanganat (thuốc tím), natri hypoclorit 6% pha vào bồn tắm và ngâm mình trong 10 phút.5 6
Các thuốc sát trùng khác bao gồm cetrimide, chlorhexidine, chloroxylenol, dibromopropamidine, polynoxylin, povidone iodine và triclosan. Ngoài ra, khi dùng dung dịch sát trùng bác sĩ thường chỉ định thêm với chất làm mềm da.2
Kế hoạch điều trị bằng thuốc bôi viêm da dị ứng
Viêm da dị ứng là bệnh lý lành tính và không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Tuy nhiên, bệnh thường hay tái phát và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Viêm da dị ứng có thể kiểm soát được nhưng không thể trị khỏi triệt để. Vì vậy, điều quan trọng trong quản lý và chăm sóc bệnh là ngăn ngừa, dự phòng bệnh ít tái phát nhất có thể.
Lưu ý khi sử dụng thuốc bôi viêm da dị ứng
Mặc dù ít gây kích ứng hơn so với thuốc đường uống hay những dạng bào chế khác. Nhưng thuốc bôi viêm da dị ứng vẫn có thể gây tác dụng phụ nếu không thận trọng trong quá trình điều trị. Do đó, để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Làm sạch da trước khi sử dụng thuốc trên vùng da cần điều trị.
- Không băng kín da, đặc biệt là các thuốc thuộc nhóm corticosteroid trừ khi có sự hướng dẫn của bác sĩ.
- Thận trọng khi bôi thuốc lên vết thương hở, vùng da nhạy cảm như bẹn, mặt…
- Không bôi đồng thời nhiều sản phẩm thuốc bôi điều trị khác.
- Lựa chọn thuốc bôi phù hợp theo từng độ tuổi cụ thể.
- Trong trường hợp thuốc bôi không cải thiện được biểu hiện lâm sàng, cần trao đổi với bác sĩ.
Một số phương pháp trị viêm da dị ứng tại nhà không dùng thuốc
Các biện pháp khắc phục tại nhà có thể giúp giảm ngứa, phát ban:
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sử dụng kem dưỡng ẩm thường xuyên sẽ làm giảm ngứa và phát ban do viêm da dị ứng. Sử dụng kem dưỡng ẩm hàng ngày thậm chí có thể làm hạn chế việc cần dùng thuốc bôi theo toa.4 Các biện pháp khắc phục tại nhà khác có thể làm giảm triệu chứng của viêm da dị ứng bao gồm:
- Sử dụng máy tạo độ ẩm.
- Tránh các chất kích thích như thuốc nhuộm, mùi hương và hóa chất trong các sản phẩm mỹ phẩm sử dụng trên da.
- Nên test trên một vùng da nhỏ trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm mới nào.
- Tắm vòi hoa sen và tắm nước ấm trong thời gian ngắn. Vì tắm có thể giúp loại bỏ tế bào da chết, chất gây kích ứng và chất gây dị ứng khỏi da. Tuy nhiên, không nên tắm quá lâu hoặc nhiệt độ nước quá cao.
- Mặc quần áo rộng rãi, bằng cotton.
- Tránh thời tiết quá lạnh hoặc quá nóng.
Trên đây là thông tin một số loại thuốc bôi viêm da dị ứng bạn cần biết. Hy vọng bài viết trên sẽ hữu ích cho bạn và gia đình. Cần lưu ý một số loại thuốc trên có thể cần sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Vì vậy, bạn nên đến gặp chuyên gia để được tư vấn và kê đơn chi tiết.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Bộ Y Tế (2010). Da liễu học. NXB Giáo Dục Việt Nam. Trang 45-46.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2023/03/Bo-y-te-Da-lieu-hoc-2010.pdf
Ngày tham khảo: 09/03/2023
-
Guidelines of care for the management of atopic dermatitishttps://www.jaad.org/article/S0190-9622(14)01257-2/fulltext
Ngày tham khảo: 09/03/2023
-
Treatment of atopic dermatitis (eczema)https://www.uptodate.com/contents/treatment-of-atopic-dermatitis-eczema
Ngày tham khảo: 09/03/2023
-
Atopic Dermatitis: Diagnosis and Treatmenthttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/32412211/
Ngày tham khảo: 09/03/2023
-
Sodium Hypochlorite topical solutionhttps://my.clevelandclinic.org/health/drugs/19022-sodium-hypochlorite-topical-solution
Ngày tham khảo: 09/03/2023
-
How to use potassium permanganate soakshttps://www.imperial.nhs.uk/-/media/website/patient-information-leaflets/pharmacy/how-to-use-potassium-permanganate-soaks.pdf
Ngày tham khảo: 09/03/2023