YouMed

Các loại thuốc hạ huyết áp nhanh sử dụng trong điều trị tăng huyết áp khẩn cấp

Bác sĩ LƯƠNG SỸ BẮC
Tác giả: Bác sĩ Lương Sỹ Bắc
Chuyên khoa: Tim mạch

Tăng huyết áp hiện càng tăng và gây nhiều gánh nặng lên sức khỏe. Đặc biệt, cơn tăng huyết áp khẩn cấp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Tình trạng này cần nhập viện để được cấp cứu kịp thời. Tại bệnh viện, bệnh nhân sẽ được hạ huyết áp nhanh bằng một số thuốc phù hợp. Những thuốc này có hiệu quả hạ áp rất mạnh nên không được tự ý sử dụng. Sau đây, mời bạn đọc cùng bác sĩ Lương Sỹ Bắc tìm hiểu một số thuốc hạ huyết áp nhanh để có thái độ xử trí phù hợp.

Thuốc hạ huyết áp nhanh dùng trong điều trị tăng huyết áp khẩn cấp

Các trường hợp tăng huyết áp khẩn cấp cần được điều trị ở khoa hồi sức cấp cứu. Hạ huyết áp bằng các thuốc đường tĩnh mạch tác dụng ngắn và có thể chuẩn liều được.

Lựa chọn thuốc, tốc độ và mức độ hạ huyết áp phụ thuộc vào biểu hiện cơ quan bị tổn thương. Thông thường thì giảm 20 – 25% huyết áp trung bình trong 1 giờ là phù hợp. Hạ huyết áp nhanh đến huyết áp bình thường là không cần thiết. Các thuốc được lựa chọn đầu tiên gồm:1 2 3 4

Việc sử dụng thuốc làm hạ huyết áp còn phải dựa vào tình trạng tăng huyết áp của bệnh nhân
Việc sử dụng thuốc làm hạ huyết áp còn phải dựa vào tình trạng tăng huyết áp của bệnh nhân

Nitroprusside

Đây là một thuốc có tính giãn mạch mạnh, cả tĩnh mạch và động mạch. Do đó, là thuốc có lợi cho bệnh nhân tăng huyết áp có suy tim. Nitroprusside cũng được chỉ định cho bệnh não do tăng huyết áp, cho bệnh nhân phình bóc tách động mạch chủ.

Tuy nhiên, tiêm tĩnh mạch liều quá cao có thể dẫn đến sự tích tụ cyanide gây độc cho với hệ thần kinh trung ương và tim. Biểu hiện có thể bao gồm kích động, co giật, loạn nhịp tim… Sử dụng nitroprusside kéo dài dẫn đến sự tích tụ của thiocyanate. Chất độc này gây ra triệu chứng lơ mơ, run đầu chi, đau bụng và nôn ói..

Vì nitroprusside bị phân hủy bởi tia cực tím, ống tiêm tĩnh mạch phải được bọc một lớp chắn sáng để bảo vệ. Một số nghiên cứu cho thấy tỉ lệ tử vong khi sử dụng nitroprusside cao hơn so với clevidipine, nitroglycerin và nicardipine. Vì thế nitroprusside không được chỉ định đầu tay.5

Nicardipine

Đây là một thuốc chẹn kênh canxi nhóm dihydropyridine, tác động chủ yếu như một chất giãn mạch. Nicardipine thường được dùng cho tăng huyết áp sau mổ và trong thai kỳ. Thuốc có thể gây đỏ bừng mặt, nhức đầu và nhịp tim nhanh; giảm độ lọc cầu thận ở bệnh nhân suy thận. Vì thế, khi sử dụng nicardipine cần theo dõi sát bệnh nhân để điều chỉnh liều thuốc phù hợp với huyết áp.

Nitroglycerin

Đây là thuốc có tác dụng giãn tĩnh mạch nhiều hơn động mạch. Nó có thể được sử dụng để kiểm soát tăng huyết áp trong các bệnh lý liên quan mạch vành và phù phổi cấp.

Nitroglycerin có thể làm tăng lưu lượng máu mạch vành nên được sử dụng trong nhồi máu cơ tim, cơn đau thắt ngực… Để kiểm soát huyết áp lâu dài, nitroglycerin phải được sử dụng kết hợp các thuốc khác. Tác dụng phụ thường gặp nhất là đau đầu (khoảng 2%). Những tác dụng phụ khác có thể gồm nhịp tim nhanh, buồn nôn, nôn, lo lắng, bồn chồn, giật cơ và đánh trống ngực.

Labetalol

Đây là một thuốc chẹn beta giao cảm đường tĩnh mạch. Nó có tác dụng lên cả thụ thể alpha-1, do đó gây giãn mạch. Labetalol thường được dùng cho phụ nữ có thai, có những rối loạn nội sọ đòi hỏi kiểm soát huyết áp (nhồi máu não, xuất huyết não…) và sau nhồi máu cơ tim.

Tác dụng ngoại ý rất ít, tương tự tác dụng phụ của nhóm ức chế beta nói chung. Không nên dùng labetalol cho những trường hợp tăng huyết áp cấp cứu ở bệnh nhân có hen chưa kiểm soát.

Captopril

Đây là thuốc ức chế men chuyển thường được dùng đường ngậm dưới lưỡi. Captopril là thuốc có thể tiếp cận nhanh nhất khi bệnh nhân bắt đầu có triệu chứng. Tuy tác động không mạnh bằng các thuốc đường tĩnh mạch nhưng có ý nghĩa cấp cứu tại hiện trường.

Lưu ý, cần xác định rõ huyết áp bệnh nhân trước và sau khi ngậm. Đa số các trường hợp Captopril không đủ để kiểm soát huyết áp nên phải lập tức đưa bệnh nhân tới bệnh viện.

Cách xử trí tăng huyết áp khẩn cấp

Ngoài việc sử dụng thuốc hạ huyết áp nhanh, sơ cứu cũng là bước quan trọng để bảo vệ bệnh nhân.3 4

Người có triệu chứng nhẹ

Đặc biệt lưu ý triệu chứng bên ngoài không đại diện cho huyết áp cao hay thấp. Khi có biểu hiện nghi ngờ cần đo huyết áp ngay để có xử trí phù hợp.

Các cơn tăng huyết áp nhẹ thường đau đầu, chóng mặt thoáng qua. Ở những trường hợp nhẹ, sau khi đo huyết áp không quá cao cần cho bệnh nhân nằm nghỉ ngơi. Có thể gọi điện tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Người bệnh nên nghỉ ngơi khi có dấu hiệu tăng huyết áp nhẹ
Người bệnh nên nghỉ ngơi khi có dấu hiệu tăng huyết áp nhẹ

Người bệnh bất tỉnh

Trong trường hợp này nên đảm bảo an toàn cho người bệnh. Đặt bệnh nhân trong tư thế nằm nghiêng, kê gối hơi cao trong điều kiện thông thoáng. Không nên di chuyển hay tác động mạnh lên cơ thể bệnh nhân.

Kiểm tra nhịp thở và nhịp tim của bệnh nhân. Nếu người bệnh ngưng hô hấp tuần hoàn có thể hô hấp nhân tạo nếu người sơ cứu biết cách. Khi đã bất tỉnh, tuyệt đối không cho người bệnh ăn uống gì. Sau đó ngay lập tức liên hệ với các cơ sở y tế gần nhất. Tất cả điều này góp phần giúp cấp cứu bệnh nhân kịp thời.

Người bệnh có dấu hiệu nhồi máu cơ tim và khó thở

Trong cơn tăng huyết áp có biểu hiện đau ngực, khó thở thường là dấu hiệu của bệnh tim mạch. Nên để bệnh nhân nghỉ ngơi, không được vận động. Không nên cho bệnh nhân ăn, uống. Về phần thuốc trợ tim nếu đã được bác sĩ chẩn đoán và kê thuốc trước đó thì có thể sử dụng. Tiếp đó cần liên lạc ngay với cơ sở y tế gần nhất để đưa bệnh nhân đi cấp cứu kịp thời.

Một số biện pháp phòng tránh tăng huyết áp đột ngột

Điều trị tăng huyết áp là quá trình lâu dài. Các biện pháp sau giúp góp phần giảm các cơn tăng huyết áp, giảm nguy cơ phải sử dụng thuốc hạ huyết áp nhanh:6

  • Duy trì cân nặng phù hợp.
  • Xây dựng khẩu phần ăn uống lành lạnh. Ăn nhiều hoa quả, rau xanh.
  • Không uống rượu bia. Không hút thuốc lá.
  • Giảm muối trong chế độ ăn.
  • Tập thể dục thể thao điều độ, phù hợp với sức mình.
  • Giảm stress, tránh xúc động quá mức.
  • Không lao động nặng quá sức.
Duy trì lối sống lành mạnh và chế độ dinh dưỡng phù hợp có thể giúp phòng ngừa tăng huyết áp
Duy trì lối sống lành mạnh và chế độ dinh dưỡng phù hợp có thể giúp phòng ngừa tăng huyết áp

Xem thêm: Cách hỗ trợ điều trị cao huyết áp tại nhà hiệu quả

Tóm lại, các thuốc hạ huyết áp nhanh đa số sử dụng đường tĩnh mạch và tác dụng rất mạnh. Do đó không nên sử dụng tại nhà mà phải có sự theo dõi y tế. Điều cần làm phải sơ cứu kịp thời, đúng cách để hạn chế các biến chứng xảy ra và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Hypertensive Urgency and Emergencyhttps://www.christimres.com/uploads/7/0/7/6/70764707/hypertension.pdf

    Ngày tham khảo: 12/06/2022

  2. Treatment of hypertensive emergencieshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5440310/#:~:text=Except%20for%20acute%20aortic%20dissection,to%2048%20h%20(1).

    Ngày tham khảo: 12/06/2022

  3. Cơn tăng huyết áp cấp cứu và khẩn cấphttp://vnha.org.vn/detail.asp?id=272

    Ngày tham khảo: 12/06/2022

  4. High Blood Pressure and Hypertensive Crisishttps://www.webmd.com/hypertension-high-blood-pressure/guide/hypertensive-crisis

    Ngày tham khảo: 20/06/2022

  5. Hypertensive Emergencieshttps://www.msdmanuals.com/professional/cardiovascular-disorders/hypertension/hypertensive-emergencies

    Ngày tham khảo: 12/06/2022

  6. High blood pressure (hypertension)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/high-blood-pressure/diagnosis-treatment/drc-20373417

    Ngày tham khảo: 20/06/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người