Các loại tinh dầu dưỡng da – Công dụng và những lưu ý khi dùng
Nội dung bài viết
Các loại tinh dầu không chỉ mang lại hương thơm giúp không gian sống được thơm mát. Mà còn có nhiều tác dụng khác cho sức khỏe con người. Một trong những tác dụng đó là tinh dầu dưỡng da. Hiện nay, tinh dầu dưỡng da được ứng dụng rất nhiều trong lĩnh vực làm đẹp được nhiều người sử dụng. Cùng bác sĩ Y học cổ truyền Nguyễn Thị Lệ Quyên tìm hiểu về các loại tinh dầu dưỡng da thông qua bài viết dưới đây.
Giới thiệu về tinh dầu
Tinh dầu được ví như nhựa sống của cây, mang sức sống và năng lượng gấp 100 lần các loại thảo dược phơi khô. Tinh dầu được chưng cất từ thân cây, lá cây, vỏ cây, rễ cây, hoa, cỏ. Các loại tinh dầu thường được chiết xuất bằng 2 phương pháp là chưng cất hơi nước hoặc tẩm trích bằng dung môi. Ngày nay, tinh dầu được sử dụng phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Các hình thức sử dụng của tinh dầu như: xông phòng, xông hơi, massage toàn thân, massage da mặt, ngâm tắm…
Tinh dầu có khả năng chăm sóc da rất hiệu quả. Tinh dầu giúp nuôi dưỡng và bảo vệ da như một sản phẩm chăm sóc chuyên nghiệp. Tinh dầu thiên giúp phục hồi lại độ khỏe, đẹp, bóng mượt của làn da.
Các loại tinh dầu dưỡng da khô
Tinh dầu có nhiều công dụng đối với làn da, nó có thể giúp da được thư giãn, cấp ẩm và để lại hiệu quả lâu dài.1 2
Tinh dầu hoa oải hương
Việc sử dụng tinh dầu hoa oải hương ngoài việc giúp tạo giấc ngủ ngon và thư giãn tinh thần. Loại tinh dầu đa dụng này còn có thể giúp cân bằng độ ẩm cho làn da. Đây là loại tinh dầu được ví như chất chống viêm vì có thể làm giảm mẩn đỏ. Đồng thời oải hương còn là chất dưỡng ẩm tự nhiên có thể khắc phục làn da khô mà không gây cho da quá nhờn.1 2
Tinh dầu hoa cúc
Tinh dầu hoa cúc có chứa azulene, được biết đến với tác dụng làm tăng độ ẩm cho da và giảm viêm. Bên cạnh đó, loại tinh dầu này còn nổi tiếng với công dụng làm dịu da.1 2
Tinh dầu hoa cúc còn phát huy công dụng trên da đầu và tóc bị khô.2
Tuy nhiên, cần lưu ý nếu bị sử dụng trên những cơ địa bị dị ứng, vì hoa cúc có thể là nguyên nhân kích hoạt.1
Tinh dầu gỗ đàn hương
Tinh dầu gỗ đàn hương chứa các hợp chất được nghiên cứu cho thấy có tác dụng giảm viêm, sưng tấy do mụn và tăng cường độ ẩm cho da.1
Dầu cây trà
Tinh dầu cây trà có khả năng làm giảm tình trạng khô và rạn da. Đối với da đầu khô, loại tinh dầu này còn có thể hỗ trợ điều trị gàu ở mức từ nhẹ đến trung bình.2 3
Tinh dầu dưỡng dành cho da dầu
Da dầu là tình trạng các tuyến bã nhờn hoạt động quá mức, tạo ra quá nhiều dầu trên bề mặt da. Các yếu tố như độ ẩm, nhiệt và nội tiết tố có thể làm cho da nhờn trở nên nhiều hơn. Các loại tinh dầu sau đây có thể giúp giảm bớt các vấn đề của da nhờn.
Tinh dầu hoa xô thơm
Cây xô thơm chứa các hợp chất có hoạt tính như linalyl axetat và geranyl, được biết đến như một loại tinh dầu cần thiết giúp kiểm soát bã nhờn dư thừa. Cây xô thơm cũng có thể giúp kiểm soát mụn trứng cá và giảm sự xuất hiện của nếp nhăn trên da trưởng thành.1
Tinh dầu hoa ngọc lan tây
Tinh dầu ngọc lan tây vừa cân bằng độ ẩm trong da vừa ngăn ngừa mụn trứng cá. Nó giúp da điều tiết quá trình sản xuất bã nhờn và làm dịu các vết thâm, đồng thời làm mềm các nếp nhăn và cải thiện độ đàn hồi của da.4
Tinh dầu hoa phong lữ
Với đặc tính kiềm dầu, tinh dầu phong lữ có thể giúp cân bằng lượng dầu trên da. Tính kiềm làm cho phong lữ trở thành chất bổ sung quan trọng cho xà phòng.1 4
Tinh dầu cho da nhạy cảm
Da nhạy cảm có thể gồm da khô hoặc da dầu. Đôi khi có thể xảy ra cùng với dị ứng, chàm và các tình trạng da khác.
Với làn da nhạy cảm, cần lưu ý tránh sử dụng các loại tinh dầu có tính axit cao, chẳng hạn như chanh và sả. Các loại tinh dầu sau đây được coi là an toàn cho mọi loại da:1
- Tinh dầu hoa oải hương.
- Tinh dầu trầm hương.
- Tinh dầu gỗ đàn hương.
Tinh dầu dành cho da bị mụn
Với người có mụn trứng cá, việc điều trị quan trọng là phải loại bỏ dầu thừa và vi khuẩn nhưng không làm khô da, vì điều này có thể dẫn đến tăng sản xuất dầu. Viêm cũng là yếu tố góp phần gây ra mụn trứng cá.
Tinh dầu hương thảo và nhũ hương đều được biết đến để điều trị mụn trứng cá bằng cách giảm vi khuẩn và viêm nhiễm. Tinh dầu hoa phong lữ cũng được sử dụng cho mụn trứng cá và da nhờn. Ngoài ra, một số các loại tinh dầu sau đây cũng giúp ích cho các loại da bị mụn trứng cá.5
Tinh dầu hương thảo
Theo nghiên cứu, tinh dầu hương thảo được đánh giá là có thể tiêu diệt vi khuẩn gây mụn P. acnes. Ngoài đặc tính kháng khuẩn, tinh dầu hương thảo cũng có thể được sử dụng để giảm mẩn đỏ và bọng mắt, rất hữu ích khi hỗ trợ điều trị mụn trứng cá dạng nang.6
Dầu cây trà
Dầu cây trà có đặc tính kháng khuẩn, khử trùng và chống viêm. Chính vì vậy, nó thường được sử dụng để ngăn ngừa tình trạng mụn trứng cá. Nghiên cứu cho thấy thành phần hóa học của cây trà có khả năng hỗ trợ làm dịu vết thương. Điều này có nghĩa là nó có thể được sử dụng để hạn chế mụn và giúp da nhanh lành.5 7
Một nghiên cứu năm 2018 phát hiện ra rằng kết hợp dầu cây trà với lô hội và keo ong (một hợp chất do ong tạo ra) có hiệu quả trị mụn trứng cá cao hơn kem bôi kháng sinh erythromycin.8
Tinh dầu cam Bergamot
Tinh dầu cam Bergamot được nghiên cứu là có thể làm giảm sưng tấy và thu nhỏ mụn nhọt. Vì thế, loại tinh dầu này có thể là một phương pháp hỗ trợ điều trị mụn trứng cá dạng nang và mụn đầu đen.5 9
Tuy nhiên, bạn nên hạn chế sử dụng tinh dầu cam Bergamot ban ngày vì nó có thể làm cho da của bạn nhạy cảm với ánh nắng mặt trời.5
Tinh dầu quế
Tinh dầu quế cũng được coi là một chất chống viêm mạnh nhờ các hợp chất chống oxy hóa quan trọng như axit cinnamic. Nhờ vậy có thể giúp giảm các triệu chứng mụn viêm như u nang, nốt sần và mụn mủ.5
Tinh dầu trị mẩn ngứa trên da
Một số loại tinh dầu có khả năng cân bằng độ ẩm, giảm ngứa, tình trạng phát ban da. Thường gặp trong bệnh: viêm da dị ứng, chàm và bệnh vảy nến .
Một nghiên cứu được thực hiện năm 2015 phát hiện ra rằng việc kết hợp tinh dầu cỏ xạ hương với tinh dầu hoa oải hương giúp điều trị bệnh chàm trên chuột. Điều này khiến các nhà nghiên cứu tin rằng hỗn hợp tinh dầu này cũng có thể có lợi cho con người trong điều trị các bệnh lý ngoài da.10
Một triệu chứng có thể đi kèm với phát ban trên da là đau. Trong trường hợp này, có thể cân nhắc các loại tinh dầu sau đây có đặc tính giảm đau:1
- Tinh dầu bạc hà.
- Tinh dầu lộc đề xanh.
- Tinh dầu bạch đàn.
- Tinh dầu hoắc hương.
Tinh dầu trị nám, vết thâm mụn
Một số loại tinh dầu sau có thể hỗ trợ điều trị nám:1
Tinh dầu quả lựu
Các nghiên cứu cho thấy tinh dầu quả lựu có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm có thể thúc đẩy làn da khỏe mạnh và đều màu hơn.
Tinh dầu hạt carrot
Tinh dầu hạt cà rốt được dùng phổ biến để giảm sẹo. Nó cũng giúp giảm sự xuất hiện của các nếp nhăn ở da trưởng thành.
Tinh dầu quýt
Tinh dầu quýt cũng có chất chống oxy hóa cao, rất hữu ích trong việc thúc đẩy làn da mịn màng, săn chắc hơn.
Tinh dầu giúp chống lão hóa da
Da mất độ đàn hồi và collagen một cách tự nhiên khi chúng ta già đi. Từ đó, có thể dẫn đến chảy xệ và nếp nhăn . Các loại tinh dầu sau đây đã được nghiên cứu về lợi ích chống lão hóa tiềm năng như:1
Tinh dầu hoa hồng
Với các chất chống oxy hóa như vitamin A và vitamin C. Tinh dầu hoa hồng thúc đẩy quá trình luân chuyển tế bào da, vốn thường chậm lại theo tuổi tác. Từ đó giúp tạo ra làn da trông trẻ hơn với ít đường nhăn hơn.
Dầu Jojoba
Tinh dầu jojoba đã được ghi nhận trong việc sửa chữa lớp trên cùng của da, nhờ vào hàm lượng axit béo tự nhiên. Các loại dầu khác cũng hỗ trợ chống lão hóa da bao gồm dầu argan, dầu dừa và tinh dầu hạt hướng dương.11
Cách sử dụng tinh dầu dưỡng da
Khi điều trị các tình trạng da, tinh dầu thường phát huy tác dụng tốt nhất khi dùng tại chỗ. Điều này cần thiết nên sử dụng lượng nhỏ những giọt dầu. Trước tiên, cần pha loãng tinh dầu với dầu nền, chẳng hạn như dầu hạnh nhân hoặc dầu ô liu.1
Sử dụng một vài giọt tinh dầu cho mỗi muỗng canh dầu nền để có kết quả tốt nhất. Sau đó massage vào da cho đến khi hấp thụ hoàn toàn. Hoặc tắm bằng tinh dầu cũng có thể có tác dụng tốt đối với nhiều tình trạng da khác nhau. Đặc biệt ở những vùng da khó tiếp cận như lưng.1
Những điều lưu ý khi sử dụng tinh dầu dưỡng da
Việc sử dụng tinh dầu bôi tại chỗ có thể dẫn đến phát ban và kích ứng nếu không pha loãng trước với dầu nền. Trước khi sử dụng tinh dầu, nên thoa một lượng nhỏ tinh dầu đã pha loãng lên da. Ví dụ như trên cẳng tay và đợi 24 giờ để kiểm tra phản ứng dị ứng.1
Không dùng tinh dầu để uống. Đối với trẻ em hoặc phụ nữ có thai hay đang cho con bú trước khi sử dụng cần hỏi ý kiến bác sĩ.1
Với đặc tính chống viêm, kháng khuẩn và làm dịu da, tinh dầu được dùng cho các mục đích chăm sóc da riêng. Trước khi sử dụng tinh dầu, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ da liễu, đặc biệt nếu bạn có bất kỳ bệnh lý cơ bản nào như bệnh chàm hoặc bệnh vẩy nến. Ngừng sử dụng tinh dầu ngay lập tức nếu gặp bất kỳ phản ứng phụ.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
The Best Essential Oils for Your Skinhttps://www.healthline.com/health/essential-oils-for-skin#oily-skin
Ngày tham khảo: 10/05/2022
-
5 Essential Oils for Dry Skin Because, Baby, It's Cold Outsidehttps://www.byrdie.com/essential-oils-for-dry-skin
Ngày tham khảo: 10/05/2022
-
Melaleuca alternifolia (Tea Tree) Oil: a Review of Antimicrobial and Other Medicinal Propertieshttps://journals.asm.org/doi/10.1128/CMR.19.1.50-62.2006
Ngày tham khảo: 10/05/2022
-
The 10 best oils to fight oily skin and breakouts (yes, really)https://www.cosmopolitan.com/uk/beauty-hair/news/a36363/best-oils-to-fight-oily-skin-and-breakouts-yes-really/
Ngày tham khảo: 10/05/2022
-
What Are the Best Essential Oils for Acne?https://www.healthline.com/health/beauty-skin-care/essentials-oils-for-acne#1
Ngày tham khảo: 10/05/2022
-
Investigation of antibacterial activity of rosemary essential oil against Propionibacterium acnes with atomic force microscopyhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/17893831/
Ngày tham khảo: 10/05/2022
-
Hydrogels Containing Nanocapsules and Nanoemulsions of Tea Tree Oil Provide Antiedematogenic Effect and Improved Skin Wound Healinghttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/26328444/
Ngày tham khảo: 10/05/2022
-
Treatment of acne with a combination of propolis, tea tree oil, and Aloe vera compared to erythromycin cream: two double-blind investigationshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6298394/
Ngày tham khảo: 10/05/2022
-
The anti-inflammatory and antioxidant effects of bergamot juice extract (BJe) in an experimental model of inflammatory bowel diseasehttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/25491246/
Ngày tham khảo: 10/05/2022
-
[Effects of Blending Oil of Lavender and Thyme on Oxidative Stress, Immunity, and Skin Condition in Atopic Dermatitis Induced Mice]https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/26159138/
Ngày tham khảo: 10/05/2022
-
Natural Oils for Skin-Barrier Repair: Ancient Compounds Now Backed by Modern Sciencehttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28707186/
Ngày tham khảo: 10/05/2022