Trẻ bị lên sởi cần kiêng những gì?
Nội dung bài viết
Bệnh sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm cấp tính dễ lây truyền dễ bùng phát thành dịch trên thế giới mà các bậc phụ huynh và gia đình có lẽ đã không ít lần nghe đến. Khi có thông tin chính xác hiểu rõ về bệnh có thể giúp cho các bậc phụ huynh phần nào an tâm hơn trong việc chăm sóc và điều trị trẻ. Hãy cùng Bác sĩ Nguyễn Tấn Phước Thịnh tìm hiểu do đâu trẻ bị sởi và khi trẻ bị lên sởi cần kiêng những gì? Đồng thời biết được cách điều trị cho trẻ.
Bệnh sởi là gì?
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi virus sởi. Bệnh rất dễ lây lan thành dịch và lây lan chủ yếu qua đường hô hấp. Có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi.1
Bệnh diễn ra ở thể điển hình với các triệu chứng sốt, chảy mũi, ho nhiều. Ngoài ra còn có cả ho khan và ho đờm, viêm kết mạc mắt, sang thương đặc hiệu với tên gọi “Koplik” xuất hiện trước khi phát ban hồng ban toàn thân xuất hiện. Bệnh thường lành tính, tự khỏi. Tuy nhiên trẻ nhỏ có thể diễn tiến nặng gây biến chứng hô hấp, thần kinh và tử vong. Bệnh được phòng ngừa cực kỳ hiệu quả bằng việc chích vaccine sởi.1
Nguyên nhân trẻ bị sởi
Trẻ bị bệnh sởi khi nhiễm virus sởi. Đây là 1 loại virus thuộc họ Paramyxovirida. Virus có thể lan truyền khi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp qua các hạt khí dung trong không khí cũng như các hạt giọt bắn nhỏ xâm nhập vào đường hô hấp của trẻ. Các hạt li ti có thể tồn tại trong môi trường thường từ 60 phút đến 2 giờ (đặc biệt khi có độ ẩm thấp) mà vẫn còn khả năng lây truyền. Đó cũng là lý do bệnh thường xảy ra ở mùa thu đông.1 2
Vì thế trẻ khỏe mạnh tiếp xúc với trẻ bệnh không phải là điều kiện duy nhất lây bệnh. Mà có thể lây lan ngay trong phòng mạch bệnh viện qua các hạt li ti trong không khí khi mà bệnh nhân bị sởi đã đi qua cho đến 2 giờ sau.1 2
Là bệnh được ghi nhận là một trong những bệnh dễ lây lan nhất thế giới. Theo ghi nhận có đến 90% khả năng trẻ bị bệnh khi tiếp xúc khả năng nhiễm virus. Và chúng ta không thể nhận biết mình đã mắc bệnh và lây lan cho người khác cho đến 4 – 5 ngày đến khi triệu chứng phát ban sởi xuất hiện. Vì vậy trong lịch sử đã ghi nhận nhiều trận dịch do sởi.1 2
Yếu tố nguy cơ
Bệnh sởi là bệnh dễ lây lan. Nhưng hiện nay trên thế giới đã phần nào chặn đứng được tần suất xảy ra các vụ dịch. Bằng việc đẩy mạnh phòng ngừa bằng vaccine. Vì thế đối tượng chưa tiêm vaccine sởi có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất. Có thể bao gồm các trường hợp sau:
- Trẻ em chưa tiêm đủ 2 liều vaccine sởi. Có thể do trẻ quá nhỏ để tiêm hoặc chưa đến thời gian tiêm hoặc vì 1 lý do nào đó trẻ chưa được tiêm vaccine. Chúng ta nên biết rằng bệnh diễn tiến nặng đặc biệt ở trẻ bị bệnh càng nhỏ dưới 12 tháng. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh có thể có kháng thể của mẹ truyền sang và bảo vệ trẻ lên đến 6 tháng.
- Bệnh vẫn có thể xảy ra ở người lớn chưa tiêm đủ vaccine. Hoặc có bệnh nền gây suy giảm miễn dịch.
- Trẻ bị suy dinh dưỡng thiếu hụt vitamin A khiến bệnh nặng thêm và nguy cơ tử vong cao.
Dấu hiệu khi trẻ bị bệnh sởi
Với đặc tính dễ lây bệnh phát sinh dịch được nói đến ở đầu bài viết. Một yếu tố từng tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với đối tượng mắc bệnh sởi là đáng được lưu ý và tăng khả năng bị nhiễm bệnh.
Diễn tiến điển hình của 1 ca bệnh sởi được ghi nhận xuất hiện theo diễn tiến: sốt, ho, sổ mũi, viêm kết mạc mắt, xuất hiện sang thương trong miệng với tên gọi là “Koplik”. Sau đó xuất hiện các ban sởi trên da đặc trưng sau đó 1-2 ngày. Với mỗi triệu chứng bệnh vẫn có khoảng thời gian đặc trưng của từng giai đoạn tương ứng. không xuất hiện các triệu chứng ở các giai đoạn cùng 1 lúc. Vì vậy, khi chăm sóc trẻ cần theo dõi cẩn thận từng ngày. Ghi nhận những triệu chứng mới xuất hiện. Điều đó rất có ích trong việc chẩn đoán bệnh. Đặc biệt với các trường hợp cần đưa trẻ đến cơ sở y tế điều trị khi diễn tiến nặng.1 2 3
Bệnh sởi điển hình diễn tiến qua 4 giai đoạn: ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và hồi phục. Dấu hiệu của từng giai đoạn như sau:1 2 3
Giai đoạn ủ bệnh
Là giai đoạn virus bắt đầu xâm nhập cơ thể và tăng nhanh số lượng. Đến khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên của bệnh, kéo dài từ 7 – 21 ngày, trung bình 14 ngày.
Giai đoạn khởi phát
Giai đoạn bắt đầu xuất hiện tập hợp các triệu chứng, kéo dài trung bình 2 – 4 ngày nhưng vẫn có thể kéo dài lên đến 7 ngày.
Sốt: trẻ sốt cao liên tục có thể lên đến 39 – 40 °C.
Viêm long niêm mạc hô hấp bao gồm:
- Chảy nước mũi.
- Ho khan hoặc ho đàm.
- Viêm kết mạc mắt biểu hiện bởi mắt đỏ, chảy nước mắt, mi mắt sưng lên và đổ ghèn.
- Chúng ta có thể nhận biết trẻ có dấu hiệu “viêm long”. Khi có triệu chứng: ho, chảy mũi và viêm kết mạc. Với triệu chứng viêm kết mạc, có thể phát hiện sớm bằng việc quan sát thấy một đường viêm kết mạc, nằm dọc rìa mí mắt. Trẻ có thể cảm thấy nhạy cảm với ánh sáng.
Ngoài ra trẻ cũng có thể mệt mỏi, chán ăn, tiêu chảy.
Dấu Koplik là đặc trưng của bệnh sởi. Đây được xem là dấu hiệu rất đặc hiệu trong bệnh sởi. Bởi lẽ hầu hết trường hợp đều xuất hiện dấu này. Thời điểm xuất hiện Koplik thường sau khi xuất hiện giai đoạn viêm long 2 – 4 ngày. Và tồn tại đến 3 – 5 ngày sau đó. Và dần biến mất sau khi phát ban sởi mà không cần điều trị gì.
Giai đoạn toàn phát
Giai đoạn phát ban sởi có thể kéo dài 5-6 ngày. Ban sởi có dạng hồng ban, không ngứa, kết hợp với nhau xen kẽ có khoảng da bình thường, bề mặt sờ mịn như nhung. Ban xuất hiện từ từ theo thời gian và vị trí xuất hiện. Ban sẽ mọc từ mặt xuống chân trong 3 ngày.
- Ngày 1 bắt đầu ở đầu – cổ.
- Ngày 2 ban lan xuống ngực và tay.
- Ngày 3 lan tới bụng thắt lưng và chân.
Sau đó ban cũng sẽ biến mất theo đúng thứ tự nó xuất hiện. Nơi nào mọc trước thì lặn trước. Khi ban bắt đầu xuất hiện triệu chứng viêm long, sốt cũng bắt đầu rầm rộ theo. Và khi ban xuống tới chân, các triệu chứng đó cũng giảm dần theo. Khi đó trẻ sẽ thấy tươi tỉnh nhưng ho vẫn có thể còn kéo dài. Bệnh sởi sau đó bước qua giai đoạn hồi phục.
Thời kỳ lui bệnh
Ban lặn theo thứ tự từ trên xuống. Chỗ nào ban xuất hiện trước thì ban sẽ lặn trước, da trở lại bình thường, không còn vết thâm sau 7 – 10 ngày kể từ lúc ban bắt đầu lặn. Giai đoạn này bệnh nhân thường vẫn còn ho (mặc dù mức độ ho đã bớt rất nhiều so với giai đoạn đầu của bệnh) và kéo dài nhiều ngày sau đó, có thể tới 2 tuần.
Trẻ bị lên sởi cần kiêng những gì?
Khi bị sởi, trẻ sẽ ho nhiều hơn, sốt cao, sổ mũi. Và có thể có tiêu chảy, sau đó xuất hiện các ban sởi điển hình. Những triệu chứng trên sẽ rầm rộ ở những ngày đầu theo từng giai đoạn. Điều này khiến cho phần lớn bậc phụ huynh rất lo lắng, lo sợ trẻ rơi vào diễn tiến nặng mà có những hành động quá mức có thể khiến trẻ lâu hồi phục hơn. Vậy thật sự khi trẻ bị lên sởi cần kiêng những gì?1 4
Quan điểm tránh gió cho trẻ bị sởi là đúng hay sai?
Thông thường khi quan sát trẻ phát ban, phụ huynh có xu hướng tránh gió mà quấn khăn hoặc ủ ấm cho trẻ. Điều này không hoàn toàn sai nhưng tốt nhất nên để thoáng cho trẻ. Không nên ủ quá kỹ, đặc biệt khi trẻ bị sốt. Khi sốt, trẻ tăng tiết mồ hôi. Nếu bị ủ quá kỹ thân nhiệt cao khiến trẻ khó chịu hơn. Thay vào đó, nên để trẻ ở nhiệt độ phòng, quần áo thông thoáng không nên quấn khăn trẻ.
Hạn chế tiếp xúc với ánh sáng mạnh
Hạn chế cho trẻ tiếp xúc ánh sáng mạnh (ánh sáng xanh từ màn hình điện thoại, tivi, các thiết bị điện tử). Vì sẽ gây khó chịu cho mắt của trẻ.
Tránh thức uống, đồ ăn có hại
Tránh uống nước ngọt có gas hay thức uống chứa caffeine. Vì khi bị sởi đường tiêu hóa trẻ có thể bị suy yếu dẫn đến khó tiêu.
Không nên ăn thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ. Chúng có thể khiến tình trạng phát ban trầm trọng hơn.
Đồng thời, bổ sung dinh dưỡng không đủ khiến trẻ lâu hồi phục. Vì vậy, dinh dưỡng cho trẻ khi bị sởi cần được quan tâm và bổ sung đúng cách.
Cần làm gì khi trẻ bị sởi
Khi nghi ngờ trẻ bị bệnh sởi, các bậc phụ huynh cần cho trẻ nghỉ học, chăm sóc tại nhà. Tiến hành cách ly trẻ, tránh tiếp xúc với trẻ sơ sinh, phụ nữ có thai và những đối tượng chưa tiêm vắc xin sởi đầy đủ. Thời gian cách ly ít nhất từ lúc nghi bị sởi đến khoảng 4 ngày sau phát ban.1 5
Các biện pháp hỗ trợ
Hiện tại sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy khi trẻ bị bệnh sởi việc điều trị hỗ trợ cho trẻ là cực kỳ quan trọng, giúp trẻ mau khỏe và hạn chế nguy cơ diễn tiến nặng bởi các biến chứng của bệnh:1 4 5
- Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, đảm bảo thông thoáng khô ráo.
- Việc bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ là thiết yếu trong chăm sóc trẻ, cho trẻ ăn những thức ăn dễ tiêu, ít dầu mỡ.
- Cho trẻ uống nhiều nước, vì trẻ bị sởi có thể có tình trạng tiêu chảy vì thế cần lưu ý bổ sung dịch đầy đủ, không để trẻ bị mất nước, việc bổ sung dịch đầy đủ có thể bằng thức uống thông thường, nước ép trái cây hoặc gói pha dung dịch điện giải oresol nếu tiêu chảy nhiều.
- Trẻ có tình trạng sổ mũi nhiều hoặc chảy nước mắt có thể sử dụng nước muối sinh lý NaCl 0,9% vệ sinh mũi cho trẻ.
- Trẻ ho nhiều có thể cho trẻ uống siro ho nhưng hầu hết các trường hợp có thể không cần thiết thay vào đó có thể cho trẻ uống nước ấm, nước chanh với mật ong.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc ánh sáng mạnh có thể làm trẻ khó chịu kể cả bao gồm hạn chế ánh sáng từ điện thoại, tivi…
- Bổ sung Vitamin A liều cao có thể ngăn ngừa tổn thương mắt và tránh mù lòa. Nên bổ sung hai liều vitamin A, cách nhau 24 giờ.1
- Kháng sinh được kê đơn bởi bác sĩ nếu có nhiễm trùng cơ quan khác như viêm phổi, viêm kết mạc mắt, viêm tai giữa…1
Dùng thuốc điều trị triệu chứng
- Khi trẻ sốt, có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt paracetamol đúng liều theo tuổi của trẻ hoặc thực hiện các biện pháp lau mát cho trẻ để hạ sốt. Tuy nhiên, việc dùng thuốc cần đúng liều lượng và theo chỉ định của bác sĩ.
- Kháng sinh được kê đơn bởi bác sĩ nếu có nhiễm trùng cơ quan khác như viêm phổi, viêm kết mạc mắt, viêm tai giữa…1
Một số trường hợp cần đưa đến cơ sở y tế
Điều quan trọng nhất là phải theo dõi sát trẻ. Thông thường trẻ bị sởi sẽ tự hết nếu không có biến chứng. Tuy vậy vẫn có một số trường hợp cần đến ngay cơ sở y tế khi:
- Phu huynh lo lắng cho trẻ có thể đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và hướng dẫn chăm sóc trẻ từ nhân viên y tế.
- Theo dõi sốt của trẻ, thông thường trẻ sẽ hạ sốt khoảng 4 ngày sau phát ban.
- Trẻ tiêu chảy nhiều lần, lừ đừ, bỏ ăn bỏ bú.
- Trẻ thở mệt, thở nhanh, đau đầu nhiều, co giật.
Hy vọng qua bài viết trên đây có thể phần nào giúp các bậc phụ huynh nhận biết được khi nào trẻ bị bệnh sởi, các triệu chứng điển hình của bệnh để phần nào an tâm hơn. Từ đó, hiểu được khi trẻ bị lên sởi cần kiêng những gì. Bên cạnh đó cần làm gì để theo dõi trẻ. Từ đó đưa ra cách chăm sóc trẻ phù hợp, hỗ trợ trẻ nhanh chóng khỏi bệnh và can thiệp y tế khi cần thiết.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Measles – World Health Organizationhttps://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/measles
Ngày tham khảo: 16/10/2022
-
Centers for Disease Control and Prevention. Epidemiology and Prevention of Vaccine-Preventable Diseases. Hall E., Wodi A.P., Hamborsky J., et al., eds. 14th ed. Washington, D.C. Public Health Foundation, 2021https://www.cdc.gov/vaccines/pubs/pinkbook/meas.html
Ngày tham khảo: 16/10/2022
-
Measles clinical presentationhttps://emedicine.medscape.com/article/966220-clinical/
Ngày tham khảo: 16/10/2022
-
Mealsles treatmenthttps://www.news-medical.net/health/Measles-Treatment.aspx
Ngày tham khảo: 16/10/2022
-
Mealsleshttps://www.nhs.uk/conditions/measles/
Ngày tham khảo: 16/10/2022