YouMed

Túi mật và những điều thú vị bạn nên biết

Bác sĩ PHAN VĂN GIÁO
Tác giả: Bác sĩ Phan Văn Giáo
Chuyên khoa: Ngoại tổng quát

Túi mật là một phần trong hệ thống đường dẫn mật. Nó đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu hết vai trò của nó. Với bài viết này, Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quát về bộ phận trên.

Túi mật là gì?

Đây là một bộ phận trong hệ thống đường dẫn mật. Nó có hình dạng một túi nhỏ, hình quả lê. Nó nằm sát dưới gan, vùng bụng bên phải, dưới bờ sườn phải. Chiều dài khoảng 8cm và chiều ngang rộng nhất 3cm.

Nó gồm thân, ống và cổ. Ở hình dáng thông thường, cổ túi mật gấp khúc với thân và nối liền với ống mật chủ. Trong lòng ở phần trên của ống túi mật có những van gọi là van Heister. Van này làm cho ống không bị gấp lại và giúp mật lưu thông dễ dàng.

Vị trí của túi mật trong ổ bụng
Vị trí của túi mật trong ổ bụng

Chức năng 

Trong cơ thể, gan hoạt động sản xuất mật liên tục. Mật là một chất sền sệt màu vàng hơi xanh lục, có vị đắng. Mật góp phần quan trọng vào quá trình tiêu hoá thức ăn. Muối mật có vai trò phân huỷ các chất béo. Nó thúc đẩy cho hoạt động của các men Lipase phân huỷ Lipid. Các hợp chất này còn giúp cho các chất béo đã được tiêu hoá có thể đi qua được thành ruột.

Cũng tương tự như vậy, muối mật có tác dụng vận chuyển các vitamin tan trong dầu như các vitamin A, D, E và K. Muối mật không tự mất đi mà được tái hấp thu sau khi sử dụng. Khoảng 80 – 90% muối mật sẽ theo máu chuyển lại về gan và kích thích gan sản sinh thêm mật. Trong một ngày, cứ 12 tiếng gan tiết ra một lượng dịch mật khoảng 450ml. Tuy nhiên, thể tích tối đa của túi mật chỉ ở mức 30 – 60ml (95% là nước).

Ngoài muối khoáng, muối mật, trong dịch mật còn có cholesterol và sắc tố mật. Khi chất béo đi vào tá tràng, túi mật bị kích thích, co bóp và tống dịch mật xuống tá tràng. Còn khi trong cơ thể không có thức ăn, sẽ không diễn ra sự tiêu hóa. Dịch sẽ quay ngược trở về túi mật qua ống túi mật. Khi được lưu trữ trong túi mật, dịch sẽ bị mất bớt nước và trở nên cô đặc hơn. Nó sẽ được cô đặc tới 90%.

Như vậy, nói tóm lại, chức năng chính của túi mật là dự trữ và hỗ trợ bài tiết dịch mật.

Các bệnh lý thường gặp

Các bệnh túi mật thường khá phổ biến ở cả nam và nữ, ở nhiều lứa tuổi. Tuy nhiên, những người trong độ tuổi trung niên và phụ nữ có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn. Các bệnh thường gặp bao gồm:

Sỏi mật

Sự kết tụ thành dạng rắn của các thành phần trong dịch mật như: muối mật, bilirubin, cholesterol… Sỏi mật có thể không gây triệu chứng nhưng cũng có thể gây đau. Tắc nghẽn dịch mật và nhiều biến chứng nguy hiểm khác có thể xảy ra nếu người bệnh chủ quan và lơ là.

Sỏi là nguyên nhân chính gây viêm túi mật
Sỏi là nguyên nhân chính gây viêm túi mật

Viêm túi mật

Nếu có sỏi ở cổ sẽ làm cản trở sự lưu thông bình thường của dịch mật. Sỏi làm tắc nghẽn đường mật, gây tổn thương thành túi mật. Lúc đó, vi khuẩn có khả năng xâm nhập vào trong và phát triển, gây viêm túi mật cấp. Có đến 90% trường hợp viêm túi mật cấp là do sỏi.

Nhiễm trùng túi mật, đường mật

Có nhiều nguyên nhân gây nhiễm trùng như giun chui ống mật mang theo vi khuẩn xâm nhập vào đường mật hoặc do sỏi.

Polyp túi mật

Những tổ chức dạng u nhú mọc bên trong niêm mạc, có thể lành tính hoặc ác tính. Tỉ lệ lành tính chiếm khoảng 92%. Đa phần polyp túi mật không gây triệu chứng gì.

Hoại tử túi mật

Kết quả của tình trạng viêm túi mật cấp. Cần phải điều trị nhanh chóng và kịp thời nếu không có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Ung thư túi mật

Khó chẩn đoán và hiếm gặp. Nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, người bệnh thường được chỉ định phẫu thuật cắt túi mật. Ở giai đoạn muộn, tiên lượng bệnh khá nặng và cơ hội sống sót khá thấp.

Xem thêm: Ung thư túi mật: Căn bệnh nguy hiểm nếu phát hiện trễ!

Lối sống cho một túi mật khỏe mạnh

Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh và trọng lượng cơ thể hợp lý là cách giữ cho bộ phận này khỏe mạnh, ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh lý.

Những thực phẩm đặc biệt tốt

  • Rau và rau quả tươi, giàu chất xơ. Một số loại quả nhiều chất xơ và vitamin C giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc sỏi mật. Trái cây giàu pectin như táo, dâu tây… cũng góp phần đáng kể giảm nguy cơ mắc sỏi.
  • Thịt nạc, cá và gia cầm. Những loại thịt ít béo, nhất là thịt ở vùng ức hoặc lưng, là những lựa chọn tốt cho chế độ ăn của bạn.
  • Các loại ngũ cốc nguyên hạt. Bao gồm yến mạch, ngũ cốc và gạo lức với lượng chất xơ cao. Chúng giúp tăng cường khả năng tiêu hóa, hạn chế hấp thu chất béo và nguy cơ mắc sỏi mật.
  • Sữa bò ít chất béo. Chú ý đến hàm lượng chất béo trong bất kỳ loại thực phẩm bơ sữa nào. Vì chúng có thể làm tăng nguy cơ tạo thành sỏi cholesterol. Sữa bò ít chất béo là lựa chọn phù hợp với bạn.
  • Caffeine trong cà phê và rượu. Các nghiên cứu cho thấy sử dụng một lượng vừa phải rượu và caffeine từ cà phê có thể làm giảm nguy cơ sỏi mật. Caffeine từ các nguồn khác ngoài cà phê không có lợi trong phòng ngừa sỏi.
  • Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày. Duy trì lượng nước thích hợp trong dịch mật, ngăn ngừa sự lắng đọng tạo sỏi mật.
  • Các loại hạt. Một số nghiên cứu cho thấy rằng ăn các loại hạt cây như quả hạnh và quả óc chó có thể giúp ngăn ngừa sỏi. Nhưng điều quan trọng là không nên ăn quá nhiều vì các loại hạt có hàm lượng chất béo cao.

Lối sống cho người sỏi túi mật
Lối sống cho người sỏi túi mật

Những thực phẩm không tốt

  • Chất làm ngọt, đường và carbohydrate tinh chế. Bao gồm siro có đường fructose cao, đường và carbonhydrate tinh chế. Ví dụ như các loại bánh quy, soda và đồ ăn nhanh đều không tốt cho sức khỏe.
  • Trái cây và rau quả đông lạnh hoặc đóng hộp. Có thể có chất phụ gia ảnh hưởng đến tiêu hóa thức ăn và hoạt động của túi mật.
  • Đồ ăn nhẹ chế biến. Bất kỳ thực phẩm đóng gói nào đều có hại cho cơ thể bạn.
  • Các loại thực phẩm có nhiều chất béo. Thức ăn chiên, mỡ động vật, các sản phẩm sữa nguyên kem và thực phẩm chế biến. Chúng chứa nhiều chất béo nên tránh.
  • Chế độ ăn quá ít chất béo. Ăn nhiều chất béo làm tăng nguy cơ mắc sỏi mật, ngược lại ăn quá ít chất béo cũng vậy. Khi ăn quá ít chất béo thì dịch mật không được sử dụng thường xuyên. Chúng bị ứ lại trong túi mật, từ đó làm tăng nguy cơ lắng đọng tạo sỏi.

Cách phòng tránh bệnh túi mật

Các bệnh túi mật có thể rất thường gặp nhưng nếu được điều trị kịp thời và đúng cách thì không gây ảnh hưởng quá lớn đến sức khỏe người bệnh. Bởi vậy, nếu bạn hoặc người thân đang có dấu hiệu của bệnh thì cần lưu ý điều trị sớm để tránh biến chứng nguy hiểm.

Túi mật cũng như nhiều cấu trúc khác trong cơ thể bạn dù rất nhỏ nhưng lại đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe. Việc xây dựng một lối sống lành mạnh có ý nghĩa đặc biệt cần thiết.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Identifying Gallbladder Problems and Their Symptomshttps://www.healthline.com/health/gallbladder-problems-symptoms

    Ngày tham khảo: 12/08/2020

  2. Đại học Y dược TPHCM. Bài giảng Giải phẫu học tập 2.

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người