Bác sĩ trả lời: Ung thư buồng trứng sống được bao lâu?
Nội dung bài viết
Ung thư buồng trứng là một trong những ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ. Nó thường xảy ra ở những người sau mãn kinh. Vậy ung thư buồng trứng sống được bao lâu? Để trả lời câu hỏi này, hãy cùng theo dõi các thông tin sau đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Lương Huy nhé!
Ung thư buồng trứng là gì?
Ung thư buồng trứng xảy ra khi các tế bào bình thường trong buồng trứng thay đổi thành các tế bào bất thường và phát triển ngoài tầm kiểm soát.
Ung thư buồng trứng sống được bao lâu còn tùy thuộc vào loại ung thư mà người bệnh mắc phải.
Có thể chia ung thư buồng trứng ra thành 2 loại sau:
- Ung thư biểu mô buồng trứng (hay gặp nhất, chiếm 80 – 90%).
- Ung thư tế bào mầm (chiếm 5 – 10%).
Ngoài ra còn có các loại ung thư buồng trứng hiếm gặp khác như: ung thư có nguồn gốc mô đệm sinh dục, ung thư bắt nguồn từ trung mô và các ung thư di căn đến buồng trứng.
Ung thư biểu mô buồng trứng là loại hay gặp nhất, thường gặp ở phụ nữ hậu mãn kinh. Còn ung thư tế bào mầm ít gặp hơn, đa số gặp ở phụ nữ trẻ từ dưới 20 – 30 tuổi.
Tiên lượng theo từng giai đoạn bệnh
Để lập kế hoạch điều trị và dự đoán tiên lượng ung thư buồng trứng, bác sĩ sẽ xác định giai đoạn ung thư của người bệnh bằng cách kết hợp kết quả của các xét nghiệm chẩn đoán, hình ảnh và các mẫu mô sinh thiết. Việc phân chia giai đoạn giúp góp phần tiên lượng được ung thư buồng trứng sống được bao lâu.
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ và Liên minh nghiên cứu Ung thư buồng trứng thì ung thư buồng trứng được chia thành 4 giai đoạn:1 2
- Giai đoạn I: Ung thư chỉ ở buồng trứng, chưa lan đến các cơ quan khác. Hầu hết phụ nữ bị ung thư buồng trứng Giai đoạn I có tiên lượng tốt. Bệnh nhân giai đoạn I tỷ lệ sống sót sau 5 năm trên 90%.
- Giai đoạn II: Ung thư được tìm thấy ở một hoặc cả hai buồng trứng và đã lan sang khu vực khác trong khung chậu như tử cung, đại tràng, bàng quang. Hầu hết phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư buồng trứng giai đoạn II có tỷ lệ sống sót sau 5 năm khoảng 70%.
- Giai đoạn III: Ung thư được tìm thấy ở một hoặc cả hai buồng trứng và đã lan ra ngoài khung đến phúc mạc ngoài vùng chậu, đến phần khác của bụng và/hoặc hạch bạch huyết lân cận. Hầu hết phụ nữ được chẩn đoán giai đoạn III có tỷ lệ sống sót sau 5 năm khoảng 39%.
- Giai đoạn IV: Ung thư đã lan ra ngoài bụng, đến các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như gan, lách, phổi, xương,… Tỉ lệ sống sót sau 5 năm ở giai đoạn IV có tỷ lệ là khoảng 17%.
Ung thư buồng trứng sống được bao lâu?
Tỷ lệ sống sau 5 năm nêu trên thường dựa trên nghiên cứu số lượng lớn người mắc ung thư buồng trứng. Tuy nhiên, nó không thể dự đoán điều gì sẽ xảy ra trong bất kỳ bệnh nhân cụ thể nào. Sẽ còn có các yếu tố khác ảnh hưởng đến tiên lượng bệnh. Vì thế, đáp án cho câu hỏi ung thư buồng trứng sống được bao lâu còn phải phụ thuộc vào tổng thể trạng của người bệnh, loại ung thư và mức độ phản ứng của ung thư với phác đồ điều trị…
Cách kéo dài thời gian sống cho người bệnh
Ung thư buồng trứng sống được bao lâu còn chịu tác động bởi các yếu tố khác như: tuân thủ phác độ điều trị, chế độ dinh dưỡng, hành vi lối sống,…
Tuân theo phác đồ điều trị
Tùy theo thể mô bệnh học, giai đoạn bệnh, tuổi và tình trạng sức khỏe. Người bệnh sẽ được áp dụng các phương pháp điều trị thích hợp. Bệnh nhân thường cần điều trị đa mô thức gồm phẫu thuật, xạ trị, hoá trị, điều trị đích, điều trị miễn dịch,… Việc tuân thủ theo phác đồ điều trị rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.
Chế độ dinh dưỡng
Chế độ ăn uống và dinh dưỡng cân bằng giúp tăng cường sức mạnh chống chọi bệnh tật.
Bệnh nhân ung thư buồng trứng nên có chế độ dinh dưỡng với nhu cầu calo và protein cao:
- Chế độ ăn nhiều rau lá xanh.
- Bổ sung sữa và các sản phẩm từ sữa tách béo.
- Bổ sung cá.
- Trứng.
- Các loại hạt dinh dưỡng.
- Uống trà xanh (chè xanh).
- Bổ sung canxi và vitamin D trong khẩu phần ăn uống.
Hạn chế hoặc tránh ăn:
- Thịt đỏ.
- Thịt hộp.
- Đồ uống có chứa đường tinh luyện.
- Thực phẩm đã được chế biến sẵn.
- Sản phẩm ngũ cốc tinh chế.
Tập luyện thể dục thể thao
Tập thể dục mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân ung thư. Bao gồm giảm đau, tăng sức đề kháng và làm tăng chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Có nghiên cứu cho thấy rằng việc tập luyện thể dục thể thao hơn 2 giờ mỗi tuần trong tuổi thanh niên giúp giảm nguy cơ tử vong ở bệnh nhân mắc ung thư biểu mô buồng trứng giai đoạn I & II.3
Nghiên cứu khác cho thấy hoạt động thể chất cường độ cao giảm 26% nguy cơ tử vong do ung thư buồng trứng so với không hoạt động cường độ cao.4
Một báo cáo khác cho thấy phụ nữ không béo phì tập thể dục thể thao nhiều hơn 2 giờ/tuần có khả năng sống sót cao hơn so với những phụ nữ luyện tập ít hơn 1 giờ/tuần.5
Các vấn đề chăm sóc khác
Tìm nhóm hỗ trợ
Nghiên cứu cho thấy rằng các nhóm hỗ trợ giúp giảm bớt lo lắng và trầm cảm. Đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống và khả năng sống cho người bị ung thư buồng trứng.6
Các nhóm hỗ trợ có thể là:
- Gặp gỡ làm quen với những phụ nữ bị ung thư buồng trứng khác.
- Chia sẻ cảm xúc về chẩn đoán của bản thân với nhóm.
- Thảo luận về bất kỳ vấn đề hoặc mối quan tâm nào của bạn về bệnh.
- Tìm hiểu về các nguồn, phương pháp điều trị, và cách quản lý các tác dụng phụ.
Quản lý các triệu chứng liên quan đến mãn kinh
Nếu cần phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng, bệnh nhân sẽ phải đối diện với thời kỳ mãn kinh. Khi mãn kinh, các triệu chứng thường gặp làm cơ thể khó chịu như bốc hỏa, khô âm đạo, trầm cảm, đau khi quan hệ tình dục và giảm ham muốn tình dục.
Có thể tham khảo bác sĩ những liệu pháp thay thế hormone để làm giảm các triệu chứng này:
- Liệu pháp thay thế hormone: Dạng miếng dán, viên nén hoặc gel estrogen và progesterone.
- Estrogen âm đạo: Giúp giảm bớt khô âm đạo và cảm giác khó chịu khi quan hệ tình dục.
- Thuốc chống trầm cảm: citalopram, paroxetine và venlafaxine, giúp làm giảm cơn bốc hỏa hoặc đổ mồ hôi.
Việc tiên lượng ung thư buồng trứng tùy thuộc vào giai đoạn bệnh và quá trình điều trị. Tiên lượng có thể thay đổi theo thời gian. Mỗi bệnh nhân sẽ có câu trả lời khác nhau. Vì thế, nếu mắc ung thư buồng trứng, bạn cần đến cơ sở Ngoại khoa – Ung bướu để điều trị. Hãy lắng nghe tư vấn của bác sĩ về ung thư buồng trứng sống được bao lâu và cần làm gì để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Stages of Ovarian Cancerhttps://ocrahope.org/patients/about-ovarian-cancer/staging/
Ngày tham khảo: 25/12/2022
-
Survival Rates for Ovarian Cancerhttps://www.cancer.org/cancer/ovarian-cancer/detection-diagnosis-staging/survival-rates.html
Ngày tham khảo: 25/12/2022
-
Epithelial Ovarian Cancer and Recreational Physical Activity: A Review of the Epidemiological Literature and Implications for Exercise Prescriptionhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4447575/
Ngày tham khảo: 25/12/2022
-
Body mass index, physical activity, and mortality in women diagnosed with ovarian cancer: results from the Women's Health Initiativehttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/24680584/
Ngày tham khảo: 25/12/2022
-
Recreational physical activity and ovarian cancer risk and survivalhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/21296269/
Ngày tham khảo: 25/12/2022
-
Internet-Based Group Intervention for Ovarian Cancer Survivors: Feasibility and Preliminary Resultshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5789163/
Ngày tham khảo: 25/12/2022