Ung thư dạ dày có chữa được không?
Nội dung bài viết
Ung thư dạ dày là căn bệnh ác tính phổ biến ở đường tiêu hoá. Bệnh thường phát hiện ở giai đoạn muộn và có tỉ lệ tử vong cao. Do vậy, nhiều người thường thắc mắc liệu ung thư dạ dày có chữa được không. Điều trị ung thư dạ dày sẽ như thế nào? Hãy cùng Bác sĩ Phan Văn Giáo tìm lời giải đáp thông qua bài viết dưới đây nhé!
Ung thư dạ dày có chữa được không?
Ung thư dạ dày có thể chữa khỏi nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu.1 Tuy nhiên, thông thường thì bệnh nhân được chẩn đoán ở các giai đoạn sau. Khi mà các triệu chứng bắt đầu xuất hiện. Sự thành công của việc điều trị phụ thuộc nhiều vào giai đoạn ung thư tại thời điểm chẩn đoán.
Khả năng chữa khỏi ung thư dạ dày theo giai đoạn bệnh
Tiên lượng là khả năng ung thư sẽ được chữa khỏi. Đối với ung thư dạ dày, tiên lượng cho bệnh ung thư giai đoạn đầu là rất tốt. Khi giai đoạn càng muộn, cơ hội chữa khỏi càng thấp. Ngay cả khi ung thư dạ dày không thể chữa khỏi, các phương pháp điều trị có thể kiểm soát để kéo dài cuộc sống và giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái.
Tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với bệnh ung thư dạ dày là khoảng 72% đối với giai đoạn sớm. Tỷ lệ này giảm xuống còn 6% đối với giai đoạn lây lan tiến triển.2 Chính vì vậy mà việc chẩn đoán bệnh sớm là điều rất quan trọng. Nhận biết các triệu chứng ban đầu và sàng lọc ung thư là cách để giúp phát hiện sớm bệnh ung thư dạ dày.
Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng chữa khỏi ung thư dạ dày
Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến tiên lượng ung thư dạ dày bao gồm:
- Loại ung thư.
- Giai đoạn ung thư.
- Ung thư ở vị trí nào trong dạ dày.
- Sức khỏe, thể trạng của bệnh nhân.
- Ung thư với khối u có thể được loại bỏ hoàn toàn bằng phẫu thuật.
- Bệnh nhân ung thư đáp ứng với điều trị bằng hóa trị hoặc xạ trị.
Điều trị ung thư dạ dày như thế nào?
Lựa chọn điều trị ung thư dạ dày phụ thuộc vào vị trí của khối u trong dạ dày và giai đoạn ung thư. Các phương pháp điều trị ung thư dạ dày bao gồm phẫu thuật, hoá trị, xạ trị, liệu pháp nhắm mục tiêu, liệu pháp miễn dịch và chăm sóc giảm nhẹ.
1. Phẫu thuật
Mục tiêu của phẫu thuật ung thư dạ dày là loại bỏ tất cả các tế bào ung thư. Đối với các khối u nhỏ, phẫu thuật có thể là phương pháp điều trị đầu tiên. Tuy nhiên, nếu ung thư dạ dày tiến triển sâu vào thành dạ dày hoặc lan đến các hạch bạch huyết; các phương pháp điều trị khác có thể được sử dụng trước tiên.
Phẫu thuật trong điều trị ung thư dạ dày bao gồm:
Loại bỏ khối u nhỏ từ niêm mạc dạ dày
Đối với giai đoạn đầu, khi khối u còn nhỏ thì có thể được cắt bỏ từ lớp lót bên trong của dạ dày. Để loại bỏ khối u, một ống được đưa xuống cổ họng và vào dạ dày. Các dụng cụ cắt đặc biệt được đưa qua ống để cắt bỏ khối u, đây được gọi là nội soi cắt bỏ niêm mạc. Đây có thể là lựa chọn để điều trị ung thư giai đoạn 1 đang phát triển ở lớp lót bên trong dạ dày
Cắt bỏ một phần dạ dày
Bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt bỏ phần dạ dày bị ảnh hưởng bởi ung thư và các mô khoẻ mạnh xung quanh nó.
Cắt bỏ toàn bộ dạ dày
Bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt bỏ dạ dày và một số mô xung quanh. Sau đó sẽ phẫu thuật nối thực quản với ruột non để cho thức ăn di chuyển qua hệ thống tiêu hoá.
Loại bỏ các hạch bạch huyết để tìm ung thư
Bác sĩ có thể lấy các hạch bạch huyết trong bụng để kiểm tra ung thư.
Phẫu thuật để làm giảm triệu chứng
Phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày có thể làm giảm các triệu chứng của ung thư đang tiến triển. Đây là lựa chọn nếu các phương pháp điều trị khác không hiệu quả.
Đối với ung thư dạ dày giai đoạn 1 thì phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần dạ dày là lựa chọn được thực hiện khá phổ biến.
Đối với ung thư dạ dày giai đoạn 2 và 3, phẫu thuật có thể không phải là phương pháp điều trị đầu tiên. Hoá trị và xạ trị được sử dụng để thu nhỏ khối u. Điều này làm việc loại bỏ khối u hoàn toàn một cách dễ dàng hơn.
Nếu ung thư dạ dày giai đoạn 4 tiến triển qua dạ dày và các cơ quan lân cận, có thể lựa chọn phẫu thuật. Ở giai đoạn này, để loại bỏ hoàn toàn khối u, các bộ phận của các cơ quan lân cận có thể cũng được cắt bỏ. Nếu không thể loại bỏ hoàn toàn khối u ở giai đoạn 4, phẫu thuật có thể giúp kiểm soát triệu chứng.
2. Hoá trị
Hoá trị là phương pháp điều trị bằng thuốc, sử dụng hoá chất để tiêu diệt tế bào ung thư. Các loại hoá trị bao gồm:
- Hoá trị toàn thân. Hóa chất sẽ đi khắp cơ thể bệnh nhân để tiêu diệt tế bào ung thư.
- Hoá trị tại chỗ. Loại hoá trị liệu này được gọi là hoá trị liệu siêu nhiệt trong phúc mạc (HIPEC). HIPEC được thực hiện ngay sau phẫu thuật. Sau khi bác sĩ phẫu thuật loại bỏ khối u, hoá trị sẽ được đưa trực tiếp vào bụng. Hoá chất hoá trị sẽ ở trong bụng một khoảng thời gian nhất định và sau đó được rút cạn ra.
Hoá trị có thể không cần thiết đối với ung thư dạ dày giai đoạn 1, nếu như phẫu thuật loại bỏ tất cả các tế bào ung thư và nguy cơ tái phát thấp.
Để điều trị ung thư dạ dày giai đoạn 2 và 3, hóa trị thường được sử dụng trước khi phẫu thuật. Hoá trị toàn thân có thể giúp thu nhỏ khối u trước khi phẫu thuật. Hoá trị liệu trước phẫu thuật được gọi là hoá trị tân bổ trợ.
Hoá trị toàn thân có thể được sử dụng sau phẫu thuật nếu có nguy cơ còn sót lại một số tế bào ung thư. Nguy cơ này có thể cao hơn nếu ung thư phát triển sâu vào thành dạ dày hoặc lan đến các hạch bạch huyết. Hoá trị sau phẫu thuật được gọi là hoá trị bổ trợ.
Hoá trị có thể được sử dụng một mình hoặc có thể kết hợp với xạ trị.
3. Xạ trị
Xạ trị là phương pháp sử dụng chùm năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị thường được thực hiện cùng lúc với hoá trị. Đây được gọi là hoá xạ trị.
Nếu như phẫu thuật loại bỏ tất cả các tế bào ung thư và nguy cơ tái phát thấp, phương pháp này có thể không cần thiết đối với ung thư dạ dày giai đoạn 1.
Xạ trị có thể giúp làm giảm các triệu chứng ung thư dạ dày nếu ung thư tiến triển hoặc không thể phẫu thuật.
4. Liệu pháp nhắm mục tiêu
Phương pháp điều trị nhắm mục tiêu sử dụng các loại thuốc tấn công các mục tiêu, cụ thể là các tế bào ung thư. Bằng cách ngăn chặn này, các phương pháp điều trị nhắm mục tiêu có thể tiêu diệt được các tế bào ung thư. Các xét nghiệm tế bào ung thư sẽ được thực hiện để kiểm tra liệu rằng liệu pháp nhắm mục tiêu có hiệu quả với bệnh nhân không.
Đối với ung thư dạ dày, liệu pháp nhắm mục tiêu thường được sử dụng cùng với hoá trị liệu toàn thân. Liệu pháp nhắm mục tiêu thường được sử dụng cho bệnh nhân ung thư dạ dày tiến triển. Bao gồm ung thư dạ dày giai đoạn 4 và ung thư tái phát trở lại.
5. Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch là phương pháp điều trị bằng thuốc giúp hệ thống miễn dịch của cơ thể tiêu diệt tế bào ung thư. Hệ thống miễn dịch chống lại bệnh tật bằng cách tấn công vi khuẩn và các tế bào khác.
Liệu pháp này giúp các tế bào tìm và tiêu diệt các tế bào ung thư. Nó thường được sử dụng để điều trị ung thư tiến triển, bao gồm ung thư dạ dày giai đoạn 4 hoặc ung thư tái phát trở lại.
6. Chăm sóc giảm nhẹ
Chăm sóc giảm nhẹ là loại hình chăm sóc sức khỏe đặc biệt giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn khi mắc bệnh, giúp giảm đau và các triệu chứng khác. Với mục tiêu là cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân và gia đình.
Khi chăm sóc giảm nhẹ được sử dụng cùng với các phương pháp điều trị thích hợp khác. Những người mắc bệnh ung thư có sẽ cảm thấy tốt hơn và sống lâu hơn.
Lời khuyên của bác sĩ
Việc phát hiện sớm ung thư dạ dày cùng với đáp ứng điều trị sẽ giúp tăng khả năng chữa khỏi bệnh ung thư dạ dày. Nếu bệnh nhân được chẩn đoán ung thư dạ dày kịp thời trước khi tế bào ung thư lan ra khỏi dạ dày sẽ có cơ hội điều trị cao hơn. Tuy nhiên ở các giai đoạn nặng thì việc điều trị thành công gặp rất nhiều khó khăn.
Nhận biết các dấu hiệu sớm của ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày thường không gây ra các triệu chứng trong giai đoạn đầu. Ngay cả những dấu hiệu ban đầu phổ biến nhất của ung thư dạ dày, thường là giảm cân không rõ nguyên nhân, và đau dạ dày thường không xuất hiện cho đến khi ung thư tiến triển hơn.
Các triệu chứng của ung thư dạ dày bao gồm:3
- Ăn không ngon.
- Khó nuốt.
- Mệt mỏi hoặc suy nhược.
- Buồn nôn và nôn.
- Giảm cân không rõ nguyên nhân.
- Ợ chua và khó tiêu.
- Phân đen hoặc nôn ra máu.
- Cảm thấy đầy hơi hoặc đầy hơi sau khi ăn.
- Cảm thấy no ngay cả sau khi vừa ăn một bữa ăn nhẹ.
Cần lưu ý, các triệu chứng này khá phổ biến và cũng có thể xuất hiện ở các bệnh khác. Do vậy, hãy đến gặp bác sĩ để được kiểm tra kĩ càng và có những hướng xử trí phù hợp.
Các yếu tố nguy cơ3
Một số yếu tố làm tăng khả năng phát triển của ung thư dạ dày, bao gồm:
- Tiền sử gia đình có người thân mắc bệnh ung thư dạ dày.
- Nhiễm khuẩn Helicobacter pylori (H.pylori).
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).
- Viêm dạ dày.
- Nhiễm vi rút Epstein-Barr.
- Tiền sử loét dạ dày hoặc polyp dạ dày.
- Chế độ ăn mặn, nhiều chất béo, các loại thực phẩm hun khói, hay ngâm chua.
- Chế độ ăn uống ít trái cây và rau xanh.
- Thường xuyên tiếp xúc với các chất như than đá, kim loại.
- Hút thuốc lá.
- Uống nhiều bia rượu.
- Thừa cân, béo phì.
- Viêm teo dạ dày tự miễn.
Một số bệnh di truyền có khả năng tăng nguy cơ ung thư dạ dày như:
- Hội chứng Lynch.
- Hội chứng Peutz-Jeghers.
- Hội chứng Polyp Juvenile.
- Đa polyp gia đình.
- Ung thư dạ dày di truyền thể khuếch tán (Hereditary Diffuse Gastric Cancer, HDGC).
Nếu bạn có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư dạ dày, hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và theo dõi.
Các phương pháp giúp phát hiện bệnh sớm
Để biết bạn có bị ung thư dạ dày hay không, bác sĩ sẽ bắt đầu khám sức khoẻ. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ hỏi về tiền sử bệnh để xem liệu bạn có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào đối với bệnh ung thư dạ dày; hay bất kỳ thành viên nào trong gia đình đã từng mắc bệnh này hay không. Sau đó, họ có thể thực hiện một số xét nghiệm, bao gồm:
- Xét nghiệm máu để tìm dấu hiện ung thư.
- Nội soi đường tiêu hoá trên.
- Chụp CT.
- Sinh thiết.
Hi vọng bài viết trên đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc ung thư dạ dày có chữa được không. Tóm lại, ung thư dạ dày nếu được phát hiện và điều trị sớm hoàn toàn có thể chữa khỏi và có một cuộc sống tốt. Do đó, hãy luôn giữ cho mình một lối sống lành mạnh, an toàn, theo dõi và đến gặp bác sĩ nếu có các triệu chứng bất thường, bạn nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Stomach Cancerhttps://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15812-stomach-cancer
Ngày tham khảo: 19/04/2023
-
Stomach Cancer Survival Rateshttps://www.cancer.org/cancer/stomach-cancer/detection-diagnosis-staging/survival-rates.html
Ngày tham khảo: 19/04/2023
-
Stomach cancerhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/stomach-cancer/symptoms-causes/syc-20352438
Ngày tham khảo: 19/04/2023