YouMed

Ung thư tuyến giáp: dấu hiệu, nguyên nhân và tiên lượng bệnh

Bác sĩ Võ Hoài Nam
Tác giả: Bác sĩ Võ Hoài Nam
Chuyên khoa: Ung thư

Ung thư tuyến giáp là loại ung thư không phổ biến. Chỉ chiếm 1% tổng số trường hợp bệnh ác tính trong dân số chung. Đa phần ung thư tuyến giáp là PTC hoặc FTC, vốn là loại có tiên lượng rất tốt sau điều trị. Các bạn hãy cùng Bác sĩ Võ Hoài Nam tìm hiểu về các dấu hiệu, nguyên nhân và tiên lượng bệnh của ung thư tuyến giáp qua bài viết này.

Ung thư tuyến giáp là gì?

Ung thư tuyến giáp chỉ chiếm khoảng 1% tổng số ca ung thư mới chẩn đoán hằng năm. Nhưng chiếm đến 90% số ca ung thư hệ nội tiết (hệ cơ quan chuyên tiết các nội tiết tố trong cơ thể). Theo ACS (American Cancer Society), tại Hoa Kỳ năm 2022 có 43.800 trường hợp mới mắc (11.860 nam và 31940 nữ). Số ca tử vong do ung thư tuyến giáp khoảng 2.230 ca (1.160 nữ và 1.070 nam).1

Vị trí và cấu tạo của tuyến giáp
Vị trí và cấu tạo của tuyến giáp

Carcinom tuyến giáp dạng nhú (papillary thyroid carcinoma – PTC) là dạng thường gặp nhất  của ung thư tuyến giáp. Ngoài ra còn có ung thư giáp dạng nang (Follicular thyroid cancer – FTC), ung thư giáp dạng tủy (Medullary thyroid cancer – MTC) và ung thư giáp dạng không biệt hóa (Anaplastic thyroid cancer – ATC).

 Mô bệnh học của các loại ung thư tuyến giáp
Mô bệnh học của các loại ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp sống được bao lâu?

Ung thư tuyến giáp là ung thư có cơ hội sống còn rất dài, so với nhiều loại ung thư khác (ung thư phổi, ung thư hạ hầu, mêlanom da…). Tỉ lệ sống còn 5 năm của ung thư tuyến giáp (bất chấp mọi loại giải phẫu bệnh và mọi giai đoạn bệnh) là 90%. Nghĩa rằng chỉ 10% bệnh nhân ung thư tuyến giáp sẽ tử vong trong 5 năm sau chẩn đoán.2

Tỉ lệ sống còn 5 năm của riêng nhóm ung thư tuyến giáp dạng nhú (PTC) giai đoạn sớm là 100%. Giai đoạn di căn hạch vùng là 99%, và giai đoạn muộn là 75%. Đặc biệt, yếu tố tuổi lúc chẩn đoán PTC là rất quan trọng đến tiên lượng sống còn của người bệnh. Cho dù bệnh đã tiến triển, di căn xa nhưng nếu bệnh nhân < 55 tuổi thì sống còn vẫn rất lâu dài (> 2 – 5 năm), trong khi bệnh nhân > 55 tuổi thì lại có tiên lượng rất xấu (< 2 – 5 năm). Ngoài ra, ung thư giáp loại rất hiếm là ung thư giáp dạng không biệt hóa (ATC) thì lại có tiên lượng rất xấu, kể cả giai đoạn sớm.2

Nguyên nhân ung thư tuyến giáp

Cho tới hiện tại vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể gây ung thư tuyến giáp. Ung thư có thể được gây ra bởi những thay đổi DNA làm bật gen sinh ung thư hoặc tắt các gen ức chế khối u.3

Tuy nhiên nhiều báo cáo chỉ ra vài yếu tố nguy cơ của ung thư tuyến giáp, tức nếu người bệnh có một hoặc nhiều yếu tố sau sẽ có xu hướng dễ mắc ung thư tuyến giáp so với nhóm người còn lại, như:4

  • Giới: Nữ/Nam là 3/1.
  • Độ tuổi mắc ung thư tuyến giáp đạt đỉnh ở nữ giới là 40 – 50 tuổi, nam giới là 60 – 70.
  • Béo phì.
  • Thiếu Iod trong khẩu phần ăn (tăng nguy cơ mắc FTC).
  • Tiền căn tiếp xúc với tia bức xạ trước đây (sự cố rò rỉ phóng xạ ra môi trường, vụ nổ bom hạt nhân, từng xạ trị vùng đầu cổ để điều trị loại ung thư khác…), tiền căn chụp nhiều phim có tia X (X – quang, phim CT scan vùng đầu cổ…), đặc biệt khi thời điểm chụp càng trẻ tuổi.
  • Tiền căn gia đình có nhiều người thân trực hệ mắc ung thư tuyến giáp
  • Tiền căn gia đình có hội chứng di truyền liên quan ung thư tuyến giáp: Hội chứng MEN2, hội chứng đa polyp tuyến gia đình

Dấu hiệu ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp dạng nhú có thể được phát hiện trong nhiều tình huống rất đa dạng:5

  • Phát hiện tình cờ dưới siêu âm tuyến giáp.
  • Tự sờ thấy bướu, sưng ở vùng cổ (có thể là bướu giáp ác tính, có thể là hạch cổ di căn…).
  • Khi bệnh tiến triển hơn thì bệnh nhận có thể gây khó thở, nuốt nghẹn, ho dai dẳng, viêm phổi tái đi tái lại…
  • Đôi khi có triệu chứng đau nhức xương, thậm chí gãy xương bệnh lý do đã di căn tới xương. Vài tình huống di căn xương gây chèn ép tủy sống. Dẫn tới yếu hoặc liệt 2 chi dưới, kèm tiêu tiểu không còn tự chủ.
  • Đôi khi nhức đầu, chóng mặt, nôn ói khi đã di căn tới não. Hoặc đau tức vùng hạ sườn phải khi đã di căn tới gan…
Bệnh nhân tự sờ thấy bướu giáp vùng cổ
Bệnh nhân tự sờ thấy bướu giáp vùng cổ

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào trong số này, hãy đi khám ngay lập tức. Đa số số các triệu chứng này cũng có thể do các tình trạng không phải ung thư hoặc thậm chí là các bệnh ung thư khác của vùng cổ gây ra.

Ung thư tuyến giáp có chữa được không?

Ung thư tuyến giáp là một trong những loại ung thư có khả năng điều trị khỏi bệnh lâu dài. Ngoại trừ ung thư giáp dạng kém biệt hóa (loại có tiên lượng cực kỳ xấu). Ung thư giáp dạng biệt hóa (PTC, FTC) sau phẫu thuật +/- điều trị Iod phóng xạ (nếu có chỉ định) thì cơ hội khỏi bệnh rất cao. Ngược lại, ung thư giáp khác (MTC, ATC) thường đến với giai đoạn muộn, và hiệu quả điều trị cũng kém ngoạn mục, dẫn đến nhiều tình huống tái phát, di căn, thậm chí là tử vong.

Hiện tại không có bằng chứng về khả năng trị khỏi ung thư giáp của thuốc nam, thuốc bắc, các loại thảo dược hay các loại vật lý trị liệu nói chung. Việc đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế uy tín là rất quan trọng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hiện tại không có chương trình tầm soát ung thư tuyến giáp trên dân số chung. Đa phần các tình huống đến gặp nhân viên y tế khi có triệu chứng bất thường, hoặc ghi nhận bất thường trên siêu âm vùng cổ. Các dấu hiệu mà bạn nên đến khám tại các cơ sở y tế gồm:

  • Sờ/ nhìn thấy khối vùng cổ.
  • Khó thở, thở nghe âm rít.
  • Nuốt nghẹn hoặc nuốt vướng.
  • Ho hoặc khàn tiếng kéo dài > 3 tuần.
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân.

Chẩn đoán ung thư tuyến giáp

Những phương pháp được sử dụng để chẩn đoán ung thư tuyến giáp như sau:6 7

1. Siêu âm tuyến giáp

Ngày nay siêu âm với độ phân giải cao có thể giúp phát hiện hạt giáp kích thước nhỏ, xác định số lượng, tính chất, đặc, nang, hỗn hợp. Siêu âm giúp xác định tình trạng hạch di căn cổ – hạch trung tâm (nhóm VI).

Siêu âm tuyến giáp
Siêu âm tuyến giáp

Dấu hiệu gợi ý ác tính: xâm lấn vỏ bao, tăng sinh mạch máu, vi vôi hóa, echo kém.

Siêu âm hướng dẫn làm chọc hút nhân giáp bằng kim nhỏ (FNA) đúng vị trí cần làm, giúp định vị trí chính xác nơi cần chọc hút đối với bướu hỗn hợp đặc & nang, hay hướng dẫn đến các hạt không sờ thấy trên lâm sàng.

2. Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA) là tiêu chuẩn xác định PTC

  • Chẩn đoán hạt giáp trước điều trị.
  • Chỉ định FNA đối với hạt giáp đường kính > 1 cm sờ thấy trên lâm sàng, nếu thất bại có thể làm lại dưới siêu âm.
  • Hạt giáp đường kính < 1 cm có yếu tố nghi ngờ trên siêu âm cũng có thể FNA dưới siêu âm.
Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA) dưới hướng dẫn của siêu âm
Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA) dưới hướng dẫn của siêu âm

3. Xạ hình tuyến giáp

Giúp đánh giá hạt “nóng”, “lạnh”, góp phần tiên đoán hạt giáp là lành hay ác tính

4. CT scan & MRI vùng cổ có chất tương phản

  • Đánh giá độ xâm lấn tại chỗ tại vùng, xâm lấn sụn giáp, khí quản, cơ, thực quản, trung thất…
  • Cẩn thận nếu dùng CT có cản quang Iod trong các trường hợp bệnh nhân có nguy cơ cường giáp tiềm ẩn.
  • MRI đánh giá xâm lấn mô mềm xung quanh tốt hơn CT scan.
MRRI và CT scan tuyến giáp
Trái: Ung thư tuyến giáp thùy phải dạng nhú (đầu mũi tên trắng) đã xâm lấn ra ngoài bao giáp, trên phim CT scan vùng cổ có cản quang
Phải: Ung thư tuyến giáp thùy phải dạng nhú (khối sang thương màu trắng) trên MRI-STIR T1 vùng cổ có chất cản từ

5. PET – CT scan

Đánh giá sự gia tăng hoạt động chuyển hóa tế bào thông qua sự hấp thu chất tương đồng glucose có đánh dấu. Nên có giá trị đánh giá các trường hợp tái phát, di căn xa hoặc theo dõi tái phát sau điều trị

6. Nội soi thanh quản

Cần thiết đánh giá độ di động dây thanh, đường thở (chèn ép – xâm lấn).

7. X-quang cổ thẳng – nghiêng, X-quang phổi

Đánh giá chèn ép khí quản, thòng trung thất.

Phim Xquang ngực thẳng và X - quang cổ thẳng và nghiêng trên bệnh nhân ung thư giáp dạng nhú
Phim X – quang ngực thẳng và X – quang cổ thẳng và nghiêng trên bệnh nhân ung thư giáp dạng nhú

8. Đo chức năng tuyến giáp: TSH, fT3, fT4

Đánh giá tình trạng cường giáp, suy giáp trước điều trị

9. TSH máu

TSH kiểm soát hầu hết các hoạt động chức năng của tuyến giáp, bao gồm việc lấy iod, tổng hợp và tiết T3, T4 vào máu. Ngoài ra nó còn kiểm soát dòng máu qua tuyến giáp và sự lớn lên của tuyến giáp.

10. Đo kháng thể kháng giáp anti-TPO Anti-Thyroglobulin

Nếu nghi ngờ có viêm giáp tự miễn.

11. Đo nồng độ Thyroglobulin huyết thanh

Có giá trị theo dõi tái phát sau điều trị cắt giáp toàn phần.

Bảng: Các giá trị tham khảo bình thường của chỉ số sinh hóa tuyến giáp:8

Chỉ số sinh hóa tuyến giáp

Những cách điều trị ung thư tuyến giáp

Nhìn chung, các phương pháp điều trị chính với PTC là phẫu thuật triệt căn và Iod phóng xạ. Các lựa chọn khác ít hiệu quả. Chúng chỉ tỏ ra hữu ích trong vài tình huống là phương pháp xạ trị ngoài và hóa trị. Gần đây nhờ sự phát triển của y học ung thư thì dòng thuốc TKI cũng là 1 lựa chọn cho các bệnh nhân PTC tiến triển – kháng trị với Iod phóng xạ. Đây là thuốc đường uống nên khá tiện lợi. Hiệu quả kéo dài được thời gian bệnh không tiến triển. Tuy nhiên giá thành có thể là một rào cản với nhiều đối tượng bệnh nhân.

Phẫu thuật6 9

Đây là phương pháp lựa chọn chính và hiệu quả để điều trị triệt căn ung thư tuyến giáp dạng nhú. Đa phần các tình huống có thể trị khỏi bệnh lâu dài bởi phẫu thuật đơn thuần.

Những dạng phẫu thuật điều trị ung thư tuyến giáp:9

  • Phẫu thuật cắt bỏ thùy (chứa ung thư).
  • Cắt bỏ tuyến giáp. Trong đó có phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp hoặc phẫu thuật cắt gần toàn bộ tuyến giáp.
  • Loại bỏ hạch bạch huyết.

Tuy nhiên phẫu thuật cũng mang lại vài nguy cơ đáng lưu ý. Tuy không quá phổ biến và lệ thuộc vào kinh nghiệm của phẫu thuật viên như:9

  • Chảy máu hậu phẫu.
  • Nhiễm trùng vết mổ.
  • Tổn thương thần kinh sau nạo hạch cổ, dẫn đến đau – dị cảm vùng cổ.
  • Khàn giọng (thoáng qua hoặc kéo dài) tùy thuộc vào mức tổn thương thần kinh hồi thanh quản.
  • Hạ canxi máu (thoáng qua hoặc kéo dài) tùy thuộc vào mức tổn thương tuyến cận giáp.
  • Suy giáp vĩnh viễn nếu phẫu thuật là cắt trọn tuyến giáp. Các tình huống này sẽ được uống viên bù giáp suốt đời.
  • Sẹo mổ xấu vùng cổ, hiện có thể phòng ngừa bằng mổ nội soi đường nách.
Sẹo vùng cổ sau mổ cắt tuyến giáp
Sẹo vùng cổ sau mổ cắt tuyến giáp

Iod phóng xạ6 10

Các tình huống sau phẫu thuật có nguy cơ tái phát mức độ trung bình – cao (> 5%) thì có thể cần điều trị thêm Iod phóng xạ (I – 131) dạng viên uống. Đây là liệu pháp giúp các tế bào bướu còn sót hoặc tế bào giáp còn sót sẽ bắt lấy phân tử Iod. Sau đó các tia xạ được giải phóng để giết chết các tế bào này. Đây là một ví dụ điển hình của liệu pháp điều trị trúng đích. Tức điều trị tập trung vào các tế bào chuyên bắt Iod: tế bào bướu và tế bào giáp.

Điều quan trọng trước khi dùng Iod phóng xạ là bệnh nhân cần ngưng thuốc bù giáp một khoảng thời gian và chế độ ăn kiêng Iod. Giúp cho liệu pháp Iod phóng xạ sẽ trở nên hiệu quả hơn. Tuy vậy, liệu pháp này vẫn gặp một vài biến chứng cần lưu ý như:10

  • Buồn nôn, nôn (phổ biến nhưng thoáng qua).
  • Mệt mỏi, chán ăn, mất vị giác (phổ biến nhưng thoáng qua).
  • Viêm sưng tuyến nước bọt, khô miệng (phụ thuộc vào liều dùng).
  • Viêm bàng quang (không phổ biến).
  • Tiêu chảy, đau bụng (thường thoáng qua).
  • Suy tủy (không phổ biến, thường sau nhiều đợt điều trị liều cao).
  • Bệnh lý ác tính hệ tạo huyết (không phổ biến, tăng theo liều điều trị).
  • Xơ phổi nếu bệnh nhân có di căn phổi nhiều nốt và được điều trị Iod phóng xạ liều cao nhiều đợt thì nguy cơ sẽ càng cao.

Một điều rất quan trọng cần lưu ý khi điều trị Iod phóng xạ là sự tuân thủ tuyệt đối quy định an toàn phóng xạ do nhân viên y tế hướng dẫn. Nhằm đảm bảo sự an toàn cho người thân và mọi người xung quanh bệnh nhân. Thường không cần sự cách ly nếu dùng liều thấp (30 mCi), và cần cách ly 2 – 3 tuần nếu dùng liều cao (> 100 mCi). Sau khoảng thời gian cách ly quy định thì người bệnh có thể quay lại sinh hoạt như bình thường.6

Xạ trị ngoài6 11

Đây không phải là phương pháp điều trị chính trong ung thư tuyến giáp dạng nhú. Bởi vì tính kém đáp ứng với xạ trị của bướu. Vài tình huống có thể hữu ích như bệnh lan rộng tại chỗ không thể phẫu thuật. Xạ trị ngoài giúp kiểm soát bướu, giảm nhẹ triệu chứng, tuy không thể trị khỏi bệnh.

Hóa trị6 12

Đây không phải là phương pháp điều trị chính trong ung thư tuyến giáp dạng nhú. Vì tính kém đáp ứng với hóa trị của bướu.

TKI6 13

Đây là phương pháp điều trị mới trong thập kỷ gần đây, dưới sự phát triển của sinh học phân tử. Thuốc TKI là lựa chọn hàng đầu nếu bệnh PTC tiến triển hoặc tái phát – di căn xa mà kháng với liệu pháp Iod phóng xạ. Các dòng thuốc TKI như Lenvatinib, Sorafenib cải thiện, kéo dài thời gian cho tới khi bệnh lại tiếp tục tiến triển hơn nữa. Tuy rằng thuốc cũng có những tác dụng phụ, nhưng đã phần là nhẹ có thể kiểm soát tốt như:

  • Mệt mỏi (phổ biến nhưng thoáng qua).
  • Tiêu chảy, buồn nôn (phổ biến nhưng thoáng qua).
  • Nổi ban da.
  • Tăng huyết áp.
  • Độc tính gan.
  • Thuyên tắc mạch (hiếm).
  • Xuất huyết (hiếm).

Chăm sóc sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp

Sau mổ ung thư giáp, bệnh nhân thường được chăm sóc nội khoa nhằm hạn chế các biến chứng, và thúc đẩy hồi phục sau mổ. Hầu như bệnh nhân sẽ nhanh chóng ăn uống lại bằng đường miệng, cũng như vận động nhẹ tại chỗ. Việc theo dõi sát các triệu chứng gợi ý biến chứng cũng quan trọng, nhằm có hướng xử trí sớm phù hợp.

Các biến chứng thông thường của ngoại khoa bao gồm:

  • Chảy máu sau mổ: có thể chảy ra ngoài, hoặc chảy vào trong nền giáp đã cắt, gây tụ máu.
  • Nhiễm trùng vết mổ: viêm sưng chảy mủ, có thể gây sốt.

Các biến chứng đặc biệt của phẫu thuật ung thư giáp (đã nếu phía trên) bao gồm:

  • Hạ Calci máu sau mổ (thoáng qua hoặc kéo dài): thường được phát hiện trên xét nghiệm Calci máu sau mổ, đôi khi biểu hiện lâm sàng rõ khi hạ Calci máu đáng kể như cứng cơ, dị cảm, châm chích ở đầu ngón chân, ngón tay, khó khăn khi nói hoặc nuốt…
  • Khàn giọng – Liệt khép dây thanh.
  • Nhuyễn sụn giáp sau mổ cắt tuyến giáp.

Phòng ngừa ung thư tuyến giáp

Đến hiện tại chưa nhiều bằng chứng về cách phòng ngừa hiệu quả ung thư tuyến giáp dạng nhú. Đa phần vẫn là khuyến cáo phòng tránh các yếu tố nguy cơ của ung thư tuyến giáp như đã trình bày trước đó.

Tóm lại, ung thư tuyến giáp là loại bệnh hiếm gặp, có khả năng khỏi bệnh lâu dài nếu chẩn đoán đúng và điều trị phù hợp. Việc phát hiện các triệu chứng và đến khám tại các cơ sở uy tín là quan trọng. Bạn nên tuân thủ hướng dẫn của nhân viên y tế trước, trong và sau quá trình điều trị.

Câu hỏi thường gặp

Ung thư tuyến giáp có chết không?

Đa phần ung thư tuyến giáp được trị khỏi bởi phẫu thuật +/- điều trị Iod phóng xạ. Một số nhỏ bệnh nhân tiến tới tử vong nếu bệnh được phát hiện quá trễ, hoặc mắc các thể bệnh rất xấu như ATC, MTC…

Bệnh ung thư tuyến giáp có nguy hiểm không?

Nếu được chẩn đoán đúng và điều trị phù hợp thì khá an toàn. Nếu chẩn đoán chậm trễ hoặc điều trị bằng các phương pháp không rõ ràng về bằng chứng (thuốc bắc, thuốc nam, xoa bóp, chườm nóng, vật lý trị liệu …) thì bệnh sẽ trở nên nguy hiểm cho tính mạng.

Sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp nên ăn gì?

Tùy về độ rộng của phẫu thuật, và các điều trị thêm sau mổ mà thức ăn có thể khác nhau. Hầu như không kiêng cữ loại thực phẩm nào sau điều trị ung thư giáp. Trừ khi bạn cần uống viên Iod phóng xạ thì Bác sĩ sẽ dặn bạn cử thực phẩm giàu Iod trong vài tuần trước đó.

Mổ ung thư tuyến giáp có nguy hiểm không?

Nếu được mổ bởi những chuyên gia phẫu thuật uy tín thì tỉ lệ biến chứng rất thấp, nên khá an toàn. Các biến chứng nặng nề đôi khi vẫn xuất hiện như hạ canxi máu nặng, liệt khép dây thanh…

Tỷ lệ tái phát ung thư tuyến giáp

Tỷ lệ tái phát sau mổ PTC dao động theo giai đoạn bệnh (I – IV) và các yếu tố nguy cơ tái phát (di căn hạch, bướu xâm lấn vỏ bao, còn sót mô giáp…). Khi được đánh giá đầy đủ theo từng trường hợp, Bác sĩ có thể cho bạn biết nguy cơ tái phát của bạn là như thế nào.

Ung thư tuyến giáp có lây không?

Chưa có bằng chứng ung thư giáp lây lan.

Ung thư tuyến giáp có quan hệ được không?

Ung thư giáp không ảnh hưởng đến hoạt động quan hệ tình dục.

Ung thư tuyến giáp có lây qua nước bọt không?

Chưa có bằng chứng ung thư giáp lây lan.

Ung thư tuyến giáp có di truyền không?

Ung thư giáp có thể di truyền, tuy chiếm không nhiều.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Key Statistics for Thyroid Cancerhttps://www.cancer.org/cancer/thyroid-cancer/about/key-statistics.html

    Ngày tham khảo: 17/10/2022

  2. Thyroid Cancer Survival Rates, by Type and Stagehttps://www.cancer.org/cancer/thyroid-cancer/detection-diagnosis-staging/survival-rates.html

    Ngày tham khảo: 17/10/2022

  3. What Causes Thyroid Cancer?https://www.cancer.org/cancer/thyroid-cancer/causes-risks-prevention/what-causes.html

    Ngày tham khảo: 17/10/2022

  4. Thyroid Cancer Risk Factorshttps://www.cancer.org/cancer/thyroid-cancer/causes-risks-prevention/risk-factors.html

    Ngày tham khảo: 17/10/2022

  5. Signs and Symptoms of Thyroid Cancerhttps://www.cancer.org/cancer/thyroid-cancer/detection-diagnosis-staging/signs-symptoms.html

    Ngày tham khảo: 17/10/2022

  6. Thyroid cancer: ESMO Clinical Practice Guidelines for diagnosis, treatment and follow-uphttps://www.annalsofoncology.org/article/S0923-7534(20)32555-2/fulltext

    Ngày tham khảo: 17/10/2022

  7. Tests for Thyroid Cancerhttps://www.cancer.org/cancer/thyroid-cancer/detection-diagnosis-staging/how-diagnosed.html

    Ngày tham khảo: 17/10/2022

  8. Các chỉ số xét nghiệm máu đánh giá chức năng tuyến giáphttp://vsh.org.vn/cac-chi-so-xet-nghiem-mau-danh-gia-chuc-nang-tuyen-giap.htm

    Ngày tham khảo: 17/10/2022

  9. Surgery for Thyroid Cancerhttps://www.cancer.org/cancer/thyroid-cancer/treating/surgery.html

    Ngày tham khảo: 17/10/2022

  10. Radioactive Iodine (Radioiodine) Therapy for Thyroid Cancerhttps://www.cancer.org/cancer/thyroid-cancer/treating/radioactive-iodine.html

    Ngày tham khảo: 17/10/2022

  11. External Beam Radiation Therapy for Thyroid Cancerhttps://www.cancer.org/cancer/thyroid-cancer/treating/external-beam-radiation.html

    Ngày tham khảo: 17/10/2022

  12. Chemotherapy for Thyroid Cancerhttps://www.cancer.org/cancer/thyroid-cancer/treating/chemotherapy.html

    Ngày tham khảo: 17/10/2022

  13. Targeted Drug Therapy for Thyroid Cancerhttps://www.cancer.org/cancer/thyroid-cancer/treating/targeted-therapy.html

    Ngày tham khảo: 17/10/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người