YouMed

Ung thư vòm họng: Nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị

thạc sĩ, bác sĩ mai quang hoàn
Tác giả: ThS.BS Mai Quang Hoàn
Chuyên khoa: Tai - Mũi - Họng

Trong số các loại ung thư nói chung, ung thư vòm họng (UTVH) đứng thứ 4 về mức độ phổ biến. Đây cũng là loại ung thư thường gặp hàng đầu trong các loại ung thư vùng đầu mặt cổ. Không những thế, bệnh này còn khá thường gặp ở cộng đồng người châu Á, đặc biệt ở khu vực Đông Á, trong đó có Việt Nam. Với suất độ bệnh cao như vậy, liệu bạn có khả năng mắc ung thư vòm họng không và làm thế nào để phát hiện sớm? Hãy cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Quang Hoàn tìm hiểu về bệnh ung thư vòm họng qua bài viết sau đây nhé!

Ung thư vòm họng là gì?

Ung thư là một loại bệnh mà trong đó các tế bào phát triển bất thường. Chúng nhân lên và phân chia không kiểm soát trong cơ thể. Nhóm tế bào bất thường này sẽ hình thành các khối u ác tính.

Ung thư vòm họng (hay còn được gọi là ung thư vòm mũi họng) ám chỉ đến ung thư thanh quản, dây thanh âm và các bộ phận khác của cổ họng, chẳng hạn như amidan và hầu họng. Bệnh thường được chia làm hai loại: ung thư vòm họng và ung thư thanh quản.

  • Cổ họng là một ống cơ bắt đầu từ sau mũi và dừng lại ở cổ. Ung thư vòm họng thường bắt đầu từ các tế niêm mạc nằm bên trong cổ họng của bạn.
  • Thanh quản của bạn nằm ngay dưới cổ họng và cũng dễ phát triển ung thư. Thanh quản được làm bằng sụn và chứa các dây thanh âm. Chúng rung để tạo ra âm thanh khi bạn nói chuyện.
Sang thương ở vòm họng
Sang thương ở vòm họng

Ung thư vòm họng có những loại nào?

Mặc dù tất cả các bệnh ung thư vòm họng đều liên quan đến sự phát triển và tăng trưởng của các tế bào bất thường, các bác sĩ phải phân loại cụ thể. Để từ đó, có thể đưa ra kế hoạch điều trị hiệu quả nhất cho người bệnh.

Hai loại chính của bệnh là:

  • Ung thư tế bào biểu mô vảy: Loại này phát triển từ các tế bào vảy lót niêm mạc cổ họng.
  • Ung thư tế bào biểu mô tuyến: Đây là loại ung thư cổ họng phát triển từ các tế bào tuyến và rất hiếm.

Hai vị trí thường gặp ở ung thư vòm họng là:

  • Ung thư hầu họng: Ung thư này phát triển tại vị trí yết hầu. Yết hầu là một ống rỗng chạy từ sau mũi đến phần đầu khí quản. Ung thư hầu họng phát triển ở cổ và họng bao gồm: Ung thư mũi hầu (phần trên của hầu họng); Ung thư khẩu hầu (phần giữa của hầu họng); Ung thư hạ hầu (phần dưới cùng của hầu họng họng)
  • Ung thư thanh quản: Ung thư này hình thành trong thanh quản, đó là nơi phát ra tiếng nói của bạn.

Nguyên nhân ung thư vòm họng là gì?

Hiện nay, nguyên nhân ung thư vòm họng chưa được xác định. Tuy nhiên, nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ giới.

Một số thói quen sống cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư, bao gồm:

  • Hút thuốc;
  • Uống quá nhiều rượu;
  • Dinh dưỡng kém;
  • Tiếp xúc với amiăng;
  • Vệ sinh răng miệng kém;
  • Hội chứng di truyền;
  • Bệnh cũng liên quan đến nhiễm trùng một số loại papillomavirus ở người (HPV). HPV là một loại vi rút lây truyền qua đường tình dục. Theo Trung tâm Điều trị Ung thư Hoa Kỳ, nhiễm HPV là một yếu tố nguy cơ đối với một số bệnh ung thư hầu họng.
  • Ung thư vòm họng cũng có liên quan đến các loại ung thư khác. Trên thực tế, một số người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vòm họng được chẩn đoán đồng thời với bệnh ung thư thực quản, ung thư phổi hoặc ung thư bàng quang. Xuất hiện mối tương quan này có thể là do những bệnh ung thư này có một số yếu tố nguy cơ giống nhau.

Xem thêm: Ung thư vòm họng: Thói quen ăn cá muối mặn

Uống rượu bia thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh
Uống rượu bia thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh

Chẩn đoán bệnh như thế nào?

Khi khám, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và bệnh sử của bạn. Nếu bạn đang gặp các triệu chứng như đau họng, khàn giọng và ho dai dẳng mà không cải thiện. Các triệu chứng này không thể được giải thích bằng các nguyên nhân khác. Khi đó có thể nghi ngờ là ung thư.

Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về các dấu hiệu của ung thư vòm họng, cũng như cách tự kiểm tra có thể giúp nhận biết bệnh qua bài viết Dấu hiệu ung thư vòm họng và cách giúp tự kiểm tra tại nhà của YouMed nhé!

Để kiểm tra, bác sĩ sẽ tiến hành nội soi thanh quản trực tiếp. Hoặc gián tiến giới thiệu bạn đến bác sĩ chuyên khoa để thực hiện thủ thuật.

Nội soi thanh quản giúp bác sĩ có cái nhìn cận cảnh hơn về vùng vòm họng của bạn. Nếu kết quả cho thấy bất thường, bác sĩ có thể lấy một mẫu mô (được gọi là sinh thiết) từ cổ họng của bạn. Sau đó xét nghiệm mẫu mô đó để tìm tế bào ung thư.

Bác sĩ có thể đề nghị một trong các loại sinh thiết sau:

  • Sinh thiết thông thường: Đối với thủ thuật này, bác sĩ sẽ phẫu thuật và lấy đi một mẫu mô. Loại sinh thiết này được thực hiện trong phòng mổ khi bạn đã được gây mê toàn thân.
  • Chọc hút kim nhỏ (FNA): Đối với thủ thuật này, bác sĩ sẽ đưa một cây kim nhỏ trực tiếp vào khối u để lấy các tế bào mẫu.
  • Nội soi sinh thiết: Để lấy mẫu mô bằng ống nội soi, bác sĩ sẽ luồn một ống dài và mỏng qua miệng, mũi hoặc một vết cắt.

Xem thêm: Tầm soát ung thư vòm họng: đối tượng, thời điểm và quy trình

Điều trị ung thư vòm họng bằng cách nào?

Các lựa chọn điều trị ung thư vòm họng bao gồm: phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Phương pháp điều trị nào được bác sĩ đề nghị sẽ phụ thuộc vào mức độ bệnh của bạn cùng với các yếu tố khác:

1. Phẫu thuật

Nếu khối u trong cổ họng của bạn nhỏ, bác sĩ có thể phẫu thuật cắt bỏ khối u. Bạn có thể được gây mê khi phẫu thuật. Bác sĩ có thể đề nghị một trong các thủ thuật phẫu thuật sau:

  • Phẫu thuật nội soi: Thủ thuật này sử dụng một ống nội soi (một ống dài mỏng có đèn chiếu và camera ở cuối). Qua đó các dụng cụ phẫu thuật hoặc tia laser có thể được truyền qua để điều trị ung thư giai đoạn đầu.
  • Cắt thanh quản: Quy trình này loại bỏ tất cả hoặc một phần dây thanh quản của bạn. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của ung thư để lựa chọn hướng xử trí. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể nói chuyện bình thường sau khi phẫu thuật. Một số khác, bệnh nhân sẽ phải học cách nói mà không cần thanh quản.
  • Phẫu thuật vùng cổ: Ung thư vòm họng thường lây lan đến các hạch bạch huyết ở cổ. Vì vậy bác sĩ có thể nạo vét một số hoặc tất cả các hạch bạch huyết vùng cổ.

2. Xạ trị

Sau khi cắt bỏ khối u, bác sĩ có thể chỉ định thêm xạ trị. Xạ trị là sử dụng các tia năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư ác tính. Xạ trị nhằm loại bỏ bất kỳ tế bào ung thư nào còn sót lại mà mắt thường không nhìn thấy. Các loại xạ trị bao gồm:

  • Xạ trị cường độ điều biến và xạ trị đồng đều 3D: Trong cả hai loại điều trị, chùm tia bức xạ đều được điều chỉnh phù hợp với hình dạng của khối u. Đây là chỉ định bức xạ phổ biến nhất được thực hiện đối với ung thư thanh quản và hạ họng.
  • Liệu pháp Brachytherapy: Hạt phóng xạ được đặt trực tiếp bên trong khối u hoặc gần khối u. Mặc dù loại bức xạ này có thể được chỉ định cho ung thư thanh quản và ung thư hầu họng, nhưng hiếm khi sử dụng.
Xạ trị là một trong những phương pháp điều trị bệnh
Xạ trị là một trong những phương pháp điều trị bệnh

3. Hóa trị liệu

Trong trường hợp khối u có kích thước lớn và đã lan tràn đến các hạch bạch huyết và các cơ quan hoặc mô khác, bác sĩ có thể đề nghị hóa trị cũng như xạ trị. Hóa trị là sử dụng một loại thuốc làm tiêu diệt và làm chậm sự phát triển của các tế bào ác tính.

  • Liệu pháp nhắm trúng đích: Liệu pháp nhắm trúng đích là sử dụng các loại thuốc can thiệp vào các phân tử xác định chịu trách nhiệm cho sự phát triển của khối u. Từ đó, làm ngăn chặn sự lây lan và phát triển của tế bào ung thư. Một loại liệu pháp nhắm trúng đích được sử dụng để điều trị ung thư vòm họng là cetuximab (Erbitux).
  • Các loại liệu pháp nhắm trúng đích khác đang được nghiên cứu quá trình thử nghiệm lâm sàng. Bác sĩ có thể đề nghị liệu pháp này đi kèm với hóa và xạ trị tiêu chuẩn.

Ung thư vòm họng là một bệnh lý nguy hiểm. Vậy bệnh có thể chữa khỏi được không? Mời bạn đọc tìm hiểu bài viết Ung thư vòm họng có chữa được không? để có câu trả lời cho mình nhé!

Ung thư vòm họng là loại ung thư phổ biến ở Việt Nam. Đây là một bệnh lý nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao nhưng có thể được điều trị rất tốt nếu được phát hiện sớm. Do đó chúng ta cần hiểu biết để nhận biết các dấu hiệu của bệnh để đến khám kịp thời. Những người có nguy cơ cao như nam giới tuổi trung niên, thường xuyên hút thuốc lá… nên được khám tai mũi họng định kỳ mỗi 6 tháng để phát hiện bất kỳ bất thường nào ở vùng vòm họng.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Biểu hiện của ung thư vòm họnghttps://suckhoedoisong.vn/bieu-hien-cua-ung-thu-vom-hong-n45270.html

    Ngày tham khảo: 11/04/2021

  2. Cách nhận biết ung thư vòm họnghttps://suckhoedoisong.vn/cach-nhan-biet-ung-thu-vom-hong-n139246.html

    Ngày tham khảo: 11/04/2021

  3. What Is Throat Cancer?https://www.healthline.com/health/cancer-throat-or-larynx

    Ngày tham khảo: 11/04/2021

  4. Throat cancerhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/throat-cancer/symptoms-causes/syc-20366462

    Ngày tham khảo: 11/04/2021

  5. Yếu tố nào dẫn đến ung thư vòm họnghttps://suckhoedoisong.vn/yeu-to-nao-dan-den-ung-thu-vom-hong--n177801.html

    Ngày tham khảo: 11/04/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người