Những điều cần biết về vắc-xin quai bị
Nội dung bài viết
Quai bị là một bệnh truyền nhiễm phổ biến trong cộng đồng. Hiện nay, việc điều trị chủ yếu tập trung làm giảm các triệu chứng và vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, phòng bệnh bằng cách tiêm phòng vắc-xin quai bị là điều cần thiết. Cùng Bác sĩ Tô Hồng Phương Thanh tìm hiểu về vắc-xin quai bị qua bài viết sau nhé!
Những thông tin cơ bản về bệnh quai bị
Quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus quai bị thuộc giống Rubulavirus, họ Paramyxoviridae gây ra. Bệnh đặc trưng với dấu hiệu sưng đau tuyến nước bọt ở hai bên mặt. Thời gian ủ bệnh trung bình từ 16 đến 18 ngày.1
Bệnh quai bị thường biểu hiện với các dấu hiệu ban đầu như: sốt (có thể kéo dài từ 3 đến 4 ngày), đau cơ, chán ăn, khó chịu, nhức đầu,… Sau đó, triệu chứng đặc trưng là viêm tuyến mang tai (sưng tuyến nước bọt) sẽ xuất hiện. Sưng tuyến nước bọt thường kéo dài 5 ngày và thường tự khỏi sau 10 ngày.1
Để rõ hơn về bệnh lý truyền nhiễm này, bạn đọc có thể tham khảo bài viết chi tiết Quai bị: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị và phòng ngừa.
Bệnh quai bị là bệnh gây biến chứng nguy hiểm, khi đã nhiễm bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu. Việc điều trị chủ yếu giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh. Và tốt nhất là nên dự phòng mắc bệnh bằng việc tiêm vắc-xin. Với tiến bộ khoa học vắc xin quai bị có thể kết hợp phòng các bệnh khác mang lại hiệu quả rất lớn đẩy lùi dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe mọi người. Hãy cùng theo dõi những thông tin cơ bản về vắc-xin quai bị sau đây nhé!
Vì sao cần tiêm phòng quai bị?
Việc tiêm phòng là cần thiết vì vắc-xin quai bị sẽ giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh truyền nhiễm này và tránh khỏi những biến chứng nguy hiểm do quai bị gây ra.
Như đã thông tin, quai bị chưa có thuốc đặc trị. Virus quai bị có thể lây lan đến các cơ quan khác trong cơ thể, như: não, tuyến tụy, tinh hoàn, buồng trứng,… và gây những biến chứng nguy hiểm.
Biến chứng với nam giới
Ở nam giới, quai bị có thể gây ra viêm tinh hoàn. Viêm tinh hoàn quai bị ít xảy ra ở trẻ trai dưới 10 tuổi, nó thường phổ biến ở nam giới đã qua tuổi dậy thì. Biến chứng này có thể xảy ra sau triệu chứng viêm tuyến mang tai từ 1 đến 2 tuần. Khoảng 10% đến 30% nam giới bị viêm tinh hoàn ở cả 2 bên do quai bị.2
Viêm tinh hoàn có thể dẫn đến chứng teo tinh hoàn và có thể làm giảm số lượng tinh trùng khỏe mạnh ở nam giới. Điều này cũng có thể làm giảm khả năng sinh sản ở một số trường hợp.2
Do những ảnh hưởng trên, nhiều người, đặc biệt là phái nam thường thắc mắc liệu bị quai bị có vô sinh không? Bạn đọc có thể xem thêm bài viết Bệnh quai bị có dẫn đến vô sinh không? Vì sao? để có câu trả lời chi tiết nhé!
Biến chứng với nữ giới
Quai bị có thể gây viêm buồng trứng ở nữ giới. Các dấu hiệu của viêm buồng trứng bao gồm: đau vùng bụng dưới, sốt, ốm yếu. Thông thường, các triệu chứng này sẽ biến mất khi cơ thể đã chống lại được virus quai bị.3
Các biến chứng chung khác
Ngoài các biến chứng ở cơ quan sinh sản kể trên, quai bị có thể dẫn đến:4
- Viêm não.
- Mất thính giác.
- Hội chứng Guillain Barre.
- Viêm tuyến giáp.
- Viêm vú.
- Viêm đa dây thần kinh.
- Viêm tụy.
- Viêm phổi.
- Viêm khớp.
Việc tiêm ngừa quai bị sẽ giúp ngăn ngừa bệnh, tránh các biến chứng nguy hiểm. Vẫn có trường hợp mắc quai bị dù đã tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, các trường hợp này thường có triệu chứng nhẹ và không có biến chứng nguy hiểm.
Ngoài ra, tầm quan trọng của vắc-xin còn thể hiện qua hiệu quả phòng bệnh của nó.
Hiệu quả phòng bệnh của vắc-xin phòng quai bị
Theo ghi nhận tại Hoa Kỳ, trước khi có vắc-xin phòng quai bị, mỗi năm có khoảng 186.000 trường hợp mắc bệnh được báo cáo. Nhờ thực hiện chính sách tiêm 2 liều vắc-xin, các trường hợp nhiễm quai bị đã giảm 99%.1
Hiện nay, để phòng ngừa quai bị, độc giả và gia đình có thể tiêm vắc-xin MMR hoặc Priorix. Đây là những loại vắc-xin tam giá, kết hợp phòng ngừa cả 3 bệnh: sởi, quai bị và rubella.
Trong đó, MMR được Centers for Disease Control and Prevention đánh giá là khá an toàn và hiệu quả. Khi tiêm đủ 2 liều vắc-xin MMR có thể giảm được 88% nguy cơ mắc bệnh quai bị, nếu tiêm 1 mũi thì ngăn ngừa được 78% tỷ lệ nhiễm bệnh.1
Trong khi đó, Priorix là loại vắc-xin được Cục quản lý về Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép vào tháng 6, năm 2022. Vắc-xin này cũng được The Advisory Committee on Immunization Practices (ACIP) – Ủy ban Cố vấn về Thực hành Chủng ngừa đánh giá là an toàn, sinh miễn dịch và không thua kém MMR.5
Bệnh quai bị hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu nên phòng bệnh được xem là cách tốt nhất. Bên cạnh việc giữ vệ sinh cá nhân, cách ly với người nhiễm bệnh thì dự phòng chủ động bằng vắc-xin là biện pháp tối ưu nhất hiện tại. Việc tiêm vắc xin cho trẻ em từ 1 tuổi trở lên và cả người lớn chưa có miễn dịch có vai trò quan trọng giúp tránh các biến chứng nguy hại và nguy cơ bùng phát dịch bệnh cho cộng đồng.
Đối tượng chỉ định của vắc-xin quai bị
Vắc-xin MMR được khuyến khích sử dụng cho:6
- Trẻ em trên 12 tháng tuổi.
- Học sinh tại các cơ sở giáo dục sau trung học.
- Người trưởng thành, đặc biệt là nhân viên y tế và du khách quốc tế tại các vùng dịch tễ.
- Nhóm người có nguy cơ cao, như: người thường tiếp xúc gần hoặc dùng chung dụng cụ ăn uống với người mắc bệnh quai bị.
Trong khi đó, vắc-xin Priorix được khuyến nghị cho trẻ em từ 9 tháng tuổi trở lên và người lớn.7
Đường tiêm và lịch tiêm
Đường tiêm
- Vắc-xin MMR: được dùng tiêm dưới da, không nên tiêm tĩnh mạch.8
- Vắc-xin Priorix: được chỉ định tiêm dưới da, có thể tiêm bắp ở vùng delta hoặc mặt trước bên đùi. Với những người bị rối loạn chảy mới, chỉ nên tiêm Priorix dưới da.7
Lịch tiêm
Tên vắc-xin | Đối tượng | Lịch tiêm |
Vắc-xin MMR6 | Đối với trẻ em từ 12 tháng đến 7 tuổi | Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên, khi trẻ từ 12 đến 15 tháng tuổi.
Mũi 2: Lúc trẻ 4 – 6 tuổi. Có thể tiêm gần hơn nếu hiện đang xuất hiện dịch, nhưng khoảng thời gian cách mũi đầu ít nhất 1 tháng. |
Đối với trẻ từ 7 tuổi trở lên và người lớn | Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên.
Mũi 2: Cách mũi đầu ít nhất 1 tháng. |
|
Vắc-xin Priorix7 | Trẻ em từ 9 tháng đến dưới 12 tháng tuổi (chưa tiêm vắc-xin sởi hay MMR II trước đó) | Mũi 1: lần tiêm đầu tiên trong độ tuổi.
Mũi 2: cách mũi 1 là 3 tháng. Mũi 3: cách mũi 2 là 3 năm hoặc hẹn lúc 4-6 tuổi. |
Trẻ em từ 12 tháng tuổi đến dưới 7 tuổi | Mũi 1: lần tiêm đầu tiên trong độ tuổi.
Mũi 2: cách mũi 1 là 3 tháng. Khi có dịch bùng phát, nên tiêm mũi 3 nhắc lại, cách mũi 2 ít nhất 1 tháng. |
|
Trẻ em từ 7 tuổi và người lớn | Mũi 1: lần tiêm đầu tiên trong độ tuổi.
Mũi 2: cách mũi 1 là 1 tháng. Khi có dịch bùng phát, nên tiêm mũi 3 nhắc lại, cách mũi 2 ít nhất 1 tháng. |
Tác dụng phụ của vắc-xin quai bị
Sau khi tiêm vắc-xin MMR, bạn có thể gặp một số phản ứng phụ sau:9
- Đau vị trí tiêm.
- Sốt.
- Phát ban nhẹ.
- Cứng khớp tạm thời.
- Một số phản ứng hiếm gặp khác: sốt co giật, sưng má, sưng cổ, giảm số lượng tiểu cầu,…
Mặt khác, vắc-xin Priorix có thể dẫn đến các phản ứng sau tiêm như:7
- Đau, nổi mẩn đỏ, sưng cứng, nhạy cảm,… tại vị trí tiêm.
- Sốt, đau đầu, buồn ngủ, giảm thèm ăn, tiêu chảy, nôn mửa,…
Đối tượng chống chỉ định tiêm vắc-xin quai bị
Những đối tượng sau không nên tiêm vắc-xin quai bị:6
- Mẫn cảm, dị ứng với bất kỳ thành phần nào của vắc-xin.
- Đang mang thai hoặc nghi ngờ đang mang thai. Trường hợp này có thể hoãn tiêm cho đến khi kết thúc thai kỳ. Ngoài ra, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên tránh thai ít nhất 1 tháng sau khi tiêm vắc-xin quai bị.
- Người có hệ miễn dịch suy yếu (mắc ung thư, nhiễm HIV/AIDS,…).
- Người thân trong gia đình có tiền sử suy giảm miễn dịch. Trường hợp này nên tham khảo sự tư vấn của bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
- Bệnh nhân lao phổi.
Một số trường hợp nên hoãn tiêm vắc-xin quai bị:6
- Đã truyền máu hoặc được truyền máu gần đây.
- Đã tiêm một loại vắc-xin khác trong 4 tháng vừa qua.
- Người mắc các bệnh vừa và nghiêm trọng có thể được chỉ định hoãn tiêm.
Tiêm phòng quai bị bao nhiêu tiền?
Tiêm quai bị bao nhiêu tiền? Chích ngừa quai bị ở đâu? là những câu hỏi thường được đặt ra khi nhắc đến vắc-xin quai bị.
Ngày nay, bạn đọc và gia đình có thể thực hiện tiêm ngừa quai bị tại các trung tâm tiêm chủng uy tín trên cả nước. Bạn nên chọn những địa điểm tiêm chủng có đội ngũ nhân viên, y bác sĩ nhiều kinh nghiệm, có bước thăm khám sàng lọc trước tiêm,… Điều này để đảm bảo sự an toàn và hiệu quả của quá trình tiêm chủng.
Bảng dưới đây đã thống kê giá tham khảo của các loại vắc-xin quai bị hiện nay. Bạn đọc cần lưu ý, giá chỉ mang tính tham khảo và có thể thay đổi tùy theo thời điểm tiêm, cơ sở tiêm và có dịch vụ kèm theo (nếu có).
Tên vắc-xin | Giá tham khảo |
MMR II (Mỹ) | 305.000 VNĐ |
Priorix (Bỉ) | 415.000 VNĐ |
MMR (Ấn Độ) | 205.000 VNĐ |
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin về vắc-xin quai bị. Bạn và gia đình hãy thực hiện tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch trình để vắc-xin đạt hiệu quả tối ưu nhé!
Câu hỏi thường gặp
Tiêm phòng quai bị có bị sốt không?
Sốt là một phản ứng toàn thân phổ biến sau khi tiêm vắc-xin. Đây là biểu hiện của việc cơ thể đáp ứng miễn dịch.
Thông thường, người tiêm chỉ số dưới 38°C. Nếu gặp tình trạng sốt quá cao và kéo dài, nên liên hệ bác sĩ để được điều trị kịp thời.
Vắc-xin quai bị có tác dụng trong bao lâu?
Cần tiêm đủ phác đồ 2 mũi khi tiêm vắc xin quai bị, điều này giúp duy trì miễn dịch cơ thể rất lâu, thời gian chưa xác định rõ, tùy vào sức đề kháng của mỗi người mà khoảng thời gian này có thể kéo dài suốt đời.6
Đã tiêm phòng quai bị có bị quai bị không?
Vắc xin quai bị có khả năng ngăn ngừa hầu hết các trường hợp mắc quai bị nhưng không phải 100%, người đã tiêm phòng vẫn có nguy cơ mắc phải với tỷ lệ rất ít. Kể cả người tiêm đủ 2 liều như khuyến cáo vẫn có khả năng nhiễm siêu vi quai bị nếu tiếp xúc lâu dài và trực tiếp với bệnh nhân đang mắc quai bị.10
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Mumps For Healthcare Providershttps://www.cdc.gov/mumps/hcp.html
Ngày tham khảo: 22/02/2023
-
Mumps orchitishttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1633545/
Ngày tham khảo: 22/02/2023
-
Mumps - Complicationshttps://www.nhs.uk/conditions/mumps/complications/
Ngày tham khảo: 22/02/2023
-
Mumpshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK534785/
Ngày tham khảo: 22/02/2023
-
Measles, Mumps, Rubella Vaccine (PRIORIX): Recommendations of the Advisory Committee on Immunization Practices — United States, 2022https://www.cdc.gov/mmwr/volumes/71/wr/mm7146a1.htm
Ngày tham khảo: 22/02/2023
-
Measles, Mumps, and Rubella (MMR) Vaccination: What Everyone Should Knowhttps://www.cdc.gov/vaccines/vpd/mmr/public/index.html
Ngày tham khảo: 22/02/2023
-
Vắc xin PRIORIX phòng bệnh Sởi – Quai bị – Rubellahttps://vnvc.vn/vac-xin-priorix/
Ngày tham khảo: 22/02/2023
-
Vắc xin MMR II (Mỹ) phòng bệnh Sởi – quai bị – rubellahttps://vnvc.vn/mmr-ii-vac-xin-phong-3-benh-soi-quai-bi-rubella/
Ngày tham khảo: 22/02/2023
-
Measles, Mumps, Rubella (MMR) Vaccinehttps://www.cdc.gov/vaccinesafety/vaccines/mmr-vaccine.html
Ngày tham khảo: 22/02/2023
-
Outbreak-Related Questions and Answers for Patientshttps://www.cdc.gov/mumps/outbreaks/outbreak-patient-qa.html
Ngày tham khảo: 22/02/2023