Vắc-xin sởi – quai bị – rubella MMR: Những thông tin cần biết
Nội dung bài viết
Sởi, quai bị, rubella là những căn bệnh rất dễ lây qua đường hô hấp nếu chưa có kháng thể phòng bệnh. Bệnh lây lan nhanh và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Hiện nay, Việt Nam đã có vắc-xin sởi – quai bị – rubella kết hợp để phòng ngừa. Mời bạn cùng Bác sĩ Tô Hồng Phương Thanh tìm hiểu những thông tin cần biết về vắc-xin này trong bài viết dưới đây.
Vắc-xin Sởi – Quai bị – Rubella MMR là gì?
Vắc-xin MMR là vắc-xin phòng bệnh sởi, quai bị và rubella. Hiện nay, vắc-xin kết hợp giúp phòng 3 bệnh sởi – quai bị – rubella có nhiều loại, trong đó phổ biến nhất vẫn là vắc-xin MMR II.
Vắc-xin MMR là loại vắc-xin sống, giảm độc lực.1 Người tiêm vắc-xin MMR hầu hết sẽ được bảo vệ suốt đời. Vắc-xin tam giá sởi – quai bị – rubella MMR II có nguồn gốc từ tập đoàn Merck Sharp and Dohme (MSD) của Mỹ. MSD là công ty hàng đầu trên thế giới về dược phẩm và sinh học, nghiên cứu thúc đẩy việc phòng ngừa và điều trị các căn bệnh gây đe dọa tới con người.
Tầm quan trọng của vắc-xin sởi – quai bị – rubella
Sởi, quai bị và rubella là những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là với trẻ sơ sinh và phụ nữ có thai. Tiêm vắc-xin MMR phòng sởi, quai bị, rubella là cách hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh.
- Bệnh sởi (Measles – M) gây sốt, sổ mũi và mắt đỏ, chảy nước mắt. Sau đó thường có triệu chứng phát ban toàn thân. Bệnh có thể dẫn đến co giật (thường kết hợp với sốt), tiêu chảy và viêm phổi. Sởi hiếm khi gây tổn thương não hoặc tử vong.2
- Quai bị (Mump – M) gây sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, ăn không ngon miệng, sưng, đau các tuyến nước bọt ở một hoặc cả hai bên. Bệnh quai bị có thể dẫn đến biến chứng điếc, viêm màng não, sưng đau tinh hoàn hoặc buồng trứng nhưng rất hiếm khi tử vong.2
- Rubella (Rubella – R) gây sốt, đau họng, phát ban, nhức đầu và kích ứng ở mắt. Nếu mắc rubella khi đang mang thai, có thể bị sảy thai hoặc gây dị tật bẩm sinh nghiêm trọng cho trẻ sơ sinh.2
Đối tượng chỉ định tiêm vắc-xin MMR
Trẻ em1
CDC khuyến nghị tất cả trẻ em nên tiêm hai liều vắc-xin MMR (sởi – quai bị – rubella). Liều đầu tiên khi trẻ 12 – 15 tháng tuổi. Liều thứ hai khi trẻ 4 – 6 tuổi. Trẻ em có thể tiêm liều thứ hai sớm hơn nhưng cách liều 1 ít nhất 28 ngày.
Người lớn1
Người lớn không có bằng chứng miễn dịch nên tiêm ít nhất một liều vắc-xin MMR. Một số người lớn có thể cần tiêm 2 liều. Người lớn có dự định đi đến nơi có nguy cơ lây truyền bệnh sởi hoặc quai bị cao nên tiêm hai liều vắc-xin cách nhau ít nhất 28 ngày.
Đường tiêm và liều tiêm cho từng đối tượng
Đường tiêm3
Vắc-xin sởi – quai bị – rubella được tiêm dưới da, không tiêm tĩnh mạch.
Liều tiêm4
Trẻ từ 12 tháng tuổi đến 7 tuổi: Lịch tiêm chủng đối với trẻ từ 12 tháng tuổi đến 7 tuổi thông thường như sau:
- Tiêm mũi đầu tiên: bắt đầu từ khoảng 12 – 15 tháng tuổi hoặc muộn hơn.
- Mũi 2: bắt đầu từ khoảng 4 – 6 tuổi, có thể sớm hơn nếu dịch xảy ra nhưng phải cách mũi 1 ít nhất 28 ngày.
Trẻ từ 7 tuổi trở lên và người lớn
- Mũi 1: lần tiêm đầu tiên.
- Mũi 2: cách mũi 1 ít nhất 1 tháng.
Đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nên hoàn tất phác đồ tiêm chủng vắc-xin sởi – quai bị – rubella trước khi mang thai ít nhất 3 tháng.
Đối tượng chống chỉ định tiêm vắc-xin sởi – quai bị – rubella MMR
Đối tượng chống chỉ định5
- Người mẫn cảm hoặc có tiền sử mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào trong vắc-xin.
- Người dị ứng với Neomycin.
- Bệnh nhân lao đang tiến triển chưa được điều trị hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch.
- Người mắc các bệnh rối loạn về máu, bạch cầu hay u hạch bạch huyết.
- Người suy giảm miễn dịch tiên phát và thứ phát hoặc tiền sử gia đình có người suy giảm miễn dịch.
Đối tượng cần thận trọng1
- Đã từng bị phản ứng dị ứng sau khi chích một mũi vắc-xin MMR trước đây, hoặc bị dị ứng nặng, đe dọa đến tính mạng.
- Phụ nữ mang thai hoặc nghĩ rằng mình có thể đang mang thai. Phụ nữ mang thai nên đợi đến khi thai kỳ kết thúc mới được tiêm vắc-xin sởi, quai bị, rubella. Tốt nhất nên tránh mang thai trong vòng 3 tháng sau khi chủng ngừa MMR.
- Gần đây đã được truyền máu hoặc chế phẩm máu khác. Bạn có thể được khuyên hoãn tiêm vắc-xin MMR từ 3 tháng trở lên.
- Đã tiêm bất kỳ loại vắc-xin nào khác trong 4 tuần qua. Các loại vắc-xin sống được tiêm quá gần nhau có thể không hoạt động tốt.
Vắc-xin sởi – quai bị – rubella MMR có gây tác dụng phụ không?
Sau khi tiêm vắc-xin MMR, có thể xảy ra triệu chứng do cơ thể phản ứng với tác nhân lạ, chẳng hạn:2
- Đau cánh tay hoặc nổi mẩn đỏ tại vị trí tiêm.
- Sốt và phát ban nhẹ.
- Sưng các tuyến ở má hoặc cổ, đau và cứng khớp tạm thời. Phản ứng này đôi khi sẽ xảy ra ở thanh thiếu niên hoặc phụ nữ trưởng thành.
- Phản ứng nghiêm trọng hơn bao gồm: sốt co giật, giảm số lượng tiểu cầu. Số lượng tiểu cầu thấp có thể gây chảy máu, bầm tím. Tuy nhiên, các phản ứng này hiếm khi xảy ra.
- Với người có vấn đề nghiêm trọng về hệ thống miễn dịch, vắc-xin này có thể gây nhiễm trùng, đe dọa đến tính mạng. Do đó, đối tượng này không nên chủng ngừa vắc-xin MMR.
- Một số trường hợp có thể ngất xỉu sau tiêm chủng. Hãy liên hệ ngay với nhân viên y tế nếu bạn thấy chóng mặt, thay đổi thị lực hoặc ù tai sau khi tiêm.
Phản ứng phụ có thể xảy ra sau khi người tiêm vắc-xin rời khỏi địa điểm tiêm chủng. Nếu thấy các dấu hiệu của phản ứng dị ứng nặng như phát ban, khó thở, tim đập nhanh, chóng mặt hãy đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Vắc-xin MMR có thể gây ra phản ứng phụ, nhưng những phản ứng nghiệm trọng hoặc trường hợp tử vong là rất thấp.
Những lưu ý khi thực hiện tiêm phòng sởi – quai bị – rubella MMR
Sau khi tiên phòng, bạn nên lưu ý những điều sau:
- Sau khi tiêm vắc-xin MMR, bạn cần ở lại theo dõi tại khu vực theo dõi sau tiêm ít nhất 30 phút. Mục đích là để kịp thời xử trí các phản ứng nghiêm trọng nếu có.
- Cần tiếp tục theo dõi trẻ trong vòng 24 – 48 giờ đầu sau tiêm: tinh thần, ăn uống, ngủ nghỉ, nhiệt độ cơ thể, nhịp thở, ban đỏ trên da của trẻ,…
- Không chạm, chườm nóng, lạnh, hoặc đắp vật gì vào vị trí tiêm.
- Nếu trẻ sốt sau tiêm vắc-xin, phụ huynh có thể làm một số biện pháp sau để giảm sốt cho trẻ: Mặc thoáng mát cho trẻ, uống nhiều nước hoặc bú sữa nhiều hơn, dùng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn.
Với trẻ em, nên đưa bé đến gặp bác sĩ ngay nếu:
- Sốt cao trên 38,5°C và không đáp ứng với thuốc hạ sốt.
- Sốt kéo dài trên 48 giờ hoặc sốt 1 – 2 ngày, hạ sốt sau đó lại sốt lại.
- Sốt kèm theo một số triệu chứng khác: ho, hắt hơi, chảy nước mũi, tiêu lỏng, phát ban,…
- Trẻ bỏ ăn, thở nhanh, khó thở, tím tái, kích thích, quấy khóc liên tục, co giật, li bì, hôn mê,…
Vắc-xin Sởi – Quai bị – Rubella giá bao nhiêu? Tiêm ở đâu?
Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, bạn đọc nên chọn các trung tâm tiêm chủng uy tín. Chẳng hạn như trung tâm tiêm chủng có nguồn vắc-xin chất lượng, có kiểm tra sức khỏe sàng lọc trước tiêm, có khu vực theo dõi sau tiêm,… Ngoài ra, bạn nên chủ động thông báo với nhân viên y tế về tình trạng sức khỏe cũng như tiền sử tình trạng dị ứng/quá mẫn của người tiêm.
Bảng sau đã thống kê giá tham khảo tiêm vắc-xin sởi quai bị rubella ở một số cơ sở trên toàn quốc.
Tên cơ sở tiêm chủng | Tên vắc-xin | Nước sản xuất | Giá tham khảo |
Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC trên toàn quốc | MMR II (3 in 1) | Mỹ | 305.000 VNĐ |
Viện Pasteur TP.HCM: 167 Pasteur, phường 8, quận 3, TP.HCM | MMR II (3 in 1) | Mỹ | 265.000 VNĐ |
Trung tâm y tế quận Bình Thạnh: 99/6 Nơ Trang Long, phường 11, quận Bình Thạnh, TP.HCM | MMR (3 in 1) | Ấn Độ | 188.000 VNĐ |
Bạn đọc lưu ý, bảng trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Vẫn còn nhiều cơ sở thực hiện tiêm chủng MMR trên cả nước. Và giá thống kê trong bảng có thể thay đổi tùy thuộc vào thời điểm, chính sách giá của nhà cung cấp vắc-xin và chi phí dịch vụ kèm theo (nếu có).
Trên đây là bài viết liên quan tới vắc-xin sởi – quai bị – rubella. Hy vọng bài viết đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc. Cách tốt nhất để phòng bệnh sởi, rubella, quai bị là tiêm vắc-xin theo đúng phác đồ tiêm chủng. Nếu có bất thường sau khi tiêm vắc-xin, hãy liên hệ đến bác sĩ để được hỗ trợ và tư vấn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Measles, Mumps, and Rubella (MMR) Vaccination: What Everyone Should Knowhttps://www.cdc.gov/vaccines/vpd/mmr/public/index.html
Ngày tham khảo: 21/02/2023
-
MMR (Measles, Mumps, and Rubella) VIShttps://www.cdc.gov/vaccines/hcp/vis/vis-statements/mmr.html
Ngày tham khảo: 21/02/2023
-
M-M-R II Injectable - Uses, Side Effects, and Morehttps://www.webmd.com/drugs/2/drug-9297/m-m-r-ii-subcutaneous/details
Ngày tham khảo: 21/02/2023
-
Vắc xin MMR II (Mỹ) phòng bệnh Sởi – quai bị – rubellahttps://vnvc.vn/mmr-ii-vac-xin-phong-3-benh-soi-quai-bi-rubella/
Ngày tham khảo: 21/02/2023
-
The Truth About the MMR Vaccinehttps://www.healthline.com/health/mmr-vaccine
Ngày tham khảo: 21/02/2023