YouMed

Viêm âm đạo do nấm Candida: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa

Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Dung
Tác giả: Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Dung
Chuyên khoa: Sản phụ khoa

Nấm Candida ở nữ là vấn đề được nữ giới quan tâm. Trong số đó, viêm âm đạo do nấm Candida là bệnh lý xảy ra phổ biến. Vậy, nguyên nhân dẫn đến viêm âm đạo do nấm Candida là gì? Triệu chứng bệnh lý này ra sao? Cách phòng ngừa như thế nào? Cùng tìm hiểu các vấn đề trên qua bài viết của Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Dung nhé!

Những điều cơ bản về nhiễm nấm Candida

Bệnh nấm Candida là một bệnh nhiễm trùng do nấm men (một loại nấm) có tên là Candida gây ra. Nấm Candida ở nữ giới thường sống trên da và bên trong cơ thể như trong miệng, cổ họng, ruột và âm đạo mà không gây ra bất kỳ vấn đề gì. Candida có thể gây nhiễm trùng nếu các điều kiện bên trong âm đạo thay đổi để phù hợp sự phát triển của nấm. Nội tiết tố, thuốc hoặc thay đổi trong hệ thống miễn dịch có thể làm cho nhiễm trùng dễ xảy ra hơn.1

Viêm âm đạo – âm hộ do nấm thường do Candida albicans gây ra nhưng đôi khi có thể do các loài Candida hoặc nấm men khác gây ra. Các triệu chứng điển hình của nhiễm nấm âm đạo bao gồm ngứa, đau âm đạo, giao hợp đau, tiểu khó, và tiết dịch âm đạo bất thường. Không có triệu chứng nào trong số này là đặc hiệu cho viêm âm đạo – âm hộ do nấm. Ước tính có khoảng 75% phụ nữ sẽ có ít nhất một đợt viêm âm đạo – âm hộ do nấm và 40% – 45% sẽ có hai đợt trở lên.2

Viêm âm đạo do nấm Candida là gì?

Viêm âm đạo do nấm Candida là một bệnh nhiễm trùng của âm đạo và tiền đình âm hộ chủ yếu do oestrogen hóa, có thể lan ra bên ngoài môi nhỏ, môi lớn, vùng giữa và quanh hậu môn. Không có nấm Candida cổ tử cung hoặc nội mạc tử cung.3

Thuật ngữ phổ biến cho bệnh nấm Candida ở âm đạo là nhiễm trùng nấm men âm đạo. Các tên gọi khác của bệnh nhiễm trùng này là nhiễm nấm âm đạo, nhiễm nấm âm đạo – âm hộ, hoặc viêm âm đạo do nấm.1

Viêm âm đạo do nấm Candida còn được gọi là nấm âm đạo, viêm âm đạo do nấm
Viêm âm đạo do nấm Candida còn được gọi là nấm âm đạo, viêm âm đạo do nấm

Triệu chứng của viêm âm đạo do Candida

Các triệu chứng của nhiễm nấm âm đạo bao gồm:1

  • Âm đạo ngứa hoặc đau nhức.
  • Đau khi quan hệ tình dục.
  • Đau hoặc khó chịu khi đi tiểu.
  • Tiết dịch âm đạo bất thường.

Nhiễm nấm âm đạo thường nhẹ. Tuy nhiên, một số phụ nữ có thể bị nhiễm trùng nặng liên quan đến đỏ, sưng và nứt thành âm đạo.1

Nguyên nhân dẫn đến viêm âm đạo do nấm Candida

Hầu hết viêm âm đạo do nấm là do Candida albicans, vi khuẩn này cư trú ở 15% đến 20% phụ nữ không mang thai và 20% đến 40% phụ nữ mang thai.4

Các yếu tố nguy cơ gây viêm âm đạo do nấm bao gồm:4

  • Bệnh tiểu đường.
  • Sử dụng kháng sinh phổ rộng hoặc corticosteroid.
  • Thai kỳ.
  • Đồ lót chật, không co giãn.
  • Mắc bệnh suy giảm miễn dịch.
  • Sử dụng dụng cụ tử cung.

Viêm âm đạo do nấm không phổ biến ở phụ nữ sau mãn kinh, ngoại trừ những người dùng liệu pháp hormone toàn thân.4

Mặc đồ lót chật là một trong những nguyên nhân gây viêm âm đạo do nấm Candida ở nữ
Mặc đồ lót chật là một trong những nguyên nhân gây viêm âm đạo do nấm Candida ở nữ

Khi nào người bệnh nên gặp bác sĩ?

Liên hệ với bác sĩ chăm sóc sức khỏe của bạn nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào trong số các triệu chứng gây khó chịu cho vùng kín của bạn. Những triệu chứng này tương tự như các loại nhiễm trùng âm đạo khác. Bác sĩ có thể cho bạn biết nếu bạn bị nhiễm nấm âm đạo và cách điều trị.1

Chẩn đoán nấm Candida ở âm đạo bằng cách nào?

Chẩn đoán viêm âm đạo do nấm Candida được chỉ định trên lâm sàng bởi sự hiện diện của các triệu chứng như khó tiểu và ngứa âm hộ, đau, sưng và đỏ. Các dấu hiệu bao gồm phù nề âm hộ, vết nứt, trầy xước và tiết dịch âm đạo đặc. Hầu hết phụ nữ khỏe mạnh với nhiễm nấm âm đạo không biến chứng, không có yếu tố thúc đẩy.2

Chẩn đoán có thể được thực hiện ở một phụ nữ có dấu hiệu và triệu chứng của viêm âm đạo khi lấy dịch tiết âm đạo (nước muối, 10% KOH) cho thấy nấm men, sợi nấm hoặc giả sợi nấm đang nảy nở hoặc nuôi cấy hoặc xét nghiệm khác cho kết quả dương tính với viêm âm đạo.2

Viêm âm đạo do nấm Candida có liên quan đến pH âm đạo bình thường (<4,5). Đối với những người có kết quả soi âm tính nhưng có các dấu hiệu hoặc triệu chứng hiện có, nên xem xét cấy dịch âm đạo để tìm Candida. Nếu không thể cấy nấm Candida cho những phụ nữ này, có thể cân nhắc điều trị theo kinh nghiệm.2

Xác định nấm Candida bằng nuôi cấy khi không có triệu chứng hoặc dấu hiệu không phải là chỉ định điều trị vì khoảng 10%–20% phụ nữ chứa các loài nấm Candida và các loại nấm men khác trong âm đạo. Phần lớn các xét nghiệm PCR tìm nấm men không được cho phép và bác sĩ xét nghiệm  phải quen thuộc với các đặc điểm hiệu suất của xét nghiệm cụ thể được sử dụng. Nuôi cấy nấm men, có thể xác định một nhóm rộng rãi các loại nấm men gây bệnh, vẫn là tiêu chuẩn tham khảo để chẩn đoán.2

Âm đạo bị nấm Candida khi mang thai có nguy hiểm không?

Một nghiên cứu đã báo cáo tỷ lệ sinh non tăng lên sau khi nhiễm nấm Candida không triệu chứng tái phát trong thời kỳ đầu mang thai. Tác động tiêu cực của viêm âm đạo được đánh giá là thể hiện rõ hơn trong tam cá nguyệt thứ hai.3

Ngoài sinh non, người ta cũng biết rằng khả năng mắc các bệnh nhiễm nấm sinh dục hoặc viêm da tã lót trong năm đầu đời tăng lên ở những trẻ bị nhiễm khuẩn thông qua lây truyền từ mẹ trong quá trình sinh thường.3

Việc điều trị dự phòng bằng thuốc kháng nấm có thể được khuyến nghị cho các trường hợp nhiễm khuẩn không có triệu chứng ở những tuần cuối của thai kỳ. Điều này để ngăn ngừa bệnh sẽ lây truyền sang trẻ sơ sinh nếu sản phụ sinh thường. Điều này cũng làm giảm đáng kể nguy cơ mắc phải nấm sinh dục và viêm da tã lót của trẻ, cụ thể từ 10% xuống 2% trong tuần thứ 4 sau sinh.3

Đã có một số nghiên cứu chứng minh rằng, các trường hợp nhiễm nấm âm đạo trong 3 tháng đầu thai kỳ, nếu điều trị bằng thuốc Clotrimazole thì có thể giảm đáng kể tỷ lệ sinh non.5 6

Tỷ lệ mắc viêm da tã lót ở trẻ sơ sinh tăng lên nếu bị nhiễm nấm từ mẹ thông qua quá trình sinh thường
Tỷ lệ mắc viêm da tã lót ở trẻ sơ sinh tăng lên nếu bị nhiễm nấm từ mẹ thông qua quá trình sinh thường

Phương pháp điều trị nấm Candida ở âm đạo

Điều trị nhiễm nấm âm đạo thông thường4

  • Sử dụng thuốc chống nấm. Nên ưu tiên Fluconazole đường uống với liều duy nhất.
  • Sử dụng thuốc bôi hoặc thuốc uống có hiệu quả cao đối với viêm âm đạo do nấm. Tuân thủ điều trị tốt hơn khi sử dụng chế độ uống một liều fluconazole 150 mg. Butoconazole tại chỗ, clotrimazole, miconazole và tioconazole có sẵn. Tuy nhiên, bệnh nhân nên được cảnh báo rằng các loại kem bôi và thuốc mỡ có chứa dầu khoáng hoặc dầu thực vật làm suy yếu bao cao su latex.
  • Tránh để vùng kín quá ẩm ướt: Giữ âm hộ sạch sẽ và mặc quần áo cotton rộng rãi, thấm hút tốt. Điều này giúp không khí lưu thông, từ đó làm giảm độ ẩm âm hộ và giảm sự phát triển của nấm.

Điều trị nhiễm nấm âm đạo nghiêm trọng, kéo dài hay tái phát thường xuyên4

  • Nếu các triệu chứng kéo dài hoặc trầm trọng hơn trong quá trình điều trị tại chỗ, nên xem xét liệu bệnh nhân có quá mẫn cảm với thuốc chống nấm tại chỗ hay không.
  • Ngoài ra, việc tái phát viêm âm đạo do nấm thường xuyên cần phải ức chế lâu dài bằng cách sử dụng thuốc uống (Fluconazole 150 mg hàng tuần đến hàng tháng hoặc Ketoconazole 100 mg mỗi ngày một lần trong 6 tháng). Việc ức chế chỉ có hiệu quả khi thuốc đang được sử dụng. Lưu ý, những loại thuốc này có thể chống chỉ định ở những bệnh nhân bị rối loạn gan. Đặc biệt, bệnh nhân dùng Ketoconazole nên được theo dõi định kỳ bằng các xét nghiệm chức năng gan.

Điều trị nhiễm nấm âm đạo trong thời kỳ mang thai3

  • Có thể điều trị viêm âm đạo do nấm bằng thuốc Triazole. Thuốc này được coi là an toàn trong thời kỳ mang thai.
  • Fluconazole cũng được cân nhắc cho việc điều trị bệnh lý này ở thai phụ. Tuy nhiên, nếu tích lũy quá nhiều (150 – 6000mg) Fluconazole trong 3 tháng đầu tiên có thể dẫn đến việc tăng nguy cơ tứ chứng Fallot ở thai nhi.7
  • Một số nghiên cứu khác báo cáo về việc tăng nguy cơ sảy thai, tăng tỷ lệ dị tật (sứt môi, hở hàm ếch, chuyển vị các mạch máu lớn,..) ở thai nhi sau khi uống Fluconazole trong thời kỳ đầu mang thai.8 9
  • Bên cạnh đó, Dequalinium Chloride cũng có thể là một lựa chọn điều trị cho nhiễm nấm âm đạo trong thai kỳ do khả năng dung nạp và hiệu quả tốt của thuốc này.

Phòng ngừa viêm âm đạo do nấm Candida bằng cách nào?

Theo Centers for Disease Control and Prevetion – CDC, phụ nữ có thể giảm nguy cơ viêm âm đạo do Candida bằng cách:1

  • Mặc đồ lót bằng cotton có thể giúp giảm nguy cơ bị nhiễm trùng nấm âm đạo.
  • Bởi vì dùng thuốc kháng sinh có thể dẫn đến nhiễm nấm Candida âm đạo, chỉ dùng những loại thuốc này khi được kê đơn và chính xác như toa của bác sĩ điều trị.
  • Hạn chế dùng thuốc kháng sinh, chỉ dùng khi được kê đơn bởi bác sĩ điều trị. Ngoài ra, bạn nên tìm hiểu thông tin về thuốc kháng sinh như thời điểm thuốc kháng sinh hoạt động, trường hợp bạn không cần dùng đến thuốc kháng sinh,…
Hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh, chỉ dùng khi được bác sĩ chỉ định và kê đơn
Hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh, chỉ dùng khi được bác sĩ chỉ định và kê đơn

Viêm âm đạo do nấm Candida là một trong những vấn đề phổ biến trong các bệnh lý nấm Candida ở nữ giới. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích về vấn đề này. Khi có các vấn đề về vùng kín, tốt nhất chị em phụ nữ nên đến các cơ sở uy tín thăm khám và điều trị dứt điểm.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Vaginal Candidiasishttps://www.cdc.gov/fungal/diseases/candidiasis/genital/index.html

    Ngày tham khảo: 16/02/2023

  2. Vulvovaginal Candidiasis (VVC)https://www.cdc.gov/std/treatment-guidelines/candidiasis.htm

    Ngày tham khảo: 16/02/2023

  3. Guideline: Vulvovaginal candidosis (AWMF 015/072, level S2k)https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8248160/

    Ngày tham khảo: 16/02/2023

  4. Candidal Vaginitishttps://www.msdmanuals.com/professional/gynecology-and-obstetrics/vaginitis,-cervicitis,-and-pelvic-inflammatory-disease-pid/candidal-vaginitis

    Ngày tham khảo: 16/02/2023

  5. No Teratogenic Effect after Clotrimazole Therapy during Pregnancyhttps://www.jstor.org/stable/3703565

    Ngày tham khảo: 16/02/2023

  6. Preterm birth reduction after clotrimazole treatment during pregnancyhttps://www.ejog.org/article/S0301-2115(04)00075-2/fulltext

    Ngày tham khảo: 16/02/2023

  7. Use of Oral Fluconazole during Pregnancy and the Risk of Birth Defectshttps://www.nejm.org/doi/10.1056/NEJMoa1301066

    Ngày tham khảo: 16/02/2023

  8. Association Between Use of Oral Fluconazole During Pregnancy and Risk of Spontaneous Abortion and Stillbirthhttps://jamanetwork.com/journals/jama/fullarticle/2480487

    Ngày tham khảo: 16/02/2023

  9. Fluconazole use and birth defects in the National Birth Defects Prevention Studyhttps://www.ajog.org/article/S0002-9378(15)02395-9/fulltext

    Ngày tham khảo: 16/02/2023

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người