YouMed

Viêm âm đạo dùng thuốc gì? Các phương pháp điều trị viêm âm đạo tại nhà

Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Dung
Tác giả: Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Dung
Chuyên khoa: Sản phụ khoa

Viêm âm đạo là bệnh lý phụ khoa phổ biến ở phụ nữ. Căn bệnh này có thể điều trị bằng thuốc nếu xác định được đúng nguyên nhân gây bệnh. Vậy để trả lời được cho câu hỏi “Viêm âm đạo dùng thuốc gì?”, mời bạn tham khảo bài viết dưới đây của Bác sĩ chuyên khoa Sản Phụ khoa Phạm Thị Ngọc Dung nhé!

Nguyên nhân gây nên viêm âm đạo

Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây nên tình trạng viêm âm đạo là nhiễm trùng do vi khuẩn (nhiễm khuẩn âm đạo). Tác nhân vi khuẩn chiếm gần 30% tỉ lệ bệnh lý, theo Trung tâm kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC).1

Theo CDC năm 2017, nguyên nhân phổ biến thứ 2 gây nên viêm âm đạo là do nhiễm nấm men Candida. Tình trạng này còn được gọi là viêm âm đạo do Candida.2

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác có thể gây ra tình trạng này có thể kể đến như:

  • Virus (herpes, HPV).
  • Ký sinh trùng (giun kim, rận).
  • Nhân tố môi trường như vệ sinh kém, da dễ bị kích ứng…

Việc xác định chính xác nguyên nhân gây viêm âm đạo có tác động lớn tới việc lựa chọn thuốc điều trị phù hợp.

Viêm âm đạo dùng thuốc gì?

Một số dạng bào chế được dùng cho bệnh lý này bao gồm: kem bôi, thuốc mỡ, thuốc đạt âm đạo, thuốc uống… với các tác dụng như kháng khuẩn, kháng virus, kháng nấm, chống dị ứng nếu tác nhân là dị ứng.

Thuốc điều trị viêm âm đạo có thể được bào chế ở nhiều dạng như thuốc uống, thuốc bôi, thuốc đặt,...
Thuốc điều trị viêm âm đạo có thể được bào chế ở nhiều dạng như thuốc uống, thuốc bôi, thuốc đặt,…

Việc xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp tối ưu hiệu quả điều trị. Việc chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh có thể được tiến hành bằng một trong những cách sau:

  • Lấy mẫu dịch tiết âm đạo và tiến hành tìm nguồn bệnh bằng kính hiển vi.
  • Sinh thiết để kiểm tra: chuyên gia sẽ lấy một mẫu mô nhỏ để xét nghiệm tìm nguồn bệnh. Phương pháp này sẽ được tiến hành khi phương pháp truyền thống không thành công.

Dưới đây là hướng dẫn sử dụng thuốc để điều trị viêm âm đạo được phân loại theo nguyên nhân gây bệnh:

1. Viêm âm đạo do vi khuẩn

Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do sự thay đổi của hệ vi khuẩn trong âm đạo. Tình trạng này có thể xảy ra ở cả phụ nữ có hoặc không có hoạt động tình dục.

Dưới đây là hướng dẫn điều trị viêm âm đạo bằng thuốc do vi khuẩn theo CDC của Mỹ năm 2021.3

Phác đồ đề xuất Phác đồ 1: Metronidazole 500 mg uống 2 lần/ngày x 7 ngày.
Phác đồ 2: Metronidazole gel 0,75% một ống bôi (5 g) trong âm đạo, mỗi ngày một lần x 5 ngày.
Phác đồ 3: Kem Clindamycin 2% một ống bôi (5 g) trong âm đạo trước khi đi ngủ x 7 ngày.
Phác đồ thay thế Phác đồ 1: Clindamycin 300 mg uống 2 lần/ngày x 7 ngày.
Phác đồ 2: Clindamycin viên đặt phụ khoa 100 mg đặt một lần trước khi ngủ x 3 ngày.
Phác đồ 3: Secnidazole 2 g cốm uống trong một liều duy nhất.
Phác đồ 4: Tinidazole 2 g uống một lần mỗi ngày x 2 ngày.
Phác đồ 5: Tinidazole 1 g uống 1 lần/ngày x 5 ngày.

Kem clindamycin bôi trong âm đạo được dùng trong trường hợp dị ứng hoặc không dung nạp với metronidazole hoặc tinidazole.

Gel metronidazole bôi trong âm đạo có thể được xem xét cho những phụ nữ không bị dị ứng với metronidazole nhưng không dung nạp metronidazole đường uống.

Nghiên cứu đã chứng minh rằng phác đồ metronidazol và clindamycin sử dụng an toàn cho phụ nữ mang thai.

Không nên sử dụng Tinidazole và secnidazole cho phụ nữ mang thai.

2. Nhiễm nấm Candida

Viêm âm đạo do nấm Candida thường do loài Candida albicans gây ra. Nhưng đôi khi có thể do các loài Candida hoặc nấm men khác gây ra. Các triệu chứng điển hình của bệnh bao gồm ngứa, đau âm đạo, giao hợp đau, tiểu khó, và tiết dịch âm đạo bất thường. Không có triệu chứng nào trong các triệu chứng này là đặc hiệu cho bệnh.

Dưới đây là hướng dẫn điều trị viêm âm đạo bằng thuốc do Candida theo CDC của Mỹ năm 2021.4

Thuốc đặt/bôi âm đạo không kê đơn Clotrimazole 1% cream 5 g bôi âm đạo hàng ngày x 7 – 14 ngày.
Clotrimazole 2% cream 5 g bôi âm đạo hàng ngày x 3 ngày.
Miconazole 2% cream 5 g bôi âm đạo hàng ngày x 7 ngày.
Miconazole 4% cream 5 g bôi âm đạo hàng ngày x 3 ngày.
Miconazole 100 mg đặt âm đạo một viên mỗi ngày x 7 ngày.
Miconazole 200 mg đặt âm đạo một viên đạn x 3 ngày.
Miconazole 1.200 mg đặt âm đạo một viên đạn x 1 ngày.
Tioconazole 6,5% thuốc mỡ 5 g bôi âm đạo 1 liều duy nhất.
Thuốc đặt/bôi âm đạo kê đơn Butoconazole 2% cream 5 g bôi âm đạo trong một lần duy nhất.
Terconazole 0,4% cream 5 g bôi âm đạo x 7 ngày.
Terconazole 0,8% cream 5 g đặt âm đạo hàng ngày x 3 ngày.
Terconazole 80 mg đặt âm đạo một viên mỗi ngày x 3 ngày.
Thuốc dùng đường uống Fluconazole 150 mg uống một liều duy nhất.

Viêm âm đạo do nấm Candida xảy ra thường xuyên trong thai kỳ. Chỉ các liệu pháp azole tại chỗ, được áp dụng trong 7 ngày, được khuyến cáo sử dụng cho phụ nữ mang thai.

Các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy một liều duy nhất 150 mg fluconazole có thể liên quan đến sảy thai tự nhiên và dị tật bẩm sinh. Do đó nó không nên được sử dụng.

Vi nấm Candida một trong những tác nhân phổ biến gây viêm âm đạo
Vi nấm Candida một trong những tác nhân phổ biến gây viêm âm đạo

3. Viêm âm đạo do Trichomonas

Nhiễm trùng này do một loại ký sinh trùng đơn bào cực nhỏ có tên là Trichomonas vagis gây ra. Khi quan hệ tình dục với người nhiễm Trichomonas, khả năng cao bạn sẽ bị lây mầm bệnh.

Ở nam giới, đường tiết niệu là con đường lây nhiễm chủ yếu. Tuy nhiên thường sẽ không để lại triệu chứng để nhận biết. Với nữ giới thì bệnh thường lây nhiễm qua âm đạo. Nguy cơ mắc các bệnh tình dục khác sẽ tăng cao khi nữ giới bị nhiễm mầm bệnh.

Dưới đây là hướng dẫn điều trị viêm âm đạo do Trichomonas bằng thuốc theo CDC của Mỹ năm 2021.5

Phác đồ đề xuất Metronidazole 500 mg 2 lần/ngày x 7 ngày.
Phác đồ thay thế Tinidazole 2 g uống một liều duy nhất.

Nhiễm T. vagis ở phụ nữ mang thai có thể khiến thai kỳ bất lợi. Đặc biệt là vỡ ối sớm, sinh non và sinh con nhỏ so với tuổi thai.

Nghiên cứu chứng minh rằng, tuy rằng metronidazole đi qua nhau thai, tuy nhiên nó ít gây rủi ro cho thai nhi đang phát triển. Hiện nay không tìm thấy bằng chứng về tác dụng gây quái thai hoặc gây đột biến ở trẻ sơ sinh trong nhiều nghiên cứu ở phụ nữ mang thai kiểm tra chế độ điều trị đơn liều (2 g) và đa liều metronidazole.

Dữ liệu từ các nghiên cứu liên quan đến đối tượng con người còn hạn chế về việc sử dụng tinidazole trong thời kỳ mang thai; mặt khác, dữ liệu trên động vật cho thấy loại thuốc này có rủi ro vừa phải. Vì vậy, nên tránh dùng tinidazole cho phụ nữ mang thai và nên hoãn cho con bú trong 72 giờ sau khi uống một liều duy nhất 2 g tinidazole.

4. Viêm âm đạo không do nhiễm trùng

Các sản phẩm như: thuốc xịt âm đạo, xà phòng, chất tẩy rửa có mùi thơm và các sản phẩm diệt tinh trùng có thể gây ra phản ứng dị ứng. Bên cạnh đó nó còn kích thích các mô âm hộ và âm đạo. Giấy vệ sinh hoặc băng vệ sinh bị bỏ quên, trong âm đạo cũng có thể gây kích ứng các mô âm đạo.

Có nghiên cứu cho thấy rằng huyết tương tinh dịch người là chất gây dị ứng phổ biến nhất, gây mẫn cảm cho 73% phụ nữ bị ảnh hưởng. Đối với các trường hợp phơi nhiễm gián tiếp/không xác định, mạt bụi nhà là tác nhân gây dị ứng phổ biến nhất (54%), tiếp theo là phấn hoa (44%). Triệu chứng chủ yếu là ngứa và rát âm hộ, ảnh hưởng đến 67/98 và 52/98 phụ nữ. Xét nghiệm lẩy da là phương pháp chẩn đoán phổ biến nhất được sử dụng trong các nghiên cứu khác nhau.6

Để điều trị tình trạng này, bạn nên ngừng sử dụng bất kỳ sản phẩm (sản phẩm vệ sinh phụ nữ, xà phòng và chất tẩy rửa) có thể gây kích ứng âm hộ của bạn. Khuyên dùng mặc đồ lót cotton rộng rãi, thoáng khí để tránh tăng cường kích ứng tại âm đạo.

Thuốc mỡ hydrocortisone không kê đơn có thể sử dụng để giảm kích ứng và ngứa. Bác sĩ có thể kê toa một loại kem bôi estrogen để giảm ngứa và các triệu chứng khác của viêm âm hộ.

Bạn có thể tham khảo ý kiến chuyên gia y tế để sử dụng thêm thuốc kháng histamin H1 nếu gặp phải tình trạng dị ứng.

5. Viêm teo âm đạo

Niêm mạc âm đạo mỏng đi trong trường hợp nồng độ estrogen giảm trong thời kỳ mãn kinh hoặc phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng. Điều này còn có thể dẫn đến kích ứng, nóng rát và khô âm đạo.

Bạn có thể dử dụng một số dạng kem bôi có hoạt chất bao gồm estrogen nếu trong trường hợp viêm âm đạo xảy ra do độ tuổi mãn kinh/tiền mãn kinh – thời kỳ suy giảm nội tiết tố estrogen trong cơ thể.

Các loại kem bôi estrogen có thể giúp điều trị viêm teo âm đạo
Các loại kem bôi estrogen có thể giúp điều trị viêm teo âm đạo

Những lưu ý khi dùng thuốc điều trị viêm âm đạo

Khi mua thuốc không kê đơn, hãy nhớ đọc kỹ tất cả các hướng dẫn trước khi sử dụng sản phẩm. Hãy chắc chắn sử dụng tất cả các loại thuốc đủ liều lượng và thời gian; không dừng lại chỉ vì các triệu chứng của bạn đã biến mất.

Bạn cần phải liên hệ ngay với chuyên gia y tế nếu gặp phải các trường hợp sau:

  • Các triệu chứng của bạn không biến mất hoàn toàn sau điều trị.
  • Các triệu chứng trở lại ngay lập tức hoặc ngay sau khi bạn kết thúc điều trị.
  • Bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe như bệnh tiểu đường.
  • Bạn có thể đang mang thai.
  • Bạn có bạn tình mới và lo lắng về các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Một số phương pháp điều trị viêm âm đạo tại nhà

Bạn có thể tự thực hiện một số phương pháp tại gia để giảm bớt triệu chứng của bệnh như sau:

  • Tham khảo với chuyên gia y tế về việc sử dụng những chất giúp sát trùng và giảm tình trạng viêm như tỏidầu dừa.
  • Bạn có thể sử dụng bồn tắm ngồi với mực nước nông chỉ giúp bao phủ phần hông. Vi khuẩn có thể được tiêu diệt bằng cách thêm một lượng nhỏ dầu cây trà, giấm hoặc muối biển nếu nó là nguyên nhân gây nên tình trạng của bạn! Một lưu ý cần nhớ là không ngồi bồn tắm quá lâu và phải lau khô vùng bị nhiễm trùng sau khi tắm.
  • Tránh sử dụng các chất có tính kích ứng mạnh và chỉ nên sử dụng các dung dịch vệ sinh có pH tương đương pH âm đạo (3.8 – 5.0).7 Thông tin này bạn có thể so sánh trên bao bì của sản phẩm.
  • Không thụt rửa âm đạo. Việc thụt rửa sẽ làm rối loạn hệ vi sinh cư trú ở âm đạo. Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng cho âm đạo của bạn.
  • Vùng kín phải được vệ sinh một cách sạch sẽ, khoa học. Một lưu ý dành cho bạn là không lau từ sau ra trước. Hành động này sẽ làm lây nhiễm vi khuẩn cư trú từ hậu môn vào âm đạo.
  • Quan hệ tình dục an toàn bằng cách sử dụng bao cao su. Bên cạnh đó không nên quan hệ tình dục bừa bãi để giảm khả năng mắc các bệnh lây qua đường tình dục (STDs).
  • Sử dụng đồ lót có chất liệu cotton. Không nên mặc đồ lót đi ngủ vì nấm men có thể phát triển mạnh trong môi trường ẩm ướt.

Lưu ý: không nên thụt rửa âm đạo trong thời gian bị bệnh.

Trên đây là toàn bộ những thông tin cần biết về việc điều trị viêm âm đạo bằng thuốc. Mong rằng bạn đã tìm được câu trả lời cho câu hỏi “Viêm âm đạo dùng thuốc gì?”. Người bệnh cần lưu ý trước khi sử dụng thuốc thì nên tìm hiểu kĩ càng thông tin về thuốc. Để việc sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả, nên tham khảo người có chuyên môn để được tư vấn phù hợp nhất.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Bacterial Vaginosis (BV) Statisticshttps://www.cdc.gov/std/bv/stats.htm

    Ngày tham khảo: 19/02/2023

  2. Vaginal Candidiasishttps://www.cdc.gov/fungal/diseases/candidiasis/genital/

    Ngày tham khảo: 19/02/2023

  3. Bacterial Vaginosishttps://www.cdc.gov/std/treatment-guidelines/bv.htm

    Ngày tham khảo: 19/02/2023

  4. Vulvovaginal Candidiasis (VVC)https://www.cdc.gov/std/treatment-guidelines/candidiasis.htm

    Ngày tham khảo: 19/02/2023

  5. Trichomoniasishttps://www.cdc.gov/std/treatment-guidelines/trichomoniasis.htm

    Ngày tham khảo: 19/02/2023

  6. Allergic vulvovaginitis: a systematic literature reviewhttps://link.springer.com/article/10.1007/s00404-021-06332-z

    Ngày tham khảo: 19/02/2023

  7. Vaginal pH Value for Clinical Diagnosis and Treatment of Common Vaginitishttps://www.mdpi.com/2075-4418/11/11/1996

    Ngày tham khảo: 19/02/2023

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người