Viêm bàng quang kẽ: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Nội dung bài viết
Viêm bàng quang kẽ là bệnh gì? Bệnh có triệu chứng như thế nào? Nguyên nhân gây bệnh là gì? Cách chẩn đoán và điều trị ra sao? Cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thành Đô tìm hiểu những thông tin cơ bản về căn bệnh này trong bài viết dưới đây!
Tổng quan về bệnh viêm bàng quang kẽ
Bàng quang của bạn là một cơ quan rỗng, có nhiều cơ và lưu trữ nước tiểu. Bàng quang giãn nở cho đến khi đầy và sau đó phát tín hiệu đến não bộ, thông qua các dây thần kinh vùng chậu. Tín hiệu báo rằng đã đến lúc cần phải đi tiểu. Chính điều này tạo ra sự thúc đẩy đi tiểu ở hầu hết mọi người.
Với viêm bàng quang kẽ, các tín hiệu này bị lẫn lộn – bạn cảm thấy cần đi tiểu thường xuyên hơn và lượng nước tiểu sẽ ít hơn so với mọi người.
Bệnh thường ảnh hưởng đến phụ nữ và có thể gây tác động lâu dài đối với chất lượng cuộc sống. Mặc dù chưa có cách điều trị, việc sử dụng thuốc và các liệu pháp khác có thể giúp giảm nhẹ triệu chứng.
>> Xem thêm: Bàng quang: cấu tạo và chức năng
Triệu chứng của bệnh lý viêm bàng quang kẽ
Các dấu hiệu và triệu chứng không giống nhau ở các bệnh nhân. Nếu bạn mắc viêm bàng quang kẽ, triệu chứng của bạn có thể thay đổi theo thời gian và có chu kỳ. Điều đó xảy ra do phản ứng đáp ứng đối với các tác nhân phổ biến. Chẳng hạn như kinh nguyệt, ngồi trong một thời gian dài, căng thẳng, tập thể dục và hoạt động tình dục.
Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm:
- Đau vùng chậu hoặc vùng giữa âm đạo và hậu môn ở phụ nữ.
- Đau vùng giữa bìu và hậu môn ở nam giới (đáy chậu).
- Triệu chứng đau vùng chậu mãn tính.
- Triệu chứng tiểu gấp kéo dài.
- Đi tiểu thường xuyên, mỗi lần lượng ít, kéo dài cả ngày lẫn đêm (lên đến 60 lần một ngày).
- Đau hoặc khó chịu khi bàng quang đầy và giảm đau khi đi tiểu.
- Đau khi quan hệ tình dục.
Độ nặng của triệu chứng thay đổi tùy theo mỗi người. Một số người có thể không xuất hiện triệu chứng trong một khoảng thời gian.
Mặc dù các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh có thể giống với nhiễm trùng đường tiết niệu mãn tính, nhưng thường không có sự nhiễm trùng. Tuy nhiên, triệu chứng có thể tệ hơn nếu một bệnh nhân viêm bàng quang kẽ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Nếu bạn cảm thấy đau ở vùng bàng quang lâu ngày hoặc phải đi tiểu gấp thường xuyên, hãy liên hệ với bác sĩ sớm nhất. Tại Youmed, bạn sẽ được hỗ trợ để lên lịch thăm khám với bác sĩ sớm nhất có thể.
Nguyên nhân gây viêm bàng quang kẽ
Nguyên nhân chính xác gây nên bệnh vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên có nhiều khả năng là do nhiều yếu tố khác nhau gây nên tình trạng này. Chẳng hạn như, người bị bệnh này cũng có sự khiếm khuyết ở lớp niêm mạc bảo vệ (lớp biểu mô) của bàng quang. Sự rò rỉ ở lớp biểu mô cho phép các chất độc trong nước tiểu gây kích thích thành bàng quang.
Ngoài ra còn có những yếu tố khác có thể góp phần gây bệnh nhưng chưa được chứng minh. Chẳng hạn như phản ứng miễn dịch, di truyền, nhiễm trùng hoặc dị ứng.
Những yếu tố nguy cơ gây bệnh
Những yếu tố có liên quan đến nguy cơ cao của bệnh viêm bàng quang mô kẽ, bao gồm:
- Giới tính: Nữ giới thường được chẩn đoán viêm bàng quang kẽ hơn là nam giới. Triệu chứng ở nam có thể tương tự viêm bàng quang kẽ. Nhưng chúng thường liên quan đến tình trạng viêm tiền liệt tuyến.
- Da và màu tóc: Những người có da trắng, mái tóc đỏ thường liên quan với nguy cơ cao mắc viêm bàng quang kẽ.
- Độ tuổi: Hầu hết người mắc bệnh viêm bàng quang kẽ được chẩn đoán trong độ tuổi 30 hoặc lớn hơn.
- Có bệnh lý gây đau mãn tính: Viêm bàng quang kẽ có thể liên quan đến các bệnh lý gây đau mãn tính khác. Chẳng hạn như hội chứng ruột kích thích hoặc đau cơ xơ hóa.
Người mắc bệnh này sẽ có biến chứng gì?
Viêm bàng quang kẽ có thể gây ra một số biến chứng, bao gồm:
- Giảm sức chứa bàng quang: Viêm bàng quang kẽ có thể gây cứng thành bàng quang, khiến bàng quang giữ ít nước tiểu hơn.
- Chất lượng cuộc sống giảm: Thường xuyên đi tiểu và đau có thể ảnh hưởng tới hoạt động xã hội, công việc và các hoạt động khác trong đời sống hàng ngày.
- Các vấn đề trong quan hệ tình dục: Thường xuyên đi tiểu và đau có thể làm căng thẳng những mối quan hệ cá nhân của bạn. Ngoài ra mối quan hệ về tình dục cũng có thể bị ảnh hưởng
- Rắc rối về cảm xúc: Đau mãn tính và gián đoạn giấc ngủ có liên quan đến bệnh có thể gây cảm xúc căng thẳng. Thậm chí có thể dẫn đến trầm cảm.
Làm thế nào để chẩn đoán bệnh viêm bàng quang kẽ?
Những điều sau đây có thể sẽ giúp ích trong việc chẩn đoán bệnh viêm bàng quang kẽ:
- Bệnh sử về triệu chứng của bàng quang: Bác sĩ của bạn sẽ yêu cầu bạn mô tả các triệu chứng của bạn. Ngoài ra, có thể bạn sẽ cần ghi lại nhật ký, ghi chép về lượng nước bạn uống và và thể tích nước tiểu của bạn.
- Khám phụ khoa: Trong lúc khám phụ khoa, bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám và đánh giá những cơ quan vùng chậu. Chẳng hạn như: bộ phận sinh dục ngoài, âm đạo và cổ tử cung và bụng của bạn để đánh giá các cơ quan vùng chậu bên trong. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể kiểm tra hậu môn và trực tràng của bạn.
- Xét nghiệm nước tiểu: Một mẫu nước tiểu sẽ được phân tích để phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng đường niệu.
- Nội soi bàng quang: Bác sĩ sẽ đưa một ống nhỏ với camera (ống nội soi bàng quang) qua niệu đạo, để quan sát lớp niêm mạc của bàng quang. Bác sĩ cũng có thể bơm dịch vào trong bàng quang để đo sức chứa của bàng quang. Thủ thuật này được thực hiện sau khi bạn đã được gây tê bằng thuốc gây tê để giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn.
- Sinh thiết: Trong quá trình nội soi bàng quang có gây tê, bác sĩ có thể lấy một mẫu mô (sinh thiết) từ bàng quang và niệu đạo để kiểm tra dưới kính hiển vi. Điều này nhằm để kiểm tra ung thư bàng quang và một số nguyên nhân hiếm gặp khác có thể gây đau bàng quang.
Điều trị bệnh viêm bàng quang kẽ như thế nào?
Không có loại điều trị đơn giản nào giúp loại bỏ các dấu hiệu và triệu chứng của viêm bàng quang kẽ, và không ai điều trị được cho tất cả mọi người. Bạn có thể cần phải thử nhiều phương pháp điều trị khác nhau. Thậm chí có thể phải kết hợp các phương pháp điều trị để tìm ra cách làm nhẹ triệu chứng.
1. Vật lý trị liệu
Điều trị với nhà vật lý trị liệu có thể làm nhẹ triệu chứng đau vùng chậu liên quan đến đau cơ, mô liên kết bị hạn chế co thắt hoặc bất thường cơ ở sàn chậu của bạn.
2. Điều trị bằng thuốc
Sử dụng thuốc có thể cải thiện dấu hiệu và triệu chứng của viêm bàng quang kẽ, bao gồm:
- Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs): Chẳng hạn như ibuprofen (Advil, Motrin IB, …) hoặc naproxen sodium (Aleve), để làm giảm đau.
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng: Bao gồm amitriptyline hoặc imipramine (Tofranil), làm bạn thư giãn bàng quang và ngăn cơn đau
- Kháng histamin: Chẳng hạn như loratadine (Claritin,…), có thể làm giảm tiểu gấp và tiểu thường xuyên. Ngoài ra còn làm giảm nhẹ các triệu chứng khác.
- Pentosan polysulfate sodium (Elmiron): Được chấp thuận bởi Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ trong điều trị viêm bàng quang kẽ. Chúng hoạt động thế nào vẫn chưa được biết rõ, nhưng chúng có thể khôi phục bề mặt bên trong của bàng quang, giúp bảo vệ thành bàng quang khỏi các chất trong nước tiểu có thể gây kích ứng. Có thể mất từ hai đến bốn tháng trước khi bạn bắt đầu cảm thấy giảm đau và lên đến sáu tháng để giảm tần suất đi tiểu.
>> Xem thêm: Viêm bàng quang chỉ cần điều trị kháng sinh sẽ khỏi?
3. Kích thích thần kinh
Kỹ thuật kích thích thần kinh bao gồm:
- Kích thích dây thần kinh bằng điện qua da (TENS): Với kỹ thuật này, các xung điện nhẹ sẽ làm giảm đau vùng chậu và, trong một số trường hợp, sẽ làm giảm tần suất đi tiểu. Kỹ thuật này có thể làm tăng lưu lượng máu đến bàng quang. Điều này có thể củng cố các cơ giúp kiểm soát bàng quang hoặc kích thích sự giải phóng các chất ngăn chặn cơn đau. Dây điện được đặt ở vùng thấp của lưng hoặc ngay phía trên vùng xương mu để dẫn truyền xung điện. Thời gian và tần suất trị liệu phụ thuộc vào những gì phù hợp nhất với bạn.
- Kích thích dây thần kinh cùng cụt: Dây thần kinh cùng là liên kết chính giữa tủy sống với dây thần kinh trong bàng quang của bạn. Kích thích dây thần kinh này có thể làm giảm tiểu gấp liên quan đến viêm bàng quang kẽ. Với kỹ thuật này, một sợi dây mỏng đặt gần dây thần kinh cùng sẽ truyền xung điện đến bàng quang của bạn, tương tự như những gì máy tạo nhịp tim làm cho tim của bạn. Nếu thủ thuật làm giảm triệu chứng, bạn có thể sẽ được cấy ghép thiết bị vĩnh viễn. Thủ thuật này không kiểm soát cơn đau do viêm bàng quang kẽ, nhưng có thể giảm một số triệu chứng của tiểu gấp và tiểu thường xuyên.
4. Làm dãn nở bàng quang
Một số người nhận thấy có sự cải thiện tạm thời các triệu chứng sau khi nội soi bàng quang với căng bàng quang. Bàng quang dãn nở là sự căng bàng quang bởi nước. Nếu đáp ứng được lâu dài, thủ thuật này có thể được lặp lại.
5. Phẫu thuật
Bác sĩ hiếm khi phẫu thuật để điều trị viêm bàng quang kẽ. Bởi vì loại bỏ bàng quang không làm giảm cơn đau và có thể dẫn tới các biến chứng khác.
Người bị đau nặng nề hoặc người có bàng quang chỉ giữ được rất ít thể tích nước tiểu có thể là đối tượng phẫu thuật, nhưng thường chỉ áp dụng sau khi các điều trị khác thất bại và triệu chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Các lựa chọn phẫu thuật bao gồm:
- Đốt nóng mô: Phương pháp này ít xâm lấn gồm việc chèn các công cụ thông qua niệu đạo để đốt vết loét. Các vết loét này có thể xuất hiện ở người mắc viêm bàng quang kẽ.
- Cắt bỏ vết loét: Đây là phương pháp xâm lấn tối thiểu. Bác sĩ sẽ chèn các công cụ qua niệu đạo để cắt các vết loét.
- Phẫu thuật thay đổi kích thước bàng quang: Trong thủ thuật này, phẫu thuật viên làm tăng sức chứa của bàng quang bằng cách đặt một phần ruột vào bàng quang. Tuy nhiên, thủ thuật này chỉ thực hiện trong những trường hợp rất cụ thể và hiếm gặp. Thủ thuật này không loại bỏ được cơn đau. Không chỉ vậy, một số người cần làm trống bàng quang của họ bằng ống thông nhiều lần mỗi ngày.
Người bị viêm bàng quang kẽ nên có lối sống như thế nào?
Một số người mắc bệnh viêm bàng quang kẽ cảm thấy giảm nhẹ triệu chứng bằng cách:
1. Thay đổi chế độ ăn uống
Loại bỏ, giảm lượng thức ăn có thể gây kích thích bàng quang trong chế độ ăn uống của bạn. Điều đó có thể giúp giảm bớt sự khó chịu do viêm bàng quang kẽ gây nên.
2. Tập bàng quang
Kỹ thuật này liên quan đến việc đi tiểu đúng giờ. Đi vệ sinh theo giờ thay vì đợi khi nào cần mới đi. Bắt đầu bằng việc đi tiểu trong khoảng thời gian nhất định, chẳng hạn như mỗi nửa giờ, cho dù có muốn đi hay không. Sau đó, dần dần tăng thời gian đợi lâu hơn giữa những lần đi tiểu.
3. Mặc quần áo rộng
Tránh dùng thắt lưng hoặc quần áo có thể gây áp lực lên bụng.
4. Giảm căng thẳng
Hãy thử các phương pháp như trực quan và phản hồi sinh học.
5. Nếu bạn đang hút thuốc, hãy dừng lại
Hút thuốc lá có thể làm nặng hơn tình trạng đau. Ngoài ra, hút thuốc lá góp phần gây ung thư bàng quang.
6. Tập thể dục
Các bài tập kéo dãn có thể giúp giảm các triệu chứng viêm bàng quang kẽ.
Hi vọng qua bài viết trên đã giúp các bạn nắm được những thông tin về bệnh viêm bàng quang kẽ. Đồng thời, hiểu đúng về nhóm đối tượng nguy cơ để có thể lên chiến lược bảo vệ sức khỏe cho gia đình và chính bản thân.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Interstitial cystitishttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/interstitial-cystitis/symptoms-causes/syc-20354357#:~:text=Interstitial%20cystitis%20(in%2Dtur%2D,known%20as%20painful%20bladder%20syndrome.
Ngày tham khảo: 21/06/2023