Viêm dạ dày có nguy hiểm không và câu trả lời từ bác sĩ
Nội dung bài viết
Hiện nay, tỷ lệ số người mắc bệnh viêm loét dạ dày ngày càng tăng lên do chế độ ăn uống và sinh hoạt không khoa học. Vậy viêm dạ dày có nguy hiểm không? Hãy theo dõi bài viết bên dưới của Thạc sĩ, Bác sĩ Thái Việt Nguyên để tìm kiểu kĩ hơn về căn bệnh viêm dạ dày nhé.
Viêm dạ dày là gì?
Viêm dạ dày là cụm từ dùng để mô tả các vấn đề liên quan đến viêm ở lớp niêm mạc dạ dày. Tình trạng này là kết quả của sự nhiễm vi khuẩn gây ra các ổ loét ở dạ dày. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc giảm đau thường xuyên hoặc uống quá nhiều rượu bia sẽ góp phần gia tăng tình trạng này.
Người bị viêm loét dạ dày, tá tràng thường có các triệu chứng như đau dạ dày, đau bụng, cảm giác nóng rát vùng thượng vị, ợ hơi, ợ chua, chướng bụng, khó tiêu.
Viêm dạ dày là căn bệnh phổ biến không chỉ ở người lớn mà còn với trẻ nhỏ. Vậy viêm dạ dày có nguy hiểm không? Cùng theo dõi phần tiếp theo đây của bài viết.
Viêm dạ dày có nguy hiểm không?
Người mắc bệnh viêm dạ dày nếu chủ quan, không điều trị kịp thời và dứt điểm thì bệnh sẽ dễ tái phát. Thậm chí có thể dẫn đến nhiều biến chứng tồi tệ như:
Thiếu máu
Viêm dạ dày có thể gây thiếu máu do giảm hấp thu vitamin B12.
Người bệnh viêm dạ dày thường có nguy cơ thiếu máu trầm trọng dẫn đến tình trạng: hoa mắt, chóng mặt, da tái nhợt, mạch đập yếu…
Xuất huyết dạ dày
Xuất huyết dạ dày là biến chứng của viêm dạ dày cấp. Biến chứng này thường xảy ra do uống nhiều rượu bia, stress quá mức. Hoặc có thể do sử dụng một số loại thuốc như thuốc giảm đau chống viêm (aspirin), corticoid, thuốc chống đông máu… Ngoài ra, cũng có thể do đồ ăn uống kích thích như cà phê, tiêu, ớt… làm cho ổ viêm loét trong dạ dày bị chảy máu.
Loét dạ dày
Loét dạ dày là một trong những biến chứng đầu tiên của viêm dạ dày cấp. Viêm dạ dày cấp nếu không phát hiện và điều trị dứt điểm có thể tiến triển thành loét dạ dày. Đồng thời, việc điều trị cũng sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày là biến chứng nặng nề và nguy hiểm nhất trong các bệnh của đường tiêu hóa. Viêm loét dạ dày kéo dài hoặc tái đi tái lại nhiều lần thì nguy cơ ung thư dạ dày càng cao.
Phòng ngừa bệnh viêm dạ dày
Xây dựng chế độ ăn uống khoa học
Để xây dựng thói quen ăn uống hợp lý, người bệnh nên thực hiện các biện pháp sau để phòng ngừa bệnh viêm dạ dày:
- Ăn chín, uống sôi.
- Rửa tay trước khi ăn.
- Không bỏ bữa hay ăn trễ giờ. Nên ăn đứng giờ và cũng không nên ăn quá no để dạ dày có thể tiêu hóa thức ăn tốt hơn.
- Ăn chậm, nhai kỹ.
- Không nên vừa ăn vừa uống. Tốt nhất là nên uống 1 cốc nước trước bữa ăn 30 phút để giúp ăn ngon hơn.
- Không ăn trước khi đi ngủ. Nếu đói thì bạn chỉ nên uống 1 ly sữa ấm để xoa dịu dạ dày và giúp ngủ ngon hơn.
- Không hoạt động trí óc hoặc hoạt động thể lực mạnh sau thời gian ăn khoảng 30 phút. Bởi vì nếu chia sẻ bớt năng lượng cho việc hoạt động khác thì sẽ không tập trung toàn bộ vào việc tiêu hóa thức ăn được.
Giảm cân để phòng ngừa bệnh viêm dạ dày
Khi cơ thể béo phì, dịch dạ dày sẽ bị dư thừa và đẩy acid vào thực quản. Từ đó gây ra tình trạng ợ chua, ợ hơi…
Do vậy, để tránh nguy cơ viêm dạ dày thì giảm cân là điều cần thiết.
Hạn chế ăn các loại đồ ăn chua, cay, nóng, chứa nhiều acid và chất kích thích
Sử dụng nhiều thực phẩm chứa nhiều gia vị quá cay nóng, quá chua, hoặc đồ uống có ga, cà phê, rượu bia sẽ kích thích dạ dày tiết nhiều dịch acid. Từ đó dạ dày sẽ dễ bị tổn thương hơn, dẫn đến viêm dạ dày.
Bên cạnh đó, nếu ăn nhiều muối có thể làm tăng hoạt động của gen trong vi khuẩn H.pylori. Trong khi đó, H.pylori là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây viêm dạ dày.
Tránh dùng thuốc giảm đau chống viêm không steroid
Hiện nay thuốc chống viêm không steroid được sử dụng khá phổ biến. Tuy nhiên nếu sử dụng loại thuốc này nhiều thì nhóm thuốc này sẽ lại đem lại những tác hại vô cùng nặng nề đến hệ tiêu hóa.
Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) có thể gây viêm hoặc kích thích lớp niêm mạc dạ dày. Từ đó sẽ dẫn đến viêm dạ dày.
Hạn chế tình trạng stress
Với cuộc sống hiện đại, áp lực công việc và học tập, rất nhiều người đã có biểu hiệu viêm dạ dày do stress, trầm cảm. Vì khi căng thẳng, dạ dày sẽ tăng tiết acid nhiều hơn, tăng nguy cơ gây viêm dạ dày.
Hạn chế thức khuya
Ngủ là thời gian cho dạ dày nghỉ ngơi. Nếu thức khuya thì dạ dày sẽ phải hoạt động, cùng với việc tiêu hao năng lượng của cơ thể. Do vậy, nếu thường xuyên thức khuya, dạ dày sẽ bị kiệt sức, tiết nhiều dịch vị khiến niêm mạc dạ dày bị phá hủy.
Viêm dạ dày có nguy hiểm không? Thật ra đây là căn bệnh không nguy hiểm. Tuy nhiên, cần phải được phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, tránh để bệnh thành mạn tính gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. Thậm chí có thể gây ra những bệnh nguy hiểm hơn như loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, nặng hơn là ung thư dạ dày. Trong quá trình điều trị, người bệnh cần thoải mái về tâm lý và tuân thủ điều trị để mang lại hiệu quả cao.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.