Viêm mũi xoang (Viêm xoang): Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Nội dung bài viết
Viêm mũi xoang (hay viêm xoang) là tình trạng viêm các xoang cạnh mũi. Có hai loại viêm xoang cấp tính và mạn tính. Theo đó, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị viêm mũi xoang cấp và mạn cũng có sự khác biệt. Hãy cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đinh Thế Huy tìm hiểu về viêm mũi xoang qua bài viết dưới đây.
Tổng quan về viêm mũi xoang (viêm xoang)
Cấu tạo và vị trí của xoang mũi
Xoang (hay còn gọi là xoang mũi, xoang cạnh mũi) là các hốc rỗng chứa không khí nằm ở khối xương sọ mặt, xung quanh mũi. Các xoang này có vai trò làm nhẹ khối xương sọ mặt, dẫn lưu không khí và dịch tiết với hốc mũi, làm ẩm hốc mũi và góp phần cộng hưởng âm thanh.
Các xoang cạnh mũi được lót bởi niêm mạc hô hấp và dẫn lưu dịch tiết và không khí vào hốc mũi nhờ các lông chuyển thông qua các kênh dẫn lưu nhỏ và hẹp như phức hợp lỗ thông khe, ngách sàng bướm.
Có 4 loại xoang bao gồm:
- Xoang hàm.
- Xoang trán.
- Xoang sàng.
- Xoang bướm.
Viêm mũi xoang là gì?
Viêm mũi xoang, còn được gọi là viêm xoang, viêm xoang mũi, là tình trạng viêm của niêm mạc lót các lòng xoang và niêm mạc mũi. Ngày nay, các bác sĩ trên thế giới thống nhất sử dụng từ viêm mũi xoang để chỉ bệnh lý này vì nó ảnh hưởng cả niêm mạc xoang và niêm mạc mũi. Viêm mũi xoang gây phù nề, tắc nghẽn các đường dẫn lưu, làm ứ đọng dịch nhầy, là môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển, gây ra các triệu chứng khó chịu cho người bệnh.1
Phân loại viêm mũi xoang
Dựa theo thời gian diễn tiến bệnh, có thể chia bệnh lý này thành viêm mũi xoang cấp và viêm mũi xoang mạn.2
Viêm mũi xoang cấp là tình trạng khởi phát cấp tính các triệu chứng của nhiễm trùng xoang cạnh mũi kéo dài dưới 12 tuần.
Viêm mũi xoang mạn là tình trạng viêm dai dẳng kéo dài từ 12 tuần trở lên. Viêm mũi xoang mạn còn được chia thành 2 dạng:
- Viêm xoang có polyp mũi.
- Viêm xoang không có polyp mũi.
Ngoài ra, dựa theo đặc điểm dịch tiết trên nội soi. Bạn có thể nghe các bác sĩ chẩn đoán viêm xoang xuất tiết hoặc viêm xoang nhầy mủ.
- Viêm xoang xuất tiết là tình trạng viêm mũi xoang với dịch tiết là dạng nhầy trong. Viêm mũi xoang xuất tiết có do nguyên nhân dị ứng hoặc nhiễm siêu vi.
- Viêm xoang nhầy mủ là tình trạng viêm mũi xoang có kèm dịch xuất tiết nhầy đục hoặc mủ. Đặc điểm này có thể chỉ điểm tình trạng viêm mũi xoang do nguyên nhân vi khuẩn hoặc nấm.
Cần phân biệt viêm mũi dị ứng và viêm mũi xoang. Đây là 2 bệnh lý khác nhau. Tuy nhiên, khi viêm mũi dị ứng kéo dài dai dẳng, niêm mạc mũi, các cuốn mũi phù nề nhiều làm tắc nghẽn các xoang, có thể dẫn đến viêm mũi xoang.3
Ngoài ra, còn có các dạng bệnh lý viêm xoang đặc biệt ở bệnh nhân có cơ địa dị ứng. Ví dụ như viêm mũi xoang dị ứng nấm, bệnh lý dị ứng khoang trung tâm,… Các bệnh lý này sẽ được đề cập ở các bài viết khác.
Nguyên nhân viêm mũi xoang
Nguyên nhân viêm mũi xoang cấp
Viêm mũi xoang cấp thường được gây ra do nhiễm siêu vi hoặc vi khuẩn. Trong đó nguyên nhân do siêu vi thường gặp hơn và thường nằm trong bệnh cảnh nhiễm trùng hô hấp trên (hay còn gọi là cảm lạnh, cảm thông thường,…).3
Các siêu vi gây viêm mũi xoang cấp thường gặp là:3
- Rhinovirus.
- Coronavirus.
- Influenzae.
- Virus hợp bào hô hấp (RSV).
- Parainfluenza.
Viêm mũi xoang do vi khuẩn có thể xảy ra nguyên phát hoặc thứ phát sau nhiễm siêu vi. Các vi khuẩn gây viêm mũi xoang cấp thường gặp bao gồm:2 3
- Streptococcus pneumoniae.
- Haemophilus influenzae.
- Moraxella catarrhalis.
Ở một số trường hợp, nhiễm trùng xoang có nguồn gốc từ răng, trong bệnh lý nhiễm trùng răng hoặc sau một phẫu thuật/thủ thuật nha khoa.3
Các nguyên nhân gây phù nề niêm mạc mũi hoặc các nguyên nhân ảnh hưởng đến chức năng thanh thải của niêm mạc mũi xoang có thể là các yếu tố nguy cơ dẫn đến viêm mũi xoang cấp:3
- Viêm mũi dị ứng.
- Vẹo vách ngăn.
- Phì đại cuốn mũi.
- Khối u.
- Dị vật.
- U hạt Wegener.
- Hút thuốc lá.
- Bệnh xơ nang.
- Suy giảm miễn dịch.
- Các thủ thuật y tế liên quan đến vùng mũi xoang.
Nguyên nhân viêm mũi xoang mạn
Khác với viêm xoang cấp, viêm xoang mạn là một bệnh lý do nhiều yếu tố gây ra, bao gồm yếu tố viêm, nhiễm trùng và yếu tố về cấu trúc. Trong đó, yếu nhiễm trùng chỉ là một phần của nguyên nhân gây ra bệnh lý và thường không phải nguyên nhân chính.1 4
Các nguyên nhân có thể gây ra viêm xoang mạn bao gồm:4
- Viêm mũi dị ứng.
- Tiếp xúc với các chất kích thích trong không khí, khói thuốc lá, các chất độc khác,…
- Yếu tố cấu trúc: Vẹo vách ngăn, phì đại cuốn mũi, polyp mũi,…
- Rối loạn chức năng lông chuyển.
- Suy giảm miễn dịch.
- Nhiễm nấm.
Các bệnh lý có thể có mối liên quan đến viêm mũi xoang mạn bao gồm:
- Viêm tai giữa.
- Hen suyễn.
- Xơ nang.
Triệu chứng viêm mũi xoang
Triệu chứng viêm xoang cấp
Các triệu chứng thường gặp:1
- Nghẹt mũi.
- Chảy mũi: có thể là nhầy đục hoặc nhầy trong.
- Đau, nặng vùng mặt, trán hoặc xung quanh hốc mắt.
- Giảm hoặc mất mùi.
Các triệu chứng khác có thể gặp bao gồm:5
Ở trẻ em, các triệu chứng có thể gặp bao gồm:5
- Trẻ bứt rứt, khó chịu.
- Khò khè, ngủ ngáy.
- Thở miệng.
- Trẻ biếng ăn.
Triệu chứng viêm xoang mạn
Các triệu chứng chính bao gồm:
- Nghẹt mũi một hoặc hai bên.
- Chảy mũi, thường là dịch nhầy đục, đôi khi có mùi hôi.
- Đau hoặc nặng mặt.
- Giảm hoặc mất mùi.
Chẩn đoán viêm mũi xoang
Việc chẩn đoán sẽ phụ thuộc vào tình trạng mà bạn đang mắc phải.
Chẩn đoán viêm xoang cấp
Các bác sĩ sẽ chẩn đoán hoàn toàn dựa vào bệnh cảnh lâm sàng của người bệnh. Theo IFAR 2021, tiêu chuẩn chẩn đoán của viêm xoang cấp trên lâm sàng như sau:6
Đối với người lớn: Khởi phát cấp tính hai hoặc nhiều hơn các triệu chứng sau đây, một trong số đó phải là nghẹt mũi hoặc chảy mũi:
- Nghẹt mũi.
- Chảy mũi.
- Đau/nặng mặt.
- Giảm hoặc mất mùi.
Đối với trẻ em: khởi phát cấp tính hai hoặc nhiều hơn các triệu chứng:
- Nghẹt/tắc/sung huyết mũi.
- Dịch tiết mũi đổi màu.
- Ho (ban ngày và ban đêm).
Viêm xoang cấp do siêu vi hay vi khuẩn?
Phần lớn nguyên nhân là do tác nhân siêu vi, hay còn gọi là cảm lạnh thông thường, bệnh nhân thường chảy mũi nhầy trong và thuyên giảm triệu chứng trong vòng 5 – 10 ngày đầu sau khởi phát bệnh.
Nếu bệnh kéo dài quá 10 ngày, đây có thể là tình trạng viêm xoang cấp hậu nhiễm siêu vi hoặc viêm xoang cấp do vi khuẩn. Theo EPOS 2020, tiêu chuẩn chẩn đoán viêm xoang cấp do vi khuẩn là có ít nhất 3/5 triệu chứng hoặc dấu hiệu dưới đây:7
- Chảy mũi đổi màu.
- Đau khu trú nghiêm trọng (thường là một bên).
- Sốt > 38 °C.
- Tăng CRP/ESR (chỉ dấu của quá trình viêm nhiễm).
- Triệu chứng trở nặng sau khi các dấu hiệu đầu tiên đã thoái lui (double sickening).
Phần lớn tình trạng cấp tính có thể chẩn đoán dựa trên lâm sàng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các bác sĩ sẽ cần phải nội soi mũi xoang, xét nghiệm máu để đánh giá tình trạng nhiễm trùng, hoặc sử dụng các xét nghiệm chuyên sâu hơn như chụp CT scan để đánh giá biến chứng.
Chẩn đoán viêm mũi xoang mạn
Khác với viêm mũi xoang cấp, viêm mũi xoang mạn là tình trạng với các triệu chứng kéo dài dai dẳng > 12 tuần. Khi này, để chẩn đoán các bác sĩ sẽ không dựa hoàn toàn vào triệu chứng lâm sàng của người bệnh mà bắt buộc phải khảo sát thêm hình ảnh nội soi mũi xoang và/hoặc chụp CT scan. Theo EPOS 2020, tiêu chuẩn chẩn đoán viêm xoang mạn bao gồm:7
- Hai hoặc nhiều hơn các triệu chứng sau đây kéo dài hơn 12 tuần, một trong số đó phải là nghẹt mũi hoặc chảy mũi:
- Nghẹt mũi.
- Chảy mũi.
- Đau/nặng mặt.
- Giảm hoặc mất mùi.
Người bệnh cũng có thể mắc 1 trong 2 triệu chứng sau:
- Triệu chứng thực thể trên nội soi mũi xoang:
- Polyp mũi.
- Chảy dịch nhầy mủ chủ yếu từ khe mũi giữa.
- Phù nề/tắc nghẽn niêm mạc chủ yếu ở khe mũi giữa.
- Thay đổi trên CT: thay đổi niêm mạc ở vùng phức hợp lỗ thông khe và/hoặc các xoang.
Cách điều trị
Với những khác biệt kể trên, tình trạng cấp và mạn cũng có phương pháp điều trị khác nhau.
Phương pháp điều trị viêm mũi xoang cấp
Phần lớn tình huống cấp tính là do nguyên nhân siêu vi, do đó không cần điều trị bằng kháng sinh trong các trường hợp này. Khi đó, điều trị chủ yếu bao gồm điều trị giảm triệu chứng và theo dõi:4
- Thuốc giảm đau, hạ sốt (như paracetamol, ibuprofen,…) khi đau nhức vùng mặt nhiều hoặc sốt > 38,5 °C. Người bệnh có thể mua các thuốc này tại nhà thuốc với sự hướng dẫn của các dược sĩ.1
- Thuốc xịt mũi hoặc xông mũi bằng các thuốc chống sung huyết: người bệnh có thể sử dụng các thuốc xịt mũi tại chỗ hoặc xông mũi để giảm tình trạng nghẹt mũi nếu nghẹt mũi gây khó chịu cho người bệnh. Tuy nhiên, các thuốc này có tác dụng làm quá phát cuốn mũi nếu sử dụng kéo dài. Do đó, không nên sử dụng các thuốc xịt mũi chống sung huyết (chứa oxymetazoline hay naphazoline, v.v…) kéo dài mà chỉ nên sử dụng trong vòng 5 – 7 ngày.
- Xịt rửa mũi bằng nước muối.
- Chườm ấm vùng mũi, nghỉ ngơi tại giường, uống nhiều nước cũng là các biện pháp giúp giảm khó chịu do tình trạng cấp.
Nếu triệu chứng kéo dài quá 10 ngày, có các dấu hiệu nghi ngờ viêm xoang cấp do vi khuẩn như đã liệt kê ở trên, người bệnh cần đến gặp bác sĩ đến được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Lúc này, người bệnh có thể phải sử dụng kháng sinh để giải quyết tình trạng nhiễm trùng.4
Trong một số ít các trường hợp, tình trạng cấp tính do vi khuẩn gây ra biến chứng lên ổ mắt, nội sọ,… người bệnh có thể cần phải nhập viện để theo dõi và điều trị tích cực bằng kháng sinh đường tĩnh mạch và phẫu thuật nếu cần.
Phương pháp điều trị viêm mũi xoang mạn
Điều trị nội khoa
Điều trị khởi đầu của bệnh lý mạn tính là điều trị nội khoa bao gồm điều chỉnh các yếu tố kích thích, giảm tiến trình viêm và loại bỏ nhiễm trùng.8
- Giảm tác nhân kích thích: Tránh các tác nhân gây dị ứng tối đa nếu được.
- Sử dụng corticoid xịt mũi trong ít nhất 8 – 12 tuần.
- Rửa mũi bằng nước muối: có hiệu quả thấp hơn so với corticoid xịt mũi, tuy nhiên là một phương pháp bổ trợ rất tốt cùng với corticoid xịt mũi. Người bệnh nên sử dụng loại nước muối rửa mũi dung tích cao, vì có hiệu quả cao hơn so với xịt mũi nước muối thông thường.
- Có thể sử dụng thuốc kháng histamine (loratadine, desloratadine, cetirizine,…) ở trường hợp có cơ địa dị ứng.
- Có thể sử dụng thuốc xịt mũi chống sung huyết, nhưng hiệu quả không đáng kể.
- Kháng sinh và corticoid đường uống có thể được sử dụng trong một số các trường hợp.
Phẫu thuật
Hiện nay, phẫu thuật nội soi mũi xoang chức năng là phương pháp điều trị được lựa chọn ở những bệnh nhân thất bại với điều trị nội khoa. Phẫu thuật được xem là phương tiện bổ trợ cho điều trị nội khoa. Mục tiêu của phẫu thuật nội soi mũi xoang bao gồm:
- Lấy bỏ bệnh tích, giải phóng chỗ tắc nghẽn.
- Phục hồi dẫn lưu và chức năng thanh thải của lông chuyển.
- Thông khí các xoang.
Sau phẫu thuật, người bệnh cần tái khám thường xuyên để chăm sóc hố mổ và điều trị nội khoa sau phẫu thuật để kiểm soát bệnh tối đa.
Cách chữa tại nhà
Đối với viêm mũi xoang cấp
Tình trạng cấp tính người bệnh mắc phải thường do siêu vi và thường tự giới hạn trong vòng 7 – 10 ngày. Do đó, nếu người bệnh chỉ có triệu chứng nhẹ trong vòng 7 – 10 ngày đầu, sổ mũi nhầy trong và không có các dấu hiệu gợi ý biến chứng nặng, người bệnh có thể điều trị tại nhà. Các phương pháp điều trị tại nhà giúp giảm khó chịu khi bị mắc viêm xoang cấp bao gồm:4
- Nghỉ ngơi, uống nhiều nước ấm.
- Chườm ấm vùng mũi.
- Rửa mũi bằng nước muối nhiều lần trong ngày.
- Xịt mũi hoặc xông mũi bằng các thuốc giảm sung huyết để giảm cảm giác nghẹt mũi, tuy nhiên, cần có sự hướng dẫn của dược sĩ hoặc bác sĩ gia đình, không nên lạm dụng các loại thuốc này.
- Có thể sử dụng các thuốc giảm đau, hạ sốt không cần kê toa dưới sự hướng dẫn của dược sĩ.
Đối với viêm xoang cấp do vi khuẩn, các phương pháp điều trị tại nhà cũng tương tự, tuy nhiên cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và chỉ định kháng sinh hợp lý, tránh tình trạng nhiễm trùng dai dẳng. Ngoài ra, người bệnh cũng không được tự ý sử dụng kháng sinh khi chưa có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ để tránh tình trạng đề kháng kháng sinh.
Đối với viêm mũi xoang mạn
Đối với viêm xoang mạn, phương pháp điều trị tại nhà mà người bệnh có thể tự thực hiện là rửa mũi bằng nước muối bằng bình dung tích cao. Các điều trị khác như thuốc xịt mũi corticoid, kháng sinh,… cần có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Đối với viêm xoang cấp, người bệnh cần gặp bác sĩ để tham vấn và điều trị bệnh ngay khi:
- Triệu chứng kéo dài trên 10 ngày hoặc triệu chứng nặng ngay từ lúc khởi bệnh.
- Đau đầu/mặt không giảm với thuốc giảm đau thông thường.
- Sốt ≥ 39 °C.
- Mệt mỏi, khó tập trung và giảm hiệu quả làm việc
- Triệu chứng nghi ngờ có biến chứng như nhìn mờ, nhìn đôi, sưng đỏ một hoặc hai mắt, cứng cổ, đau đầu nhiều.
- Thay đổi trạng thái tinh thần: lơ mơ, lú lẫn.
Trong bệnh lý viêm xoang mạn, khi các triệu chứng kéo dài quá 12 tuần, không giảm với các biện pháp thông thường và làm ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được kê toa và tư vấn điều trị một cách tối ưu.
Chăm sóc sức khỏe khi bị viêm mũi xoang
Viêm xoang không nên ăn gì?
Có một số ít nghiên cứu về các thức ăn làm nặng thêm tình trạng bệnh, bao gồm:9
- Sữa và các sản phẩm từ sữa: Sữa và các sản phẩm từ sữa làm tăng tiết chất nhầy, là môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển, làm tăng nặng thêm các triệu chứng của người bệnh. Ngoài ra, sữa cũng là một tác nhân gây dị ứng thường gặp. Người bệnh bị dị ứng với sữa có thể thúc đẩy quá trình viêm và hình thành polyp mũi.
- Thức ăn có nhiều đường: có thể làm tăng nặng thêm triệu chứng viêm mũi xoang do thúc đẩy quá trình viêm.
- Thức ăn chứa nhiều histamine như xúc xích, thịt xông khói, cà chua, bơ, cà tím, chocolate, v.v.. Ở một số bệnh nhân không dung nạp histamine, các loại thức ăn này gây tích tụ histamine và gây ra các triệu chứng như hắt hơi, chảy mũi, nghẹt mũi,…
Cách vệ sinh mũi cho người bị viêm xoang
Đối với người bệnh viêm xoang, cách vệ sinh mũi được chứng minh có hiệu quả nhất là rửa mũi bằng nước muối dung tích cao. Các cách vệ sinh mũi như sau:
- Chuẩn bị bộ dung dịch rửa mũi (do bác sĩ chỉ định) và bình rửa mũi.
- Cúi đầu và nghiêng đầu sang một bên.
- Đưa bình rửa mũi vào mũi đối diện
- Bóp mạnh bình rửa mũi để nước rửa mũi đi vào một bên và đi ra ở bên còn lại cho đến khi hết bình.
- Không được thở bằng mũi trong quá trình rửa mũi.
- Thực hiện 1 – 3 lần trong ngày.
Cách phòng ngừa viêm xoang
Có nhiều cách đề phòng ngừa viêm xoang:
- Rửa tay thường xuyên.
- Rửa mũi thường xuyên.
- Chích vaccine ngừa cúm và phế cầu.
- Tránh tiếp xúc với người đang bị cảm lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên.
- Không hút thuốc lá cả chủ động và thụ động.
- Tránh môi trường không khí khô bằng cách sử dụng máy lọc, làm ẩm không khí trong nhà hoặc nơi làm việc.
Trên đây là mọi thông tin về bệnh lý viêm mũi xoang Thạc sĩ, Bác sĩ Đinh Thế Huy đã cung cấp. Mong rằng từ bài viết bạn đã có được cho mình một góc nhìn toàn diện về bệnh lý này!
Câu hỏi thường gặp
Bị viêm mũi xoang có bị chảy máu mũi không?
Viêm mũi xoang cũng là một nguyên nhân gây chảy máu mũi.
Tình trạng viêm mũi xoang gây chảy máu mũi có nguy hiểm không?
Chảy máu mũi là một tình trạng thường gặp và thường có nguyên nhân lành tính. Viêm mũi xoang cũng là một nguyên nhân gây chảy máu mũi. Nếu chảy máu mũi lượng ít, không thường xuyên, tình trạng chảy máu mũi có thể tự khỏi mà không cần phải đi khám. Tuy nhiên, nếu tình trạng chảy máu mũi tái phát nhiều lần, chảy lượng nhiều, cần phải đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám, chẩn đoán nguyên nhân và xử trí kịp thời.
Viêm mũi xoang có chữa được không?
Viêm mũi xoang cấp do siêu vi có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Các trường hợp viêm mũi xoang cấp do vi khuẩn phần lớn có thể được điều trị dứt điểm nếu được chẩn đoán và điều trị đúng. Chỉ một số ít trường hợp nhiễm trùng dai dẳng có thể dẫn đến viêm mũi xoang mạn.
Đối với viêm mũi xoang mạn, bệnh lý này được gây ra do nhiều yếu tố tác động lẫn nhau. Do đó, việc điều trị cũng gặp nhiều khó khăn hơn. Tuy nhiên, bằng cách phối hợp nhiều phương pháp điều trị cùng với sự tuân thủ của người bệnh, bệnh cũng có thể được kiểm soát, giảm thiểu triệu chứng, tăng chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Bên cạnh đó, cũng có một tỉ lệ các trường hợp viêm mũi xoang mạn khó trị, cần mất nhiều thời gian và công sức để điều trị thành công.
Người bị viêm xoang có nâng mũi được không?
Viêm mũi xoang là tình trạng viêm của niêm mạc mũi và niêm mạc các xoang cạnh mũi, không ảnh hưởng đến các cấu trúc xương cũng như sụn của mũi. Do đó, người bệnh viêm mũi xoang có thể nâng mũi. Tuy nhiên, cần tránh nâng mũi trong đợt cấp của viêm mũi xoang mạn.
Viêm mũi xoang ở trẻ em có nguy hiểm không?
Viêm mũi xoang là bệnh lý rất thường gặp ở trẻ em, và phần lớn là do nguyên nhân siêu vi. Trong trường hợp này, trẻ chỉ bị triệu chứng nhẹ và có thể tự giới hạn bằng các phương pháp điều trị thông thường. Tuy nhiên, khi trẻ bị viêm mũi xoang cấp do vi khuẩn, do cấu trúc xoang ở trẻ còn chưa phát triển hoàn thiện, trẻ dễ bị biến chứng vào ổ mắt hoặc nội sọ hơn so với người lớn. Do đó, cần theo dõi sát và đến khám bác sĩ ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ triệu chứng nặng.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
“Sinusitis.” ENT Healthhttps://www.enthealth.org/conditions/sinusitis/
Ngày tham khảo: 18/10/2022
-
Henderson, Roger. “Sinusitis. Medical professional reference for Sinusitis.”https://patient.info/doctor/sinusitis-pro#nav-2
Ngày tham khảo: 18/10/2022
-
Scadding, Glenis K. “Rhinitis and Sinusitis - PMC.”https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7173501/
Ngày tham khảo: 18/10/2022
-
Knott, Laurence. “Acute Sinusitis | Symptoms and Treatment.”https://patient.info/ears-nose-throat-mouth/acute-sinusitis
Ngày tham khảo: 18/10/2022
-
“Chronic sinusitis - Symptoms and causes.”https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/chronic-sinusitis/symptoms-causes/syc-20351661
Ngày tham khảo: 18/10/2022
-
Orlandi RR, Kingdom TT, Smith TL, et al. International consensus statement on allergy and rhinology: rhinosinusitis 2021 [published correction appears in Int Forum Allergy Rhinol. 2022 Jul;12(7):974]. Int Forum Allergy Rhinol. 2021;11(3):213-739. doi:10.1002/alr.22741https://onlinelibrary.wiley.com/doi/epdf/10.1002/alr.22741
Ngày tham khảo: 18/10/2022
- Fokkens WJ, Lund VJ, Hopkins C, et al. European Position Paper on Rhinosinusitis and Nasal Polyps 2020. Rhinology. 2020;58(Suppl S29):1-464. Published 2020 Feb 20. doi:10.4193/Rhin20.600.
-
Shermetaro, Carl B. “Chronic Sinusitis - StatPearls.”https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK441934
Ngày tham khảo: 18/10/2022
-
Davidson, Katey, and Angela M. Bell. “4 Foods to Avoid with Sinusitis.”https://www.healthline.com/nutrition/foods-that-cause-sinus-problems#foods-to-avoid
Ngày tham khảo: 18/10/2022