Viêm não Nhật Bản: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Nội dung bài viết
Viêm não Nhật Bản là nguyên nhân đứng hàng đầu trong số những bệnh viêm não do virus ở châu Á. Vậy nguyên nhân của bệnh lý này là do đâu? Triệu chứng là gì? Cách điều trị ra sao? Những cách phòng ngừa bệnh lý này là gì? Tất cả sẽ được giải đáp qua bài viết sau đây của Bác sĩ Nguyễn Lâm Giang. Mời bạn đọc cùng theo dõi nhé!
Tổng quan về viêm não Nhật Bản
Viêm não Nhật Bản là gì?
Viêm não Nhật Bản còn có tên gọi khác là bệnh viêm não mùa hè, viêm não B. Tên tiếng Anh của bệnh lý này là Japanese Encephalitis – JE. Đây là bệnh lý viêm nhiễm cấp tính hệ thần kinh trung ương gây ra bởi một loại virus. Bệnh có thể tiến triển nặng, nguy cơ tử vong cũng như để lại di chứng khá cao.
Chính tại Nhật Bản, người ta đã phát hiện ra trường hợp viêm não đầu tiên.1 Theo thời gian, bệnh bùng phát và gây dịch ở các khu vực Tây Thái Bình Dương, Đông Nam Á, Bắc Á,…2 Vì vậy, bệnh lý này được gọi là viêm não Nhật Bản.
Các nhà khoa học Nhật Bản đã phát hiện loài muỗi Culex Tritaeniorhynchus chính là nguyên nhân lây truyền bệnh viêm não mùa hè. Tiếp theo, họ đã xác định được vai trò vật chủ. Đồng thời, loài lợn và chim là những ổ chứa chủ yếu của virus gây bệnh.2
Viêm não Nhật Bản còn có tên gọi khác là viêm não B hay viêm não Nhật Bản B. Sở dĩ có tên gọi như vậy vì virus gây bệnh lý này thuộc họ Togaviridae thuộc nhóm B của các Flavivirus gây ra. Đây là loại virus không chịu được nhiệt độ cao. Vì vậy, ở 100°C trong vòng 2 phút, chúng sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn. Ngược lại, khi ở trạng thái đông lạnh, virus này có thể tồn tại đến vài năm.
Dịch tễ học bệnh viêm não mùa hè
Du khách đến tham quan các khu vực có nguy cơ cao bởi bệnh viêm não mùa hè là khá hiếm. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có xấp xỉ 68.000 số ca mắc viêm não B mới mỗi năm trên toàn cầu.1
Các quốc gia khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, vùng viễn đông Liên bang Nga hàng năm đều xuất hiện dịch bệnh viêm não B với số ca bệnh mới mắc khá cao.
Ở Việt Nam, những tháng hè (từ tháng 5 đến tháng 7) là thời gian muỗi Culex Tritaeniorhynchus hoạt động mạnh. Đồng thời đây cũng là thời điểm chim đến ăn trái chín. Trong số các loài vật sống gần con người, lợn được đánh giá nguồn truyền nhiễm dễ lây lan.
Tỷ lệ lợn nhiễm virus viêm não Nhật Bản trong vùng dịch rất cao. Bên cạnh đó, phần lớn các hộ gia đình ở nông thôn đều có chăn nuôi lợn. Sự xuất hiện virus trong máu lợn xảy ra ngay sau khi lợn bị nhiễm virus. Thời gian nhiễm ở lợn dao động từ 2 đến 4 ngày. Tiếp theo, nó sẽ gây nhiễm cho muỗi và từ muỗi truyền virus gây bệnh sang người.
Nguyên nhân viêm não Nhật Bản
Như đã thông tin phía trên, đây là một bệnh truyền nhiễm do một loại virus thuộc họ Togaviridae ở trong nhóm B của các Flavivirus gây ra. Virus viêm não B xâm nhập vào cơ thể con người thông qua vết muỗi đốt.3
Loại virus viêm não này được nhân lên trong một chu kỳ giữa muỗi và vật chủ khuếch đại. Vật chủ đó chủ yếu là lợn và chim. Số lượng virus tăng dần đến khi đủ số lượng cần thiết trong vật chủ. Tiếp theo, chúng sẽ được truyền từ vật chủ này sang vật chủ kia qua vết muỗi đốt.3
Trong quá trình truyền bệnh đó, người được xem là một vật chủ ngẫu nhiên. Trong cơ thể người, virus sẽ không phát triển đến các giai đoạn thuận lợi nhất. Chính vì vậy, bệnh viêm não B không lây truyền từ người sang người.3
Triệu chứng
Vậy thì những triệu chứng của bệnh lý này là gì? Sau khi virus gây bệnh xâm nhập vào cơ thể người, hệ thần kinh trung ương và bộ não của người bệnh sẽ bị tổn thương. Những triệu chứng đặc trưng thường xuất hiện theo từng giai đoạn, bao gồm:
Giai đoạn ủ bệnh
Virus viêm não B xâm nhập vào cơ thể người bệnh và bắt đầu gây bệnh. Thời gian ủ bệnh dao động từ 5 đến 14 ngày.1 Ở giai đoạn này, người bệnh thường chưa xuất hiện bất cứ triệu chứng bất thường nào.
Giai đoạn khởi phát
Sau giai đoạn ủ bệnh, virus viêm não mùa hè này sẽ bắt đầu tấn công vào hệ thống mạch máu não, gây nên tình trạng phù não. Những triệu chứng trong giai đoạn này thường xuất hiện rất đột ngột. Điển hình như sốt cao trên 39°C, đau đầu, buồn nôn, nôn, sợ ánh sáng,…
Bên cạnh đó, trong 1 đến 2 ngày đầu của giai đoạn này, người bệnh có thể bị cứng cổ, suy giảm ý thức, rối loạn vận nhãn và trương lực cơ. Ở trẻ em, một số biểu hiện của bệnh lý này rất dễ gây nhầm lẫn với ngộ độc thức ăn. Chẳng hạn như đau bụng, nôn và tiêu phân lỏng.
Giai đoạn toàn phát
Những triệu chứng nguy hiểm của bệnh viêm não B thường xuất hiện trong giai đoạn này. Những thương tổn ở não và hệ thần kinh trung ương khá rầm rộ. Chẳng hạn như liệt cơ tứ chi, cơ mặt, liệt vận nhãn. Bệnh tiến triển ngày càng trầm trọng. Tình trạng ý thức của bệnh nhân ngày càng xấu đi và dần tiến đến hôn mê sâu. Một số triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật cũng thường xuất hiện trong giai đoạn này. Điển hình như: Mạch nhanh, huyết áp tăng, rối loạn nhịp thở, tăng tiết mồ hôi.
Giai đoạn lui bệnh
Sau khoảng 01 tuần kể từ giai đoạn toàn phát, bệnh sẽ tiến triển đến giai đoạn lui bệnh (nếu không có bội nhiễm). Trong giai đoạn này, người bệnh sẽ giảm sốt. Đồng thời, những rối loạn về não bộ và hệ thần kinh sẽ dần được cải thiện. Mức độ cải thiện tùy thuộc vào sự kịp thời và đúng lúc của quá trình điều trị.
Viêm não Nhật Bản có lây không?
Viêm não mùa hè là một bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, lây truyền qua đường muỗi đốt. Nguồn lây nhiễm bệnh phần lớn từ các loài loài gia súc và chim hoang dã. Chim và lợn là các ổ chứa chủ yếu của virus trong thiên nhiên. Muỗi sẽ hút máu lợn và chim. Sau đó, chúng mang máu chứa virus gây bệnh truyền sang cho người trong quá trình đốt người.1
Đối tượng nào dễ mắc viêm não B?
Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi khi chưa có kháng thể với virus viêm não Nhật Bản đều có thể bị mắc bệnh. Tuy nhiên, bệnh viêm não mùa hè này hầu hết gặp ở đối tượng trẻ em dưới 15 tuổi. Trong đó, nhóm trẻ từ 2 đến 6 tuổi có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất.4
Người trưởng thành cũng có nguy cơ mắc bệnh và xuất hiện nhiều biến chứng nếu chưa từng được tiêm ngừa. Đồng thời, họ có thể bị nhiễm virus khi đi du lịch, công tác tại khu vực mà bệnh viêm não B đang lưu hành.
Viêm não Nhật Bản có nguy hiểm không?
Nhiều người thắc mắc rằng bệnh viêm não mùa hè có nguy hiểm không? Đây là một bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm vì chưa có điều trị đặc hiệu.5 Khi một người nhiễm virus viêm não Nhật Bản, số lượng lớn virus tập trung hầu hết ở não và gây tổn thương hệ thần kinh trung ương. Chính vì vậy, việc điều trị bệnh ý này là một vấn đề khá nan giải. Song song đó, tỷ lệ tử vong và di chứng mà bệnh gây ra là rất cao.
Viêm não B là một trong những bệnh truyền nhiễm để lại di chứng rất nặng nề cho người bệnh. Tỷ lệ tử vong của bệnh khá cao, từ 25 đến 35%. Di chứng thần kinh của bệnh viêm não B rất nghiêm trọng và tồn tại vĩnh viễn. Điển hình như: Động kinh, chậm phát triển trí tuệ, liệt, mất ngôn ngữ, suy giảm thị lực,… Các di chứng thần kinh nói trên thường chiếm hơn phân nửa số bệnh nhân. Những di chứng ấy thường gây tàn phế, mất khả năng lao động. Đồng thời gây ra gánh nặng khá lớn cho gia đình và xã hội.4
Xét nghiệm chẩn đoán viêm não Nhật Bản
Nền y học của nhân loại ngày càng phát triển mạnh mẽ và liên tục. Chính vì vậy, nhiều phương pháp xét nghiệm chẩn đoán bệnh viêm não B đã và đang được áp dụng một cách rộng rãi. Cụ thể bao gồm: Xét nghiệm thường quy, xét nghiệm không đặc hiệu, xét nghiệm hình ảnh, xét nghiệm huyết thanh học.
Xét nghiệm thường quy
Đây là những xét nghiệm cơ bản, đầu tiên trong quá trình chẩn đoán bệnh viêm não mùa hè. Ở hầu hết các trường hợp mắc bệnh viêm não Nhật Bản B, xét nghiệm máu sẽ cho kết quả:
- Thiếu máu nhẹ mức độ nhẹ.
- Giảm số lượng tiểu cầu.
- Tăng số lượng bạch cầu ở mức trung bình.
- Tăng men gan (AST, ALT, GGT).
Xét nghiệm không đặc hiệu
Xét nghiệm không đặc hiệu dùng cho chẩn đoán bệnh viêm não Nhật Bản B đó chính là chọc dò dịch não tủy.2 Kết quả dịch não tủy ở người bệnh viêm não mùa hè thường là:
- Áp lực dịch não tủy tăng.
- Nồng độ protein dịch não tủy tăng nhẹ (dao động từ 60-70 mg/dl).
- Tế bào tăng nhẹ (không quá 100 tế bào/mm³).
- Bạch cầu đa nhân trung tính thường chiếm ưu thế trong giai đoạn đầu, sau đó là tế bào lympho chiếm ưu thế.
- Tỷ lệ glucose trong dịch não tủy tăng nhẹ hoặc ít biến đổi.
Xét nghiệm hình ảnh học
Bệnh viêm não B còn có thể chẩn đoán dựa vào xét nghiệm hình ảnh học. Điển hình như chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ sọ não.2 Qua đó, các bác sĩ có thể nhận ra được những thay đổi các phần của não bộ bị tổn thương. Chẳng hạn như ở đồi thị, trung não, cầu não, hạch nền, tủy sống. Trong một số trường hợp, điện não đồ có thể được xem xét chỉ định nhằm ghi nhận sự ức chế hoạt động của não.
Xét nghiệm huyết thanh học
Bên cạnh những cận lâm sàng nói trên, bệnh viêm não mùa hè còn có thể được chẩn đoán dựa xét nghiệm huyết thanh học. Các kháng thể IgM đặc hiệu của virus viêm não này trong dịch não tủy giúp xác định tình trạng nhiễm virus của hệ thần kinh trung ương.
Kháng thể IgM trong huyết thanh gợi ý nhiễm virus viêm não B. Hoặc cũng có thể là tình trạng nhiễm chéo với những virus cùng họ như virus gây bệnh sốt xuất huyết. Thông thường, sau 9 ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên, xét nghiệm huyết thanh học sẽ cho kết quả dương tính. Xét nghiệm huyết thanh lần 2 có thể được chỉ định nếu kết quả lần 1 âm tính mà vẫn nghi ngờ mắc bệnh.
Điều trị viêm não Nhật Bản
Viêm não Nhật Bản có điều trị được không?
Tuy là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm nhưng viêm não B vẫn có thể được điều trị khỏi. Việc điều trị bệnh hiệu quả sẽ giúp phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm. Đồng thời hạn chế những di chứng nặng nề về sau. Điều quan trọng là cần phải phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời, đầy đủ.
Các phương pháp điều trị
Việc điều trị viêm não Nhật Bản B bao nhiêu tiền, có quá tốn kém không thì còn tùy thuộc vào phương pháp điều trị bệnh. Cho đến nay, bệnh viêm não mùa hè chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Chính vì vậy, vấn đề điều trị bệnh chủ yếu là tập trung vào điều trị triệu chứng. Điển hình như: Chống phù não, chống co giật, hạ sốt, hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn, chống bội nhiễm,…
1. Chống phù não
Các bác sĩ sẽ truyền các dịch ưu trương làm tăng áp lực thẩm thấu để chống phù não. Thường dùng nhất là Manitol truyền tĩnh mạch. Việc truyền Manitol có tác dụng rút nước ở tổ chức, tế bào và khoang gian bào vào lòng mạch. Trong những trường hợp phù não nặng hơn, Corticoid đường tĩnh mạch có thể được chỉ định. Chẳng hạn như Dexamethason hoặc Methylprednisolon.
2. An thần và cắt cơn giật
Trong mục tiêu an thần và cắt cơn co giật, các bác sĩ thường sử dụng nhóm Benzodiazepin. Điển hình như Diazepam, Midazolam. Các thuốc này có thể được sử dụng bằng đường uống, tiêm bắp hoặc truyền tĩnh mạch liên tục. Trong một số trường hợp nặng hơn, thuốc Phenobarbital hoặc Phenytoin sẽ được chỉ định phối hợp.
3. Hạ nhiệt3
Thuốc hạ nhiệt tốt nhất trong điều trị sốt do viêm não mùa hè là Paracetamol. Các bác sĩ sẽ cho người bệnh uống hoặc truyền tĩnh mạch trong trường hợp rối loạn chức năng nuốt. Riêng đối với trẻ em còn có loại thuốc Paracetamol đặt trực tràng. Các biện pháp khác có thể kết hợp giúp hạ sốt như mặc quần áo mỏng, lau mát, uống nhiều nước,…
4. Hồi sức hô hấp và tim mạch
Trong mục tiêu hồi sức hô hấp và tim mạch, các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân thở oxy, hút đàm. Đồng thời sẵn sàng hỗ trợ hô hấp nâng cao (thở máy, nội khí quản) khi cần thiết. Bên cạnh đó, các thuốc vận mạch sẽ luôn được chuẩn bị sẵn sàng trong những trường hợp hạ huyết áp, sốc, rối loạn co bóp cơ tim,…
5. Ngăn ngừa bội nhiễm, dinh dưỡng, chống loét
Một số phương pháp điều trị hỗ trợ bao gồm:
- Ngăn ngừa bội nhiễm: Sử dụng kháng sinh, vệ sinh răng miệng, thân thể.
- Dinh dưỡng: Qua ống thông dạ dày hoặc qua đường tĩnh mạch.
- Chống loét: Xoay trở bệnh nhân thường xuyên, nằm đệm hơi,…
Tiên lượng viêm não Nhật Bản
Bệnh viêm não B thường có tiên lượng xấu:1
- Tỷ lệ tử vong có thể lên đến xấp xỉ 30%.
- 20% – 30% số bệnh nhân còn sống bị các di chứng vĩnh viễn về trí tuệ, hành vi hoặc thần kinh như tê liệt, co giật tái phát hoặc không thể nói được.
Cách phòng ngừa
Tuy là một bệnh lý nguy hiểm nhưng viêm não mùa hè là một bệnh hoàn toàn có thể được phòng ngừa.
Vệ sinh môi trường
Thứ nhất là vệ sinh môi trường để hạn chế tối đa sự sinh trưởng, phát triển của muỗi, đặc biệt là muỗi Culex. Bên cạnh đó, một biện pháp rất tối ưu giúp phòng ngừa bệnh lý này là tiêm ngừa.
Tiêm vắc-xin
Chương trình triển khai tiêm các mũi viêm não Nhật Bản đã trường đẩy mạnh từ lâu. Nhờ vậy, số trường hợp mắc bệnh đã giảm đi đáng kể. Chính vì vậy, việc tiêm ngừa đầy đủ là phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.
Hiện nay, nước ta đang lưu hành 3 loại vắc xin phòng ngừa viêm não Nhật Bản. Bao gồm:
- Vắc-xin Jevax do Việt Nam sản xuất.
- Vắc-xin Imojev được sản xuất tại Thái Lan.
- Vắc-xin mới do Ấn Độ sản xuất – JEEV.
1. Viêm não Nhật Bản tiêm mấy mũi?
Vắc-xin viêm não Nhật Bản cần tiêm mấy mũi? là thắc mắc chung của nhiều người. Hiện nay, tại Việt Nam có 3 loại vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản đang được sử dụng. Mỗi loại sẽ có liệu trình tiêm và số mũi cần tiêm khác nhau.
Để hiểu rõ hơn về số mũi tiêm của từng loại, bạn đọc có thể tham khảo thêm bài viết Vắc-xin viêm não Nhật Bản tiêm mấy mũi?
2. Lịch tiêm viêm não Nhật Bản
Tương tự như số mũi tiêm, các loại vắc-xin khác nhau sẽ có lịch tiêm khác nhau cho từng đối tượng. Việc nắm rõ lịch tiêm sẽ giúp người đọc và gia đình thực hiện đúng lịch trình tiêm. Từ đó, nâng cao hiệu quả của vắc-xin trong việc phòng chống viêm não Nhật Bản.
Để nắm rõ lịch tiêm của từng loại vắc-xin, độc giả có thể tham khảo bài viết Lịch tiêm viêm não Nhật Bản đầy đủ cho trẻ em và người lớn.
3. Tiêm viêm não Nhật Bản có sốt không?
Một vấn đề được rất nhiều người quan tâm đó chính là tiêm mũi viêm não Nhật Bản có sốt không. Tương tự những loại vắc xin khác, vắc-xin viêm não Nhật Bản có thể gây ra một số phản ứng sau tiêm nhẹ. Điển hình là: Sốt nhẹ, đau ở vị trí tiêm. Đây là những phản ứng bình thường và thường hết sau 2 đến 3 ngày.6
Vậy thì đối với câu hỏi tiêm phòng viêm não Nhật Bản có sốt không thì câu trả lời là có thể. Tuy nhiên chỉ là phản ứng sốt nhẹ và không nguy hiểm. Ngoài ra, việc tiêm mũi viêm não Nhật Bản có sốt không còn tùy vào cơ địa của từng người. Một số rất hiếm các trường hợp nhạy cảm với vắc-xin, cơ địa dị ứng với các thành phần có trong vắc-xin,… Những trường hợp này có thể xuất hiện sốt cao và cần phải nhập viện theo dõi.
Bài viết Tiêm viêm não Nhật Bản có sốt không? Những phản ứng có thể gặp sau tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản đã trình bày về phản ứng sốt sau tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản cùng các phản ứng phụ khác. Độc giả có thể tham khảo để nắm thêm thông tin nhé!
4. Giá vắc-xin viêm não Nhật Bản
Tùy theo từng loại vắc-xin mà giá mũi tiêm viêm não Nhật Bản sẽ khác nhau. Bên cạnh đó cũng có sự chênh lệch về giá giữa việc tiêm viêm não Nhật Bản dịch vụ và chương trình tiêm chủng mở rộng. Để biết được tổng cộng tiêm viêm não Nhật Bản bao nhiêu tiền thì mọi người cần biết tổng số mũi tiêm của từng loại vắc-xin. Sau đó, các bạn hãy cộng đơn giá tiêm viêm não Nhật Bản lại với nhau.
Vậy thì vắc-xin viêm não Nhật Bản Imojev giá bao nhiêu? Jevax giá bao nhiêu? Hiện tại, đơn giá mỗi loại vắc-xin như sau:
- Vắc-xin Imojev có giá dao động trong khoảng 665.000 – 700.000 VNĐ/mũi.
- Giá vắc-xin Jevax của Việt Nam sản xuất dao động trong khoảng 95.000 – 180.000 VNĐ/mũi.
- Vắc-xin JEEV có giá dao động từ 340.000 đến 450.000 VNĐ/mũi.
Bạn đọc cần lưu ý, đơn giá này chỉ mang tính chất tham khảo. Giá vắc-xin có thể thay đổi theo từng thời điểm và còn phụ thuộc vào cơ sở tiêm ngừa. Ngoài ra, để có thêm thông tin về giá tiêm phòng viêm não Nhật Bản tại một số đơn vị tiêm ngừa hiện nay, bạn đọc có thể xem thêm bài viết Tham khảo giá vắc xin viêm não Nhật Bản tại một số cơ sở hiện nay.
Hy vọng những thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh viêm não Nhật Bản hay viêm não B. Và từ đó nhận ra được mức độ nguy hiểm của bệnh và tầm quan trọng của việc tiêm ngừa. Cả trẻ em và người lớn đều nên tiêm ngừa đầy đủ các mũi vắc-xin viêm não Nhật Bản. Đây là một bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, vì vậy nên chúng ta cần “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Japanese encephalitishttps://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/japanese-encephalitis
Ngày tham khảo: 05/02/2023
-
What's to know about Japanese encephalitis?https://www.medicalnewstoday.com/articles/181418
Ngày tham khảo: 05/02/2023
-
Japanese encephalitishttps://www.health.gov.au/diseases/japanese-encephalitis
Ngày tham khảo: 05/02/2023
-
VẮC XIN VIÊM NÃO NHẬT BẢN CÓ MẤY LOẠI? CẦN LƯU Ý GÌ KHI TIÊM?https://vnvc.vn/vac-xin-viem-nao-nhat-ban/
Ngày tham khảo: 05/02/2023
-
Japanese encephalitishttps://www.nhs.uk/conditions/japanese-encephalitis/
Ngày tham khảo: 05/02/2023
-
Japanese encephalitis virus (JEV) vaccineshttps://www.health.gov.au/health-alerts/japanese-encephalitis-virus-jev/japanese-encephalitis-virus-jev-vaccines
Ngày tham khảo: 05/02/2023