Bệnh viêm phổi có nguy hiểm không? Câu trả lời của bác sĩ
Nội dung bài viết
Viêm phổi là tình trạng viêm (sưng) mô ở một hoặc cả hai phổi. Mọi lứa tuổi đều có khả năng mắc viêm phổi. Tuy nhiên trẻ em, người lớn tuổi và người có bệnh mạn tính sẽ có nguy cơ mắc phải cao hơn. Vậy, bệnh viêm phổi nguy hiểm không? Bệnh viêm phổi có xuất hiện các biến chứng không, biến chứng đó là gì? Hãy cùng Bác sĩ Nguyễn Lâm Giang tìm hiểu về viêm phổi để có thêm các thông tin hữu ích nhé!
Bệnh viêm phổi là gì?
Viêm phổi là một bệnh nhiễm trùng có thể do vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng, hóa chất, độc chất,… gây ra.1 Nhiễm trùng làm cho các túi khí của phổi (còn gọi là phế nang) bị viêm và chứa đầy dịch hoặc mủ. Điều đó có thể khiến oxy hít vào khó đi vào máu. Các triệu chứng của bệnh viêm phổi có thể từ nhẹ đến nặng, bao gồm ho, sốt, ớn lạnh và khó thở.
Bệnh viêm phổi có nguy hiểm không?
Bệnh phổi có nguy hiểm không? Câu trả lời là có.
Viêm phổi là nguyên nhân nhập viện hàng đầu ở cả trẻ em và người lớn. Mặc dù hầu hết các trường hợp có thể được điều trị thành công và có thể mất vài tuần để hồi phục hoàn toàn. Nhưng vẫn có hàng chục nghìn người ở Mỹ chết vì viêm phổi mỗi năm, hầu hết là người lớn trên 65 tuổi.1
Viêm phổi cũng là nguyên nhân truyền nhiễm lớn nhất gây tử vong ở trẻ em trên toàn thế giới. Viêm phổi đã giết chết 740.180 trẻ em dưới 5 tuổi vào năm 2019, chiếm 22% tổng số ca tử vong ở trẻ em từ 1 đến 5 tuổi.2
Ai có thể bị bệnh viêm phổi?
Mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm phổi có thể từ nhẹ (không nhận thấy triệu chứng) đến nghiêm trọng cần nhập viện và có thể gây tử vong. Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm phổi. Chẳng hạn như nguyên nhân gây nhiễm trùng phổi, tuổi tác và sức khỏe tổng thể của người bệnh. Bất cứ ai cũng có thể bị viêm phổi và chịu các ảnh hưởng do nó gây ra. Nhưng có một số người có nguy cơ cao bị nhiễm trùng nặng hoặc đe dọa đến tính mạng.
Nói chung, những người có nguy cơ cao nhất có hệ thống miễn dịch yếu hơn, một tình trạng hoặc yếu tố lối sống ảnh hưởng đến phổi. Những người có nguy cơ cao mắc bệnh viêm phổi nghiêm trọng hoặc đe dọa đến tính mạng bao gồm:1 3 4
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
- Người lớn từ 65 tuổi trở lên.
- Người có hệ thống miễn dịch suy yếu do bệnh mãn tính, hóa trị hoặc cấy ghép nội tạng.
- Những người hút thuốc lá.
- Những người nhập viện, đặc biệt nếu họ đã được đặt máy thở.
- Những người mắc bệnh hoặc tình trạng mãn tính, chẳng hạn như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hoặc tiểu đường.
- Những người có các vấn đề sức khỏe khác: suy dinh dưỡng, suy tim, bệnh gan, bệnh thận,…
Biến chứng nguy hiểm của viêm phổi
Mặc dù nó thường được điều trị thành công, nhưng các biến chứng viêm phổi vẫn có thể xảy ra và rất nguy hiểm, đặc biệt đối với những bệnh nhân không được điều trị hoặc có bệnh lý tiềm ẩn. Biến chứng có thể xuất hiện trên nhiều hệ cơ quan khác nhau nhưng phần lớn là trên hệ hô hấp và tuần hoàn.
1. Đối với hệ hô hấp5 6 7
Viêm phổi gây ra các biến chứng nghiêm trọng trên hệ hô hấp bao gồm:
- Suy hô hấp và hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS). Đây là những dạng suy hô hấp nghiêm trọng cần phải sử dụng máy thở để hỗ trợ.
- Viêm phổi hoại tử phát triển khi nhiễm trùng làm cho mô phổi chết và hình thành áp xe phổi. Áp xe phổi, biến chứng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng của bệnh viêm phổi. Chúng xảy ra khi các túi mủ hình thành bên trong hoặc xung quanh phổi. Đôi khi có thể cần phải được dẫn lưu bằng phẫu thuật.
- Khi bị viêm phổi do phế cầu khuẩn còn có thể gặp các biến chứng như: viêm mủ màng phổi (nhiễm trùng quanh phổi và trong khoang ngực), tắc nghẽn nội khí quản (tắc nghẽn đường thở cho phép không khí vào phổi) và xẹp phổi (suy phổi).
- Những người bị mắc đồng thời viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và viêm phổi đặc biệt dễ bị tổn thương. Vì tình trạng viêm do viêm phổi có thể hạn chế luồng không khí và gây tổn thương thêm cho phổi.
2. Đối với hệ tuần hoàn5 8
Nhiễm trùng máu
Nếu vi khuẩn gây ra bệnh viêm phổi có thể xâm nhập vào máu. Điều này gây nên tình trạng nhiễm trùng máu. Nhiễm trùng có thể gây sốc nhiễm trùng. Đây là một phản ứng đối với tình trạng nhiễm trùng trong máu và nó có thể khiến huyết áp giảm xuống mức nguy hiểm. Khi huyết áp quá thấp, tim có thể không bơm đủ máu đến các cơ quan và chúng có thể ngừng hoạt động. Điều này gây nên suy nội tạng và suy cơ quan lan rộng.
Suy tim và viêm màng ngoài tim
Nghiên cứu cho thấy 20% những người nhập viện vì viêm phổi cũng có biến chứng về tim. Một số lý do có thể bao gồm:
- Vi khuẩn xâm nhập vào tim,
- Sự căng thẳng của bệnh tật làm tăng khả năng mắc bệnh tim.
- Cơ thể không gửi đủ oxy đến các cơ quan.
Nguy cơ mắc các vấn đề về tim liên quan đến bệnh viêm phổi sẽ cao hơn nếu:
- Là người lớn tuổi.
- Đang nằm viện.
- Đã bị bệnh tim.
Ngoài ra, tình trạng viêm phổi do phế cầu khuẩn còn gây biến chứng viêm màng ngoài tim.
3. Đối với hệ tiết niệu8
Nếu bạn bị sốc nhiễm trùng, tim có thể không bơm đủ máu đến thận. Đây không phải là một biến chứng phổ biến của bệnh viêm phổi. Tuy nhiên nó nghiêm trọng vì thận sẽ ngừng hoạt động nếu không được cung cấp đủ máu. Đặc biệt là với bệnh nhân mắc các bệnh lý khác ngoài bệnh viêm phổi.
4. Đối với hệ cơ9
Viêm phổi có thể gây teo cơ ở hệ thống hô hấp, xương và cơ cho hoạt động nuốt ở mô hình động vật tiền lâm sàng và ở bệnh nhân người. Teo cơ hoành, teo cơ xương và sự teo cơ nuốt là các dạng thường gặp.
5. Đối với hệ tiêu hóa6
Tổn thương gan phát triển khi cơ quan này không nhận đủ oxy để hoạt động bình thường. Hoặc là khi hệ thống miễn dịch phản ứng với nhiễm trùng.
Phòng ngừa bệnh viêm phổi như thế nào?
Viêm phổi có thể rất nghiêm trọng và thậm chí đe dọa tính mạng. Bạn có thể thực hiện một vài bước để thử và ngăn chặn nó.
1. Tiêm ngừa vaccine
Vaccine có thể giúp ngăn ngừa bệnh viêm phổi do vi khuẩn phế cầu hoặc virus cúm gây ra. Vaccine không thể ngăn ngừa tất cả các trường hợp viêm phổi. Tuy nhiên, so với những người không tiêm vaccine, những người đã tiêm vaccine và vẫn bị viêm phổi có xu hướng:10
- Ít biến chứng nghiêm trọng hơn.
- Nhiễm trùng nhẹ hơn.
- Viêm phổi không kéo dài.
2. Theo dõi sức khỏe định kỳ10 11 12
- Vì viêm phổi thường xảy ra sau các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, nên hãy lưu ý bất kỳ triệu chứng nào kéo dài hơn một vài ngày.
- Hãy cẩn thận để quản lý tốt các tình trạng sức khỏe hiện có như hen suyễn, COPD, tiểu đường và bệnh tim.
3. Vệ sinh sạch sẽ10 11 12
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước hoặc nước rửa tay có cồn để diệt vi trùng. Đặc biệt là sau khi ho hoặc hắt hơi, đi vệ sinh, thay tã và trước khi ăn hoặc chuẩn bị thức ăn.
- Làm sạch và khử trùng các bề mặt được chạm vào nhiều.
- Ho hoặc hắt hơi vào khăn giấy hoặc vào khuỷu tay hoặc tay áo của bạn.
- Chăm sóc tốt các tình trạng y tế (như hen suyễn, tiểu đường hoặc bệnh tim).
4. Xây dựng lối sống lành mạnh và chế độ dinh dưỡng10 11 12
Hoạt động thể chất nhiều và tuân theo một kế hoạch ăn uống lành mạnh giúp giữ hệ thống miễn dịch mạnh mẽ. Hơn nữa, chúng thúc đẩy quá trình phục hồi nhanh hơn khi bạn bị cảm lạnh, cúm hoặc các bệnh về đường hô hấp khác.
5. Không hút thuốc lá10 11 12
Thuốc lá làm hỏng khả năng chống nhiễm trùng của phổi. Những người hút thuốc được phát hiện có nguy cơ mắc bệnh viêm phổi cao hơn. Do đó cần hạn chế tiếp xúc với khói thuốc lá hoặc bỏ hút thuốc lá.
Qua bài viết, hy vọng đã cung cấp cho bạn đọc thêm các thông tin liên quan về bệnh phổi có nguy hiểm không? Bên cạnh đó, bạn đọc nắm được các biến chứng có thể xảy ra. Từ đó, có thể thực hiện các biện pháp phòng tránh và ngăn ngừa hiệu quả cho bản thân và gia đình.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Learn About Pneumoniahttps://www.lung.org/lung-health-diseases/lung-disease-lookup/pneumonia/learn-about-pneumonia
Ngày tham khảo: 04/06/2023
-
Pneumonia - Symptoms and causeshttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pneumonia/symptoms-causes/syc-20354204
Ngày tham khảo: 04/06/2023
-
Pneumonia in children https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/pneumonia
Ngày tham khảo: 04/06/2023
-
Pneumonia - Causes and Risk Factors https://www.nhlbi.nih.gov/health/pneumonia/causes
Ngày tham khảo: 04/06/2023
-
Pneumonia Treatment and Recovery https://www.lung.org/lung-health-diseases/lung-disease-lookup/pneumonia/treatment-and-recovery
Ngày tham khảo: 04/06/2023
-
Pneumonia - Recoveryhttps://www.nhlbi.nih.gov/health/pneumonia/recovery
Ngày tham khảo: 04/06/2023
-
Symptoms and Complications of Pneumococcal Diseasehttps://www.cdc.gov/pneumococcal/about/symptoms-complications.html
Ngày tham khảo: 04/06/2023
-
Serious Complications of Pneumonia You Shouldhttps://www.webmd.com/lung/complications-pneumonia
Ngày tham khảo: 04/06/2023
-
Aspiration pneumonia induces muscle atrophy in the respiratory, skeletal, and swallowing systemshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6104110/
Ngày tham khảo: 04/06/2023
-
10. Pneumonia - Preventionhttps://www.nhlbi.nih.gov/health/pneumonia/prevention
Ngày tham khảo: 04/06/2023
-
Preventing Pneumoniahttps://www.lung.org/lung-health-diseases/lung-disease-lookup/pneumonia/preventing-pneumonia
Ngày tham khảo: 04/06/2023
-
Pneumonia Can Be Prevented—Vaccines Can Help https://www.cdc.gov/pneumonia/prevention.html
Ngày tham khảo: 04/06/2023