YouMed

Viêm tai giữa cấp: nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị

Bác sĩ Võ Nguyễn Thúy Uyên
Tác giả: Bác sĩ Võ Nguyễn Thúy Uyên
Chuyên khoa: Tai - Mũi - Họng

Viêm tai giữa cấp là một bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ và cả với người lớn. Những triệu chứng của bệnh viêm tai giữa như đau tai, chảy dịch tai gây khó chịu cho người bệnh. Không chỉ vậy, nếu không được điều trị thích hợp và kịp  viêm tai giữa cấp có thể diễn tiến nặng hơn và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là biến chứng ở não. Do đó, hiểu biết về viêm tai giữa cấp và có những nhận thức đúng về mức độ nguy hiểm của bệnh là vô cùng cần thiết! Cùng Bác sĩ Võ Nguyễn Thúy Uyên tìm hiểu qua bài viết sau.

Tổng quan về viêm tai giữa cấp

Viêm tai giữa là một tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở tai giữa – khoảng không gian chứa không khí nằm phía sau màng nhĩ của bạn. Viêm tai giữa cấp có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn, tuy nhiên thường gặp hơn ở trẻ em và là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến các bậc phụ huynh phải đưa trẻ đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.

Viêm tai giữa cấp gây ra bởi vi khuẩn hoặc virus, gây ứ dịch trong tai giữa làm căng phồng màng nhĩ dẫn đến đau tai, chảy dịch tai, sốt. Viêm tai giữa cấp thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh, giảm đau và đặt ống thông khí màng nhĩ.1

Tai giữa là khoảng không gian chứa đầy không khí phía sau màng nhĩ: bao gồm các cấu trúc màng nhĩ, chuỗi xương con rất nhỏ làm nhiệm vụ dẫn truyền âm thanh, các tế bào của xương chũm, vòi nhĩ (hay còn gọi là vòi Eustache) là ống thông giữa tai giữa với vùng họng. Trong đó, vòi nhĩ có chức năng điều hòa cân bằng áp lực trong tai giữa và môi trường bên ngoài màng nhĩ, do đó nếu bất thường chức năng vòi nhĩ sẽ dễ dẫn đến các bệnh lý của tai giữa.

Viêm tai giữa cấp tình trạng nhiễm trùng cấp tính ở tai giữa, đặc trưng bởi các triệu chứng viêm nhiễm khởi phát cấp tính như đau tai, chảy dịch tai, và các triệu chứng khác như sốt, mệt mỏi, quấy khóc (ở trẻ em). Viêm tai giữa cấp dễ xuất hiện ở trẻ nhỏ hơn người lớn và thường đi sau hoặc xảy ra cùng lúc với một đợt nhiễm trùng vùng mũi họng ở trẻ.

Điều trị làm giảm các triệu chứng như sốt, đau tai là điều cần thiết khi  bị viêm tai giữa cấp. Đôi khi, thuốc kháng sinh được sử dụng để tiêu diệt vi khuẩn gây ra nhiễm trùng. Một số đối tượng mắc viêm tai giữa cấp hơn người khác. Lưu ý nếu không được điều trị thích hợp và kịp thời, viêm tai giữa cấp có thể gây ra các biến chứng về giảm sức nghe và các biến chứng nghiêm trọng khác.2

Cơ chế bệnh sinh viêm tai giữa cấp
Cơ chế bệnh sinh viêm tai giữa cấp

Những đối tượng bị viêm tai giữa cấp

Viêm tai giữa cấp là căn bệnh rất phổ biến ở trẻ em. Viêm tai giữa cấp xảy ra thường xuyên nhất ở trẻ em từ 6 tháng đến tuổi. Những trẻ bị viêm tai giữa cấp trước 6 tháng tuổi sẽ tăng nguy cơ bị viêm tai giữa tái đi tái lại.3

Người lớn cũng có thể bị viêm tai giữa, nhưng không thường xuyên mắc bệnh như trẻ em.

Yếu tố nguy cơ

Nguy cơ viêm tai giữa cấp tăng cao hơn ở các đối tượng có các yếu tố sau đây:3

  • Tuổi tác: Tuổi là yếu tố nguy cơ chính của viêm tai giữa cấp, 6 tháng đến 2 tuổi là độ tuổi thường bị viêm tai giữa cấp nhất, nguyên do chủ yếu là do vòi nhĩ của trẻ em chưa phát triển hoàn toàn (vòi nhĩ ở trẻ ngắn hơn, mềm hơn và nằm ngang hơn so với người lớn) do đó chưa hoàn toàn hoàn thiện chức năng bảo vệ tai giữa của mình.
  • Tiền sử gia đình: Các thành viên trong gia đình có thể có xu hướng bị viêm tai giữa giống nhau, có liên quan đến gen di truyền về giải phẫu cũng như một số gen liên quan đến hệ miễn dịch.
  • Thuốc lá và ô nhiễm không khí: phơi nhiễm với các chất trong thuốc lá và không khí ô nhiễm cũng làm tăng nguy cơ viêm tai giữa cấp.
  • Chủng tộc: Người Mỹ bản địa và trẻ em gốc Tây Ban Nha bị nhiễm trùng tai nhiều hơn các nhóm dân tộc khác.

Một số yếu tố liên quan khác:3

  • Mùa: viêm tai giữa cấp tăng lên vào mùa thu – đông, có liên quan đến tình trạng nhiễm trùng hô hấp cấp (cảm lạnh).
  • Một số tình trạng bệnh lý như suy giảm miễn dịch, sứt môi chẻ vòm, hội chứng Down, viêm mũi dị ứng có liên quan đến tăng nguy cơ viêm tai giữa cấp.

Nguyên nhân viêm tai giữa cấp

Tình trạng nhiễm trùng hô hấp trên trước đó

Viêm tai giữa cấp thường theo sau một tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp trên liên quan đến niêm mạc vùng mũi hầu, amidan và vòi nhĩ.

Một số tác nhân vi rút thường gặp gây bệnh viêm tai giữa cấp cũng thường gặp trong các bệnh cảm lạnh thông thường vì viêm tai giữa cấp thường đi sau một tình trạng cảm lạnh (hay nhiễm trùng hô hấp trên), bao gồm:

  • Virus hợp bào hô hấp (RSV).
  • Adenovirus.
  • Virus cúm.
  • Rhinovirus.
  • Coronavirus.

Ngoài ra, 3 tác nhân vi khuẩn thường gặp trong viêm tai giữa cấp lần lượt là Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae và Moraxella catarrhalis.

Vai trò của vòi eustache (vòi nhĩ)

Vòi nhĩ là một cấu trúc nối giữa tai giữa với vùng mũi họng. Phần cuối vòi ở vùng mũi họng thường đóng và mở để:

  • Điều chỉnh áp suất không khí trong tai giữa.
  • Làm mới không khí trong tai.
  • Thoát dịch tiết sinh lý từ tai giữa.

Các ống vòi nhĩ có thể bị tắc nghẽn do viêm nhiễm, dẫn đến một loạt các sự kiện như tăng áp lực âm ở tai giữa và tích tụ dịch tiết niêm mạc cho phép sự xâm nhập của vi rút và vi khuẩn vào tai giữa. Sự phát triển của các vi sinh vật này trong tai giữa sau đó dẫn đến sự mưng mủ, dẫn đến các triệu chứng của viêm tai giữa cấp tính như phồng hoặc đỏ màng nhĩ, đau tai và chảy dịch tai.

Ở trẻ em, ống vòi nhĩ ngắn hơn, mềm hơn, và nằm ngang hơn, khiến do dịch từ tai giữa khó thoát lưu hơn và dịch bẩn chứa các vi khuẩn, vi rút từ vùng mũi họng dễ trào ngược lên, làm vòi dễ bị tắc dẫn đến ứ dịch trong tai giữa tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển, hoặc viêm tai giữa do nhiễm trùng ngược dòng từ vùng mũi họng.

Vai trò của amidan

Vì amidan ở gần chỗ mở của ống vòi nhĩ, nên khi sưng lên, amidan có thể làm tắc vòi nhĩ.  Điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng tai giữa. Sưng và kích ứng amidan có nhiều khả năng đóng một vai trò trong nhiễm trùng tai ở trẻ em vì trẻ em có khối amidan tương đối lớn hơn so với người lớn. Khi amidan sưng to khi bị viêm hoặc tình trạng quá phát (thường gặp ở trẻ em hơn người lớn), vòi nhĩ sẽ bị tắc, dẫn đến ứ đọng chất dịch thoát lưu từ tai giữa và dẫn đến viêm tai giữa cấp.3

Triệu chứng viêm tai giữa cấp

Viêm tai giữa được phân thành nhiều loại theo các nhóm nguyên nhân và triệu chứng tương ứng bao gồm:

Viêm tai giữa cấp xuất tiết

Nguyên nhân

  • Do viêm mũi họng, viêm VA.
  • Do mất thăng bằng áp lực giữa tai giữa và tai ngoài.
  • Do cơ địa dị ứng.

Triệu chứng lâm sàng

  • Đau nhói trong tai hay tức ở tai như bị đút nút.
  • Ù tai tiếng trầm.
  • Nghe kém nhẹ kiểu dẫn truyền.
  • Nói có tiếng tự vang.

Viêm tai giữa cấp mủ

Bệnh chỉ khu trú ở niêm mạc tai giữa, không có tổn thương xương.

Nguyên nhân

  •  Thường do viêm mũi họng, viêm amidan, viêm V.A., viêm xoang.
  • Sau các bệnh nhiễm trùng lây: như cúm, sởi…
  • Sau chấn thương: do áp lực, do hỏa khí gây thủng màng nhĩ…

Nguyên nhân khác có thể gặp như: nhét bấc mũi sau để quá lâu, xì mũi không đúng cách, do khối u ở vòm mũi họng, thoái hóa đuôi cuốn dưới làm tắc vòi nhĩ.

Triệu chứng lâm sàng: Gồm hai giai đoạn

  1. Giai đoạn đầu

Triệu chứng chủ yếu là viêm mũi họng: Có sốt nhẹ hay cao, đau rát họng, chảy mũi, ngạt mũi, ho, có thể đau tai nhiều hoặc ít, ù tai.

  1. Giai đoạn toàn phát

Thời kỳ chưa vỡ mủ:

  • Toàn thân: Sốt cao 39-40ºC, thể trạng mệt mỏi, nhiễm trùng, ở trẻ nhỏ có thể có co giật. Có thể có rối loạn tiêu hóa, nhất là ở nhũ nhi và trẻ nhỏ.
  • Cơ năng: Đau dữ dội trong tai, đau bần bật theo nhịp mạch, đau lan nửa đầu, Nghe kém kiểu dẫn truyền, Có thể có ù tai tiếng trầm.

Thời kỳ vỡ mủ: Có thể do chích rạch hay tự vỡ mủ. Các triệu chứng giảm nhanh: hết sốt, hết ỉa chảy, đỡ đau tai, bớt ù tai, có thể còn nghe kém nhẹ.

Viêm xương chũm cấp

Do viêm tai giữa cấp gây nên, thường sau một vài tuần bệnh không đỡ mà các triệu chứng lại nặng lên, biểu hiện:

Toàn thân: Tình trạng nhiễm trùng, mệt mỏi, sốt cao. Bệnh nhân có thể cảm thấy:4

  • Đau tai: đau tăng lên nhiều, đau lan ra vùng xương chũm và thái dương, có thể đau dữ dội làm mất ngủ kém ăn
  • Nghe kém: tăng lên rõ, kiểu truyền âm.
  • Có thể có ù tai và chóng mặt.
Triệu chứng sưng đau sau tai trong biến chứng viêm xương chũm cấp
Triệu chứng sưng đau sau tai trong biến chứng viêm xương chũm cấp

Điều trị/Xử lý tại nhà

Các triệu chứng của viêm tai giữa cấp có thể tự thoái lui sau vài ngày. Những đối tượng có thể được theo dõi sát tại nhà bao gồm: trẻ từ 6 đến 23 tháng bị viêm tai giữa một bên, sốt dưới 39ºC. Nếu các triệu chứng như sốt, đau tai không thuyên giảm sau 2-3 ngày thì nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế được được thăm khám và điều trị.5

Các phương pháp chăm sóc tại nhà sau đây để giảm đau cho người bệnh trong khi chờ viêm tai giữa cấp tự khỏi:6

  • Chườm khăn ấm: chườm ấm sẽ giúp cải thiện triệu chứng đau tai
  • Dùng thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen (Advil, Motrin) và acetaminophen (Paracetamol). Liều paracetamol thường được khuyên dùng là 10-15 mg/kg. Lưu ý uống thuốc giảm đau cách nhau tối thiểu 4 giờ để hạn chế các tác dụng phụ có hại về chức năng gan của thuốc. Nếu đau nhiều không đáp ứng với liều thuốc giảm đau thông dụng, hãy đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.6

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nhận biết các triệu chứng nặng của viêm tai giữa cấp là vô cùng cần thiết để người bệnh có thể nhanh chóng nhận được sự điều trị thích hợp và kịp thời từ các bác sĩ chuyên khoa, tránh để viêm tai giữa cấp diễn tiến đến các biến chứng nguy hiểm khác.

Tìm đến cơ sở y tế gần nhất nếu có các dấu hiệu sau:1

  • Sưng đau vùng sau tai
  • Trẻ li bì, bỏ bú, bỏ ăn, nôn ói nhiều hoặc quấy khóc liên tục
  • Đau tai dữ dội.
  • Sốt trên 39°C.
  • Có dấu hiệu yếu liệt trên khuôn mặt (ví dụ méo miệng)
  • Chảy dịch tai (có thể chảy mủ vàng, trắng đục hoặc có màu đỏ lẫn máu)
  • Các triệu chứng như sốt, đau tai không giảm hơn 48 giờ sau khi khởi phát triệu chứng
  • Bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc mối lo lắng nào.
Chảy dịch, máu tai - Một trong những dấu hiệu nguy hiểm mà người bệnh cần phải đến gặp bác sĩ
Chảy dịch, máu tai – Một trong những dấu hiệu nguy hiểm khi bị viêm tai giữa cấp mà người bệnh cần phải đến gặp bác sĩ

Chẩn đoán và điều trị viêm tai giữa có mủ

Các xét nghiệm cần thực hiện4

Chẩn đoán viêm tai giữa cấp dựa vào các dấu hiệu lâm sàng và khám tai qua đèn soi tai.

1. Khám tai

Bác sĩ sẽ khám tai của người bệnh bằng một dụng cụ gọi là đèn soi tai. Màng nhĩ khỏe mạnh sẽ có màu xám hồng và có độ trong nhất định. Nếu bị nhiễm trùng, màng nhĩ có thể bị viêm, sưng hoặc đỏ, bên trong hòm nhĩ có thể chứa dịch.

Hình ảnh màng nhĩ xung huyết, căng phồng trong viêm tai giữa cấp
Hình ảnh màng nhĩ xung huyết, căng phồng trong viêm tai giữa cấp

2. Các xét nghiệm khác

Bác sĩ có thể thực hiện thêm các xét nghiệm khác nếu có bất kỳ nghi ngờ nào về chẩn đoán, viêm tai giữa cấp không đáp ứng với điều trị hoặc để loại trừ hay xác định các bệnh lý hệ thống hoặc bẩm sinh có liên quan.

Hình ảnh học không được chỉ định trừ khi liên quan các biến chứng trong xương thái dương hoặc nội sọ. Khi nghi ngờ có biến chứng do viêm tai giữa, chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ vùng tai – xương đá, sọ não có thể xác định viêm xương chũm, áp xe ngoài màng cứng, viêm tắc huyết khối xoang sigmoid, viêm màng não, áp xe não, áp xe dưới màng cứng, bệnh lý chuỗi xương con và cholesteatoma.

Trích nhĩ là một thủ thuật trích rạch màng nhĩ để dẫn lưu chất lỏng từ tai giữa ra ngoài. Trích nhĩ thường dùng để xác định tình trạng tụ dịch trong tai giữa và định danh các vi khuẩn hoặc virus nếu có.

Cách điều trị viêm tai giữa cấp1 4 5

Viêm tai giữa có thể tự khỏi mà không cần điều trị kháng sinh. Lựa chọn phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố: mức độ và diễn tiến của các triệu chứng, cơ địa của trẻ và khả năng tiếp cận các phương tiện y tế sẵn có.

1. Chờ đợi và theo dõi

Các triệu chứng của viêm tai giữa cấp thường cải thiện trong vài ngày đầu tiên và hầu hết các trường hợp viêm tai giữa sẽ tự khỏi trong vòng một đến hai tuần mà không cần điều trị.  Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ và Học viện Bác sĩ Gia đình Hoa Kỳ khuyến nghị phương pháp chờ đợi và theo dõi như một lựa chọn cho triệu chứng đau tai mức độ nhẹ tai ở một bên tai trong thời gian dưới 48 giờ và nhiệt độ thấp hơn 39ºC.

2. Kiểm soát cơn đau

  • Thuốc giảm đau uống hoặc tại chỗ (thuốc nhỏ tai có chưa chất giảm đau). Nên sử dụng thuốc hàm lượng và liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
  • Chích nhĩ giúp giảm sưng phồng màng nhĩ. Từ đó giúp dẫn lưu dịch từ tai giữa ra ngoài có thể giúp giảm đau tai. Tuy nhiên chỉ định chích nhĩ sẽ phụ thuộc vào đánh giá của bác sĩ sau khi thăm khám kỹ cho trẻ.

3. Kháng sinh

Sau thời gian theo dõi ban đầu, bác sĩ có thể đề nghị điều trị kháng sinh đối với nhiễm trùng tai trong các trường hợp sau:

  • Trẻ dưới 6 tháng tuổi.
  • Trẻ có các dấu hiệu nhiễm trùng nặng (quấy khóc nhiều, sốt trên 39ºC, đau tai dữ dội, li bì).
  • Người mắc các bệnh gây suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS, đái tháo đường, bệnh thận mạn, thiếu hụt miễn dịch bẩm sinh ở trẻ,..
  • Có dấu hiệu của các biến chứng: sưng đau sau tai, yếu liệt mặt,…
  • Viêm tai giữa cấp 2 bên, chảy mủ tai, không có điều kiện tái khám, theo dõi
  • Không cải thiện các triệu chứng hoặc các triệu chứng nặng lên sau 2-3 ngày từ lúc bắt đầu xuất hiện đau tai, sốt.

Ngay cả khi các triệu chứng đã được cải thiện, hãy đảm bảo sử dụng kháng sinh theo hướng dẫn. Không uống thuốc đủ liều có thể dẫn đến nhiễm trùng tái phát và vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh.

4. Đặt ống thông khí màng nhĩ

Để đặt ống thông khí màng nhĩ, bác sĩ sẽ tạo ra một lỗ nhỏ trên màng nhĩ cho phép họ hút chất lỏng ra khỏi tai giữa. Một ống nhỏ được đặt ở lỗ đó để giúp thông khí cho tai giữa và ngăn ngừa sự tích tụ của nhiều chất dịch hơn. Một số ống sẽ tồn tại trong vòng 4 đến 18 tháng và sau đó sẽ tự rơi ra.

Màng nhĩ thường tự đóng lại sau khi ống này rơi ra ngoài hoặc được rút ra.

Ống thông màng nhĩ
Ống thông màng nhĩ

Cách phòng ngừa viêm tai giữa cấp

Dưới đây là một số cách để giảm nguy cơ viêm tai giữa cấp cho bạn hoặc trẻ em trong gia đình bạn:1

Tránh khói thuốc lá

Đảm bảo không có ai hút thuốc trong nhà hoặc bên trong xe hơi. Đặc biệt là khi có mặt trẻ em – hoặc tại cơ sở trông nom mà bạn đang gửi trẻ.

Kiểm soát dị ứng

Tình trạng viêm và chất nhầy tiết ra do phản ứng dị ứng có thể làm tắc vòi nhĩ và làm tăng nguy cơ viêm tai giữa cấp.

Ngăn ngừa cảm lạnh:

Giảm nguy cơ trẻ mắc cảm lạnh của trẻ trong một năm đầu đời. Rửa tay thường xuyên. Hầu hết viêm tai giữa cấp đều bắt đầu bằng cảm lạnh.

Cho trẻ bú sữa mẹ

Cho trẻ bú sữa mẹ trong 6 đến 12 tháng đầu đời.  Các kháng thể trong sữa mẹ làm giảm tỷ lệ nhiễm trùng tai.

Để ý tiếng thở bằng miệng hoặc tiếng ngáy

Ngáy liên tục hoặc thở bằng miệng có thể do khối amidan lớn gây ra. Tình trạng này có thể góp phần gây nhiễm trùng tai. Có thể cần phải khám bác sĩ tai mũi họng, và thậm chí phẫu thuật để loại bỏ các amidan (phẫu thuật cắt bỏ amidan).

Viêm tai giữa cấp là một bệnh thường gặp do tác nhân siêu vi và vi trùng. Bệnh có thể tự khỏi tuy nhiên nếu không được theo dõi, điều trị thích hợp. Từ đó có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, gây giảm sức nghe về sau. Do đó, hiểu biết và phòng ngừa viêm tai giữa cấp, cho cả trẻ em lẫn người lớn là vô cùng thiết thực. Hy vọng qua bài viết này có thể giúp mọi người có kiến thức đúng và đủ về căn bệnh này.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Ear Infection (Otitis Media)https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/8613-ear-infection-otitis-media

    Ngày tham khảo: 08/09/2022

  2. Ear infection (middle ear)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/ear-infections/symptoms-causes/syc-20351616

    Ngày tham khảo: 08/09/2022

  3. Lâm Huyền Trân, Lý Xuân Quang (2021), Bài giảng Tai Mũi Họng, NXB Y học.

  4. Richard M. Rosenfeld, Anne G.M. Schilder, Roderick P. Venekamp. Acute Otitis Media and Otitis Media With Effusion. In: Cummings Otolaryngology Head and Neck Surgery 7th. Elsevier Health Sciences; 2021:2956-2969.

  5. Acute Otitis Mediahttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK470332/

    Ngày tham khảo: 08/09/2022

  6. Acute Otitis Media: Causes, Symptoms, and Diagnosishttps://www.healthline.com/health/ear-infection-acute

    Ngày tham khảo: 08/09/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người