YouMed

Viêm túi mật hoại tử: Biến chứng nguy hiểm bạn cần chú ý

bác sĩ hứa minh luân
Tác giả: Bác sĩ Hứa Minh Luân
Chuyên khoa: Ngoại tổng quát

Viêm túi mật là một bệnh lý phổ biến của đường tiêu hoá. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm. Một trong những biến chứng nguy hiểm đó là hoại tử túi mật. Vậy viêm túi mật hoại tử là gì? Tình trạng này nguy hiểm như thế nào? Dấu hiệu nhận biết cũng như điều trị ra sao? Bài viết dưới đây của bác sĩ Hứa Minh Luân sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về biến chứng viêm túi mật hoại tử này. Nào chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé!

Hiểu rõ hơn về bệnh viêm túi mật

Túi mật là một túi nhỏ nằm dưới gan. Đây là một bộ phận của hệ thống đường dẫn mật, có màu xanh, hình quả lê, có tác dụng lưu trữ và cô đặc mật. Mật là chất do gan bài tiết ra và lưu trữ trong túi mật. Mật sẽ được túi mật tống xuất xuống ruột để tiêu hoá chất béo. Túi mật được cấu tạo gồm 3 phần là đáy, thân và cổ túi mật.

Viêm túi mật là tình trạng viêm, nhiễm trùng ở túi mật. Nguyên nhân chính thường do sỏi túi mật gây ra. Sỏi túi mật hay đường mật gây tắc nghẽn khiến ứ đọng dịch mật. Lâu ngày dẫn đến các vi trùng sinh sôi nảy nở gây ra tình trạng viêm.

Viêm túi mật bị hoại tử do đâu?

Tình trạng viêm túi mật nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như: thủng túi mật, hoại tử túi mật… Như vậy hoại tử túi mật là hậu quả của tình trạng viêm túi mật lâu ngày.

Túi mật hoại tử là tình trạng một phần mô túi mật bị chết do viêm hoặc nhiễm trùng thường liên quan đến sỏi mật. Đây là một tình trạng cấp cứu khẩn cấp và phải tiến hành phẫu thuật để điều trị kịp thời tình trạng nhiễm trùng. Nhằm không cho cơ hội chúng lây lan đe dọa tính mạng của người bệnh.

Sỏi túi mật là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây viêm túi mật
Sỏi túi mật là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây viêm túi mật

Mức độ nguy hiểm của viêm túi mật hoại tử

Đối với những ca viêm túi mật chưa gây biến chứng. Nếu ta được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời thì sẽ không gây nguy hiểm nhiều. Tuy nhiên, đối với những ca đã gây ra các biến chứng. Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến sốc nhiễm trùng, nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.

Viêm túi mật hoại tử là một biến chứng rất nguy hiểm của viêm túi mật. Nếu không được chẩn đoán và can thiệp điều trị kịp thời bệnh sẽ khiến các mô túi mật bị viêm mủ, gây thủng hoặc vỡ túi mật. Từ đó hình thành nên ổ áp xe, viêm phúc mạc và nghiêm trọng hơn có thể gây nhiễm trùng máu rất nguy hiểm.

Theo thống kê, tỉ lệ xảy ra biến chứng này chiếm khoảng 16-25% và tỉ lệ tử vong chiếm khoảng 20%. Đây là con số đáng báo động. Qua các con số thống kê trên, ta có thể thấy đây là một căn bệnh rất nguy hiểm. Chính vì thế, chúng ta không nên chủ quan mà phải hết sức thận trọng với chúng.

Phân biệt túi mật bình thường và tình trạng túi mật nhiễm trùng, hoại tử và vỡ gây viêm phúc mạc nặng
Phân biệt túi mật bình thường và tình trạng túi mật nhiễm trùng, hoại tử và vỡ gây viêm phúc mạc nặng

Dấu hiệu nhận biết viêm túi mật hoại tử

Khi tình trạng viêm túi mật đã gây ra biến chứng hoại tử túi mật, người bệnh có thể có các triệu chứng sau:

Đau bụng

Bệnh nhân có triệu chứng đau bụng ở vị trí vùng bụng trên bên phải. Đây là triệu chứng cấp tính của viêm túi mật hoại tử. Cơn đau xảy ra cấp tính và dữ dội ở hạ sườn phải và đau tăng lên sau khi ăn. Sau đó, cơn đau có thể lan ra khắp bụng, có thể lan lên vai phải, cánh tay phải và ra sau lưng.

Đau bụng hạ sườn phải là dấu hiện phổ biến nhận biết viêm túi mật hoại tử
Đau bụng hạ sườn phải là dấu hiện phổ biến nhận biết viêm túi mật hoại tử

Vàng da

Các trường hợp viêm túi mật hoại tử có thể có triệu chứng vàng da, vàng mắt. Nguyên nhân là do túi mật không thể lưu trữ thêm dịch mật. Nên dịch mật vào máu dẫn đến tình trạng vàng da, vàng mắt.

Buồn nôn, nôn

Buồn nôn và nôn là một dấu hiệu cảnh báo đối với bệnh viêm túi mật hoại tử. Nguyên nhân là do gan sản xuất một lượng lớn dịch mật để bù trừ. Tuy nhiên, túi mật không thể lưu trữ dịch mật và tiêu hoá thức ăn. Khiến người bệnh cảm giác khó tiêu, đầy hơi, buồn nôn và nôn.

Xem thêm: Rối loạn tiêu hóa: chẩn đoán và điều trị như thế nào?

Sốt, ớn lạnh

Đa số trong các trường hợp viêm túi mật hoại tử, người bệnh sẽ có triệu chứng sốt và ớn lạnh. Nguyên nhân là do khi túi mật hoại tử sẽ biểu hiện tình trạng nhiễm trùng toàn thân nên người bệnh dễ biểu hiện sốt. Tuy nhiên, sốt và ớn lạnh là một triệu chứng phổ biến của nhiều bệnh lý khác nhau. Vì thế, ta cần thăm khám kĩ để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh tránh nhầm lẫn.

Người bệnh có thể bị sốt do tình trạng nhiễm trùng mà viêm túi mật hoại tử gây ra
Người bệnh có thể bị sốt do tình trạng nhiễm trùng mà viêm túi mật hoại tử gây ra

Dấu hiệu đường ruột

Người bệnh bị viêm túi mật hoại tử có thể có các triệu chứng như tiêu chảy hoặc nôn ói… Tiêu chảy thường xảy ra sau khi ăn. Đặc biệt khi người bệnh ăn các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo. Tuy nhiên, đây là triệu chứng không đặc hiệu do nó có thể gặp ở các trường hợp bệnh lý khác. Chính vì thế, chúng ta cần kết hợp thêm các triệu chứng khác để chẩn đoán chính xác được bệnh.

Viêm túi mật hoại tử có chữa khỏi không?

Phương pháp điều trị

Nếu người bệnh có triệu chứng của viêm túi mật, thì cần phải đến các cơ sở khám chữa bệnh. Để được thăm khám và điều trị kịp thời tránh xảy ra biến chứng. Trong hầu hết các trường hợp, nếu biến chứng xảy ra bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cắt túi mật cấp cứu. Tuỳ vào tình trạng của người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật nội soi hay mổ hở.

Nếu người bệnh vào nhập viện sớm sau khi xảy ra biến chứng sẽ được cấp cứu và điều trị kịp thời. Trường hợp này có thể hồi phục hoàn toàn. Nhưng nếu người bệnh vào viện quá muộn thì bệnh có thể diễn tiến nặng và có nguy cơ tử vong. Hai phương pháp phẫu thuật cắt túi mật bao gồm:

  • Phẫu thuật nội soi cắt túi mật: Đây là phương pháp tiên tiến được sử dụng phổ biến nhất. Bác sĩ sẽ rạch 3 đến 4 lỗ nhỏ kích thước khoảng 10mm trên bụng để đưa dụng cụ nội soi vào. Phẫu thuật nội soi với ưu điểm vết mổ nhỏ, ít đau, tính thẩm mỹ cao và hồi phục nhanh xuất viện sớm…
  • Phẫu thuật mổ hở cắt túi mật: Đây là phẫu thuật truyền thống. Bác sĩ sẽ rạch một đường dài trên bụng để phẫu thuật cắt túi mật. Phương pháp này có nhiều nhược điểm như: vết mổ lớn, lâu lành, đau nhiều, để lại sẹo xấu.

Xem thêm: Bệnh sỏi túi mật có nguy hiểm không và câu trả lời từ bác sĩ

Phân biệt hai phương pháp mổ nội soi và mổ hở cắt túi mật
Phân biệt hai phương pháp mổ nội soi và mổ hở cắt túi mật

Chăm sóc người bệnh sau mổ

Ở giai đoạn hồi phục sau khi cắt túi mật. Người bệnh cần được sử dụng các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm để nhanh chóng hồi phục. Sau khi phẫu thuật, vấn đề ăn uống của người bệnh cũng nên được chú ý nhiều hơn.

  • Nên cho người bệnh ăn các loại thực phẩm mềm, dễ tiêu hoá trong thời gian đầu sau phẫu thuật để việc tiêu hoá diễn ra dễ dàng hơn. Sau khi cơ thể đã thích ứng với việc không có túi mật thì người bệnh có thể quay lại ăn theo chế độ bình thường.
  • Hạn chế ăn các loại chất béo vì ăn nhiều sẽ khiến người bệnh khó tiêu hoá.
  • Tránh các loại thực phẩm giàu cholesterol như: lòng đỏ trứng, nội tạng động vật, các loại thức ăn nhanh…
  • Nên bổ sung các loại dầu thực vật, chất béo tốt như: dầu ô liu, dầu cá… Các loại thực phẩm này hỗ trợ tốt cho đường tiêu hoá.

Tóm lại, viêm túi mật hoại tử là biến chứng của tình trạng viêm túi mật. Đây là một biến chứng nguy hiểm, diễn tiến nhanh với tỉ lệ tử vong cao nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Do vậy, nếu bạn cảm thấy có các dấu hiệu hay triệu chứng của bệnh thì hãy đến khám ở các cơ sở y tế gần nhất để được điều trị và can thiệp kịp thời. Hi vọng bài viết trên của bác sĩ Hứa Minh Luân đã cung cấp cho bạn những thông tin cơ bản về tình trạng này. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc hay câu hỏi cần tư vấn thì hãy liên hệ với chúng tôi nhé!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Gangrenous Cholecystitis: Mortality and Risk Factorshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4337439/

    Ngày tham khảo: 26/08/2021

  2. Cholecystitishttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/cholecystitis/symptoms-causes/syc-20364867

    Ngày tham khảo: 26/08/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người