Có những xét nghiệm sùi mào gà nào? Xét nghiệm bao lâu có kết quả?
Nội dung bài viết
Bệnh sùi mào gà là một căn bệnh xã hội có sự lây lan nhanh chóng. Nếu không biết cách phòng tránh và không phát hiện kịp thời, bệnh có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Do đó, việc tìm hiểu các xét nghiệm sùi mào gà giúp chẩn đoán bệnh sớm là vô cùng cần thiết. Vậy các xét nghiệm đó là gì? Hãy cùng Bác sĩ Phan Văn Giáo tìm hiểu qua bài viết sau.
Vì sao nên đi xét nghiệm sùi mào gà?
Sùi mào gà, hay còn gọi là bệnh mụn cóc ở bộ phận sinh dục, do vi rút Human papilloma (HPV) gây nên. Đây là một bệnh lây truyền qua đường tình dục thường gặp. Sùi mào gà là các tổn thương dạng nhú lành tính ở cơ quan sinh dục. Bên cạnh đó, nó còn có thể thấy ở môi, họng, lưỡi, vòm họng ở những người có tiền sử quan hệ tình dục đường miệng.1
Trong năm 2016, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thế giới có khoảng 300 triệu phụ nữ bị nhiễm HPV.1
Nhiễm HPV dường như là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp ung thư hậu môn (khoảng 90%), và hầu như tất cả các trường hợp ung thư cổ tử cung ở phụ nữ, với HPV type 16 chiếm khoảng 50% trong số này. Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ tư ở phụ nữ. Một số bệnh ung thư âm hộ có liên quan đến nhiễm trùng HPV (29% đến 43%). Trong khi ung thư âm đạo có liên quan đến nhiễm trùng HPV khoảng 70% (HPV tuýp 16 và 18).2
Ở nam giới, bệnh Bowen của dương vật và khoảng 35% đến 40% của tất cả các trường hợp ung thư dương vật có liên quan đến nhiễm trùng HPV.2
Xét nghiệm sùi mào gà giúp tìm ra virus HPV trong cơ thể người bệnh. Nhằm chẩn đoán người đó có mắc bệnh sùi mào gà hay không. Nếu có thì đang mắc phải tuýp mấy, mức độ nguy hiểm như thế nào. Để đưa ra chẩn đoán và hướng xử trí kịp thời.
Khi nào nên đi xét nghiệm sùi mào gà ở nam và nữ?
Sùi mào gà lây truyền chủ yếu qua đường tình dục khi quan hệ không an toàn. Vì vậy, xét nghiệm sùi mào gà ở cả nam và nữ, đối tượng có đời sống tình dục phức tạp, quan hệ với nhiều người, quan hệ không sử dụng biện pháp bảo vệ là vô cùng cần thiết. Hoặc trường hợp phát hiện bạn tình có đời sống tình dục phức tạp, bạn cũng cần đến gặp bác sĩ để khám và kiểm tra định kỳ.
Khi đã nhiễm HPV, virus này thường yêu cầu thời gian ủ bệnh từ 3 tuần đến 8 tháng trước khi biểu hiện lâm sàng. Trung bình, các triệu chứng thể chất bắt đầu khoảng 2 đến 3 tháng sau khi tiếp xúc ban đầu.3
Đối với nữ giới
Sùi mào gà xuất hiện trong và xung quanh âm đạo, hậu môn, hoặc trên cổ tử cung. Chúng có thể rất nhỏ hoặc xuất hiện dưới dạng các cụm lớn. Chúng có thể có màu hơi đỏ hoặc màu trắng. Đôi khi, bạn có thể bị mụn cóc sinh dục nhưng không có triệu chứng gì. Bạn cũng có thể có các triệu chứng giống như mụn cóc sinh dục nhưng hóa ra là một cái gì đó khác.4
Đối với nam giới
Sùi mào gà có thể xuất hiện trên dương vật, bìu hoặc xung quanh hậu môn. Bạn sẽ cần yêu cầu bác sĩ khám hoặc kiểm tra định kỳ.4
Ở cả nam và nữ, sùi mào gà cũng có thể xuất hiện trên môi, lưỡi, miệng và cổ họng trong các trường hợp quan hệ tình dục bằng miệng.
Hãy đi khám bác sĩ ngay lập tức nếu bạn hoặc bạn tình của bạn có các dấu hiệu trên. Ngoài ra, bạn cũng cần đến gặp bác sĩ khi:
Bạn có dịch tiết bất thường từ âm đạo hoặc dương vật.4
- Nóng rát, đau hoặc chảy máu khi đi tiểu hoặc khi quan hệ tình dục.
- Bạn tình được chẩn đoán là bị sùi mào gà.
- Con bạn bị sùi mào gà.
Xét nghiệm sùi mào gà ở nam và nữ như thế nào?
Một số xét nghiệm bác sĩ có thể thực hiện để đánh giá xem người bệnh có nhiễm phải bệnh sùi mào gà như sau:5
Đối với nam giới
- Đánh giá, xem xét sự tăng trưởng các nốt sần ở bộ phận sinh dục xem đó có phải là sùi mào gà hay không.
- Kiểm tra bộ phận sinh dục và hậu môn.
- Lấy mẫu dịch từ bộ phận sinh dục (dịch niệu đạo ở nam, dịch âm đạo ở nữ) để kiểm tra bệnh lậu/chlamydia.
- Lấy mẫu máu xét nghiệm HIV/giang mai.
Đối với phụ nữ
Hầu hết các xét nghiệm ở nữ cũng giống như nam giới. Nhưng có thể thực hiện thêm một số xét nghiệm sùi mào gà như:
- Xét nghiệm HPV hay xét nghiệm PAP.
- Xét nghiệm bệnh lậu, giang mai, HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
Trong một vài trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định khám phụ khoa, tiết niệu hoặc da liễu để tiến hành xét nghiệm và sinh thiết thêm.
Có những xét nghiệm sùi mào gà nào? Xét nghiệm sùi mào gà bao lâu có kết quả?
Chẩn đoán sùi mào gà thường dựa trên biểu hiện lâm sàng và cần chẩn đoán phân biệt với:
- Dày sừng tiết bã: Có thể xuất hiện nhiều hơn, có sắc tố và bao gồm các nang sừng chứa đầy chất sừng.
- Ung thư biểu mô tế bào vảy: Có thể bị loét, dai dẳng và phát triển không đều.
- U nhú ở da: không thấy đường da và mao mạch khi cạo.
Khi lâm sàng không rõ, hoặc nghi ngờ thì bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm để hỗ trợ chẩn đoán.
Hiện nay có rất nhiều phương pháp xét nghiệm sùi mào gà. Tùy vào tình trạng sức khỏe của người bệnh bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp xét nghiệm sùi mào gà phù hợp. Mỗi xét nghiệm sùi mào gà khác nhau sẽ có những ưu điểm nhược điểm riêng.
1. Xét nghiệm acid acetic6
Xét nghiệm này là cách nhanh nhất để biết bệnh nhân có mắc bệnh sùi mào gà hay không.
Bôi dung dịch acid acetic có nồng độ thích hợp lên vùng da có các nốt sùi nghi ngờ do sùi mào gà. Sau 2 – 5 phút, nếu các nốt sùi này chuyển sang màu trắng nghĩa là cơ thể bạn đã nhiễm virus HPV. Riêng phần hậu môn có thể phản ứng chậm hơn.
2. Xét nghiệm máu sùi mào gà6
Xét nghiệm máu là phương pháp xét nghiệm phổ biến, được các bác sĩ chỉ định tùy vào mục đích khác nhau. Kết quả thu được là cơ sở để bác sĩ chẩn đoán ra bệnh, đồng thời, đánh giá mức độ hiệu quả của các phương pháp điều trị. Vậy xét nghiệm máu có phát hiện sùi mào gà không?
Xét nghiệm máu trong chẩn đoán sùi mào gà thường được bác sĩ sẽ chỉ định đối với các trường hợp nghi ngờ mắc sùi mào gà nhưng không có triệu chứng rõ ràng.
Nhân viên y tế sẽ lấy máu của bệnh nhân đem đi phân tích, phương pháp này cho kết quả khá nhanh, chỉ từ 15 – 30 phút.
Ưu điểm của xét nghiệm máu:
- Thời gian trả kết quả nhanh.
- Dễ thực hiện.
- Chi phí rẻ.
Chưa thể khẳng định xét nghiệm máu hoàn toàn chính xác trong việc chẩn đoán sùi mào gà. Đối với từng bệnh nhân, từng trường hợp cụ thể bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện những loại xét nghiệm nhất định cũng cố những kết luận và đưa ra chẩn đoán chính xác nhất.
3. Xét nghiệm sùi mào gà bằng mẫu vật6
Trong phương pháp xét nghiệm sùi mào gà bằng mẫu vật, bác sĩ sẽ lấy các u nhú, nốt sùi, mụn sùi ở cơ thể của bệnh nhân rồi soi dưới kính hiển vi để phát hiện virus HPV. Phương pháp này được chỉ định đối với những bệnh nhân đã có các nốt sùi trên cơ thể.
Phương pháp này cho kết quả khá chính xác do nhờ vào sự hỗ trợ của các máy móc hiện đại. Thời gian cho ra kết quả từ 1-2 ngày.
4. Xét nghiệm thông qua mẫu dịch6
Trong một số trường hợp, virus gây bệnh sùi mào gà có thể lưu trú trong dịch của người bệnh. Ví dụ là dịch niệu đạo ở nam và dịch âm đạo ở nữ. Các trường hợp này không thể quan sát được bằng mắt thường, nên việc sử dụng các xét nghiệm trình bày ở trên khó tiến hành được. Do đó, việc lấy mẫu dịch là cách chẩn đoán hiệu quả nhất. Thời gian cho kết quả của phương pháp này khá nhanh, chỉ trong khoảng từ 20 – 30 phút.
5. Xét nghiệm HPV – Cobas
Đây là phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung và tìm virus HPV cùng lúc. Phương pháp này có độ nhạy 90 – 95%.
Ở phụ nữ, virus HPV không chỉ gây bệnh sùi mào gà, mà nó còn là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư cổ tử cung, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng. Vì thế với những phụ nữ đến độ tuổi sinh sản, bác sĩ thường yêu cầu làm xét nghiệm Cobas – Test để đánh giá nguy cơ bệnh lý.
Một số lưu ý trước khi thực hiện xét nghiệm:
- Nên tránh: Giao hợp, bơm rửa âm đạo, thuốc đặt âm đạo, dùng thuốc diệt tinh trùng ít nhất 2 ngày trước đó
- Không thực hiện trong thời kỳ kinh nguyệt. Thời gian làm Cobas – Test tốt nhất là khoảng ngày 8-15 của chu kỳ.
- Phụ nữ độc thân không thực hiện xét nghiệm để tầm soát trừ khi có yêu cầu xét nghiệm để chẩn đoán.
6. Xét nghiệm type HPV – PCR
Xét nghiệm HPV là xét nghiệm giúp xác định bạn có nhiễm virus HPV hay không.
Xét nghiệm PCR
Bác sĩ sẽ đánh giá nhiễm HPV bằng xét nghiệm PCR. PCR sẽ cho kết quả:
- Có nhiễm HPV hay không?
- Nếu có thì nhiễm HPV type nào?
- Nguy cơ thấp hay nguy cơ cao mắc sùi mào gà hay ung thư cổ tử cung.
Bệnh phẩm được lấy để xét nghiệm là mảnh sinh thiết cổ tử cung (đối với nữ) hoặc dịch niệu đạo (đối với nam).
Kết quả xét nghiệm
- Dương tính: có nhiễm HPV. Khuyến cáo nên xét nghiệm đồng thời với xét nghiệm PAP để tầm soát ung thư cổ tử cung.
- Âm tính: Không phát hiện được virus HPV. Nếu kết quả âm tính mà vẫn còn nghi ngờ, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện thêm vài xét nghiệm bổ sung trước khi đưa ra kết quả chẩn đoán cuối cùng.
Xét nghiệm sùi mào gà ở đâu? Xét nghiệm sùi mào gà bao nhiêu tiền?
Sùi mào gà là một trong những bệnh tình dục phổ biến hiện nay. Sùi mào gà không thể tự khỏi, và có thể tái phát ngay cả khi đã được chữa trị.
Người mắc sùi mào gà thường có tâm lý xấu hổ, ngại ngần không dám chia sẻ, không muốn đi khám bệnh. Tuy nhiên, sùi mào gà càng để lâu càng khó điều trị. Nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính tâm lý, sức khỏe của bệnh nhân, có thể dẫn đến các biến chứng liên quan tới tính mạng. Bên cạnh đó còn có nguy cơ lây lan cho những người xung quanh.
Hiện nay, có rất nhiều cơ sở y tế thực hiện xét nghiệm bệnh sùi mào gà. Tuy nhiên không phải cơ sở nào cũng uy tín và đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Bên cạnh đó, có rất nhiều phương pháp xét nghiệm để chẩn đoán bệnh sùi mào gà; cũng như đánh giá mức độ bệnh, nguy cơ biến chứng. Thực hiện càng nhiều xét nghiệm thì đồng nghĩa với chi phí phải chi trả càng cao. Tuy nhiên, không phải ai cũng cần thực hiện nhiều phương pháp xét nghiệm cùng lúc. Tùy vào từng trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định những loại xét nghiệm cần thực hiện.
Nhằm giúp bạn đọc có thêm nhiều thông tin để lựa chọn cơ sở xét nghiệm uy tín, YouMed đã trình bày chi tiết các tiêu chí đánh giá sự uy tín của các cơ sở y tế và tổng hợp một vài nơi trong bài viết Xét nghiệm sùi mào gà ở đâu? Xét nghiệm sùi mào gà bao nhiêu tiền? Bạn đọc có thể tham khảo bài viết trên để có những lựa chọn phù hợp cho mình nhé!
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp những thông tin hữu ích cho bạn đọc về xét nghiệm sùi mào gà. Nếu có bất kì triệu chứng hay có các yếu tố nguy cơ nào liên quan đến bệnh lý này. Hãy đến ngay cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Quyết định 5185/QĐ-BYT 2021 hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sùi mào gàhttps://thuvienphapluat.vn/van-ban/The-thao-Y-te/Quyet-dinh-5185-QD-BYT-2021-huong-dan-chan-doan-va-dieu-tri-benh-Sui-mao-ga-494562.aspx
Ngày tham khảo: 20/11/2022
-
Genital Wartshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK441884/
Ngày tham khảo: 20/11/2022
-
Genital Wartshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3390234/
Ngày tham khảo: 20/11/2022
-
How Do I Know if I Have Genital Warts?https://www.webmd.com/sexual-conditions/hpv-genital-warts/genital-wart-symptoms-diagnosis
Ngày tham khảo: 20/11/2022
-
HPV Infection in Menhttps://www.webmd.com/sexual-conditions/hpv-genital-warts/hpv-virus-men
Ngày tham khảo: 20/11/2022
-
Human Papillomavirus (HPV) Workuphttps://emedicine.medscape.com/article/219110-workup
Ngày tham khảo: 20/11/2022